LÝ
PHẢI CÓ SỰ NỮA
Kính thưa chư huynh đệ! Hôm nay chúng
ta bàn qua đề tài “Lý Phải có sự nữa”.Trong đạo Phật ta thường nghe
nói hay đọc thấy câu “Lý sự viên dung”, tức nói ra một điều gì cần
phải có sự chứng minh. Đức Phật thuyết nhiều pháp để độ chúng bằng
lý, ta là người trong chúng đó học nghe giáo pháp của Ngài hiểu lý,
hãy tự độ bằng sự, nếu nghe hiểu suôn không tự độ mà mong Phật độ
là khó được. Mình học nhiều pháp, lý luận cao vời cũng phải có “ sự
” nữa để làm thước đo bảo đảm tính Học Phật có kết quả tốt về sự
cao vời ấy. Trước tiên của người học đạo là tìm cho ra, nhận thức cái
lý, như Đức Thầy dạy:
“Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,
Câu huyền sâu của kẻ khùng nầy”.
Khi đã học hỏi đạo pháp, hiểu lý
không phải để thưởng thức cái thông minh của mình cho sướng, tự đắc,
khoe khoan mà hiểu lý để hành sự. Xin trích tiếp lời dạy của Đức
Thầy:
“Coi rồi phải thân mình tự trị,
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”.
Xem Kinh Phật, Giảng Thầy, đã hiểu nghĩa
lý thì phải hành cho tới cái lý mình đã học hiểu. Ví như người đã
có trong tay tấm bản đồ kho báu, coi theo bản đồ hướng dẫn tìm kho
báu thì phải coi theo sự hướng dẫn trong tấm bảng đồ mà nổ lực. Tìm
được kho báu mới thực sự có của báu chứ nghĩ về kho báu, trong tay
có bản đồ kho báu mà tưởng là kho báu chỉ là ảo tưởng, ảo giác.
Từ ảo tưởng về kho báu, để chứa lâu mà vui với lý lẽ về kho báu, tự
mãn, cho rằng có bản đồ kho báu chính là kho báu thì tấm bản đồ
nắm trong tay không còn ý nghĩa gì nữa, nó chỉ là mảnh giấy, cái
thứ ăn uống không được. Trong giấy nói rất nhiều thứ đồ ăn ngon mà
bụng cứ bị treo đói.
Chúng ta trở lại với lời dạy của
Đức Thầy, Ngài đặt vấn đề người tu là “Tự Trị” ngay sau khi đã được
giáo lý (tấm bản đồ học phật) hướng dẫn chính xác. Thế nào là tự
trị ? Ví dụ trong nhà mình, con, em làm giặc, làm gian, cần phải trị
những đứa làm giặc làm gian cho trong nhà yên ổn. Chuyện trong nhà
mình cần gì phải nhờ người ngoài (cảnh sát). Cái bị trị là của nhà
ta thì ta rán mà dằn xếp, điều trị bằng những phương pháp, hơn nữa
là biện pháp chứ đâu hễ trong nhà nổi ra chuyện là cứ đi kêu cảnh
sát. Ta tu được hay không là do phiền não, nói theo Đức Thầy là “vọng
niệm chúng sanh”, nó ở trong ta. Nếu ta vì vô minh tràn ngập cõi lòng
không hay phiền não lấn sân thì có Đức Phật là người tu hành đắc
đạo ra khỏi vô minh nói cho ta hay, dạy cho ta biết hết mặt mày và
tánh tình của mỗi tên giặc phiền não thì ta phải tự xử.
Người khác không phải là ta nên
không thể trị được cái của ta, chỉ có ta mới trị được ta thôi. Ta sợ
bị dính vào nhân quả trả vay, muốn làm thiện để hưởng phước nhưng
lẻo đẻo bị chúng ác rủ ren đến đổi làm ác rồi mới hay thì quá là
muộn màng, những ác nầy phải tự trị. Ta muốn được niệm Phật nhưng
niệm ma cứ theo rập rình chờ sơ hở nó nhập vai không hay, cám dỗ
không biết, phải tự trị để không sơ hở. Hãy tăng cường sự niệm Phật
không cho kẻ hở để không sơ hở. Đức Thầy có câu khuyến dạy, chúng ta
nhờ vào đó mà tự đánh thức mình:
“Lũ Tam Bành trong bụng còn đeo
Đoàn Lục-Tặc ta mau sớm giết.
Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc-không”.
Hiểu biết Tam bành Lục Tặc với cả
hình dáng của nó là của ta đeo mang “còn đeo” thì nên hành sự, dẹp những tên đeo cản để
trên đường thượng lộ bình an. Như thế, trước khi cầu Phật độ việc tự
độ gần xong; nếu ta siêng năng trong việc tự độ thì cầu tha độ mới
có linh ứng.
Đạo Phật luôn coi Nhân Quả là điều
tối quan trọng, nếu không gieo thiện nhân mà đòi có thiện quả là
không hợp lý, không có người nấu gạo làm gì có chuyện thành cơm.
Người làm ruộng ít ra phải theo đuổi nghề nghiệp trở thành nghề
chuyên môn, siêng năng thì đồng nghiệp mới giúp vốn hay ý kiến, chớ
còn người chủ không làm hay chỉ làm lấy có, gượng gạo thôi thì
những giúp ý của bạn đồng nghiệp trở nên vô dụng.
Ngày nay, người học đạo có quá
nhiều người chấp lý bỏ sự, cái bệnh thời đại nó gần như lan tràn.
Không nói chi sâu xa, ngay cả sự công phu sớm chiều của người tín đồ
PGHH mà nhiều người chấp cái lý “Phật trong tâm” không cần lạy cầu
Phật bên ngoài. Giảng Đức Thầy sờ sờ ra đó mà họ bác bỏ, chỉ nói
Phật trong tâm thôi, cúng nguyện cầu Phật là bên ngoài, tu bề ngoài. Nếu
bỏ hành sự bên ngoài, bỏ tu bề ngoài thì đạo Phật từ xưa đến nay
cất Chùa, Tịnh Xá, niệm Phật Đường để làm gì và hành giả lấy đâu
ra bằng chứng là người tu?
Chẳng qua là ngộ nhận cái lý trong
kinh Phật dạy phá sự tướng có
tu. Phá sự tướng không có nghĩa là không có sự tướng tu mà là hành
không chấp tướng hành, tu không chấp tướng tu.
Người Phật tử, ai cũng biết Đức
Phật thuyết có nhiều Kinh Pháp nhưng Ngài đọc Kệ nói là không có gì
hết “Từ khi mới thành đạo, đến lúc nhập Niết Bàn, trong khoảng thời
gian nầy, ta không nói một chữ”. Nếu chỉ đọc tắc ngang không có đầu,
tất nhiên sẽ phải công nhận bài Kệ Phật bảo “Không nói một chữ” là
đúng. Nhưng trên lịch sử đạo Phật, Đức Phật trụ thế bốn mươi chín
năm với ngũ thời thuyết pháp là có thật thì đâu thể cho ta có suy
nghĩ là Phật không nói một lời nào. Nhưng tại sao Đức Phật từ chối
việc Ngài thuyết Pháp? Pháp do nhân duyên mà có để đối trị những
bệnh tâm lý và tội chướng, có chúng sanh bệnh đó thì Đức Phật mới
thuyết pháp đó để trị bệnh. Phật thuyết pháp e chúng sanh chấp pháp
nên nói câu phá chấp để chúng sanh đang tu đừng mang tính tự đắc pháp
môn. Mang tính tự đắc là trạng thái động tâm mà việc tu hành thì
tịnh tâm mới phù hợp, như Đức Thầy bảo “Tâm bịnh tịnh được thì phát
huệ”. Nói rõ ra, Đức Phật dạy làm mà không chấp chứ chẳng phải dạy
chấp không làm nhưng ngày nay, cái bệnh chấp không làm mọc ra quá
nhiều.
Kinh Bát Nhả Ba La Mật Đức Phật
dạy tu cho hàng Bồ Tát, tập sự Bồ Tát phải đi trên sáu thuyền để
độ mình độ người. Sáu chiếc thuyền ấy là Bố Thí Ba la Mật, Trì
Giới ba La Mật, Nhẫn Nục Ba La Mật, Tinh Tấn Ba la Mật, Thiền Định Ba
La mật và Trí Huệ Ba La mật. Đức Phật nói rằng, Bồ Tát mà không
hành thiện sự bằng sáu Ba La mật sẽ là ma sự của Bồ Tát.
Cái bệnh chấp lý bỏ sự, họ cũng
tín đồ PGHH, gần như có một số tuyệt đối không cúng lạy, có số
người làm biếng mà dựa lý “Phật trong tâm” họ cho việc cúng nguyện
không phải là điều quan trọng trong sự tu hành, họ “Rớ” được câu”
Cúng lạy là điều phụ thuộc” nên siêng vui thì cúng, làm biếng là
thôi. Nhưng đâu chịu mình làm biếng, bào chửa…
Nhờ có sự tu để không làm ma sự của Bồ Tát, nhờ có sự để có tôn giáo, Chùa, Thiện
Viện, Tu viện, ai đạo, ai đời, có pháp của Phật khác hơn pháp thế
gian, nhờ có sự để người ta
nhận định đó là thiện hay ác, tà chánh, tốt xấu, ai là con có hiếu
và bất hiếu chứ nói cái tâm không hoài hoài mà không làm chút công
nào với Phật, chút thiện sự nào với tha nhân, chút hạnh cách Phật
giáo nào cho người đời, nói tu là tu cái gì chứ? Phật trong tâm mà
hành động ngược lại không biểu hiện một chút Phật sự, bị cám dỗ
muốn đần độn người mà cũng nói Phật trong tâm, bị vật chất ve vản
không ra được cũng luôn mồm nói tự do tự tại, sắp đổ nát sự tu mà
cũng bỏ sự, đem lý ra bào chữa.
Người tu học Phật pháp đều biết
thân mình có ba nghiệp chướng: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp;
ý nghiệp thuộc tâm, ý của họ nghĩ gì ta không biết, họ “động” ầm
ầm cũng nói dối là “ tịnh” nhưng thân nghiệp và khẩu nghiệp nó bên
ngoài: Lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ; sát sanh, đạo tặc,
tà dâm đã và đang phạm phải mà nói cái lý giải thoát, có Phật
trong tâm nghe được sao? Sát sanh, đạo tặc, tà dâm nếu làm sao cho
chính tâm tư của bản thân người nói nghe thì chắc là họ cũng không
chịu. Nhưng họ sát sanh, đạo tặc, tàm dâm, thì tâm tư họ cũng chỡ
khẳm sát sanh, đạo tặc, tà dâm để cho bên ngoài luận giải thoát… Nói
lý giải thoát phải thể hiện sự giải thoát thì lý giải thoát mới
lên bậc là chánh lý, chơn lý, còn nói, đọc chữ trên giấy thì là
trên giấy nói chớ không phải là tiếng nói của lòng Phật trong chính
mình.
Theo trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật
thuyết về Tứ Vô Ngại Pháp Giới: Lý vô ngại pháp giới, sự vô ngại
pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới và sự sự vô ngại pháp giới.
Nếu ta đặt để hạnh tu ở chỗ sự vô
ngại pháp giới hay sự sự vô ngại pháp giới thì sự tướng tu hành
luôn luôn được vô ngại pháp giới. Sự tu mà đạt vô ngại pháp giới tất
nhiên đồng nghĩa với Phật trong tâm, không phải hay hơn sao?
Đức Thầy dùng từ khác hơn một
chút, Ngài không nói sự vô ngại pháp giới hay sự sự vô ngại pháp
giới, cũng nói về “ sự” nhưng là “Tịnh Sự”. Như quý vị cũng biết
trong bài dạy cách công phu tu tập hằng ngày, đối trước bàn thờ Phật,
ngoài bài phát nguyện quy y còn có năm câu nguyện mà đồng đạo thường
gọi là bài Tây Phương Ngũ Nguyện, trong đó câu nguyện thứ năm là câu
nguyện cho chính hành giả tu hành đến chỗ rốt ráo “ Tịnh Sự trí
huệ thông minh giai đắc đạo quả”. Tịnh
sự để có trí huệ thông minh giai đắc đạo quả, không đơn thuần là
tịnh trong việc làm đó mà còn tịnh luôn trong các sự, sự sự đều Tịnh Sự, đồng nghĩa với sự sự vô
ngại pháp giới của Hoa Nghiêm Kinh.
Hãy hành sự để đạt đến “Tịnh Sự”
chứ nói lý suôn thôi là thất bại lắm!
14/10/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét