Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

NIỆM PHẬT HAY NIỆM TIẾP DẪN VONG LINH?

Kính thưa chư quý đồng đạo có mặt trong buổi tao ngộ hôm nay! Để trả lời câu hỏi niệm Phật hay niệm tiếp dẫn vong linh đối với người vừa lâm chung; theo tôi, đối với bệnh nhân mà mình đến hộ niệm, lúc họ còn sống thì niệm Nam Mô A Di Đà Phật, khi chết, niệm bài Tây Phương Tiếp Dẫn vong linh liền theo.
- Thưa chú, niệm bài Tây Phương tiếp dẫn bao lâu thì mới ngưng nghỉ?
- Có khả năng nên niệm suốt cho đến khi chấm dứt lễ an táng.
- Như vậy có phù hợp không trong khi Đức Thầy dạy lễ tang là “Nếu có tổ chức sắp hàng chắp tay niệm “Nam-Mô tây-phương Cực-Lạc thế-giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi tiếp-dẫn vong-linh A Di Đà Phật”.
- Ý đồng đạo muốn nói niệm tiếp dẫn vong linh chỉ trong tổ chức lễ tang thôi sao?
- Dạ
Trích đọc như vậy là thiếu và vô tình khiến văn ý đứng về một bên; chỉ niệm bài tây phương tiếp dẫn lúc sắp hàng đưa đám tang ra phần mộ còn cụm từ “trong lúc ở nhà” làm gì quý vị không nhắc tới? Sao quý vị chận khúc một đoạn văn dính liền để biến ý nghĩa khác đi như thể nói: lúc còn ở nhà là niệm Nam Mô A Di Đà Phật, khi nào sắp hàng đi đưa đám tang thì mới đọc bài tây phương tiếp dẫn. Tôi xin lỗi đồng đạo, ở đây không phải bắt bẻ, nhưng từ lúc chết cho đến tiến hành lễ an táng thì khoảng tróng đó ta làm ơn gì cho người vừa mãn kiếp hồng trần?
- Niệm Phật A Di Đà hồi hướng công đức cho người quá cố.
Chắc có công đức sao? Trong khi các vị chứng đạo đang ở hàng tiếp dẫn có vô lượng công đức thì ta lại không niệm cầu. Do trình độ giác ngộ không đồng mà mỗi người có mỗi ý nghĩ. Riêng tôi, căn cứ theo đoạn văn “trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang vì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chắp tay niệm” thì cụm từ “trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang vì cũng vậy” có tính bao quát là phải niệm bài tiếp dẫn tây phương. Nếu ta giành riêng cho niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà không niệm bài Tây Phương tiếp dẫn từ “trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang” tức ta đã loại bỏ cụm từ “trong lúc ở tại nhà” ra khỏi sự mời kính chư Phật tiếp dẫn vong linh sao?
Còn nói, niệm Phật A Di Đà để hồi hướng công đức cho người lâm chung, điều nầy thực sự tôi chưa đọc thấy câu chỉ dạy nào trong giáo lý PGHH. Chúng ta đọc qua nhiều luận giải của các vị tôn sư nói về công đức ta chưa đạt, do vọng động mà phát sinh tính mơ hồ riết trở thành thói quen trong khi ta chưa hiểu rỏ thế nào là công đức. Xưa việc cất chùa độ tăng của Lương Võ Đế để khắp nước tu hành, Bồ Đề Đạt Ma từ bên Tây Thiên Trúc đến với chính sử là tổ Sư thứ hai mươi tám thiền tông Phật Giáo sang Trung Quốc dạy đạo thiền. Vua hỏi Bồ Đề Đạt Ma rằng, trẩm cho cất chùa giúp tăng độ chúng có công đức nhiều không, tổ sư trả lời là không có công đức trong những việc làm ấy.
Điều nầy khiến ta thấy, công đức là ở chỗ tịnh tâm, tu pháp môn niệm Phật hay bất cứ pháp môn nào cũng phải “tâm bình tịnh được thì phát huệ”, sanh ra công đức. Ở niệm Phật gọi là nhứt tâm bất loạn, chứ niệm Phật mà vọng niệm ào ào, thuyền lòng chao đảo, lăng xăng ý nọ việc kia, công đức có đâu mà nói là hồi hướng công đức.
Xét ra, hành giả đang tu tập môn công đức là đang trên đường tiến thân, còn ở độ chắc chiu gầy dựng, thành đạt chỉ là chút ít và có vẻ mơ hồ trừu tượng nữa là khác. Huống chi các vị trên trước trong bài nguyện đã hoàn mãn sự tu, chứng đắc đạo quả như các vị ở “Tây-phương Cực-Lạc thế-giới… cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu…” Đức Thầy dạy cho ta nguyện vái đến những bậc đều đã đắc đạo có vô lượng công đức. Lấy mình niệm Phật hồi hướng công đức mà không đọc nguyện các Phật trong bài tây phương tiếp dẫn nói trên là một tính toán sai.
- Cám ơn chú vạch trần ra sự thật, cháu rất vui vì nhờ chú mà thoát khỏi sự sai lầm nông nổi nầy. Chú có thể giải thích về ý nghĩa của việc Niệm Phật và niệm Tây Phương tiếp dẫn không ạ?
- Được. Trước hết ta nói về Niệm Lục Tự Di Đà nhá. Niệm Phật luôn luôn với tư cách của hành giả đang trên đường về Tây Phương; đối với bệnh nhân trước giờ có là hành giả hay không mà được thân nhân của họ mời đến hộ niệm ta đều niệm Phật như nhau. Nếu gặp bệnh nhân không là hành giả ( tức chưa tu) pháp môn niệm Phật thì ta niệm Phật như thể khuyến khích họ tu, bắt đầu làm hành giả, phát tâm tín, nguyện, hạnh mà niệm Phật theo tiếng niệm của người hộ niệm, tâm bất thối chuyển về pháp môn, luôn niệm đến ngay giờ phút lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh Độ. Đối với bệnh nhân đã là hành giả từ lâu, do một phần không siêng tu niệm để giữ chánh tâm, tà tâm huy hiếp cộng thêm nợ tiền khiên oan trái đeo đòi. Không siêng tu thì đường về Phật cứ bị đứt rồi nối, nối lại thì chóng đứt nữa, khoảng thời gian nối ít hơn khoảng thời gian đứt, tạo kẻ hở to và nhiều thì vọng tâm tràn vào, lớp thì đau nhức ùa tới, nghiệp báo nhảy vào đòi nợ, đau nhức thê lương, bị đau làm quẩn trí, vọng niệm về chết chóc buộc ràng không còn nhớ niệm Phật. Lộ đồ về Tây Phương đã mất thì chết chỉ còn là đi xuống chứ không có cửa đi lên. Ta đến hộ niệm cho đồng đạo là niệm Phật ra tiếng để đánh thức hành giả bệnh nhân đương lúc quên Phật thì nhớ lại tự niệm, quên mất lộ đồ liền tìm lại lộ đồ. Niệm Phật, bước đi trên đường về cõi Tây Phương trải qua mười muôn ức Phật độ, hành giả phải đến đó bằng đôi chân của chính mình.
Trong khi bệnh nhân từ biệt cõi đời không còn khả năng niệm Phật ta ở đó mà hộ niệm cho họ là hành trễ đò. Âm dương chia cách, người ở cõi âm đâu còn nghe thấy ta niệm Phật mà niệm theo. Họ hết khả năng tự độ nên Đức Thầy dạy cầu tha độ, chư Phật đồng danh đồng hiệu tiếp dẫn vong linh về miền Cực-Lạc, ở trong thai sen hằng ngày nghe pháp Phật mà tu thêm như Đức Thầy nói “Về Tây Phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh” chẳng phải quá hay rồi sao?
Bệnh nhân đã tử biệt mà nói là mình niệm Phật cho bệnh nhân nghe thì khó ơi là khó lại còn không chắc, sao ta không tìm đường dễ đi chắc ăn hơn bằng nghe lời dạy của Đức Thầy đọc Tây phương tiếp dẫn. Quý vị đọc nghe ngữ lục của các vị cổ đức nói là phải niệm Phật như vậy, nhưng ta đã quy y PGHH thì phải tu theo sự hướng dẫn của Đức Thầy, vì Ngài là Phật từ cõi Cực Lạc lâm phàm như Sám Giảng có câu:
“Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo ta truyền dạy”.
Và Ngài nhắc nhở cho nhớ:
“Tìm Cực Lạc đây rành đường ngõ”
Quy y PGHH, đối trước một nhà dìu dắt rành đường về cõi Tây phương nói sao ta lại không nghe? Quy y mà không nghe giáo lý dạy khiến cho đồng đạo khó nghĩ về mình. Như tôi nói lúc nảy, người nào niệm Phật thì người đó là hành giả, hộ niệm giúp hành giả bệnh nhân là được, nhưng khi bệnh nhân từ biệt cõi trần thì hộ niệm bằng trì danh niệm phật cho người vừa lâm chung không còn ý nghĩa. Ta hãy quay sang niệm Tây phương tiếp dẫn bằng hoàn toàn nhờ vào tha lực cứu độ của các Phật đồng danh đồng hiệu, ý nghĩa không phải đã quá rõ ràng rồi sao.

01/11/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét