Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

PHẬT LÀ GÌ?

Là tựa đề của một bài viết về Phật lý cao siêu, Đức Tôn Sư khai sáng PGHH, dạy chúng sanh tu hành theo Phật Đạo. Ngài tự vấn Phật Là Gì để giải thích giùm tín đồ trong đạo nói riêng, chúng sanh nói chung:
“Phật giả là giác giả, giác giả là tỉnh giả”.
Nhân dịp lễ cúng tuần ở một nhà đồng đạo, khách tham dự khá đông. Cúng xong, ban tổ chức mời khách ở dùng trà nước, nhân dịp nầy, trong số khách mời có người dựa theo bài Phật Là Gì đặt ra ba câu nghi vấn như sau:
Thế nào là Phật Giả?
Thế nào là Giác Giả?
Sao gọi là Tỉnh Giả?
Sau khi đưa ra ba câu hỏi vị nầy còn nói thêm rằng: Trân trọng mời chư huynh đệ hoan hỉ cho tôi xin học những cao kiến của quý vị qua sức hiểu biết về giáo pháp tối thượng nầy.
Nghe ba câu hỏi có ba chữ “ giả” xem rất mới mẻ trong làng nghi vấn, chừng như không ít người thể hiện tính vô cảm, không có biểu hiệu nắn nót đề tài. Vấn chủ kêu gọi sự hảo tâm của các vị cao minh, nhưng thời gian cứ lại trôi qua trong yên lặng một cách hoang phí. Từ lời mời lần thứ nhất cho đến lần thứ tư mới có một nam đồng đạo lên tiếng:
Kính thưa chư đồng đạo! Vì vấn chủ mời lâu mà không thấy huynh trưởng nào giơ cao tay, ngồi mà sót ruột. Thôi thì tôi bắt một nhịp cầu cho người sau đến còn hơn là để im lặng kéo dài, trong khi ở đây không phải đạo tràng niệm Phật để người ta áp dụng mặc niệm. Với câu “Đạo pháp vô biên sức người có hạng” tôi tự lượng hạng sức mình chưa chắc đã biết nên nói qua cái biết của một đạo huynh: Chữ “Giả” sau mỗi câu hỏi có ý nghĩa là “Vậy”.
- Cả ba chữ Giả đều là “ vậy” hết sao? Vấn chủ thắc mắc.
- Thưa phải.
- Thế thì Phật vậy, Giác vậy và Tỉnh vậy sao? Đơn giản quá!
- Như tôi đã nói: tự lượng sức mình là thiếu hiểu biết nên nói qua cái biết của một đạo huynh. Nếu như sự vay mượn của tôi đã làm cho vấn chủ chưa thỏa đáng thì xin mời Ông đưa ra lý giải của mình.
- Tôi thật sự không biết chớ không phải giả làm không biết để đùa cợt trên ý nghĩ của người khác. Giả mà là Vậy nốt thì rất khó tìm sự học hành trong đó. Nhưng thôi … có thể tôi thiếu hiểu biết về tính nhất như của câu giải đáp giản dị mà đầy đủ hơn những luận chứng của “nhiều người kinh sử lảu thông”. Tôi không phụ phàng, xin hãy để cho tương lai khi trình độ giác ngộ của tôi cao sâu hơn nữa biết đâu sẽ “Vén ngút mây mù”, còn giờ, mời huynh đệ thêm ý kiến vì khác tô điểm cho đề tài.
Bổng có một người trông rất lạ, chắc chắn không phải địa phương nhà hay những địa phương lân cận, trạc tuổi khoảng năm mươi, lên tiếng xin đóng góp đề tài. Ông nói:
Kính thưa quý bà con mình, người có tín ngưỡng đạo Phật, mỗi khi trình bày giáo lý trước số đông bà con tham dự, diễn giả thường mở đầu bằng câu khiêm nhượng “ Phật Pháp vô biên, sức người hửu hạng”. Nay tôi cũng xin được nói như thế trước khi giải đáp nghi vấn mà đề tài quá mức nhiệm sâu về giáo lý, mong có sự thông cảm của bà con và nhất là sự thông cảm của vị đạo huynh trình bày trước tôi cũng đã nói Phật Pháp vô biên, sức người có hạng” như tôi.
Sự khiêm nhượng cũng như dùng văn từ, giọng nói có vẻ thu hút khiến người ta ngóng nhìn và liền có sự thông cảm khi Ông đặt sự chú ý cho mọi người: đề tài quá mức nhiệm sâu về giáo lý  để họ chú tâm theo dõi và hoan hỉ những khuyết điểm nếu có. Ông nói:
Trước hết, theo sự học biết của tôi, thuộc về chữ nghĩa, thấy có hơi rắc rối về từ ngữ thì nên coi lại chính tả, bàn qua chính tả, văn phạm để lấy mực thước. tôi xin nêu rõ sự liên quan của “Đồng âm dị tự”. Theo quyễn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Dị của học giả Lê Ngọc Trụ, chữ “giả” ( Viết theo Đức Thầy ) có hết thảy là sáu chữ đồng âm dị tự xin kể ra như sau:
Dả: Dư dả
Dã: làm cho bớt chất độc, như dã rượu, dã thuốc. Đồng thời chữ Dã nầy còn có nghĩa “ Vậy” tiếng ở cuối câu.
Giả: không thật, đồng thời nói là “ kẻ” như diễn giả, học giả, hành giả…
Giã: đâm giã, giã gạo, giã thuốc, giã muối, chày giã cối…
Vả: sè bàn tay tát vào mặt người khác…
Vã: trong người toát ra: vã mồ hôi; vội vã, vồn vã…
Việt ngữ có sáu chữ giả như thế, ta thấy dị tự của chữ giả mà nghĩa là “ vậy” thì là “ Dã” nầy chứ không phải là chữ “ Giả” nầy, như Phật Giả, Giác Giả, Tỉnh Giả trong bài Phật Là Gì của Đức Thầy. Tôi xin trích vài đoạn Hán văn có chữ dã là vậy để chỉnh đối. Sách Trang Tử Tinh Hoa có câu:
“ Phong chi tích dã bất hậu, tắc kỳ phụ đại đực dã vô lực”.
Hoàng Thần Thuần dịch:
(sức gió không mạnh thì không đủ sức nâng đôi cánh chim Đại Bàng to lớn vậy)
“Trương Vi khư triếp thám mang phái quý chi đạo nhi vi thủ bị, tắc tất nhiếp giam đằng, cố cục quyết, thử thế tục chi sở vị trí dã”.
(Cách ngăn ngừa, cảnh giác bọn trộm cạy rương, móc túi, mở tủ là hãy cột chặt dây, khóa chặt ổ khóa, đây chính là một dạng thông minh của trần gian vậy)
Căn cứ theo chữ nghĩa, ở chỗ, chữ nào nghĩa nấy thì ta không thể giải thích lầm lộn GỈA thành ra DÃ được.
Đối với câu hỏi có ba chữ cùng thể loại “Giả” xin được hiểu là “ Kẻ”, ví dụ: Tác giả, học giả, hành giả, khán tính giả… thì theo sự nghiên cứu của tôi Phật Giả là người tu hành (hành giả) đã đi suốt đường dài từ bờ mê sang bến giác, suốt đường dài trùng trùng khổ ải của tấm thân tứ đại và tinh thần thì quá nhiều vọng động sai lầm và chuyển hóa những vọng động sai lầm thành chơn như lý tánh. Trước Phật Thích Ca đắc đạo, tại thế gian nầy không có Phật và trước khi thành Phật Ngài là một con người như bao nhiêu người khác cũng đi đứng nằm ngồi, nói năng ngủ nghỉ, ăn uống … các cái. Có điều hơn chúng ta, Ngài xuất thân đi tu từ vị trí đông cung thái tử nhưng không phải do vì Ngài là Thái tử mới tu thành Phật đạo. Đắc đạo là đi vào trạng thái định tâm của chính mình, bất cứ ai, giàu nghèo, có học, vô học mà tu siêng suốt là hành giả sẽ vào trạng thái định tâm, chứ không phải do đấng linh thiêng nào cho được. Thái tử xuất gia tu hành trên vùng núi tuyết của Ấn Độ, định tâm, Ngài chứng quả vô thượng bồ đề: Phật Giả là hành giả tu hành thành Phật.
Thế nào là giác giả?
Ta trở lại tựa đề Phật Là Gì làm ví dụ thì giác giả tức người tu đã đạt đến cảnh giới nội tâm hoàn toàn trong sáng, giác ngộ trước mọi thứ mọi chuyện, chung quy là vật chất và tinh thần. Vật chất hết còn đeo đắm, tinh thần lúc nào cũng như lúc nào đều trong sạch, vắng lặng, chính là chỗ mà Đức Thầy nói “ … Phá tan các làn sóng thị-dục lôi kéo vào những nẽo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết sự phàm trần…”. Ở một đoạn khác Đức Thầy diễn tả trạng thái của một vị Phật từ trên cõi “Tây phương Cực Lạc khùng ngồi tòa sen” lâm phàm độ chúng, Phật là “ Muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi-vị hưởng quả bồ-đề trường-thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng-trần đặng chịu cảnh chê khen”
Tâm tánh một màu thanh tịnh, như như sáng suốt. Tôi dùng từ hoàn toàn giác ngộ để nói rằng Phật nhìn đâu cũng như như sáng suốt, ở đâu cũng như như sáng suốt. Thế đã rõ nghĩa câu Phật giả là giác giả.
Sao gọi giác giả là tỉnh giả?
Chỉ cần giải thích tỉnh là đi ngược với mê. Mê là chúng sanh, tỉnh là Phật. Tỉnh giả là hành giả đã lột hết tám vạn bốn ngàn phiền não trần lao mây che, khiến vô minh không còn nữa, huệ nhựt lúc nào như lúc nào đều sáng tỏ. Tỉnh là mặt nổi của giác giả, biểu hiện sự tu chứng, dứt đi các nhiễm trược đọa sa, sống trong trần mà không dính nhiễm trần. Để diễn tả điều cao quí nầy tôi xin trích lời của Đức Thầy làm rõ ràng hơn về tỉnh giả :
“Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.
Trí toan gieo giống Bồ-Đề,
Kiếm người lương thiện dắt về Tây Phang.”
Tâm lìa cõi mê thì hành giả giác giả đương nhiên là tỉnh giả, là Phật, còn thị hiện ở trần gian để dùng đạo cứu đời, cho đời không nhiễm mùi đời, chấm hết con đường chúng sanh mê đắm, sang qua đường Phật tỏ sáng. Thế nên, sau khi viết giải thích Phật Là Gì Đức Thầy viết tiếp:
“Khi Đức Thích-Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ-đế độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung Đạo cho người hành theo”.
Tâm lìa cõi mê là từ đây không còn mê nữa. Lìa có nghĩa là cắt đứt, đứt lìa, lìa đời. Thân còn ở trần gian chỉ để dạy dỗ chúng sanh thoát mê khai ngộ, bỏ ác hành thiện, chính là lập thành câu giác giả là tỉnh giả.
Vừa ý rồi ! _ vấn chủ reo lên _ hay lắm, tôi hết thắc mắc. Xin cám ơn đạo huynh, người xa lạ !

17/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét