Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

TỈNH TÂM TÌM ĐẠO

Kính chào quý vị! Hôm nay chúng ta bàn về “Tỉnh Tâm Tìm Đạo” nhá!
Theo tựa đề, chúng ta nên áp dụng câu “coi rồi phải nhận cho hiểu lý” của Đức Thầy để thanh minh sự “tỉnh tâm tìm đạo” là gì nhá ! Lý đây là tìm hiểu nghĩa để  hành động chớ không phải biện lý, nói suôn cho vui chuyện. Như vậy thì lý có sự để đi đến lý sự vô ngại pháp giới bước thứ hai của “Tứ Pháp Giới” Kinh Hoa Nghiêm đề ra. Theo Đức Thầy, người “tìm đạo” phải hiểu cái lý “Tỉnh tâm” trước để có sự tỉnh tâm nữa cho lý sự viên dung mới được. Mê tâm dù sống trong nhà đạo tìm hoài không thấy đạo ở đâu.  Chủ đề Tỉnh Tâm Tìm Đạo thì biết rằng Đạo ở đây không chỉ riêng hình thức tôn giáo, là một cái gì đó khác hơn.
Lập trình đạo gồm hai thứ bậc:
  1. Tìm Đạo tức lựa chọn theo một tôn giáo. Như chúng ta chọn tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo vậy.
  2. Tìm chân lý tuyệt đối trong chính mình.
- Tìm đạo bằng cách theo một tôn giáo đó là bề ngoài của sự việc, tìm chân lý tuyệt đối trong chính mình là bên trong của sự việc.
Bên ngoài của sự việc là khấn cầu lễ lạy, ăn chay, tụng đọc kinh kệ, học hỏi giáo lý, bố thí giúp đỡ người nghèo thiếu, kém may mắn… đó là những điểm đặc trưng của tôn giáo trong đời.
Bên trong của sự việc là mục tiêu phải đến của nhà tu, là đỉnh điểm độ chúng của chư Phật. Đáng lẽ người ta chỉ biết bao nhiêu đó thôi, không cần gì nữa; nhưng đã nói “Bên Trong” thì tất nhiên là ta đang ở ngoài sự việc mà muốn tìm đến bên trong của sự việc thì phải đi từ ngoài vào trong với ba bước:
Bước 1, từ bên ngoài của sự việc là chọn quy y với một tôn giáo hay vị Thầy minh triết nào đó. Về điểm nầy Đức Thầy nhắc nhở chúng ta:
“Chọn nơi nào đạo chánh phượng thờ
Thì mới được thân sau cao quí”.
Vì đạo chánh mới có giáo lý chơn chánh. Khi đã chọn quy y với một tôn giáo chơn chánh hay vị Thầy minh triết tức thủ tục vào đạo hoàn tất mình là người có đạo thì phải làm cái gì đó cho đạo mình đã quy y.  
Bước 2, muốn thành người có đạo đúng ý nghĩa thì phải học qua từ kim khẩu hay những bài giảng giải của Ông Thầy viết ra, ta thường gọi là giáo lý của một tôn giáo. Vào vòng tín đồ, đã được học giáo lý phải có bổn phận trách nhiệm bảo vệ tôn giáo và giáo lý. Sự bảo vệ không chỉ là dan tay ra ngăn cản sự phá hoại của kẻ khác mà còn là thực sự tu tâm dưỡng tánh của chính tôn giáo và giáo lý của tôn giáo đề ra. Kẻ ác phá chùa, ta giành với kẻ ác không cho họ phá chùa là điều phải, nên làm, nhưng giữ được ngôi chùa nguyên vẹn cho tôn giáo ta cũng nên có những nhà tu chơn chánh trụ trì chùa. Người tu trong chùa mà không chơn chánh, hắn ta phá chùa còn hơn kẻ ác phá chùa. Truyền đạo mà không bước vào ngưỡng cửa tu hành, giáo lý không qua trải nghiệm bản thân mà đi nói cho người khác trải nghiệm, sự chỉ dạy không qua trải nghiệm được năm ăn năm thua là may.
Bước 3, là khám phá xem trong giáo lý ấy chứa đựng những gì. Nếu đặt sự khám phá qua nghiên cứu lý luận, tầm chương trích cú chỉ là khám phá một mớ kiến thức về giáo lý của người đi trước, mườn tượng vẽ lên cái bống chân lý thì suốt đời vẫn không hiện ra kết quả của sự khám phá. Theo Kinh Phật, luận Tổ, chân lý rất gần ta, nó là bề mặt bề trái của vấn đề, nhưng ta đang ở bề trái của vấn đề mà đổ công khám phá thì khôn ngoan lên một chút ở bề trái, chỉ khi nào ta chịu lật qua bề mặt của vấn đề mà khám phá bằng Thiền Hay Tịnh trực chỉ chân tâm mới đạt được chân lý.
- Nếu nói “tuyệt đối” tất nhiên là có “tương đối”. Cập song sinh nầy chúng ta thấy nó say đắm với nhau trên phương diện luận lý “Cái nầy có nên cái kia có, cái nầy không nên cái kia không, cái nầy nên cái kia sanh, cái nầy diệt nên cái kia diệt”
Tôi xin đưa ra hai sự kiện điển hình của bề ngoài và bề trong bằng hai bài kệ một của Sư Thần Tú, vị giáo thọ trong thiền đường của Tổ Sư Hoàng Nhẫn, hai Sư Huệ Năng, người làm chức giã gạo nấu ăn cho nhà chùa, thiền đường.
Bài Kệ của Thần Tú:           Dịch:
“thân thị Bồ Đề thọ                       Thân là thân Bồ Đề
Tâm như minh cảnh đài                 Tâm như đài gương kiến
Thời thời thường phất thức             mỗi lúc mỗi lau quét trên gương
Vật sử nhạ trần ai                          Trên gương không thể có bụi được.
Bài Kệ của Sư Huệ Năng:      Dịch:
Bồ Đề bổn vô thọ                           Thân không phải Bồ Đề
Minh cảnh diệc phi đài                    Tâm cũng không phải đài gương kiến
Bổn lai vô nhứt vật                         Trong tâm không một vật vì hết
Hà sử nhạ trần ai”.                         Chỗ đâu cho bụi dính vào.
Nói như thế ta biết đạo ở rất gần mà ta thì có thói quen tìm đạo ở đâu xa nói ra cho người ta ngán mình chơi. Sự nói năng đem đọ vào thực tế lắm lúc chẳng dính líu gì hết. Gần đến rờ tới là đụng mà không rờ, có khi nó cọ xát mà ta mãi theo đuổi việc bên ngoài nên không cảm nhận qua trực giác. Đi theo cái vòng lẩn quẩn của đề tài tìm đạo rốt cuộc như Đức Thầy nói:“Đạo lý tìm đâu chẳng thấy rày, Chỉ thấy hình trơ thân xác trụi”. Chỉ cần động thái “tỉnh tâm” sẽ thoát khỏi vòng lẩn quẩn đó ngay.
Người ta ham trồng trước sân nhà một vài cây Tùng, bởi đầu óc theo lý luận thế gian nhìn tướng phát sinh tâm lý. Cây Tùng chịu đựng thời tiết bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà mùa nào nó cũng có tính đặc sắc, không bị thời tiết làm hao hụt sức sống. Người ta ví nó là tính quân tử: Gặp uy quyền, giàu sang không cúi đầu nịnh hót, đối với người nghèo không ruồng rẩy, bỏ bê. Vì thấy nó bốn mùa không đổi sắc cũng có người ví nó là chân lý ở giữa giả và thật, tà và chánh, thiện ác, tốt xấu, phải quấy… không nghiêng bên nào. Lục Tổ Đàn Kinh có câu:
“Tà sanh phiền não dấy
Chánh đến não phiền tan.
Chánh tà đều chẳng dụng
Thanh tịnh chứng Niết Bàn”.
Tại vì tâm sanh điều tà phiền não mới dấy loạn, đem chánh đến để trị tà thì rơi vào đối đải, tuy không thấy tà ác hoành hành nhưng còn đối đải là chưa yên ổn. Không dụng tà thì đúng rồi nhưng phải chánh tà đều chẳng dụng nữa thì tâm pháp không còn ở thế đối đải, tự thanh tịnh. Niết Bàn là tự tánh không sự.
Đức Thầy như tóm tắc nên rất dễ cảm nhận ý chỉ:
“Rày đã tu thân lánh bụi hồng
Dạ đừng suy nghĩ chuyện mênh mông
Để tâm yên tịnh tầm chơn lý
Phổ cứu nhơn sanh khắp đại đồng.”
Hâm mộ quá đi ! câu “để tâm yên tịnh tầm chơn lý” thiệt đã sáng trưng ra. Chơn lý là không có nhị nguyên nhứt nguyên gì cả, là cái chỗ bảo “chánh tà đều chẳng dụng” đấy.
Thay vì để nhắc nhở cho hành động, người trồng Tùng nhìn đó mà giữ thái độ đứng vững và giữa “Tỉnh Tâm” chánh và tà cho lòng thanh tịnh, phiền não dấy tà không nhận dấy chánh cũng không được luôn vì dấy chánh cũng làm cho mất thanh tịnh. Như chúng ta Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là Phải nhất tâm bất loạn, nếu ngay lúc đó tâm dấy lên điều gì dù là chánh đáng cũng làm mất đi cái nhất tâm bất loạn của mình rồi.
Người trồng Tùng biểu trưng tính quân tử, biểu trưng chân lý, ngày nào mắt cũng nhìn cây Tùng, chăm sóc tưới nước, nhổ cỏ, qua lại, tới lui, mà vẫn không phát hiện rằng sự biểu trưng của Tùng chưa có trong chính bản thân mình, chủ của nó mặc sức mà hành động của kẻ tiểu nhân, mặc sức mà hành động ngụy sự lý. Không tỉnh tâm đánh thức thì tính biểu trưng của cây Tùng mất ý nghĩa, không tỉnh tâm đánh thức tính biểu trưng của việc “Tìm Đạo” thì tính biểu trưng của người đạo cũng mất ý nghĩa. Đức Thầy có câu:
“Ai mê tâm nghe qua không phủng
Phải suy tầm đặng mở tánh linh
Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh
Thì cũng thấy bổn lại diện mục”.
Qua sự trình bày của tôi chắc quý vị cũng thông thoán được ý nghĩa của “tỉnh tâm tìm đạo” là gì. Mấu chốt của việc tìm đạo là tỉnh tâm. Tìm đạo theo ý nghĩa quy y nếu không tỉnh tâm khó mà được “đạo chánh phượng thờ”, tìm đạo với sự thực hành khám phá những tiềm ẩn chân lý trong giáo lý, không tỉnh tâm không thể đi đến mục tiêu rốt ráo đạt Chánh Niệm và Chánh Định.
Chúng ta tìm đạo qua ý nghĩa thứ nhứt đã “Chọn nơi nào đạo chánh phượng thờ” rồi, giờ chúng ta tập trung sức mạnh ý chí, tỉnh tâm tìm chân lý trong giáo lý qua sự trải nghiệm của bản thân mình.
Kính chúc quý vị TỈNH TÂM TÌM ĐẠO.
5/7/2016





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét