NHỚ
BÁC HAI THO
LÊ
VĂN PHÚ TỰ THO
KÍNH
DÂNG LÊN HƯƠNG LINH BÁC LÒNG BIẾT ƠN
Lúc tôi biết bác thì bác là
trưởng ban Phổ Thông Giáo Lý tỉnh Châu Đốc sau nầy trong đạo đề cữ
bác kiêm nhiệm thêm chức cố vấn Hội Đồng Trị Sự Trung Ương giáo hội
PGHH. Nhà bác trong cầu vàm kinh xáng Vịnh Tre độ khoảng năm ba trăm
mét phía dưới nước, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Trước năm 1975 tôi
có đến nhà bác vài lần với Tu Sĩ Trần Quang Quận, Lý văn Cưng.
ĐẠO THỜI XƯA |
Bác là tay thuyết giảng cự phách
trong số thuyết trình viên đương thời, văn nói không rườm, ngôn phong tỏ
rõ. Những tỉnh miền Tây Nam
nước Việt có tín đồ PGHH bác đi thuyết trình giáo lý gần như giáp
dấu. Chuyên môn của Ông là giải đáp nghi vấn của những đồng đạo đã
rút ra từ quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ. Giáo lý PGHH như mọi
người đều biết nhiều sắc thái tráng lệ; trong đó có văn từ Phật
Học, Hán Học, Tây Học, rất nhiều điển tích gồm nội điển và ngoại
điển, kim cổ, Đông Tây. Một pho giáo lý rộng như vậy mà ai hỏi tới
đâu Ông trả lời liền theo đó một cách trôi chảy và dễ hiểu, kết luận
dụng ý của Đức Thầy dùng điển tích một cách rõ ràng.
Ông còn cái hay tuyệt vời mà trong
thời gian đó chưa có vị thuyết trình viên nào đạt được. Vấn chủ đưa
ra câu hỏi, những câu ngắt khúc tạo sự mơ hồ hoặc sai chữ ví dụ như chữ tâm đạo và tầm đạo thì Ông sửa ngay cho đúng rồi mới giảng
thuyết sau. Thêm một đặc biệt nữa khi vấn chủ trích đặt câu không có
nói xuất xứ trong bài nào thì Ông nói xuất xứ giùm để đồng đạo
khác hiểu câu đó trong bài nào và ngày tháng năm Đức Thầy sáng tác.
Những câu trích hỏi ngang xương có thể làm cho Giảng văn của Thầy tối
nghĩa thì Ông đọc ngược trước vài câu và sau vài câu nối liền mạch văn cho rõ dụng ý của
Đức Thầy.
Ngày nay hàng con cháu đã cố học
những đặc điểm kỳ tích của Ông, cũng bằng xuất xứ và đọc ngược
đọc xuôi có thể được nhưng độ nhạy bén để trở thành nhà hùng biện,
bác lãm nội ngoại điển, kim cổ Đông Tây, dường như trong đạo chưa có
người thay thế.
nét truyền thống PGHH |
Đi nhẵm dấu dãy đất Tây Nam ,
Ông cho nới dần sự hoạt động tôn giáo ra miền Đông và dãy Trung Phần
để vùng xa xứ lạ biết về PGHH là đạo Phật Từ Bi, đồng thời giải
trừ thuyết độc hại nói Hòa Hảo là Đạo ác, Đạo ăn thịt người như
một số nhà đối địch tuyên truyền. Có lần tôi nghe bác hai kể chuyện:
Dân chúng miền ngoài rất sợ Đạo Hòa Hảo, ở trong Nam mình thề thốt
mà kêu súng đạn ăn là quá lắm nhưng ngoài đó thề súng đạn ăn là
không mạnh đâu, thề Hòa Hảo ăn mới khiếp. Có lần bác đi xe đò, xe
đang chạy, trên xe chủ và khách có tiếng cự cải về giá cả. Khách là
một phụ nữ trông vẻ lam lủ lắm, xem biết là dạng nghèo khổ không có
tiền trả đi suốt. Cô ta vét sạch túi có mấy bạc không đủ vé đi, nan
nỉ chủ xe đến mỏi cả miệng mà Ông ta chẳng thương tình còn lại tính
kỷ, dựa theo số tiền cô trả, đưa tới đây là đủ, đòi thả cô xuống
giữa chừng cô la chói lói: Khúc vắng không nhà thả tôi xuống đây Hòa
Hảo ăn thịt tôi thì sao?
Đi hoạt động tôn giáo miền ngoài
Ông gọi là những chuyến công du Trung Phần. Lần đến tỉnh Tuy Hòa Phú
Yên, quận Sông Cầu thuyết trình, trả lời nghi vấn rất lý lẽ PGHH làm
vừa lòng khán thính giả, một số tuổi trẻ tâm phục đã rời bỏ quê
hương thân thương với bao kỷ niệm thời thơ ấu, Ông Bà, Cha Mẹ, họ
hàng; tính từ tỉnh Phú Yên đến THÁNH ĐỊA HÒA HẢO rất là xa mà vì
thức ngộ được giáo lý họ vào Nam quy y tu học PGHH điển hình như các
vị Lê thị Thu, Anh Tám Lân, Chị Năm Thơ, Anh Sáu Khởi…
hình nét đạo ngày xưa |
Bác hai tài đức như vậy mà lúc
nào nói năng cũng khiêm tốn, cho mình chẳng bằng ai. Ra Trung thuyết
trình, dân xứ thấy Ông giảng giải thao thao người ta kính Ông là bậc nhân
tài lỗi lạc về hùng biện thì Ông nói với họ rằng: vì tôi không
giỏi mới đưa đi làm đạo xứ xa, ở trong Nam , tín đồ PGHH có rất nhiều
rất nhiều người thông suốt hơn tôi. Trò chuyện với ai đều đem tình
đối đãi nhau thân mật. Chư a bao giờ tôi
thấy nghe hay nghe ai nói bác thể hiện kiểu cách “ta đây” dù đối với
những người trí óc dưới mức bình thường. Tôi đã nhiều lần đi dự
phiên bác giải đáp nghi vấn, bác nói khiêm nhượng mà tôi cho hơi quá
đáng, đôi lúc tôi cảm thấy khó chịu. Ở đây đồng đạo bà con trình độ
giáo lý rất thấp mà Ông nói ý, Quý đồng đạo đưa đề hỏi giống như người
huấn luyện, kiểm soát khả năng thiếu điện mà “sạt điện” cho tôi. Khen
người đặt câu nghi vấn hay ho, chất lượng về giáo lý là nạp năng
lượng cho Ông thêm sáng kiến, sức mạnh tinh thần để làm tròn bổn
phận với Thầy Tổ. Sau nầy tôi có đọc chuyện về Ngài Thường Bất
Khinh Bồ Tát, đến đâu Ngài cũng kính mọi người với câu “Tôi không dám
khinh các người vì các người sẽ thành Phật”. Nhờ vậy tôi mới cảm
nhận rằng lời khiêm nhượng của bác hai là ý hay, từ đó cho dù có
nghe bác nói đi nói lại bao nhiêu lần trong những phiên thuyết trình
cái câu “sạt điện” tôi không còn khó chịu nữa. Thật đáng kính!
Đức Thầy có câu:
Nên cố gắng trau thân gìn đạo
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành
Làm cho đời hiểu rõ thanh danh
Công Đức Phật từ bi vô lượng.”
Bác hai đáng được làm tấm gương
tốt, đoàn hậu tấn nên treo gương bác để thực hiện hai điều căn bản
mà tối quan trọng của tôn giáo PGHH đề ra: TRAU THÂN HÀNH ĐẠO, TRUYỀN
BÁ KINH LÀNH. Bác hai khiêm nhượng cho mình chẳng bằng ai nên không chỉ
trích bê bai ai, đến đâu, ngồi đâu với tinh thần thoải mái, phụng sự
đạo pháp.
Phàm con người trong cuộc sống, về
sinh lý hay tâm lý, có điều thích, điều không thích, mà sống cứ hễ thích
thì mừng rỡ, vuốt ve, không thích thì chê mạt, chỏi bản, khinh khi,
miệng cầu nguyện bình yên mà tâm hay sanh giặc thế nầy thì thôi ...
Giáo lý ví như nhà đại lý hạt giống, phải có nhiều chủng loại cung
cấp cho nhiều loại đất và ý thích của các nhà trồng trọt. Có
những món hàng mà nhà trồng trọt nầy háo thắng chê không làm thì
người ta làm trúng tiền vô ào ào. Đã cái thân không làm gì hơn ai mà
hở ra là chê. Xưng danh nhà trồng trọt giỏi mà nghèo suốt. Bạn nói
trái khổ qua vị đắng dùng không được nhưng có nhiều người dùng được
thì đừng có gì cái tính riêng tư của mình mà mặc cảm, ngứa ngái,
với người dùng được vị đắng của khổ qua. Bạn thích dùng dưa leo,
đậu đủa có ai nói gì bạn đâu? Người học đạo đừng vì thời giờ quá
rảnh đem bàn những chuyện bông đùa không đâu, làm người đạo mà vô
duyên với Phật Pháp, vô duyên với bạn đạo kéo dài, đạo sẽ không ổn,
cây đạo hạnh còn thì còn nhưng có nguy cơ trơ cành trụi lá vì thiếu
hấp thu tình đạo. Đường đời vạn nẽo mà người đi tìm chân lý để mất
la bàn, đi trong ganh tỵ chê bai, mê nhiễm danh, lợi, tình, tiền … mà
tưởng rằng đi trúng đường, đúng hướng, rốt cuộc là hướng nào? là đi
về đâu?
Tại sao Đức Phật có tới 5 thời
thuyết pháp và kinh văn thì đến 12 bộ? Tại sao Đức Thầy viết tới 6
quyển Giảng còn thêm những thi văn? Tại sao Đạo Phật có tới 10 tông
phái? Đức Thầy đã giải đáp cho câu hỏi của chúng ta là “Tùy trình
độ cơ cảm của tín nữ thiện nam” thiện nam tín nữ đông người tất
nhiên nhiều cơ cảm, lẽ đó mà có
nhiều phương pháp, pháp môn, để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của
từng vị. Sự tu của ta ta biết, người khác tu người khác tự biết,
nếu có gặp nhau đàm đạo, chỗ học hỏi được thì nên học hỏi cho thêm
sức hiểu biết, không học được thì thôi đi cái chuyện nói qua nói lại
mích lòng. Không đi đánh trận hơn thua, mặt mày vui vẻ trông rất là
đẹp, chịu vào trận hơn thua cái mặt đổ quạu lên, người thân trong nhà
còn sợ không dám nhìn nét hung dữ, Phật trên cao nhìn thấy cũng bay
tuôt về Tây Phương.
Bác hai khiêm nhượng cho mình chẳng
bằng ai để không chỉ trích chê xấu người khác, đời không sanh sự thì
không có sự sanh mà an tâm học hỏi nhờ đó bác có nhiều thời giờ
dùng vào tu học, do tu học nên đức hạnh cao, hiểu rộng sâu về Phật
Pháp. Chúng ta kính mến bác thì phải học ở bác những điều tốt bác
làm. Hãy mở rộng lòng mình trong khi học tu và nghiên cứu PGHH, hãy
mở rộng lòng mình để tiếp kiến những hảo ý về Học Phật Tu Nhân
của đồng đạo chúng ta.
Bác hai đã ra đi thành người linh
thiêng rồi, còn lại là chúng ta đây. Do sự linh thiêng của bác, nếu
đoàn hậu tấn có người học sâu hiểu rộng về PGHH như bác, đem vốn
liếng ấy toàn tâm toàn ý phục vụ PGHH và giữ gìn hạnh cách một người
có đạo như lúc còn sinh thời bác làm, thì ở trên tầng cao kia… có
thể chúng ta hiểu được, bác rất là vui.
14/7/2016
Xin cám ơn đã chia sẻ. Nam Mô A Di Đà Phật
Trả lờiXóa