Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

NGHI VẤN 2
BUỔI HỌC 11
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÁC THAM LAM
Hỏi: Tham lam thuộc ý nghiệp, chỉ có lòng tham, không dẫn tới hành động trộm cướp chiếm đoạt của ai thì có tội không?
Đáp: Đức Thầy dạy rõ “Ý nghiệp sanh 3 điều ác: 1 tham lam, 2 sân nộ, 3 mê si, như vậy chỉ cần khởi tâm tham lam điều gì không phải của mình là có tội. Ý nghĩ xấu về một người là có tội không đợi phải hành động đánh mắng họ để đủ chứng cứ buộc tội mới là có tội.
Phật dạy “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” (không làm điều ác, nên làm điều thiện, giữ tâm ý cho thanh tịnh). Không làm các điều ác về tham lam như lấy của người khác nên làm thiện là đem của tiền ra bố thí để cho tánh tham lam không có cơ hội chường ra và ý cũng phải thanh tịnh các thứ ham muốn. Cái gốc ý không sanh tham lam mới tiêu diệt hoàn toàn những tội ác tham lam.
Đức Thầy bảo “Việc làm do lịnh tâm hồn khiến sai” tâm tức là tâm ý, nó vô hình nhưng khiến sai con người hành động thiện hay hành động ác, nên hễ ý căn mà không thanh tịnh được các sự ham muốn, dù chưa có hành động bất lương nhưng sự may mắn không chắc kéo dài. Một người ghiền ăn ớt, đi nhằm lúc vắng người thấy cây ớt nhà người ta có nhiều trái chín, nếu tính tham lam có trong lòng, chịu nhịn một hai lần đi qua lại còn có thể, chứ nhiều hơn, tính ham muốn nấu nung khó mà dằn thèm:
“tham lam tật xấu không chừa
Bo bo mà giữ muối dưa làm gì?”
Tánh tham nuôi trong tâm ý vậy là không thể tu bền được nên Đức Thầy dạy phải dứt tuyệt:
“chữ tham trong ý muốn mặc tình,
Rán định tánh trừ cho nó tuyệt”.
Ý nói rằng chữ tham nằm trong người đời không tu, mặc tình nó muốn thế nào cũng được, nhưng người học đạo tu hành không cho ý tham lam mặc tình muốn sao là muốn, và cũng không phải chối bỏ một cách gượng gạo mà là “định tánh”. Định tánh có hai nghĩa, nghĩa thông thường và nghĩa của chân lý.
Nghĩa thông thường, ví dụ đang làm một điều gì nhưng lại nhớ việc khác, người khác đến thờ ơ công việc, hoặc khờ người ra đó, không hay mình đang làm công việc gấp rút. Một thanh nữ đang may tay trong nhà nhìn ra đường thấy đám cưới diễn hành rần rộ, cô dâu chàng rễ đẹp lứa đẹp đôi, thả hồn theo sự rộn ràng của đám cưới và vẻ đẹp của đôi tân lang nương chừng mũi kim may đâm tay hồn mới nhập lại tỉnh ra. Em trai đang dẫy cỏ đậu, thấy bạn bè ba bốn đứa đi chơi, con mắt hướng theo tốp bạn mà tay vẫn dẫy làm đứt năm sáu cây đậu, mẹ làm hàng kế bên kêu lớn: Sao cỏ không dẫy mà đẫy đậu? Bộ mầy bị chúng nó hốt hồn rồi hả thằng ngu! Hãy mau mau định tâm định tánh lại đi!
Định tánh nhớ mình làm việc thì không thể vui chới với công việc khác như người vào cửa thiền môn mà suy nghĩ chuyện đâu đâu tu hành cũng chẳng nên thân gì. Định tánh mình là người tu, công việc của người tu là chuyên lo tụng niệm, kệ kinh rành mạch, pháp thí, lòng dạ khít khau có chỗ đâu cho nghĩ về vật chất, tham lam. Không định tánh vào chùa tu mấy mươi năm cũng bị ác tham lam hốt hồn như thường.
Nghĩa của chân lý: Định là ngược lại với xao động, là an lặng, vô biên vô tính, Đức Thầy dùng lời ví dụ “ Định tâm thần như mặt nước hồ”. Sông có tàu thuyền, nước ròng nước lớn, lúc chảy ngược lúc chảy xuôi, tàu thuyền vận chuyển sóng nổi lao xao. Hồ là vùng nước tự lập, tự trị, không có tàu thuyền làm gây sóng gió nên mặt nước hồ lúc nào cũng bằng phẳng. Đức Thầy mượn sự bằng phẳng của mặt nước hồ diễn dẫn về tâm định, lắng đứng các tạp niệm, các vọng niệm, phải quấy, có không, còn mất, chẳng chút nhiễm trần. Ví như sân nhà đổ bê tông cốt thép sâu xuống, tham lam là thứ cỏ dại không thể trồi đầu lên được, sẽ bị diệt tận. Tánh ở đây là chân tánh, là tánh như như sáng suốt, tánh của Phật. Nói về định tâm định tánh Đức Thầy diễn tả:
“Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiến,
Tánh trong như nước bích mùa xuân”.
Bích là thứ ngọc có màu xanh, trong ngần, không có tạp chất đục khấy vào, nét đẹp lộng lẫy. Nước bích là nước trong xanh. Mùa xuân là một trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; là mùa đầu năm mang sự ấm áp đến cho nhân loại; mùa không có mưa dầm và cũng không nắng gắt, tháng đầu mùa xuân thường có sương mù mát dịu, sương ấy đáp lên lá lên hoa, cây cỏ, sáng sớm hay chiều muộn người ta đi dạo vườn hoa cây kiểng trước sân nhà, thấy những nụ sương no nê đọng trên lá trên hoa, nụ nước trong tuyệt. Tánh trong sạch Không thể đem nước nào của thế gian so sánh được, chỉ có nước bích với nước sương mùa xuân làm bạn vàng. Đời không thể mượn gì làm thí dụ cho sự trong sáng của tánh như như phải mượn nước bích mùa xuân làm thí dụ là mượn kiểu hết cách. Tánh như như luôn tịnh, không đến không đi, không còn không mất. Khi ta sống trong mê muội tham lam thì tham lam đã chận bít ánh sáng như như, vọng động về tham lam ồn ào phía ngoài. Định tánh được thì sự chận bít, ồn ào của vọng động tham lam cũng như các vọng động khác không còn nữa, nắng chiếu sương tan mặt trời tỏ rõ.
Quý vị hỏi tôi tánh tham lam còn nằm trong ý chưa hành động là có tội không. Người tu làm phước không làm tội, tránh tội là một lẽ nhưng tu không chỉ để tránh tội ác với người khác mà còn hướng đến mục tiêu giải thoát. Cho dù chưa hành động tham lam nhưng tính tham lam để hoài trong ý thì dù nó không làm  tội với người khác mà tội với chính mình bởi nó là vô minh làm tắc nghẻn ánh sáng chân lý không thấy đường tiến đến Phật tâm hay về Phật cảnh.

21/3/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét