Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

CHỐN PHẬT ĐƯỜNG
Chốn Phật-đường rán trau đức-hạnh
Phải bền lòng mới rảnh trần-ai.
(Lời Đức Thầy)

Xưa nay nói về tu hành người ta quan niệm rằng muốn tu đến nơi đến chốn thì phải xuất gia vào chùa hay lên núi rừng quạnh quẽ không vướng bận việc đời thì tâm mới thanh tịnh sáng suốt. Ý nghĩ ấy đã trở thành quen thuộc mỗi khi nhắc đến chữ tu trong đạo Phật. Người ta đâu ngờ rằng chùa hay núi rừng quạnh quẽ chỉ cho ta cái cảnh yên tịnh, một nơi ở tốt phù hợp cho sự tập tu rồi ta phải siêng năng tập tu chớ chùa không giúp cho ta có sự tập tu. Do đó có người xuất gia vào chùa thành bậc đạo hạnh chói lọi, công viên quả mãn có người tu chưa lâu thì đã quay lưng với Phật Pháp bỏ chùa ra đời, xuống núi, có vị ăn gởi nằm nhờ vào sự tốt bụng của thiện tín, chẳng siêng năng công phu hành đạo, danh lợi tình không phủi, tham sân si không trừ mà ở lâu trong cửa thiền môn, thâm niên thì cũng lên bậc, lên chức. Trông vào cảnh huống ấy ta thử dùng hay câu giảng có lời khuyên như sau:
“Chốn Phật đường rán trau đức hạnh
Phải bền lòng mới rảnh trần ai”.
Hai câu giảng dẫn trên trích từ bài Sa Đéc; bài nầy Đức Thầy viết vào ngày rằm tháng tư năm canh thìn 1940. Lý do sáng tác: Ngài ra đời dạy đạo chưa đầy một năm thì chánh quyền thuộc địa Pháp bắt Ngài phải sống lưu cư, mục đích của họ là không muốn để yên cho Đức Thầy tập hợp đồ chúng giảng đạo, bởi Đức Thầy tự do truyền đạo thì thinh thế của PGHH một nền đạo xuất phát từ giữa lòng dân tộc sẽ cao rộng, đồ chúng mỗi lúc thêm đông làm trở ngại cho quyền cai trị của họ, như bài “Lời Nói Đầu” cho quyển sáu Ngài viết: “Năm năm trường xa cách, cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gũi các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi.”
Đức Thầy bị chỡ đi, các tín đồ nghe tin như sét đánh, sợ ức lòng mà liều mạng với quân dị chủng là không nên, Ngài viết để trấn an lòng trung thành của bổn đạo thương Thầy:
“Tiếng sấm sét bên tai xốc xáo,
Cả muôn người ngơ ngáo hỏi han.
Nay thân Thầy cũng đặng bình an,
Khuyên bổn đạo đừng than lắm tiếng”.
Tín đồ lo sợ nhưng Đức Thầy coi sự lưu cư nầy chỉ là sự thường thôi không có sao đâu:
“ta cũng chẳng lấy chi buồn bã
Bởi sự thường của bực siêu nhơn”.
Vậy nên:
“Khắp bá tánh chớ nên bực tức,
Bởi nạn tai vừa mới vấn vương”.
Nói như thế làm an lòng bổn đạo để họ dầu không có Đức Thầy bên cạnh cũng lo học giảng kệ tu hành vượt qua thử thách. Mấy lâu theo Thầy học đạo thì phải nghe lời Thầy. Việc của Thầy để thầy tự quyết “đem chơn lý tuyệt vời phổ thông”; hiện các trò đã vào chốn phật đường thì rán mà trau đức hạnh, bền lòng, hoài hoài sự trau giồi đức hạnh riết thì phàm tâm sẽ hết, trần thế không ham (dứt trần ai) mới mong về cõi Phật.
Lúc Đức Phật còn là đông cung thái tử xuất gia tầm đạo, đem tấm thân lá ngọc cành vàng mà đi chọn lối tu khổ hạnh, chịu đói lạnh suốt tháng quanh năm bên cánh rừng già. Phụ vương của Ngài hay tin đến khuyên Ngài trở lại hoàng cung tiếp ngôi cha trị vì thiên hạ. Ngài đáp: tâu bệ hạ! Trước kia tôi sanh ra được làm con vua nói chờ thừa kế sự nghiệp vương quyền cũng được. Nhưng giờ đây sự nghiệp của tôi đã đổi thay rồi, tôi không còn là người thừa kế vua chúa nữa mà là thừa kế mười phương chư Phật.
Cũng vì muốn đắc đạo cứu vớt sanh linh Ngài kiên quyết đến đổi phải thề bán mạng dưới cội Bồ Đề rằng “Nếu chưa chứng quả vô thượng Bồ Đề dù thân nầy có nát ta nguyện không rời khỏi nơi đây”. Nguyện xong Ngài ngồi thiền định suốt cho đến khi chứng quả vô thường Bồ Đề.
Đắc đạo, Ngài đi thuyết pháp độ chúng, đệ tử của Ngài có tới năm trăm vị là hạng xuất gia, tu hành tinh tấn, hạnh giới trang nghiêm đều chứng quả A La Hán.
Trở lại hai câu trích dẫn trên để tìm hiểu nghĩa ta thấy trong đó có những từ ngữ như chốn phật đường, trau đức hạnh, bền lòng, rảnh trần ai có thể là chiếc chìa khóa mở tung ý nghĩa. Chúng ta bàn xem Đức Thầy nói những gì trong đó.
Chốn: nơi chốn, chỗ ở.
Phật đường: từ ngữ nầy mang hai ý nghĩa 1, chùa thờ Phật 2, trường giảng dạy giáo pháp của Phật. Để làm sáng tỏ hai ý nghĩa về Phật đường ta nên mở rộng phần chi tiết.
1, Nói về chùa, người đến chùa có hai dạng: Đến chùa để lễ bái Phật và chùa để tu Phật.
a, Chùa để lễ Phật: Do sức giác ngộ không sâu, duyên thiền môn chưa hội đủ, sanh trong đời vì bảo vệ sự sống người ta làm các ngành nghề thiện ác đều có rồi chọn rằm hay ba mươi đến chùa lạy phật cầu nguyện, xin phước, xá tội và ban bố cho những điều lợi lạc như hộ độ cho con có sức khõe, mua may bán đắt, làm ruộng trúng mùa … Cầu nguyện Phật độ các thứ chứ không tính chuyện tự độ, lần lần bỏ bớt việc ác hành việc thiện, thức tỉnh cõi đời giả tạm thay đổi tư duy, phát hướng tâm tu để được đắc đạo, vãng sanh. Hay nói cách khác họ cũng muốn được đắc đạo vãng sanh nhưng không phải bằng vào sức của mình mà bằng của Đức Phật cho.
b, Chùa để tu Phật: Đã nhận cõi đời là tạm giả, vinh hoa phú quý như mây gió sự thật không bền; quy y đầu phật, vào cửa thiền môn là chọn nơi trang nghiêm thanh tịnh, trang nghiêm để từ rày không phát tướng lố lăng mà phát sinh hạnh cách cao quí, thanh tịnh để từ đây nhắc nhở tự tánh không sự của mình đã bị vùi chôn trong bao lớp vô minh hãy lấy ra xài. Thật tế hơn, người vào chùa tu hành đều có lễ Phật nguyện cầu nhưng cách lễ nguyện chỉ là bổn phận của người con Phật đối với ân Phật bảo rồi thì gom sức để tự tu tự độ trước khi Phật độ. Đức Thầy viết thi phẩm “tỉnh bạn trần gian” có những câu biểu hiện trạng thái người tu xuất gia là tự độ:
“ Thế-trần tạm giả gạt đời ta,
Lướt khỏi sông mê, khỏi ái-hà.
Nhân-ngã, ngã-nhân đừng cách biệt,
Sắc-không, không-sắc chớ lìa xa”.
Thêm nữa:
“ Phú quí tạo đời thêm mệt xác,
Tham danh phế đạo chí đâu yên.
Chi bằng cửa Phật vui thanh tịnh,
Lánh cõi trần mê giải nghiệp duyên.”
Đức hạnh: Đức: Phật giáo phân làm hai dạng: phước đức và công đức. Phước đức do đem tiền của bố thí giúp đời hoặc ra sức ra công vì người vì đời, cất sửa nhà, cầu đường, thuốc trị bệnh… Công Đức do sức tu thanh tịnh cõi lòng mà có, đây gọi là đức độ. Hạnh cũng có hai điều: 1 nết hạnh ở đời, 2 Hạnh là hành, nhờ hành đạo, trì chí lâu ngày bỏ phàm nhập thánh, nên các bậc cổ đức có gương sáng trong chốn thiền lâm người ta tôn là thánh hạnh.
Bền lòng: trì chí hoài hoài với việc tu hành; như Đức Phật hoài hoài ngồi thiền định dưới cội bồ đề, Đức Thầy đã viết kêu gọi bá tánh không được “tu theo nước lớn ròng bèn thả trôi” vui thì tu buồn là nghỉ không dúng phép tắc của người vào chốn phật đường.
Rảnh: Không vướng bận việc gì.
Trần-ai: Trần, gọi đủ là cõi trần gian hay hồng trần, là cõi giả tạm, có vô số khổ não, những nào là cám dỗ lôi cuốn trụy lạc thấp hèn, những nào là bắt buộc, áp bức bất công, cứ cám dỗ bắt buột, bắt buột cám dỗ lưu liên. Ai: yêu mến thương cảm. Ai cũng là một trong thất tình, bảy món tình có sức lôi cuốn mạnh làm vật cảng cho người trên đường về Tây phương không được thượng lộ bình an. Trần ai có nghĩa là yêu cõi hồng trần. Rảnh trần ai tức không bị trần ai làm vật cảng, tự do đi về Phật quốc hay vào Phật tâm.
Đại ý: Người sống trong đời biết trần gian là cõi khổ. Ngoài cái khổ bởi thân tứ đại sanh già bệnh chết còn những thứ khổ khác vừa vật chất vừa tinh thần. Vật chất để cung phụng xác thân mà thấy thiếu cái nầy cái nọ, so đo hơn kém với người khác, lao động đến cháy da phỏng tráng tay chân nhức mõi mà cũng rán lên để cho thân có đủ yêu cầu; tinh thần thì luôn ham vui bên những thứ cám dỗ gạt lường sanh lắm điều tội lỗi. Để dứt đi sự cám dỗ của cõi đời giả tạm chỉ phải tu hành đi ngược đường duyên mới mong tháo gở mà nhìn lại tu gần đời là không ổn quyết lòng xuất gia vào chùa lên núi đặng tránh bị đời mê hoặc. Vào chùa thì phải chuyên tu, trau giồi đức hạnh, và công việc chuyên tu trau giồi đức hạnh không phải một ngày một bửa mà nhiều ngày, bền bỉ và liên tục. Đến khi đức hạnh vẹn toàn, con người không bị cõi hồng trần đạy đọa nữa “rảnh trân ai”, không bị thất tình lục dục, tam độc, ngũ dục… làm động làm rầy; đường rộng thênh thang, đi tự do về cõi Phật.
Bàn qua hai câu nêu trên “chốn Phật dường rán trau đức hạnh, phải bền lòng mới rảnh trần ai”, nội dung thức tỉnh kẻ tu hành, khi đã quy y vào đạo như vào cửa thiền môn, là chốn phật đường thì rán mà công phu trau giồi đức hạnh, quên các chuyện đời, tâm không còn lưu luyến cũng không hờn giận chi chi với những kẻ làm khó Đức Thầy. Nói tiếng vì Thầy, không phải là đi cứu cái thân của Thầy cho đỡ khổ mà vì Thầy tức là vì đạo cứu khổ của Thầy, người tín đồ phải tự cứu khổ cho mình trước những sự đua chen vật chất say đắm cõi hồng trần chìm xuống hố sâu tội lỗi, hết một kiếp khổ thì lại trầm luân một kiếp khổ khác. Cũng trong bài Sa Đéc Đức Thầy có câu:
“ Ước trăm họ nhẹ mình có cánh
Đồng bay về Cực Lạc một đàng.
Thì thân Thầy hết phải gian nan,
Đâu có chịu mang câu nhạo báng.”
Thương Đức Thầy, không muốn cho Ngài phải chịu gian bởi bất cứ một ai chứ không riêng Pháp tặc, điều nên làm là “nhẹ mình” ở cõi hồng trần để đồng “Bay về Cực Lạc một đàng”.
27/5/2016










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét