Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

TRONG SẠCH HÓA ĐỒNG ĐẠO


(Tôi xin lỗi chư đồng đạo vì phải dùng từ kém nhã; bài viết nầy bởi một cuộc tiếp chuyện và tôi thuật lại đúng chuyện xảy ra).
Được quý huynh đệ đến thăm là điều hân hạnh. Tôi rất thông cảm câu nói “trong sạch hóa đồng đạo” của quý vị, nghe lạ tai mà hay nhộn nhưng câu ấy đã nói một cách trắng trợn rằng đồng đạo mình đã bị nhiểm đục, liệu các vị ấy có chịu nổi sự  dày vò nầy không? Do vậy mà hướng tới sự trong sạch hóa chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu thể hiện hành động cụ thể với đối tượng tôi cho hành động nầy rất táo bạo.
Học Phật mỗi người có quan điểm riêng và vừa ý thì người ta nâng cao quan điểm. Chúng ta có lập trường tu Huệ, người kia có lập trường tu phước, hai lối tu đều là phương pháp của Phật giáo đề ra; ta thích tu huệ rồi bảo thủ là đúng đắn, cho những người tu phước trụ tướng, tu danh, ô nhiểm cần phải trong sạch lại là không đủ tính thuyết phục.
Xin quý huynh đệ thứ lỗi cho tôi nói: Nhiểm đục hay không là ở tấm lòng chứ không phải ở pháp môn tu phước huệ. Tiền thân Đức Phật Thích Ca đã có nhiều kiếp tu phước, tu huệ; hai pháp tu đối với Ngài đều trong sạch như nhau. Người đời sau tu học theo gương Đức Phật thấy có sự hỗ trợ mật thiết của hai pháp môn mới đặt thành danh “phước huệ song tu”. Nặng lòng tu phước vì thương người nghèo đói, thiếu thốn, bệnh tật khổ đau, lòng từ bi ta tu mót mái dầu mới tập tểnh cũng không nỡ ngoảnh mặt ngó ngang. Có người từ trẻ đi suốt kiếp tu phước đến chừng già chết để lại cho đời danh thơm tiếng tốt; có người tu phước vì ham vui, sanh tâm danh lợi… đi chưa tới đâu giữa chừng đào ngũ. Người tu huệ cũng thế, có vị chuyên tu, không can thiệp vào các chuyện thế gian, tốt xấu giàu nghèo, quên hết sự đời phục mình vào Phật sự, lòng chỉ còn ba ngôi báo Phật Pháp Tăng. Hằng ngày lễ bái cầu Phật, học Pháp, đóng vai làm Tăng để hành pháp của Phật, nhưng cũng có những vị tu chưa bao lâu phát thông kinh luật, vì một niệm bất giác tưởng thông minh là có “Huệ”, nổi danh, háo sắc hám tình cũng gục ngả bên đường về Phật quốc.
Luận như vậy là thật tế trước mắt, ta không thể dựa vào pháp tu hay cách tu khác mình mà đánh giá họ bị nhiểm đục.
Như chúng ta biết, phần đông người tín đồ PGHH là phước huệ song tu. Trong tu tập hằng ngày hai thời công phu sáng chiều, nghe thấy đâu có việc phước thiện thì đi làm chiều về lo phần tu huệ. Mỗi thời lễ bái Đức Phật xong là tịnh tọa nối liền. Ý nghĩa của tịnh tọa là kéo dài sự công phu trụ chính tâm, chính niệm. Mới đây, tiếp chuyện với đồng đạo Thuận Sơn nhà kinh doanh vàng bạc có tiếng ở tỉnh thành Rạch Giá Ông sắp sếp công việc giờ nào việc nấy để có hai thời giờ yên tịnh sớm chiều. Thật sự yên tịnh chứ không bị ép buộc mà làm cho lấy có, Ông tu tập thành thói quen sau mỗi lần cầu cúng là có tịnh tọa, giữ tâm hành đạo được lâu. Ông nói thêm rằng: Từ chiều tối đến sáng không làm việc gì thì nên làm việc Phật, đừng để những chuyện không đâu nhảy vô trà trộn làm mất chánh tâm chánh niệm. Bây giờ là lúc không thể đổ thừa bận việc nầy việc nọ ngoài đồng hay bán buôn ở chợ.
Ai ai cũng phải có cái nghề để sống như Đức Tôn Sư ta nói “Kẻ buôn tảo bán tần, người việc nầy việc nọ, tóm lại cũng vì xác thân mà ra cả”. Như vậy đừng nói ai rảnh rang không công việc, do người ta biết sắp sếp và tiết chế những tham vọng nhiều tiền, những chuyện không đâu. Dự tính mai đi chợ mua đồ thì chuyện gì cũng để ngày mai, mình có động tâm suốt đêm về chuyện ngày mai mua đồ thì cũng không có đồ đâu nửa đêm cho mình.
Sống cõi thế gian chúng ta biết là nơi sống tạm sớm muộn ta cũng bỏ đây mà đi. Kiếp nầy ta chọn con đường về Phật quốc không đáo lại làm người ở cõi ta bà chịu khổ thêm lần nữa vậy thì trong các việc làm hằng ngày để kiếm sống cho kiếp tạm ta phải ưu tiên con đường đi vào Phật quốc, chẳng nên để chuyện làm ăn giàu nghèo thương ghét xâm chiếm thời giờ và những chuyện không đâu hãy loại nó ra. Quyết định rằng có thể nghèo thiếu năm ba bửa ăn nhưng không để nghèo thiếu làm bỏ mất một bửa công phu săn sóc cho quen đường về Phật quốc vào Phật tâm, thần chết đến bất ngờ là không nguy uổng. Nghèo thiếu năm ba bửa ăn mà lỡ có chết là sớm hết một kiếp khổ nhưng nếu không về Phật quốc, vào Phật tâm mà đi theo nghiệp mê thì sẽ đầu thai trở lại hồng trần chịu khổ nữa. Ông Thanh Sĩ viết tác phẩm “đường giải thoát” có kể lại câu chuyện một nhà sư nọ lúc lâm bệnh ăn uống không ngon sư thèm thịt cá. Thầy mà vậy thì đệ tử cũng mê muội theo, làm thịt cá mang đến cho sư. Số thọ đã hết ăn cái gì thì cũng chết, nhưng chết chay không đọa bởi chay thanh, chết mặn là trọng trược mang tội sát sanh phải đầu thai trả quả.
Sống đây ta phải biết thế nào là thật và giả để đừng tốn công quá nhiều săn sóc cái giả mà giảm đi sức phấn đấu bảo vệ cái thật của mình. Nếu ôm được cái Thật trong lòng, đi làm phước thiện là thực hiện tính thương người thương đời, giúp nhau có nhà ở, cơm ăn thuốc uống và khuyên cải dữ làm lành không phải ta đã bắt đầu học hạnh từ bi của Đức Phật sao? Khoe mình tu huệ để không làm phước giúp đời cũng không ôm được điều thật trong lòng, sống theo cái giả tạm thì huệ lòng phải đi mất, chẳng còn chút linh thiêng nào, sau thành Ông sư nói trên là cùng.

Huynh đệ nói hãy làm trong sạch những đồng đạo phạm giới mà quý vị không cụ thể được họ phạm giới gì, ví dụ như: uống rượu cờ bạc, á phiện, hay luân lý tam cang ngũ thường hoặc gây gổ, nóng giận… không thấy người ta phạm phải mà chỉ là nghi nan, vẽ vời đồn đãi thành chuyện chúng ta đã phạm vào điều răng cấm thứ bảy là cụ thể. Quý vị nói gần nói xa nam nữ trẻ tuổi tu độc thân mà lại đi đâu dính chùm với nhau… điều nầy thì ta có thể cho chúng lời khuyên nhẹ chớ không bắt tội la rầy bởi vì ta không thấy chúng có biểu hiện sự phạm tội. Cụ thể lời khuyên nhẹ là đừng chỉ trích chúng cái việc nam nữ lộn sộn. Giả tỷ như người lính đánh giặc, họ thường mở cuộc hành quân dù chưa giết được giặc nhưng thế mạnh của cuộc hành quân sẽ đẩy giặc ra xa đồn bót; trong đồn bót lính có lỡ vui chơi quên gát giặc một tý, hơ hỏng canh gác giặc cũng không có đâu đây mà “chụp đồn”. Chứ đồn bót mà giặc ở quanh quẩn thì thì… Trong học đạo không phải ta đã thuộc lòng câu “dâm tâm bất trừ trần lao bất khả xuất” đó sao? Ta chọn lối tu độc thân là tự nó đã xa rời tình duyên nam nữ. Xa thì phải xa cho mút mắt. Mắt không thấy, lòng không tưởng… khi chúng thấu đáo lời khuyên thì tự chúng hành động dang xa để bảo trì sự cao quý trong khi lòng có kẻ hở. Nghi nan thì không chứng minh mình là “minh lý” điểm trọng yếu của điều răng cấm thứ bảy.
Quý vị bảo rằng những người tu nhiểm đục nếu ta không có cách làm trong sạch hóa nơi họ sẽ gây ảnh hưởng xấu trong đạo. Ai nhiểm đục là tự làm khổ bản thân trước những dày vò của thị dục, cám dỗ; lúc họ chưa bị nhiểm đục lòng trong sạch, sáng sủa nói ra nhiều người tin ngheo, khi họ nhiểm đục lòng không sạch, hành động đen đúa tà dạy thì ai theo mà đi sợ ảnh hưởng xấu? Quá trông có người khác làm tốt đạo bằng muốn họ phải theo ý của mình… Hãy thôi tính chuyện đó đi! Ý của mình muốn làm trong sạch thế nào thì mình làm mới đúng, có kêu người khác làm chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc. Đừng có thói quen đặt gánh nặng lên vai người khác còn mình làm chỉ huy năm ngón. Nếu ta biết trân trọng đặt sự trong sạch hóa trên vai mình thì gánh nặng ấy sẽ không còn nặng nữa đâu. Ta nghi kỵ một số đồng đạo đang nhiểm đục, cho dù sự nghi kỵ đó đến độ có thật nhưng nếu những người như chúng ta luôn luôn làm trong sạch chính mình thì quần chúng sẽ ngả về mình đừng lo kẻ nhiểm đục gây ảnh hưởng xấu, nếu ta không tự làm làm trong sạch hóa chính mình mà lo sợ ghim vào người khác thì ai ghim lo sợ vào ta?
Theo tôi nghĩ, những người học Phật đến độ thế trí biện thông, cho dù họ có nhiểm đục họ đầy đủ những lý lẽ biện luận cho mình trong sạch. Ta tranh luận đến độ nóng giận, thốt lời không hay thì ta là người kế tiếp nhiểm đục cần phải trong sạch hóa mình trước hơn ai. Nếu ta đừng động phạm đến họ đừng cố chấp về sự sai phạm của họ, ta cứ luôn luôn đi bên họ làm huynh đệ tốt, ta sẽ làm tấm gương trong sạch trước đồng tiền mà họ đang phạm phải về tiền bạc, ta làm trong sạch trước danh lợi tình, thật sự thông thả, họ bị vây trói bởi sự được mất, khen chê, phải quấy suốt với người khác riết họ sẽ thấy được điều đó và tự sử trí để họ thông thả. Tuyệt đối không nên dùng lời có tính giáo dục bởi họ đã thế trí biện thông thì lời lẽ của ta không đủ để giáo dục họ, chỉ có sự trong sạch của ta là điều hy vọng hơn hết.
21/5/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét