HÔM ẤY TÔI CŨNG KHÓC
Hơn bốn thập niên trước tôi là đọc giảng viên
được nhiều người mến mộ, không phải hô hào về dĩ vãng mà nói để quý
vị biết tôi đọc ngâm và nghe nhiều người khác đọc ngâm giảng kệ của
Đức Thầy không phải ít đâu. Có bài đọc rất nhiều lần vẫn không phát
sinh ý thức mới. Sau ba mươi tháng tư năm 1975, khoảng chừng ba mươi năm
trở lại đây tôi đọc và gần như mê bài HIẾN THÂN SÃI KHÓ” thi phẩm
nói lên trách nhiệm và bổn phận của Ngài, tổng cộng có 12 câu, thể
thơ thất ngôn tứ tuyệt, chia làm ba đoạn, mỗi đoạn bốn câu. Từ lâu tôi
rất thích đọc bốn câu sau cùng thế nầy:
“Phận tớ xác phàm tớ đã dưng,
Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng.
Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng”.
Tám câu thơ trước trong bài, mình đọc hay nghe
người khác đọc, lòng lân lân nhẹ, không đáng kể. Tháng chạp năm 2016,
mới đây, chúng tôi mời nhau đi viếng núi, cúng chùa trong ngày về. Lên
tới điểm cao cao của núi Bà Đội, nơi có võng treo rất nhiều cho
khách du sơn nằm nghỉ miễn phí. Những người lớn đã thấm mệt lâu, có
võng cho nằm sung sướng còn gì phải nói; vài vị nằm xuống một chút
là thiu thỉu. Chợt nghe giọng đọc ngâm giảng kệ của Đức Thầy phát
lên từ mấy cháu bé trong đoàn làm bừng tỉnh. Các trẻ mang theo hai
Mic không dây, cũng không có loa tiếp nguồn điện tử, chỉ trơ trọi cái
Mic mà phát tiếng lớn và trong ấm. Chúng dường như không biết mệt là
gì, thay phiên nhau đọc ngâm suốt. Mẹ của bé trai đi chung coi bộ cũng
thích, tiếp Míc đọc bài HIẾN THÂN SÃI KHÓ làm chạm lòng tôi cái
bài tôi thích. Sau hơn một vòng quay của các đọc giảng viên “nhí” thì
mẹ của nhí trai kêu nhí đọc thêm một bài. Nhí trai không chịu đọc. Mới
nảy nó hăng hái hơn các bạn sao giờ tắt đài ngang xương. Tôi độ, nhí
có vài bài thuộc lòng đã đem ra đọc hết, biểu thêm thì sao mà thêm
được. Ép quá cháu phải đọc lại bài của mẹ cháu vừa đọc HIẾN THÂN
SÃI KHÓ”. Cháu niệm Phật bắt đầu đọc ngâm:
“Bá nhựt thân nầy chịu nạn tai,
Cầu xin Phật Tổ vẽ tuồng hay.
Giúp cho kẻ khó qua bờ giác,
Trừ lũ yêu ma khuấy chọc Ngài.
*
Nhưng Ngài biến hóa ở Tây Phương,
Còn Sãi dấn thân cảnh đoạn trường.
Rưới giùm bá tánh bớt tai ương.
*
Phận tớ xác phàm tớ sẽ dưng,
Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng.
Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng.”
Tôi nghe thấy lòng dạ sốn sang quá đi! Sau câu
“Bá nhựt thân nầy chịu nạn tai” thì hai dòng nước mắt của cháu lăn
xuống gò má, trượt độp độp vào ống Mic, đôi má phính lúm đồng tiền
dễ thương hết còn lúm nổi. Trời Phật Ơi! (xin lỗi quý bạn đọc, cho
phép tôi kể lại sự xúc động đúng sự thật), óc ác nổi rần rần lên
mình tôi, mọi người trong đoàn đang nằm võng cũng bật ngồi dậy chăm
chú nhìn bé vừa khóc vừa đọc. Tôi cũng đang khóc nhưng gượng không
cho nước mắt chảy ra. Tôi khóc không phải vì thấy bé khóc mủi lòng
khóc theo, mà khóc cho tâm sự của mình đã nhạy cảm phát sinh ý thức
mới trong lời văn thơ hửu tình kỳ diệu, tôi cảm thấy thương Thầy đến
ấm ức lòng.
Gặp chuyện xúc động đáng lẽ tôi phải hỏi
nguyên nhân nào cháu khóc nhưng xét thời giờ còn lại trong ngày quá
ít không cho phép tôi làm việc riêng với cháu. Dẩu sao tôi cũng cảm ơn
cháu thật nhiều vì giọt nước mắt của cháu tác động mạnh vào tim
tôi, tạo nhận thức mới, là đuốt thắp sáng lòng tôi về ý nghĩa của
bài Hiến thân sãi khó mà chưa bao giờ tôi nghĩ tới, chưa bao giờ tôi
khóc khi nghe ai đó đọc bài nầy. Nước mắt tôi cứ rịn cho đến khi nghe
câu “Nhưng Ngài biến hóa ở Tây Phương, còn Sãi dấn thân cảnh đoạn
trường”, cảm nhận được lời than thở của Đức Thầy, lòng nghe đau như cắt,
nước mắt của tôi muốn tháo chạy và tôi kịp thời ức chế kẻo tuổi
trẻ ở đây chê ông già mít ước.
Tôi về tới nhà, mặt trời đang độ lặn xuống
khỏi viền cây xa xăm. Công phu xong dù mệt mỏi tôi cũng rán lật quyển
Sám Giảng đọc dò bài HIẾN THÂN SÃI KHÓ để có may ra tháo gở những
vướng mắc lúc trưa làm tôi xúc động đến mềm lòng.
“Bá Nhựt Thân Nầy Chịu Nạn Tai”. Tôi hiểu
“bá Nhựt” là một trăm ngày, một trăm ngày chịu nạn tai và sự nạn
tai mà Đức Thầy phải chịu là do quyết lòng làm tròn bổn phận tớ:
trừ lũ yêu mà khuấy chọc Phật, giữ gìn chánh pháp của Phật Tổ cho
chúng sanh nương vào chánh pháp làm thuyền bè qua bờ giác ngạn.
Một trăm ngày, thắc mắc lắm, tôi lật tìm qua
những móc thời gian sáng tác thì thấy rằng Đức Thầy viết bài DIỆU
PHÁP QUANG MINH ngày 10-4- Canh thìn tại Hòa Hảo, qua hai ngày sau 12-4
nhà đương cuộc Pháp đến nhà Đức Ông triệt buộc Đức Thầy phải theo
họ và từ đó Ngài sống lưu cư rày đây mai đó qua sự kiểm soát của
họ. Ở Sa Đéc không đầy một tuần họ dời Đức Thầy đến làng Nhơn
Nghĩa Xà No, tại đây Đức Thầy viết
bài ĐẾN LÀNG NHƠN NGHĨA (Cần Thơ) tính ra thời gian chưa đầy ba tháng,
Đức Thầy biết sẽ bị dời đi nơi khác, Ngài viết trước bài TỪ GIẢ
LÀNG NHƠN NGHĨA vào ngày rằm tháng 6, tiếp theo là bài NGAO NGÁN
TÌNH ĐỜI (không đề ngày tháng sáng tác) thì bị dời về nhà thương
chợ quán, tại đây đêm 18-7 Canh Thìn 1940 Đức Thầy viết bài AI NGƯỜI
TRI KỶ. Tiếp theo Ngài viết bài SẮP MÀN CẢNH TRÍ rồi đến bài HIẾN
THÂN SÃI KHÓ chỉ để là năm Canh thìn không ghi ngày tháng sáng tác.
Tính từ ngày 12-4 Canh Thìn bị dời đi lưu cư
qua Sa Đéc, đến làng Nhơn Nghĩa và viết bài TỪ GIẢ LÀNG NHƠN NGHĨA
rằm tháng 6 Canh thìn để bị chuyển ra nhà thương chợ quán viết bài
AI NGƯỜI TRI KỶ 18-7có tổng cộng 96 (chín mươi sáu ngày) rồi qua bài
SẮP MÀN CẢNH TRÍ, HIẾN THÂN SÃI KHÓ dầu không đề ngày tháng nhưng ta
chắc chắn thời gian tính 96 mà lấp hai bài “sắp màn cảnh trí, hiến
thân sãi khó” nữa, đúng một trăm ngày, gọi “bá Nhựt” là không sai.
“Trừ lũ yêu ma khuấy chọc Ngài, nhưng Ngài
biến hóa ở Tây Phương, còn Sãi dấn thân cảnh đoạn trường”. Ôi đáng
thương đáng kính làm sao! Hiến thân sãi khó để trừ lũ yêu ma khuấy
chọc Phật, nhưng Phật đang ở cõi Tây Phương chứ đâu đây cho mà chọc,
chỉ có “SÃI” (Đức Thầy) dấn thân xuống chốn hồng trần bị lũ yêu ma
nhe nanh múa gút. Những cay đắng trong cuộc đời, đừng nói ít, cho dù
có bị đắng cay ngàn lần thì công cuộc chấn hưng Phật giáo cũng hoàn
thành “phải thi hành phận tớ cho xong”.
Nạn tai không chỉ một trăm ngày, Đức Thầy
đánh dấu móc thời gian tới “Năm năm trường xa cách” như Ngài đã viết
lời nói đầu cho quyển thứ sáu với tựa đề “NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN
BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN”. Một trăm ngày chịu nạn tai là bước đầu của
năm năm trường xã cách, đương giáo độ chúng sanh rần rộ đó thì bị
triệt buộc thay đổi nơi cư trú… Ngài đã nói trong bài SA ĐÉC như sau:
“Đành tách gót lìa quê-hương dã,
Ta cũng chẳng lấy chi buồn-bã,
Bởi sự thường của bực siêu-nhơn”
Và những câu:
“Tiếng sấm-sét bên tai xốc-xáo,
Cả muôn người ngơ-ngáo hỏi-han.
Nay thân Thầy cũng đặng bình-an,
Khuyên bốn-đạo đừng than lắm tiếng.
Tuy xa đường có lời luận-biện,
Bởi bút-thần bay luyện khắp nơi.”
Qua bút tích chứng minh trên, từ Đức Thầy
viết bài “Sa Đéc” đêm rằm tháng tư năm Canh Thìn cho biết Ngài đã tạm
xa cách tín đồ và diễn tả hôm Ngài bị Nguyễn Văn Lễ quận trưởng quận Tân Châu và chủ sở
mật thám BaZin buộc Đức Thầy theo họ tín đồ hiện diện trong nhà của
Đức Ông hằng mấy trăm người trông theo:
“Xe rồ xăng vụt chạy bải bươn,
Đến khuất dạng tình thương náo nức.
Khắp bá tánh chớ nên bực tức,
Bởi nạn tai vừa mới vấn vương.”
12 tháng tư cho đến rằm tháng tư
cách nhau ba hôm Ngài viết trấn an tinh thần mọi người thương lo cho
Thầy:
“Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,
Bởi sự thường của bậc siên nhơn”.
Nay thân Thầy cũng đặng bình an,
Khuyên bổn đạo đừng than lắm tiếng”
Đến nhà thương Chợ Quán, viết bài
HIẾN THÂN SÃI KHÓ đánh dấu một trăm ngày Thầy Tớ chia xa, cũng là
một trăm ngày Đức Thầy chịu nạn tai của giặc ngoại tham tàn.
11/1/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét