Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

NGHI VẤN 2
BUỔI HỌC 10
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
NÓI VỀ ÁC KHẨU (tiếp theo)
Hỏi: Để trừ đi Ác Khẩu Đức Thầy dạy “ đối với con cháu trong nhà, không nên nói những điều ác đức, phải dùng lời nói dịu dàng hiền hậu dạy dỗ chúng”. Nhưng dịu dàng hiền hậu thì chúng không nghe lời, ta phải làm sao?
Đáp: Câu hỏi nầy nghe qua thì dễ mà đem thực hành là rất khó.
Tạm thời ta không trách về việc chúng không nghe lời mà hãy coi lại bản thân của mình trước, dạy dỗ là chuyện sau, như Đức Thầy dạy “ Đối với con cháu trong nhà không nên nói những điều ác đức…” Làm Ông bà cha mẹ ta ăn ở đúng vai bề trên của chúng chưa?
“Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch,
Khi thốt ra đoan chúng hiền từ.
Tích thiện thì thường có phước dư,
Bằng tích ác họa ương đeo đắm”.
Nếu như đối với con cháu mình là người lớn mà chưa dùng lời dịu dàng trong sạch, đoan chánh hiền từ; miệng còn ác mà đi dạy thiện cho chúng là khó có kết quả, người ta không nghe lời phải của người quấy là đương nhiên; còn tích ác…là còn bị vọng quả. Những khi dạy chúng không nghe, lòng sanh buồn bực ta nói chúng nó là “họa ương đeo đắm” không phải không có lý nhưng ta nói trong buồn phiền chớ không nói trong cởi mở. Để hướng đến sự giáo dục tốt cho con cháu Không chỉ với chúng trong nhà mà với ai cũng phải dùng lời nói dịu dàng, đoan chánh hiền từ để cho chúng ảnh hưởng. Tục ngữ Việt Nam có câu “ gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” ta thể hiện cung cách “đèn sáng” chứ không phải “mực đen”. Nếu ta chỉ thể hiện “ đèn sáng” với con cháu mà “mực đen” với láng diềng thì chúng cũng sẽ học cách để làm mực đen với láng diềng của chúng sau nầy.
Đừng có cái kiểu chỉ huy năm ngón, kêu lính xông pha mà mình không dám; dạy con làm người tốt, đừng nói ác hay tập tụ bọn trẻ ác, xúi dục cải cha mắng mẹ trộm cắp của cải trong nhà; chỉ vậy thôi thì lời nói dịu dàng hiền hậu của ta chỉ nhằm mục đích bảo vệ hạnh phúc nhà mình, hàng rào bảo vệ còn một lổ hỏng lớn, chưa được. Gia đình ta là một trong xã hội bao la, sự liên quan từ gia đình đến xã hội rất cần thiết, con cái lớn lên không phải chỉ suốt ngày trong vòng tay cha mẹ để nghe tiếng dịu dàng hiền hậu của cha mẹ thôi. Chúng phải ra xã hội mà cái xã hội chúng đến không có tiếng nói dịu dàng hiền hậu. Lớn lên có đứa tiếp cận xã hội nhiều hơn những thân nhân trong gia đình nếu không được ảnh hưởng tốt những lời nói dịu dàng hiền hậu từ xã hội, chúng chỉ nghe tiếng nói dịu dàng hiền hậu của gia đình ít người nầy, môi trường không có sự tập huấn tốt chưa chắc con cháu nghe lời mãi mãi.
Dạy con đừng nói ác, luôn đề cao điểm thực hiện việc tốt với Ông bà cha mẹ, không quan tâm đến người ngoài thì chứng tỏ lời dịu dàng hiền hậu của ta mang tính ích kỷ vì hạnh phúc của nhà mình sẽ không có kết quả cao.
Tôi có một Ông chú bà con, chịu hết nổi với thằng con trai ngang tàn phá của; bình thường thì chú thích lo làm giàu không cần ai nói cho nghe đạo đức tu hành. Ngoài thằng con trai ngang tàn phá của, chú có cô con gái nết na đằm thắm lòng muốn trường chay tu niệm. Ly gia cắt ái thì chú lại không cho nhưng  cái thằng con trai ngang phá thì chú vái vang ai đến độ nó đi luôn cũng được. Đánh giá chú không trọng đạo đức mà chỉ trọng giàu và bảo vệ hạnh phúc giàu có của mình.
Người tốt làm việc tốt không mang tính ích kỷ, tốt không chỉ thực hiện ở nhà mình mà còn tìm cách làm tốt xã hội, dạy tốt cho con là vấn đề căn bản “tiên trị kỳ gia” mà để thiếu “hậu trị kỳ quốc” là không ổn. Nhà trong quốc gia xã hội, xã hội quốc gia không ổn ở nhà cũng không yên.
Dạy con đừng nói ác mà mình hễ ai làm trái chút xíu cũng giận lên rủa sả. Hãy kiểm điểm lại đi! thấy mình có nói lời ác thì tự giải quyết trước để làm gương. Mình tự trị để con cháu nó kính sợ mà không dám không nghe lời. Kiểm điểm thấy mình mẩu mực xứng đáng giáo dục con cháu nhưng sao vẫn gặp sự rắc rối trong gia đình… Có thể còn vài vấn đề lấn cấn thông cảm là hết ngay. Người lớn đâu ngờ rằng ăn, mặc, ở phát sinh những trái nghịch giữa một nhà hai ba thế hệ: Ông Bà, Cha Mẹ, Con Cháu, ví dụ Ông bà hồi còn thanh niên thanh nữ cách ăn mặc, xài phí khác hơn cách ăn mặc xài phí của thanh niên thanh nữ thời nay. Một số Ông Bà hiền thì có hiền nhưng tính tình cứng ngắt, bảo thủ, muốn đem cái mẩu mực thời thanh niên thanh nữ áp dụng cho các cháu; trang phục nghiêm chỉnh không lòe loẹt, bạn trăm năm phải hoàn toàn do sự quyết định của đấng sanh thành.
Người ta thường bảo “Sông có khúc, người có lúc”. Khúc sông của Ông bà xưa khác hơn khúc sông của con cháu hiện giờ mà biểu tìm khúc sông xưa mới được đi thì quá là bảo thủ từ đó tạo sự rắc rối, con cháu không nghe lời. Người xưa chưa kịp phát minh sáng tạo những nhu cầu cần dùng như vải sồ, xe cộ, máy điện tử.vv.. Tuổi thanh niên của thời Ông bà nhà có sắm chiếc xe đạp là oai lắm, may được năm ba bộ đồ trong nhà là bãnh, có cái radio ấp chiến lược phát lên cả xóm lại nghe; nhà ai giàu sắm cái vô tuyến truyền hình trắng đen thì mỗi chiều thứ bảy, chủ nhựt đông như nhóm chợ. Những thứ đắt giá lúc xưa mà giờ dân thiệt nghèo cũng coi như đồ bỏ. Việc trăm năm là dây trói cả đời người, chồng vợ của con mà làm như chồng vợ của đời cha mẹ, chỗ con không thương cha mẹ cũng bắt thương biểu sao không sanh rầy rà lấn cấn.
Người có lúc, như quý vị biết Đức Phật Thầy Tây An là cái tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ mà sự giảng dạy của lúc Đức Phật Thầy và Đức Thầy nhiều điểm không cùng. Phải chăng vì thế hệ của người xưa và người nay có khác nên giáo lý thời Đức Thầy có vẻ mượt mà hơn và tín đồ cũng theo giáo lý ngày nay tu hành mấy ai tu theo thời xưa đó. Hiểu được như vậy thì người tu không chấp pháp và Ông Bà Cha Mẹ cũng không chấp con cháu ngày nay sống khác hơn mình. Cởi mở sẽ thu hẹp khoảng cách, lời qua tiếng lại là nước chung dòng, bớt rầy rà sẽ bớt lời ác đức.
Giờ chúng ta trở lại điểm yếu của câu hỏi: Dùng lời dịu dàng hiền hậu dạy bảo chúng không chịu nghe lời ta phải làm sao?
Ta thử đặt vào trường hợp tệ nhứt là dịu dàng hiền hậu dạy chúng không nghe để con cháu muốn làm gì thì làm, hổn xược cỡ nào thì hổn được không? Nhưng nếu ta hăm he đánh đòn, đòi đuổi đi hay bỏ đói làm cho con cháu sợ mà tránh  ác hành thiện thì cũng phải tìm cách, giáo dục đi từ phương pháp đến biện pháp, con ngỗ nghịch đầu tiên cha mẹ dùng phương pháp giáo dục, chừng sự giáo dục không thấm lòng chúng nó nữa là phải xài đến biện pháp, coi như là một giải pháp tạm thời.
Nếu dùng giải pháp như thế thì ta đã không nghe lời dạy của Thầy về điều cấm “ mạnh bạo hăm he” sao?
Điều cấm là phải tuân thủ nhưng đặt ích lợi của một đứa con hoang chơi, hung ác đầy tội lỗi gây tác hại nặng nề với gia đình và xã hội, hăm he cho sợ bỏ dữ về lành để xã hội không bị hại thì Phật Trời chứng giám tấm lòng. Nếu căn cứ theo lời dạy của Đức Thầy “lời truyền sấm như bài toán đố” hoặc “ai biết tri việc phải cứ làm” ta đã có đáp số tốt và tri được việc phải làm thì làm để có kết quả tốt trong sự uốn nắn giáo dục không hay hơn sao?
Nói không có chánh văn tôi e lý luận là cách bào chửa.
Đức Phật thuyết pháp độ chúng cũng chuyên dùng lời hay lẽ phải nói ra, nhưng cũng có những người quy y Phật mà còn phạm quấy nên Đức Phật phải đề ra giới luật để cho quý Tăng Ni Phật Tử khắc phục những sai lầm, đâu có ai dám trách Đức Phật dạy đạo sao còn đem luật để áp đặt tạo khó người ta.
Ở vào trường hợp đứa con khó tính, bướng bỉnh ta có thể thương con cháu mà bỏ qua nhưng xã hội họ có chịu bỏ qua không? Lỡ như ác khẩu của nó bị người ta đánh hoặc gây chuyện lớn hơn đưa vào tù thì xét ra tình thương của ta đối với chúng không có kết quả tốt. Người sống trong xã hội ai cũng muốn an cư lạc nghiệp thiên hạ thái bình nhưng có kẻ phá hoại an cư lạc nghiệp của người khác bắt buộc nhà nước phải đặt ra luật để trị tội. Nhờ có luật pháp và nhà tù những kẻ sống bằng nghề trộm cướp vô lương sợ tù đày không dám làm bậy, nếu còn  cũng chỉ rơi rớt ít người thôi.
Xưa Đức Phật dẫn dụ ba con ngựa ví cho ba hạng người: Một con ngựa khôn ngoan nhất người chủ vừa trèo lên lưng nó thì nó tự động chạy. Con ngựa khác, lên lưng nó không chạy mà kêu chạy nó mới chạy; con ngựa thứ ba, thót lên lưng không chạy, kêu chạy cũng không chạy mà phải nện trên thân nó vài cây nó mới chạy.
Ngựa chạy hay, dạy trẻ nói lành, làm lành là mục tiêu giáo dục, không cách nầy thì cách khác miễn sao chúng nghe lời cha mẹ dạy thành người tốt. Nhưng phải chịu rầy mắng ăn đòn trẻ mới nghe lời là cách trị thấp nhứt, hết cách mới sử dụng cách thấp nhứt nầy.

5/3/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét