Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

NGÂM GIẢNG LÚC CẦU NGUYỆN

Tôi vừa xếp xong chiếc áo choàng cúng, chưa kịp để vào bị xách tay, phía sau lưng có câu hỏi giộng vào tai tôi:
- Bà con đây người ta rất chịu nghe giọng đọc giảng của chú tư, sao nảy yêu cầu mà chú không đọc?
Tôi quay lại tìm người đặt ra câu hỏi, thấy là một nam đồng đạo trẻ tuổi, nét mặt quen quen, dường như có gặp nhau đâu đó, tôi hỏi:
- Cháu vừa nói phải không?
- Dạ phải.
- Chuyện qua rồi, để cho nó qua đi!
- Để cho qua cũng được _ cháu ấy nói _ nhưng nếu chú không trình bày rõ nguyên nhân cho đồng đạo đây biết thì chú sẽ bị mời hoài đó, cho mặc sức mà bận rộn.
Tôi từ xứ xa đến đâu phải người địa phương dễ gặp mà mời hoài, nhưng nghe nói như lời hăm dọa mà lặng thinh đi về làm tôi cảm thấy lo lo mất duyên với đồng đạo. Phải chữa thôi. Ban tổ chức mời tôi ngồi bàn giữa những bàn chung quanh thì một nữ đồng đạo lớn tuổi phát lên lời tiếc uổng:
- Xin chào anh Lê Minh Triết. Từ lâu tôi nghe anh đọc giảng trong băng đĩa, tuy chưa một lần gặp mặt mà lòng thì đã ngưỡng mộ. Nay bổng nghe người hướng dẫn chương trình cầu nguyện nhắc đúng tên họ của anh, tên họ của một người mà tôi rất muốn biết mặt, nghe tiếng, bằng sự hiện diện chứ không phải trong băng đĩa nữa. Nhưng đã bị anh từ chối khiến tôi thất vọng vô cùng. Anh có thể trả lời vì sao hôm nay anh từ chối yêu cầu đọc giảng không ạ ?
Sau lời phát biểu của nữ đồng đạo lớn tuổi nói trên, tôi liếc mắt qua những bàn chung quanh thấy rất nhiều người hướng mặt về tôi, với thái độ đó mà biết rằng, họ mong tôi cất giọng.
- Tôi xin chào quý đồng đạo. Cám ơn lòng ngưỡng mộ của cô thứ mấy đó ơi ! Trước khi giải bày vì sao tôi không đáp ứng yêu cầu của quý vị, xin cho phép tôi điều chỉnh câu nói của cô thứ mấy đó đã phát biểu “Anh có thể trả lời vì sao hôm nay anh từ chối yêu cầu đọc giảng không? Nói hôm nay là chỉ dấu suốt ngày. Tôi không phải từ chối suốt ngày mà chỉ từ chối ngay trong thời điểm dành cho cầu nguyện.
- Vậy giờ chẳng phải chúng ta đã cầu nguyện xong hết rồi sao? Để chứng minh anh không từ chối suốt ngày thì anh làm gì ? Anh thấy có đông bà con cầu nguyện xong còn ngồi đây là người ta muốn ở nghe anh đọc ngâm kệ giảng.
- Xin cám ơn sự ưu ái mà quý đồng đạo nơi đây đã dành cho. Tôi hứa nhưng hãy cho tôi giải bày xong cái đã.
Có vài giọng nam nhân hô lên:
- Chúng tôi đồng ý.
- Cám ơn nhiều nhá! Xin thưa cùng quý vị, Không ngâm giảng cho quý vị nghe tôi biết rất có thể dẫn đến phiền phức của người hâm mộ, nhưng nếu nói ra nguyên nhân tôi không ngâm giảng chắc sẽ gặp phiền phức nhiều hơn.
- Con yêu cầu chú nói, hứa không buồn phiền.
- Quá tốt, cô vì đó có tán đồng ý kiến với chú trai trẻ nầy chứ?
- Dạ tán đồng.
- Tôi nói nha! Sở dỉ tôi không ngâm giảng theo yêu cầu của những người hâm mộ vì nó không nhằm vào chỗ đọc giảng.
Tôi nói dứt câu, hội trường im lặng bổng ré lên nhiều tiếng xù xì.
- Thưa chú _ người tai trẻ nói _ đọc giảng của Đức Thầy thuộc về tự do tín ngưỡng, muốn đọc chỗ nào là đọc sao lại gò bó đúng chỗ mới được?
Cháu ơi, về tín ngưỡng tôn giáo nó một câu gồm hai vế: tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Cháu chỉ mới có một vế thôi là tự đắc mà làm thì sẽ bị vi phạm vào tự do không tín ngưỡng của người khác. Á quên! Nói như vầy là mình theo luật của nhà nước về tự do tôn giáo mất rồi còn gì. Thật ra luật về tự do tôn giáo đã có từ xa xưa trước khi có nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Có điều hồi xưa đó nói về tự do tôn giáo thôi chứ không nói đến tự do không tôn giáo, bởi vì tự do không tôn giáo là chuyện đương nhiên đâu cần phải bàn chi cho rườm rà. Trở lại vấn đề, nếu cháu nói tự do tín ngưỡng muốn đọc giảng đâu cũng được, vậy thì cháu có thể đến văn phòng ủy ban nhân dân huyện, xã đọc được chứ?
- Dạ, điều nầy là không được. Chú so đo như vậy có quá đáng không?
- Thì cũng chính cháu nói đó thôi, tự do tín ngưỡng muốn đọc giảng ở đâu thì đọc.
- Chỗ chú cáp là Đời, chỗ con nói là đạo, bằng chứng là bà con đây đều là đạo, đọc giảng tức là nói đạo cho người đạo nghe không phải quá đúng rồi sao?
- Nếu cháu phân biệt chỗ đời chỗ đạo thì cháu cũng nên phân biệt chỗ dành cho cuộc cầu nguyện và chỗ không phải nơi cầu nguyện. Vui vẻ nhá ! Trung thực mà nói đi, chỗ cầu nguyện người ta cần gì nào? Cần Chánh Niệm chứ gì? Bởi Chánh Niệm mới đưa hành giả sang qua Tịnh Độ. Đọc giảng chẳng những nó không liên quan tốt cho Chánh Niệm mà còn làm cho Chánh Niệm bị mất. Đọc ngâm giảng để “tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo” nó thuộc Chánh Tư Duy bởi vì nó đang vận động đầu óc “tìm hiểu nghĩa”.Chính Ông xướng ngôn hướng dẫn chương trình cầu nguyện cũng đã “Móc Bửu Bối” nói chận đầu trước:
“Thứ bảy chánh niệm vậy thì,
khi cầu khi nguyện chuyện gì thành tâm”,
“Tây phương tuy ở cõi xa
Thành tâm thì có Phật mà đáo lai”.
Móc bửu bối ra khuyên là đã xác định được chính vị của CHÁNH NIỆM, nói khuyên khi cầu nguyện phải ở trong chánh niệm nhưng Ông không trụ vào ấy mà chạy tuốt qua chánh tư duy. Chánh niệm và Chánh Tư Duy là hai trong tám đường chánh Đức Phật chứng đắc, được Đức Thầy giải thích như sau:
Chánh tư Duy: Tư tưởng chơn chánh.
Chánh Niệm: Ghi nhớ sự chân chánh.
Tư Tưởng và ghi nhớ là hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Tư tưởng là nơi phát sinh suy nghĩ, vì sợ suy nghĩ dại tà nên Đức Phật dạy hành giả suy nghĩ chơn chánh, đặt tên là chánh tư duy. Chánh Niệm là ghi nhớ sự chân chánh, ghi nhớ Nam Mô  A Di Đà Phật là Nam Mô A Di Đà Phật không cần suy nghĩ vì hết, câu niệm mới nhập tâm. Cầu nguyện “Nam Mô … nay con thành tâm cầu nguyện …” Thành tâm để đi vào chánh tâm, chánh niệm; hãy lưu dẫn nguồn chánh niệm giải quyết vãng sanh “Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc” đâu phải là lúc suy nghĩ chơn chánh mà đọc giảng cho nghe.
Tổ chức cầu nguyện nào người ta cũng hy vọng được Đức Phật cứu độ vong linh thân nhân mình và họ cũng biết luôn: muốn được Đức Phật cứu độ thì sự cầu nguyện phải vào chánh niệm mới có kết quả. Nếu cầu nguyện không đem đến kết quả là biết rằng trong lúc cầu nguyện cho người chết hành giả nguyện không nhứt tâm, không vào chánh niệm.
Trong thế giới của những người biết tu hành họ rất sợ bị vọng niệm vì trong lúc nguyện mà nghe hay thấy những điều khác là vọng niệm nhảy vào chụp hốt. Nên nhà có đạo, người lớn thường hay giáo dục trẻ con không được đi lại nhiều chỗ đang cúng, hoặc bị cấm giỡn hớt to tiếng trong khi có người đang cúng nguyện, Niệm Phật gần bên. Người ta bỏ nhà đi tìm chỗ thanh vắng mà tu, chẳng phải gì sợ sự ồn ào của gia đình xã hội mà dông tuốc vào rừng lên núi đó sao?
Trong chỗ dùng tư duy, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng ta có thể phân biệt sắc đời sắc đạo, tiếng pháp hay những tiếng cám dỗ lòng dục vọng thì ta có thể chọn sắc đạo, nghe tiếng pháp, chối từ sắc đời và những tiếng có nội dung cám dỗ, nhưng ở chánh niệm, như đang niệm Phật mà mắt thấy tai nghe, dù thấy sắc gì nghe tiếng gì cũng làm cho mất chánh niệm. Vậy nên, vào tư thế tịnh tọa người ta kiếm chỗ yên tịnh những tiếng động mà mắt cũng phải khép bớt lại để không thấy ai làm vì, khỏi phải động tâm vô duyên vô cớ. Ta nên cẩn thận đừng để chánh tư duy trà trộn trong khi ta đang thực hành chánh niệm.
- Cám ơn chú tư đã giải thích về Chánh Niệm, Chánh Tư Duy và vì cầu nguyện cho người chết là phần của Chánh Niệm không cần sự có mặt của Chánh Tư Duy. Đó là lý do khiến chú tư từ chối đọc ngâm giảng kệ của Đức Thầy.
- Nói như vậy là còn thiếu, phải nói cho đủ câu để không bị hiểu lầm
- Sao, thưa chú ?
- Đó là lý do khiến chú tư từ chối đọc ngâm giảng kệ của Đức Thầy trong suốt thời gian dành cho cầu nguyện.
- Dạ, đúng vậy.
- Cám ơn sự trình bày của anh _ nữ đồng đạo khi nảy nói _ làm cho tôi biết phân biệt giữa Chánh Niệm, Chánh Tư Duy và xác định sự cầu nguyện ở vào vị trí Chánh Niệm. Coi như sự giải bày của anh cặn kẽ lắm rồi, chúng tôi ghi nhận. vậy anh thực hiện lời hứa kẻo bà con trông đợi lâu.
- Là đọc ngâm giảng kệ?
- Vâng.
Tôi liền đọc bài “An Ủi Một Tín Đồ” xong là vội vã kiếu về vì nhà cách khá xa.

11/7/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét