Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

LỄ CÚNG ÔNG BA
Ông Ba quý danh là Ông Nguyễn văn Thới, đệ tử đắc pháp với Ông Trần văn Nhu, dòng truyền thừa của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An Sáng Lập. Ông Ba sanh năm Bính Dần 1866 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh (Sa Đéc) quy y với Thầy Trần văn Nhu vào mùa xuân năm Đinh Mùi 1907 ở vùng Láng Linh, Bửu Hương Tự. Ông Ba là tác giả của quyển “Kim Cổ Kỳ Quan” nội dung giáo nghĩa khuyên tu rất được người đời từ xưa tới nay luôn luôn ngưỡng mộ; viên tịch vào ngày mùng chín tháng tư năm Bính Dần 1927, tại làng Kiến An Tổng Định Hòa, hưởng thọ 61 tuổi.

(thiệp mời nầy sử dụng trước năm 1975 và nơi thờ là CHÙA có tên KIM CỔ TỰ)
Vì Ông Nguyễn văn Thới là vị chân tu đạt đạo nên bá tánh dựng chùa thờ, Đức Ông Huỳnh Công Bộ thân sinh của Đức Thầy lúc ở vị trí hội trưởng tối cao của  PGHH đặt tên chùa Ông Ba là “Kim Cổ Tự”.

Từ lúc Ông Ba được thờ trong chùa có mang tên tác phẩm của Ông, bá tánh thập phương những ngày thường kẻ xa người gần đến chùa Ông lễ bái, hằng năm vào ngày lễ viên tịch mùng chín tháng tư từ muôn phương, những ai đã nghe đại danh đại Đức của Ông hay có đọc qua tác phẩm Kim Cổ Kỳ Quan đầy ấn tượng đạo đức, không ngại đến Kim Cổ Tự hương linh, nguyện cầu Ông Ba hộ độ.
Hình thiệp mời trên cho chúng ta thấy vị trí tổ chức lễ là Kim Cổ Tự, nhưng từ sau năm 1975 nhà nước xã hội chủ nghĩa lên quyền đã ăn mất ba chữ tên chùa ấy rồi. Họ can thiệp quá sâu vào tôn giáo, lôi kéo những lễ tôn giáo thành lễ dân gian, biến cơ sở tôn giáo thành nơi vui chơi giải trí hoặc chiếm đoạt gây hại tôn giáo mà không vi phạm luật pháp quốc tế về tự do tôn giáo. Đàn áp chùa của tôn giáo là hành động quá thô bạo, thô bỉ, nếu để tên chùa “Kim Cổ Tự” mà đàn áp tức là đàn áp tôn giáo. Họ đổi tên chùa thành tên phủ thờ gia tộc để khi đàn áp tín ngưỡng tôn giáo, phá phách bắt người thì là người đời, không đụng chạm đến cơ sở tín đồ tôn giáo.
Kim Cổ Tự bị mất tên, người ta sẽ biết có sự hiện diện của thế quyền đàn áp tôn giáo. Giờ lịch sử không ghi thành chữ mà ghi ở tâm thức con người, sử ghi có thể bị mất nhưng tâm thức được truyền đi không thể nào mất được. Ca dao Việt Nam có câu:
“Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”

Mùa lễ năm nay lần thứ 90, 9/4 âl/ 1927 – 9/4 âl/2016, bá tánh gần xa về dự lễ rất đông, các ngôi thờ trong Kim Cổ Tự luôn ba ngày mùng bảy, tám, chín khói hương mù mịt suốt, tiếng đại hồng chung, chuông lớn, chuông nhỏ kêu bon bon mãi vỗ về chư khách đến cửa thiền tỉnh tâm cầu nguyện.

Ban tổ chức lễ cúng Ông Ba rất chu đáo sắm đủ các món ăn, món uống đãi nhiệt tình. Nhiều trạm trại lắp ráp mời cơm, nhiều cây dù khổng lồ buông phủ cả sân rộng để chứa thực khách với những dĩa bún bánh tằm và nước giải khát cung cấp thừa thảy. Đặc biệt nhiều năm lại đây năm nào như năm nào Ban tổ chức chọn giải ưu tiên cho nhà bếp huy động nhân công phụ nữ khắp trong xóm đến gói bánh tét. Tôi gặp vài phụ nữ từ trong chùa ra về dáng uể oải như người quá sức lao động tôi tìm hiểu lượng bánh năm nay một cô nói: Vừa gói xong ba trấn rưởi nếp ruột. Không chỉ tại địa điểm Kim Cổ Tự, nhiều nơi trong vùng rải rác đó đây bà con rủ nhau chọn điểm thích hợp gói bánh hầm chín mới chỡ ra chùa.

Có ba người nhà cách thật xa đi xe suốt ngày mới tới vị trí lễ, cúng xong trên đường về có ghé tôi hỏi han vài câu đạo lý họ khen làng xóm đây có lòng với Ông Ba, cúng lễ long trọng, chưa từng thấy có đám cúng nào đãi bánh Tét linh đình như thế nầy. Nếu đem so với Lễ cúng Ông Hai Trần văn Nhu _ Thầy dạy đạo cho Ông Ba và vị nầy cũng là đệ tử chân truyền của Đức Phật Thầy Tây An _  thì cúng lễ quá đơn giản, thưa thớt ít người.
Nghe khách so sánh tôi cũng thấy buồn buồn; đúng sự thật giữa Thầy và Trò có khoảng cách rõ rệt. Riêng tôi cánh cửa huyền vi thế nào thì chúng ta không biết nên không bàn về sự cách biệt quá xa giữ hai vị ơn trên. Chuyện trước mắt chúng ta thấy được Ông Ba Nguyễn văn Thới trụ tu cho đến khi viên tịch đều ở vùng cù lao Ông Chưởng, Tổng Định Hòa. Chỗ Ông Ba chỉ cần qua bên kia sông là tới Thánh Địa, trung tâm học Phật PGHH. Cái nơi nhà nhà theo đạo thì mỗi lần lễ đến mỗi người ra chút công chút của là linh đình ngay. Ông Hai Trần văn Nhu, vì là con trưởng nam của Đức Cố Quản Trần văn Thành, chỉ cất chùa dạy đạo tu thân hành thiện vẫn bị Pháp tặc nghi ngờ truy cùng đuổi tận Ông Hai phải đi lánh thân ở xứ không có tăm hơi đạo Đức. Cho dù Ông Hai đắc đạo báo trước ngày giờ viên tịch, dạy rành đệ tử cùng sống với Ông nơi xứ lạ quê người, bảo bó Ông trong bảy miếng tre rồi đem chôn, mộ không đắp nấm mà họ vẫn cải lời đi hai ngày đường nhắc đem về cái hòm mới chịu làm lễ chôn cất, mộ đắp nấm bê tông, đệ tử còn cải lời Thầy đến vậy nên xảy ra chuyện kinh hồn: cái hòm chưa liệm bổng nổ tung lên… Người tín đồ đạo đức bình thường trông cậy vào đâu để cúng lễ lớn cho Ông Hai chứ ???
Ngày nay phong trào học Phật cực thịnh, cư sĩ tại gia của PGHH đã lên trường chay nhiều rồi mà người cháu có trách nhiệm thờ phượng và giữ mộ phần của Ông Hai lại cổ xưa quá, dùng mặn và cúng đãi mặn ngày lễ trọng nầy.
Người đời hiện nay dù không tu được nhưng biết tu là cội phúc, không trường chay nhưng biết trường chay là tịnh thân có phước, đi cúng chùa xa hay đi xứ  xa làm từ thiện đói giữa đường nhằm vùng ít có quán cơm chay, khó tìm cũng rán tìm, không được thì mua cơm trắng xịt nước tương vào cũng no bụng. 

Người ta biết Ông Hai là vị ơn trên đắc đạo, bày ra cái chuyện cúng mặn, quá ngược ngạo mấy ai mà chịu. Thành ra lễ cúng không đông là quá dễ hiểu.
15/5/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét