Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

BUỔI HỌC 11
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC: ÁC THAM LAM

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính chào chư quý đồng đạo! Hôm nay chúng ta học buổi học thứ 11 qua đề Ác Tham Lam. Bài nầy phần chánh văn khá dài, mà từ ngữ lại giồi giàu nếu không cố gắng cũng khó thuộc và lãnh hội, nhưng tôi hy vọng quý vị sẽ cố gắng, thành công là tất nhiên.
PHẦN 1: HỌC CHÁNH VĂN
Tham-Lam. – Tánh tham-lam đã làm cho loài người phải chịu bao nhiêu thảm khổ: Chiến-tranh, cướp bóc, giết người… tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế… những sự ấy đã xô đẩy con người vào chẳng biết bao nhiêu cuộc chiến-đấu, ác-liệt, gây nên những thãm-họa tầy Trời. Những tấn tuồng giặc-giã, cướp của sát-nhơn, những vụ hối-lộ, những vụ tranh thế giành quyền đã làm cho nhân-sanh điêu-linh trong vòng tai-nạn khốc-hại. Cái tham ấy cũng đã làm cho con người đau buồn hận khổ, phải khóc đứng than ngồi, phải liều mình tự-sát chỉ vì sự ham muốn không được thực-hiện; người ta quyên-sinh vì tình yêu, vì lợi-quyền, vì thất trận… Những cuộc cấu-xé lẫn nhau, những vụ nồi da xáo thịt, những tương-sát tương-tàn, những điều hung-hăng bạo-ác cũng do sự tham-lam mà ra cả. Ngày giờ nào loài người diệt được tính ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ. Vả lại, ở đời phải có lúc thăng trầm chìm nổi, có thì ta xài, không ta nhịn, can gì phải bày mưu tính kế chiếm đoạt của kẻ ngoài. Của là của chung trong thiên-hạ; đời ta còn, nó còn; đời ta mất, nó mất; gương Thạch-Sùng Vương-Khải há không để lại cho ta một bài học đích-đáng lắm ru? Thế nên hãy nghĩ đến người cũng như mình nghĩ đến mình, hãy dẹp lòng vị-kỷ tham-lam, lo vun-trồng phước-đức, bố-thí cho kẻ nghèo hèn, rán công-phu sám-hối để có thể yên vui nơi miền Cực-Lạc, lánh sự giả-tạm ở cõi đời nầy.
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG
Tham-Lam: Thuộc phần ý nghiệp, bắt đầu từ sự động lòng ham muốn mà bất giác mới dẫn tới hành động lấy của, chiếm công, không thuộc về mình.
Chiến-Tranh: Đánh nhau chết sống trên chiến trường để giải quyết thắng bại ai hơn ai thua, người còn kẻ mất cũng do từ lòng tham không đáy mà ra. Chiến tranh tầm cỡ quốc gia thì các đại bang đi tìm thuộc địa, quốc gia tiên tiến đánh chiếm quốc gia nhược tiểu; chiến tranh qua ảnh hưởng phe nhóm, gia đình, đất đai, yêu đương…
Tham Danh: Hễ làm cái gì có danh là thích. Đi công tác xã hội từ thiện khiêng vác nặng nhọc cỡ nào không ngán nếu có ai khen mình hay ho giỏi giắn. Thuyết giảng đạo lý có người ta khen, vổ tay thì thích hơn chỗ mình nói mà khán thính giả im lìm lắng nghe từng câu từng đoạn không có dấu hiệu vuốt ve. Nhà ở cách xa mà nơi đó nhiều người khen mình hễ ai có lời mời là đến, người ở gần bên họ cũng thích nghe đạo lý nhưng không nói gió đẩy gió đưa lời khen nào rất khó mời được Ông thuyết trình viên tới nhà.
Tham Lợi: Rao rao cửa miệng đi công tác từ thiện là nhắm vào lợi ích bá gia, thuyết trình giáo lý nói vì lợi ích của Đạo PGHH nhưng đâu được vậy. Làm công tác từ thiện chỗ nào cũng muốn có ai đó từ thiện lại để tiếp tục làm công tác tới; thuyết trình xong kêu gọi quyên tiền ấn tống Sám Giảng Giáo Lý, hoặc giúp người nầy người nọ. Tiền  chuyển qua trung gian khó còn nguyên vẹn. Làm đạo mà chỗ nào cho mình đi không về không vài lần là hết muốn tới đó nữa. Nhưng đi không về không là đúng mẩu mực để phát huy đạo giáo.
Tham Sắc: Sắc đẹp nam nữ. Có việc đi đâu hay làm gì thích được người khác phái cùng trang lứa, hợp nhản đi cùng, cùng làm. Người không cùng trang lứa, hoặc cùng trang lứa nhưng không hợp nhản là không thích đi chung, làm chung. Như quý vị thấy chỉ có đi cầu nguyện thôi mà cũng lựa… hành hương chiêm bái cũng lựa… Người không nặng tình với sắc đẹp thì sắc đẹp bình thường như mọi thứ bình thường trong đời nhưng ai đã nặng tình với nó tới cỡ đắm đuối thì sắc đẹp trở nên thứ dữ dằn. Tu mấy mươi năm thây kệ, đắm đuối là bị trói chết liền! Chẳng phải Đức Thầy đã dạy “Tham sắc đẹp nhà tan cửa nát” Hoặc “đừng ham sắc lịch lắm phen lụy mình” đó sao?
Tham Tài: Tham tiền bạc, đi đâu hễ nghe ai nói tới kiếm tiền là chịu, người đời, rủ làm gian thương hay gì gì đó có tiền nhiều là ừ lẹ. Người đang tu ngon lành, việc áo cơm tiêu xài các cái đồng đạo ủng hộ đến dư chút chút; trong lúc bất giác sanh chứng tham tiền, muốn có hơn cái người ta ủng hộ. “lạc đạo an bần”mà muốn có tiền mua sắm thêm nầy nọ ăn cho sướng thân, coi sướng con mắt, thì lạc đạo an bần có còn gì nữa đâu. Đi trồng trọt hoặc mua bán, chạy cò…. Không có thời vận cầm tiền, mầng chết cái thân tiền cũng không vô như mình muốn mà cái đạo đức xem ra chẳng còn gì; đồng đạo nào có hên tay vô tiền đôi khi cũng bán luôn sự tu niệm. Chừng chết đến cần có sự tu niệm đi cùng kiếm hoài không thấy tu, còn tiền bạc biểu nó đưa giùm mình lên thiên đàng thì nó làm khác hơn, kéo xuống địa ngục. Lệ chết, cái nút áo còn phải lắt trả lại thế gian chứ ở đó mà đem theo được gì. Thảo nào Đức Thầy chẳng bảo:
“Gẩm kim tiền bội bạc bất tài,
Không làm cho ta được sống dai
Lại chẳng bước tiễn đưa một bước”.
Chừng ni mới biết “Tham tiền tài thường vướng nạn eo”. Rõ ràng thôi!
Tham Quyền: Quyền đây là quyền chức. Tham chức tước để có quyền quyết định, sai khiến. Người tu không ham quyền chức trong bộ máy nhà nước, tưởng thoát khỏi vụ đó là hành đúng còn quyền chức trong đạo coi như không có vì. Đừng nói không có gì, vướng bận là mất tu thì khổ tới. Quyền trong giáo hội đối với đạo cũng rất đáng lo ngại; chức tự nhiên, do sự tín nhiệm trong ứng cử, bầu cử, đúng người đúng việc, đôi khi còn xảy ra sơ suất gây hại huống chi chức tự xưng, đèo bồng. Tham quyền còn có ý nghĩa muốn điều động công việc hoặc sai khiến người khác không thuộc trong quyền hạng của mình.
Tham Thế: Thế đây là thế lực. Đã làm chức quan hay chức sắc trong tôn giáo mà muốn vượt lên hay đứng vững phải kiếm cái ô dù mà dựa. Nịnh hót với những kẻ có chức quyền hay người giàu có. Đức Thầy nói:
“Thấy quyền quí nó hay dự mé,
Đặng bợ bưng những kẻ hung sùng.
Ta thương đời nói những chuyện cùng,
Chẳng có dị có dung kẻ quấy.”
Thảm-họa: Thảm có hai nghĩa: thương xót và sự độc ác đáng sợ; họa là sự bất lành đưa đến. Thảm họa là tai họa đưa đến cho nhân sanh khiến ai nhìn thấy cũng đau lòng, khiếp đảm.
Giặc-giã: Nói về chiến tranh, hai bên đánh nhau thành giặc. Giặc giã giết chết người, phá hại tài sản mùa màng, sự bình yên của nhân dân.
Hối-lộ: Hối là đút lót, lộ là đi đường. Hối lộ: đút lót tiền để qua đường qua trạm. Quan chức tham lam, làm giàu bất chánh tệ nạn xã hội trong nước vẫy đầy. Cấm hàng thuốc lá nhập, cấm buôn hay sử dụng mà túy, cấm mại dâm… Cấm đủ thứ mà thứ nào nhân dân trong nước cũng lên tiếng báo động về tệ nạn. Tổ chức ma phi a Năm Cam hoạt động giữa thành phố Hồ Chí Minh hằng chục năm để lôi ra trước vành móng ngựa mấy chục tên quan hối lộ. Người xưa bảo “đa kim ngân phá luật lệ” là chỉ cho đồng tiền có sức mạnh, rất mạnh đối với những tên quan tham.
Điêu-linh: Điêu có nghĩa điêu nát, tàn rụi, linh là long đong, không nơi nương tựa. Điêu linh: vì quốc gia đại sự lại có những quan tham tiền hối lộ, những quan tranh ghế giành quyền tạo ra tấn tuồng giặc giã làm cho dân chúng trong nước trôi giạt, linh đinh sống khổ.
Tai-nạn khốc-hại: Tai nạn là tứ tai bai họa gởi từ đâu đưa tới, nó không phải do mình làm sai trái, cũng không phải làm tội mà chịu quả báo; họa từ những quan chức hối lộ, tham quyền lợi, nhân dân làm trầy da phỏng trán cho họ vét tiền. khốc hại là tai hại quá sức chịu đựng. Tai nạn khốc hại là chịu khổ ghê gớm bởi lòng tham của người khác khiến xui.
Liều mình tự-sát: Liều mình tức là dám chết, tự sát là tự mình giết mình. Nguyên nhân để người ta đi đến liều mình tự sát là do có quá nhiều áp bức bất công với bản thân hay thân nhân đến đường cùng, cần có sự hy sinh để gở nước bí.
Quyên-sinh: Tự tử bỏ xác. Hai nhóm từ chúng ta trích học “Liều mình tựu sát” hay “quyên sinh” cũng tự mình giết chết lấy mình nhưng đặt vào trường hợp thì thấy ở hai góc độ khác nhau. Liều mình tự sát là bị người khác có quyền có chức ép đến cùng đường đành phải chọn cái chết cho hết việc còn chết do quyên sinh là do mình thua cuộc, chết vì không được yêu, chết vì mất quyền lợi, vì thất trận.
Tình-yêu: Lòng yêu thương nồng nhiệt. Đặt chữ tình trước đâu thì mạnh đó, đặt tình yêu với một người, một nhóm người, tổ quốc, tôn giáo thì trải sự yêu thương nồng nhiệt ra, hành động cụ thể.
Thất trận: Thua, bại trận.
Nồi da xáo thịt:  Nói gần là anh em ruột thịt, nói rộng là giống nòi, giết nhau do vì lòng tham mà ra
Tương sát tương tàn: Tương là ngang đồng nhau, sát là giết; tương sát tức hai bên mang hận thù; Tàn là rụi mất, tàn đời. Tương sát tương tàn: cũng nghĩa đồng bào, tình cốt nhục; vì tham quyền, tham lợi, tham sắc, tham tài mà anh em, đồng bào, đành  sát hại nhau.
Hung hăng bạo ác: Tính tham lam sợ không được điều mong muốn mà người khác ve vản làm nóng giận, sự hung sùng hễ hăng lên là tánh tình bạo ngược, hành động ác đức.
Thăng trầm chìm nổi: là ý nói trong cuộc sống khi lên lúc xuống, giàu nghèo, vinh nhục, khi làm ăn phát đạt, lúc thất thời lổ lả. Đừng vì sự thua lổ mà tính chuyện phi nhân ác đức, lập mưu chiếm công hay chiếm đoạt tài sản của người khác. Chấp nhận sự thăng trầm chìm nổi, hùng dũng tìm sự sống trong sự sống.
Thiên-hạ: : Mọi người sống trên thế gian nầy
Thạch sùng Vương Khải: Là câu chuyện khoe giàu của hai Ông quan đời nhà Tấn bên Tàu. Thạch Sùng làm quan Thứ Sử Kinh Châu, nhân quyền hành trong tay mà lòng tham vô tận, lương bổng chê là ít, cấu kết với bọn cướp kiếm thêm tiền bất chánh. Bọn cướp có quan lớn đỡ đầu không sợ lọt lưới pháp luật cướp đâu là xong đó, mở rộng vùng hoạt động cướp của nhiều hơn. Chẳng bao lâu Thạch Sùng giàu phất lên, đem tiền mua lên chức Thái Bộc.
Tiền làm không tốn chút mồ hôi nên ăn xài không tiếc, xây cất biệt thự, mua thê thiếp, sắm dọn sa sỉ … Sự vui chơi trác táng ấy tiếng đồn đến Vương Khải, Ông nầy là em trai của hoàng hậu nương nương, có thế lực mạnh với các quan trong triều và được coi là nhà đại phú. Vốn người cậy thế mà giàu nên hễ nghe ai giàu là sợ hơn mình nên không thích, lần gặp Thạch Sùng Vương Khải gây chuyện khoe giàu, khoe của. Thạch Sùng đâu chịu thua, khoe lướt cái giàu của Vương Khải. Khoe tức là nói miệng không, các quan khích tướng đòi trưng bài của ra để xem ai giàu hơn ai cho biết. Vương Khải nghe khích liền truyền gia đinh lấy lụa trải đường dài bốn mươi dặm, Thạch Sùng chơi gát hơn, kêu gia nhân trải gấm  năm mươi dặm… tiếp theo những món khoe của phía Vương Khải đều thua, làm mất thể diện với các quan Vương Khải đầy lòng căm tức, muốn tiêu diệt chướng ngại chận đường và đang nghĩ cách chưa xong thì bổng…
Thạch Sùng có người thiếp trẻ, nhan sắc tuyệt vời đã làm động lòng một quan gian tên Tôn Tú. Hắn ỷ thế lực bèn hỏi cưới người thiếp trẻ của Sùng. Sùng không chịu nhường thiếp còn giận nôn lên. Tôn Tú say mê nhan sắc đến cầm lòng không đậu tìm cách đưa Thạch Sùng đến chỗ chết. Tôn Tú bẩm báo lên vua, Thạch Sùng dùng tiền mua chuộc các quan chờ ngày phản loạn triều đình. Vua nghe báo, không dám để chờ điều tra kỷ lưởng sợ giữa chừng sanh biến hối không kịp liền ra lệnh cho quan quân tả hữu bắt ngay Thạch Sùng ra pháp trưởng xử trảm. Thạch Sùng than tiếc mấy câu và chắc lưỡi trước khi chết.
Đức Thầy nhắc tích xưa để treo sáng cho người học đạo qua câu hỏi “gương Thạch-Sùng Vương-Khải há không để lại cho ta một bài học đích-đáng lắm ru?” Học được bài học nầy là không làm giàu bất chánh, của cải dư ra là làm từ thiện, cứu giúp kẻ khốn cùng chứ đừng giấu cho nhiều rồi tới việc đem khoe giàu bị giàu hại chết.
Vị Kỷ: Tức ích kỷ, chỉ biết có lợi cho bản thân mình. Đức Thầy nói:
“ Mảng điểm tô huy hoàng nhà cửa,
Ai khốn cùng để mặc đất Trời xay”.
Vun trồng phước đức: Ý nói trồng phước đức cho vun lên nhiều. Thế gian là cõi khổ, đối với người biết đạo tu hành thì ở trong đời nầy là tạm ở, lo vun trồng phước đức, dọn đường về cõi Phật là hơn.
Bố thí: Bố là giải ra, thí là cấp cho. Bố Thí là cung cấp tiền của giúp người đói đau hoặc những thứ lầm than khác. Bố thí có ba yếu mục, 1 là tài thí, 2 là Pháp thí, 3 là vô úy thí.
Công phu: Ý nói về một việc làm tốn nhiều thời giờ và sự cần mẩn, ví dụ tốn nhiều thời giờ cho việc chuyên trì hành đạo mới có kết quả phựt sáng tâm linh, Ông ấy tốn nhiều công phu trong việc giảng dạy nên lớp học có nhiều học viên xuất sắc.
Sám hối: Sám hối là ăn năng lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau, chuyện hồi chưa tu đã phạm phải, nay nguyện không tái phạm nữa. Giáo lý PGHH, những bài cúng nguyện trước bàn thờ cửu huyền, bài nguyện quy y trước ngôi Tam Bảo “cải hối ăn năng, làm lành lánh giữ…” hoặc “ Cầu trên thất tổ chứng lòng thiền, nay con tỉnh ngộ quy y phật…” đều đã nói lên ý nghĩa sám hối.
Cực Lạc: Nói theo từ ngữ, Cực là tột cùng hay tột cao, tột thấp. Ví dụ: Cực thiện là tột cùng của cái thiện, cực ác là tột cùng của cái ác. Lạc là vui. Cực Lạc là tột vui, vui cao hơn hết các chỗ vui, các thứ vui. Từ Cực Lạc Đức Thầy dùng nói về một thế giới cách xa cõi Ta Bà lên tới mười muôn ức Phật độ, là một thế giới tột vui của Đức Phật A Di Đà lập ra cứu độ chúng sanh ở ba cõi: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, nếu chúng sanh nào trì niệm danh hiệu của Đức Giáo Chủ cõi Cực Lạc: Nam Mô A Di Đà Phật, chí thành, nhất tâm bất loạn ngay trong lúc lâm chung sẽ được Đức Phật giáo chủ phóng quang rước về. Từ đó chấm dứt luân hồi thọ thân sanh tử.
Tóm kết đại ý:
Xét qua phần nội dung của ác tham lam, ta thấy ác nầy gây ra quá nhiều tội lỗi như “chiến tranh, cướp bóc, giết người…”Nếu không khắc phục được tính tham lam trong người sẽ dẫn đến những tác hại ghê gớm. Người thấp kém trong xã hội mà có lòng tham, làm việc nhỏ thì hại nhỏ, việc lớn hại lớn; nhứt là những hạng có học vị cao, cậy vào đầu óc thông minh tính toán ra mưu, tham lớn vụ mà kín đáo với những điều che mắt, hoặc những quan cao quyền cao chức  tham lam là chết dân, ăn rút ruột rút gan dân mồm lanh lảnh theo luật. Vì lòng tham quyền cố vị họ có thể buôn dân bán nước của tổ tiên cho kẻ ngoại tặc vào thống trị. Người đạo, biết tu mà tham lam của thế là phá đạo, hại đời, hậu thế nhìn vào thấy đạo bị tan nát, lung lay ai mà dám, còn dám thì cũng rụt rè, rất tội!
Để trừ ác tham lam, Đức Thầy viết quyển “Khuyến Thiện” dạy có hai cách trong một đoạn văn nối liền
“ Muốn trừ tham phải liệu cách nào,
Phải bố thí diệt lòng ích kỷ
Tâm chánh niệm thường thường sauy nghĩ,
Vật ở trần như bọt nước làn mây.
Thân ta còn rày đó mai đây,
Của ấy cũng khi tan khi hiệp”.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
-Thế nào là tham lam?
- Theo chánh văn tham lam có tất cả là bao nhiêu vụ, kể ra?
- Căn cứ theo chánh văn, hãy giải thích về cụm từ “ liều mình tự sát” là thế nào?
- Căn cứ theo chánh văn giải thích thế nào là “ quyên sinh”?
- Phần lớn sự khổ của con người là do đâu? Dùng đoạn văn nào để chứng minh?
- Hãy giải thích về cụm từ “nồi da xáo thịt” là gì?
- Để trừ tánh tham lam đức Thầy dạy ra sao?
Kính thưa chư quý đồng đạo! buổi học thứ 11 đến đây đã hết giờ xong việc. Hẹn gặp lại quý vị buổi học thứ 12 qua hai tiêu đề: Ác Sân Nộ và Ác Mê Si.
Kính chúc tất cả thân tâm thường lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
12/3/2016





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét