ĐÀM
ĐẠO
Hôm nay quý huynh đệ hỏi tôi cách
nào tu tiến làm tôi e ngại, lúng túng. Nếu là đề tài thuyết trình
thì không khó diễn giảng nhưng theo nhận thức của tôi đây là chỗ đàm
đạo thì phải hơn. Nhìn những nét rạng rỡ trên gương mặt trầm lặng
tôi biết quý vị thích hành đạo hơn thích học biết nhiều điều. Đàm
đạo để tu là mang tâm tư của hành giả hơn học giả. Tiếc vì tôi cũng
như quý vị đang tu và rất khát khao cách nào tu nhanh đến mục tiêu.
Nói như thế cũng có nghĩa là tôi muốn thối thoát chỉ cách tu tiến
cho quý vị. Thối thoát không với tấm lòng ích kỷ mà vì cách tu ấy
không phải đã trải nghiệm mà là đang trải nghiệm chưa có hiệu nghiệm
bản thân.
Mình là đồng đạo với nhau, xét
chỗ nầy không phải lúc tịnh tọa im lìm, nói mà không với cách
thuyết giảng còn đàm đạo thì không tranh luận hơn thua, giống như tâm
sự, tôi rất vui được đàm đạo tâm sự với chư huynh đệ.
Trong đàm đạo, theo tôi, chúng ta
không bàn luận về pháp môn nữa, bởi chúng ta đã là hành giả thì
không ai là không biết pháp môn; ta đã học chồng đống về pháp môn, sự
hiểu biết thừa thảy, chỉ cần thực dụng cái biết của mình. Ví dụ
như nói tu thì phải hiền, Đức Thầy dạy “Muốn làm hiền rán nhịn
đừng than” thì ta đã thuộc. Còn thế nào để đạo mầu sáng tỏ ta cũng
đã học ở Đức Thầy “Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu” hay “Tâm bình tịnh
được thì phát huệ”. Tu pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Phật Quốc
thì niệm Phật phải đi đến nơi rốt ráo của nó là nhứt tâm bất loạn:
“Cứ nhứt tâm Tín, Nguyện, Phụng
hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Những điều như trên, đâu ai trong chúng
ta đây không thông thuộc? Hành giả nên tâm sự với nhau những chướng
ngại gặp phải trên bước đăng trình. Mặc dù chướng ngại của mỗi hành
giả là mỗi khác, khác về hoàn cảnh và mỗi hoàn cảnh có sự chi
phối riêng. Vọng tâm biến động bởi nó trà trộn trong hoàn cảnh, ta
nên thắp sáng sự hiện diện một hành giả trên hoàn cảnh đó để hoàn
cảnh không tối mà có lý do đất bằng sóng dậy.
Phương pháp hành đạo nắm trong tay,
ta chỉ đem thực hiện là xong. Vì tu
mà ta không thường thắp sáng chính mình, bị phiền não đè mất khả
năng Niệm Phật, nó cố tình không cho ta thực hiện những ước muốn của
hành giả. Chống trả với vọng niệm chúng sanh bằng chánh tư duy hay chánh
niệm ư! Điều nầy chỉ để tự đánh
lừa mình qua thế giới vọng niệm mông lung. Khi ta bị phiền não bó rọ
thì chưa chắc ta có thể sử dụng chánh tư duy để đào thảy nó ra. Nếu
đào thảy bứng gốc dễ dàng thì trên đời đâu có chuyện những nhà tu
mười năm, hai mươi năm, ba bốn mươi năm xông pha thành đạt những kỳ công,
đi chưa tới Phật lại cuốn gói đào ngũ.
Thật tình thì chúng ta có thói
quen lấy sự hiểu biết về kinh kệ làm chứng cho việc tu, một khi
phiền não xâm nhập thì nó đâu có sợ sự thông minh Kinh Kệ của ta mà
buông tha cho ta tiếp tục hành trình. Khi ta thấy người khác bại trận
trên đường tu đáng lẽ làm cho ta sợ mà tránh những cuộc đụng độ
hoặc luyện tập thế nào để ta không tránh đối đầu mà hung khí của
đối phương không chạm vào mình, thì ta lại làm tài khôn đem lời Phật
lời Thầy dạy họ trong khi ta là người thua trận mà chưa bại trận đó
thôi. Đọc để tự đắc và sỉ nhục người bại trận, ta thể hiện cái ta
chưa bại trận bằng đem chứng minh những câu Kinh Phật Giảng Thầy để
nói rằng ta còn đứng vững. Thua chưa bại không chịu hành sự tác
chiến thoát khỏi cái thua còn ở lấy Kinh Giảng đậy những vết thua;
vết thua ấy là chứng tích, thương tích, phải công khai điều trị thì
thương tích có thể lành, thương tích mà lành thì chứng tích sẽ tự
xóa tan. Giấu bệnh, đau không công khai trong tâm mình để tự chửa trị
thì thương tích sẽ hành xác dẫn đến chết.
Chúng ta nói qua tâm trạng người
hành giả, thử suy nghiệm hai câu nầy. Ông Thanh Sĩ nói:
“Trong khi muốn lội qua sông
Những vì mang, gánh lòng thòng bỏ
đi”
Chỗ ta đang ở là bến mê có rất
nhiều khổ não, bên kia bờ giác ngạn không một chút khổ đau nào. Vì
thế người ở bến mê muốn hết khổ phải chịu cực lội qua bên ấy. Lội
mà mang đồ cồng kềnh theo làm nặng nề, đồ vật có thể neo chết
người bơi dưới nước. Hãy bỏ hết các ham muốn vật chất đeo đắm bên
mình thân trơn không vướng bận dễ lướt sóng nước qua bờ bên kia.
Còn theo Đức Thầy Ngài không đặt
hành giả ở vị trí bơi lội qua sông biển, không ẩn dụ con cá bơi lội
dưới nước mà ẩn dụ con chim bay trên Trời. Đây là trần gian cõi khổ,
cõi Cực Lạc trên cao kia mà trong kinh Phật nói xa tới mười muôn ức
Phật Độ mới là chỗ tột vui,
“Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực Lạc một đàng;
Thì thân Thầy hết phải gian nan,
Đâu có chịu mang câu nhạo báng”
Theo Đức Thầy có cánh là một việc
mà bản thân của người chim phải “nhẹ mình” nữa thì mới khõe mà bay
cao lên Cực Lạc.
Vấn đề là ở chỗ mang gánh lòng thòng, ở
chỗ nặng mình thì phải “nhẹ mình”. Cho dù có là tay bơi giỏi mà
mang nặng là bơi không giỏi được đâu, cho dù có cánh bay cao mà mình
mẩy quá nặng nề phàm tục: Danh Lợi Tình,Tham Sân Si lội không được
mà bay cũng chẳng tới đâu. Quý vị chắc còn nhớ tích “ăn Khế trả
vàng”. Quạ muốn ăn Khế thì phải trao đổi, cho ta ăn Khế ta sẽ trả
vàng. Quạ biết sức mình chỉ chỡ nổi túi Ban gan mà người ta gian
tham bắt nó chỡ cả bao lớn, cố bay lắm cũng không về đến chỗ, giữa
chừng rớt xuống biển.
Hành giả phải luôn luôn thắp sáng tâm trí, tự
biết mình là ai. Thấy mòi bị dòng đời cám dỗ thì cách tốt nhứt
buổi đầu là kìm chế bản thân, việc kìm chế phải nhanh gọn không để
trầy xước lòng thòng, nếu không nhanh phát hiện, chuyện xảy ra nợ
nần tùm lum rồi mới kìm chế là khó ăn lắm. Tức khắc nhạy bén
chánh tư duy: Ta nươn cái thân giả hợp để tu, tạm mượn cõi trần gian
làm nơi sống gởi, chưa biết chừng nào cái thân giả ta mượn bị đòi
lại, Tu sớm được thân KIM CANG BẤT HOẠI trước khi trả huyễn thân hoặc
về cõi Tây Phương sắm thân Liên Hoa. Lo tu còn không kịp thì đâu lý cần
đòi hỏi có nhiều vật chất, giàu nghèo.
Vua Nghiêu gặp Hứa Do biết là người hiền lại
thêm tài đức vẹn toàn. Ông nghĩ nếu người nầy lên làm vua thì tốt
cho nước non, bá tánh được vỗ về, an khang thịnh vượng. Nghĩ thế Ông
mới kêu trau ngôi cho Hứa Do. Hứa Do không ưng và Ông tự vấn lòng mình
“Tiêu Liêu sào lâm, bất quá nhứt chi, Yến Thử ẩm hà, bất quá mãn
phúc” ( con chim chỉ cần một cành cây để đậu, ai đem cho nó một rừng
cây là dư uổng; con chuột thò đầu xuống sông uống nước, đầy bụng
cũng thôi, cho nó cả một con sông chẳng phải quá dư uổng rồi sao? Cơm
ăn một bửa ba chén mà ai đem cho một ngàn chén bao tử cũng không chứa
hết. Hứa Do sống cuộc đời thanh bần, ẩn cư mà vui vẻ, ông rất hài
lòng, đủ rồi, đâu cần chi quyền quí cao sang, lấy thiên hạ của Vua
Nghiêu làm gì?
Đạo dạy “Thiểu dục tri túc”, ít ham muốn,
biết đủ là đủ. Người tu muốn được “Lạc Đạo An Bần” hãy buông xả
tất cả tình cảm và vật chất. Tình cảm là lòng chứa đựng những
ghét thương; vật chất là những của cải tiền bạc … không còn gì hết
thì không bận bịu suy tính. Ta biết, của nếu ta cần nữa là của dư do
lòng ham muốn mà giành lấy cho sanh bận rộn gìn giữ chứ ăn gì một
ngàn chén cơm trong khi ta chỉ cần ba chén là no, của đã không xài mà
ham cho mất công giữ. Lòng nào giữ? Lòng nào tu?
Trong khi ta đang lội qua sông, đang bay về Cực
Lạc cần nên xác định cho rõ những nào là mang, gánh lòng thòng,
những nào nặng nề của thất tình lục dục… có còn mang nặng trong tâm
tưởng ta không? Ta cũng nên “tri túc” biết đủ, để tiến tới sự tự do
như Hứa Do khi Vua Ngiêu muốn giam cầm Ông trong thiên hạ của Ông ta. Nên
chú tâm: dù lội qua sông hay bay về Cực Lạc thì vấn đề “NHẸ MÌNH”
phải được coi là trên trước; muốn nhẹ thì phải buông bỏ… Chọn giờ, chỗ
phải thế để Tịnh Tọa, không chịu buông bỏ thì coi chừng Niệm Phật
mà mời ma đến làm chủ, niệm Phật không khá đâu !
Sau cùng, tôi xin trích đọc lời dạy của Đức
Thầy làm đề tài chính xác nhứt cho buổi đàm đạo hôm nay: “…Hãy xa
lánh những điều làm tinh-thần bị đen-tối; bỏ hết đài-các xa-hoa,
thân mình tự-chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh…”
04/8/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét