Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

CẦN TỰ DO

Thấy con Chim nhỏ dễ thương, nó bay đây bay đó vui chơi làm ta thích, mổ mổ nhánh lá cây, hót tiếng trầm bổng ngọt ngào như giọng hát mừng xuân. Nó vui làm ta vui lây nhưng thương quá, cũng có lúc ta hơi quá đáng, thấy nó mổ mổ bươi kiếm mà tưởng rằng nó đói và tiếng hót như tiếng kêu than đói tội nghiệp! Sợ nó đói, ta bắt thẩy nó vô chiếc lồng túm húm, đem cho nó một vùa gạo lúa và một lon nước sạch, để từ rày, chuyện ăn uống chim khỏi mắc bay tìm kiếm nơi đâu. Có ăn uống đầy đủ nhưng mất tự do, cái mà ai ai cũng cần.
Ta làm như vậy mà nói thương Chim chưa chắc đã đúng. Khi con người bị ràng buột mới biết sống tự do là điều cần thiết nhứt. Có người bảo: Không có tự do ở đó ăn vàng cũng không ham. Thế nhưng vẫn còn rơi rớt ít người chịu khổ vì ham ăn vàng, họ người có học đàng hoàn mà hành động như người vô học để được ở trong chiếc lồng mà ăn vàng cho thiên hạ cười chê, uổng kiếp !
Một quốc gia không có tự do dân chủ thì nhân dân trong nước đứng lên đòi tự do dân chủ, có tôn giáo mà không được tự do tôn giáo, các chức sắc tín đồ tôn giáo cũng phải kêu đòi. Trong kiếp sống con người hay các loài động vật khác, đâu đâu cũng muốn có tự do. Xin đừng bắt nhốt quan niệm sống của người ta trong lồng túm húm mà bảo cái lồng ấy tự do là quá ngược ngạo. Loài chim, Trời sanh ra cho nó bay lại nhốt không cho bay, nó ở trên cây cao mà bắt đè đầu nó xuống thấp còn nói thương nó là thiếu chứng thực. Thương Chim ta hãy để chim bay tự do, còn sợ nó đói tìm mồi không được thì ta hãy để thức ăn, nước uống ngoài chiếc lồng cho nó tự do bay đến ăn và bay đi.

Người tu độc thân chưa bị cột trói trong chiếc lồng Phu Thê tự do như con chim muốn bay đâu thì bay, nhưng nếu chưa nằm trong chiếc lồng Phu Thê mà để tâm ham thích chuyện ấy không sớm thì muộn cũng vào lồng. Ý thức ban đầu đã gợi lên lòng ta lập trường tu độc thân để gánh vác đạo pháp. Có lập trường thì nên bảo vệ lập trường để có tự do theo đuổi mục đích. Ta chỉ một thân ta thôi thì mọi việc ta tự làm chủ bản thân và tự giải quyết những khúc mắc trên đường đạo không bị ai tranh cản. Không vào phu thê là một lẽ, lòng phải ráo quảnh những ý tưởng tình dục là một lẽ khác, chỉ có Phật và Pháp của Phật là rất đáng để cho ta nương tựa, đề cao. Đã đem thân tu hành sao không nương tựa Phật Pháp mà nương tựa tình dục? Thảo nào Đức Thầy chẳng đặt ra câu hỏi:
“ Đã từng dựa kẻ nâu sồng
Cớ sao tâm trí còn tòng ngoại duyên”?
Có tu niệm Phật nhưng đầu óc không nương tựa Phật thì chắc chắn sẽ không về với Phật mà nương tựa tình dục thì nữa sau đắc đạo vợ chồng. Chim ơi là Chim! Hãy bay cao bay cao! Tung Cánh Chim Bằng:

Phiêu phiêu bay bổng chín từng mây,
Xòe cánh trùm che cả đất nầy.
Chọn lấy lòng Từ xây tổ ấm,
Lựa tâm bình đẳng cất xum vầy.
Nhà ma hay ỷ mình gian ác,
Cửa Phật nhu hòa đó với đây;
Chim đã bay cao đừng ngó xuống,
Vấn vương trần thế đếch ra Thầy.

Thầy tu phải đánh cuộc du phương,
Chẳng cớ để ma nó cúng dường.
Bay được cứ  bay lên nữa, nữa,
Đừng tu như thể giữ Vò Tương.
Ta Bà còn kẻ đang chìm đắm,
Tịnh Độ chưa về quyết dẫn đường;
Ở thế tung bay trên việc thế,
Lo gì chẳng Phật chốn Tây Phương.
Tục ngữ Á Rạp có câu “ Hôn nhơn như cái đồn bị vây, những người ở ngoài muốn vào trong còn những người ở trong thì muốn ra khỏi đó”. Hôn nhơn do tác nghiệp của đời trước mà đường tình duyên có khi hòa thuận yêu thương, có khi bất hòa vợ chồng thường hay sanh giặc, muốn tu tại gia cư sĩ cũng không được. Có những người tu độc thân lâu tưởng yên, ai vè lòng có kẻ hở, tình yêu đã chui vào kẻ hở đó không hay, nó làm chủ tình hình ra quyết định “Tu Quốc Vương” như Kim Cổ Kỳ Quan Ông Nguyễn văn Thới nói “ Tu quốc vương có vợ có chồng, sanh con đẻ cháu nối giồng Nam Bang”. Tính như vậy là tu xuống cấp, vì ta nguyện “Tu hành theo Phật Đạo”. PGHH là đạo Phật, ta đã cầu các vị từ Phật Tổ Phật Thầy cho đến Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư quan cựu thần… chứng minh cho mình quy y là quy y tu hiền theo Phật đạo. Trong bài nguyện quy y trước bàn thờ Phật ta đọc suốt đâu thấy câu nguyện tu quốc vương. Tại vì tu hành bê bối muốn có hôn nhơn, mượn câu tu quốc vương của Ông Ba điền vào cho đỡ thẹn.
Một số người tu độc thân bị té vào hôn nhơn, chịu cảnh “Đồn bị vây”, và hôn nhơn thì không mấy hạnh phúc, thấy những người ở ngoài đi lại tự do thì tiếc lắm mà đâu dễ thoát ra được. Cổ nhân bảo “Nhơn phiền ư thê tử, thê tử thậm ư lao ngục, lao ngục vi tán tích chi kỳ, thê tử vô viễn ly chi niệm”. Diễn lý: Người đau sầu vì cảnh vợ chồng sống không vừa lòng thuận ý thường hay cải vả to tiếng, con cái nói không nghe, ví như kẻ bị đày trong lao ngục, nhưng lao ngục còn có ngày phóng thích tù nhơn mà vợ chồng con cái nó cột buột là nhà tù mãi mãi, mãn phần chớ không mãn án, nó “ vô viễn ly chi niệm”.
Làm cha mẹ có con đến tuổi thành nhân muốn lo cho con nên duyên nên phận nhưng con cái không ham điều đó, chỉ ham tu thôi, thích sống đơn thân, không bị ràng buộc thì cha mẹ cũng đừng ham bồng cháu nội cháu ngoại mà ép con vào hôn sự, chưa chắc bồng cháu là hạnh phúc đâu. Trên đời biết bao nhiêu gia đình sống hòa hợp mà chừng có dâu hay có rể thì gia đình trở nên xào xáo lung tung, vướng vào khẩu nghiệp lưởng thiệt, ỷ ngôn,  ác khẩu, vọng ngữ ào ào.
Tôi nói đề tài “ Cần Tự Do” là nói riêng với chư huynh đệ tu độc thân mình nhá. Quý vị cũng biết, người được coi là Chiến Sĩ Anh Dũng, không phải được khen “Anh Dũng” thì liều chết lấy tiếng. Những chiến sĩ có bản lĩnh chiến trường, vị chỉ huy của họ muốn họ sống mãi để giúp đỡ đơn vị chủ lực mạnh thêm mạnh, chứ được khen mà vỗ ngực xưng danh, đứng dõng lưng trước tên, đạn ít bửa là giặc nó bắn chết ngắt cuộc đời, làm cho đấng chỉ huy tỏ lời than tiếc. Chẳng phải Đức Thầy đã than tiếc đó sao:
“Nước non đang thiếu anh tài
Tử thần vội cướp đưa ngay chầu Trời”.
Người tu, ta nguyện làm chiến Sĩ của Như Lai đánh giặc phiền não, Ngài không muốn cho chiến sĩ của Ngài chết ở chiến trường tình dục. Ngài phán quyết chung cho các chiến sĩ “ Dâm tâm bất trừ, trần lao bất khả xuất”, chỉ trong lòng suy nghĩ (dâm tâm) về chuyện ấy thôi còn vậy huống chi người chiến sĩ đã đi đến thành tựu hôn nhơn thì cái chết mà “Trần lao bất khả xuất” quá rõ ràng. Đức Thầy cũng cùng ý đó nên đã cảnh báo môn đồ “Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…, cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát ly ra được”.
Ta nghe câu “không thể nào thoát ly ra được” thì phải sợ mà tránh xa lực húc của nó. Đơn giản thôi, đừng gần lực húc thì có đâu cho mà húc. Đạo Phật ngày xưa rất nghiêm giới luật, nam nữ đâu có tu chung hay làm phật sự, từ thiện chung. Từ nguyên thỉ, đạo Phật có Tăng không có Ni, Di Mẩu của Phật Sĩ Đạt Ta đến trước Ngài khẩn cầu lắm mới được; nhưng phải ở riêng tu riêng. Ngày nay xa Phật, tới chỗ tu, đã là đạo tràng hay Niệm Phật Đường rồi mà cũng còn nam nữ lộn sộn. Sao không tổ chức đạo tràng nữ đạo tràng nam để phái nào tu theo phái đó? Nam Nữ trẻ tuổi mà gần gủi tu chung nhiều, e có ngày sẽ xảy ra chiến trận xáp lá cà. Tôi nói “ e” là khiêm nhượng như chưa có, nhưng thật sự thì đã có và có rất nhiều trận đánh xáp lá cà, chư huynh đệ biết mà !
Nghe lời Thầy dạy khi Ngài đã tỏ bày tâm sự với Ông ký Lục Ngọ:
“Đem thân mà rứt nợ trần
Nợ trần đâu khéo chần ngần chung ra.
Nhìn đời lụy muốn ứa xa
Thế gian đui tối nửa ma nửa người.
Muốn reo vang một tiếng cười,
Nhưng lòng chẳng nỡ khi người mê si.
Đâu thông pháp luật, Từ Bi,
Gán cho Tăng Sĩ làm chi sự đời.”
Đức Thầy đến ngụ nhà Ông Ký Giỏi là bị đến bởi quyền quyết định của quân Pháp. Ông Ký có cô con gái xinh xắn đã hứa tác hợp lương duyên cho con trai Ông Ký Lục Ngọ. Chờ ngày đám cưới bổng đâu vị tiểu thư nầy đổi ý từ hôn, nên Đức Thầy bị bên đàng trai nghi là làm cản trở cuộc hôn nhơn. Trong bài đề tựa là “Cảm Tác” có câu “Đem thân mà rứt nợ trần, nợ trần đâu khéo chần ngần chung ra… Gán cho Tăng-Sĩ làm chi sự đời”. Ngài thị hiện “rứt nợ trần” cho chính Ngài, đồng thời còn treo gương rứt nợ trần cho bước tiền đồ Phật Giáo. Ngài là vị Giáo Chủ một tôn giáo, có hàng vạn triệu người thương kính mà chuyện có chút vậy chẳng dính vào đâu còn bị phía nhà Ông Ký Lục Ngọ đàm tiếu xa gần, huống chi chúng ta là môn nhơn tín đồ không có sự thương kính đến vạn triệu như Ngài mà nam nữ đến gần nhau vì thích thì thị phi đến cỡ nào nữa?
Quý huynh đệ ơi! dang nắng dầm mưa, ra sương gió nhiều dễ hay bệnh lắm. Cái gì làm cho tâm ta dễ hay sanh bệnh thì ta biết rồi. Biết những món ăn uống đó là đồ độc địa thì thôi đừng ăn là tốt hơn. Xin đừng nói cứ ăn cho đả miệng rồi uống thuốc giã độc; đi rong cho đã rồi ít bửa về tịnh tu lấy lại. Uống thuốc giã độc tất nhiên là có độc vào mình, đáng lý ra ta phải làm cách nào cho thuốc độc không vào mình để không tốn thuốc; tịnh tu đâu phải dễ mà nói đi rong cho đã ít bửa về tịnh tu lấy lại? Nói chuyện bằng chơi! Nếu ngày nào chất độc cắm sâu vào lục phủ ngũ tạng, nó phá banh các tạng thì thuốc giã độc sẽ không còn tác dụng nữa đâu. Đừng tin tưởng thuốc giã độc là thần dược. Thay vì giã độc ta cố gắng ngăn ngừa không cho độc vào mình sẽ chắc ăn hơn.
Như Chim Đại Bàng bay cao bay cao, xin đừng ngó xuống, đừng quay đầu nhìn  lại cho vấn vương trần thế; ở thế mà TỰ DO, tung bay trên việc thế mới chính là Chiến sĩ của Đức Như Lai.
29/7/2016





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét