Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018


CHA MẸ HIỀN, CON HIẾU THẢO

Trưa nay đi công chuyện xong, tiện đường ghé thăm một đồng đạo ít khi gặp nhau nhưng mỗi khi chuyện trò rất là thân mật. Lúc tôi đến ông chủ nhà đang nói chuyện điện thoại, bà chủ thay chồng mở lời hỏi han thân thiện thì tiếp theo đó ông chủ xoay về hướng tôi gật đầu chào, tay chỉ cái ghế, cúi mình mời tôi ngồi trong khi tai vẫn tiếp tục nghe điện thoại. Khoảng hơn một phút sau đó cuộc điện thoại kết thúc với câu dặn dò lớn tiếng mà tôi nghe được: Nhà có khách chờ cha, chừng tối rảnh con gọi lại.
Thấy tôi đợi, chủ nhà ngại ngùng cười nói vả lả:
- Được chú đến thăm thật là diễm phúc nhưng xui cho cháu, không ngờ hai đứa con trong nhà gọi điện thoại giờ nầy làm bận không kịp chào đón. Thành thật xin lỗi chú.
- Không sao, tôi cũng tình cờ tới thôi mà. Ở vào thời đại công nghệ thông tin, điện thoại qua lại với nhau là chuyện bình thường, tôi đến không có lời mời, chỉ là tiện đường ghé thăm nhằm lúc chú bận việc. Là tự đến chú không trách là may, chủ nhà chậm tiếp một chút thì đành chịu, nói lỗi phải làm gì cho không khí nặng nề thêm.
- Dạ
- Hai trẻ trong nhà đi đâu mà gọi điện thoại về vậy?
- Thưa chú, chị em chúng nó vào làm việc cho một công ty ở tỉnh Bình Dương. Hễ khi rảnh việc chúng thường gọi điện về hỏi thăm sức khõe tôi và mẹ nó.
- Con cái biết quí yêu cha mẹ vậy tốt lắm.
- Chú nghĩ coi, cháu nay mới 48 tuổi, sức khõe và thân thể còn tráng kiện thế này mà chúng cứ nhắc chừng cháu: Giữ gìn sức khõe, nhà đủ ăn thì thôi, đừng ham giàu sang mà lao động quá sức hao mòn tuổi thọ. Nó kêu cháu, sức khõe còn lại hãy đem cống hiến cho đời, tham gia các công tác từ thiện, hoặc đi núi, đi chùa bái Phật cầu Pháp nó sẽ gởi tiền hỗ trợ. Nó bảo rằng, có phước thân là có thọ thân chứ không phải nhiều tiền ăn uống đầy đủ mới sống lâu đâu.
- Cháu trẻ nhà nói đúng quá rồi còn gì !
- Chú cũng nghĩ làm phước thân là có thọ thân sao?
- Phải.
- Người ta bảo, những nhà giàu ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng sẽ được sống lâu không phải sao?
- Phải chỉ một phần thôi, vì trong những nhà giàu mà ta thấy cũng có  người chết hồi còn non trẻ, những nhà nghèo mạt rệp, ăn uống rất là bần tiện, cần no bụng chứ tiền đâu nghĩ đến chuyện bổ dưỡng, họ cũng sống khuây khuây đến trăm tuổi già đó thôi. Xin chúc mừng chú thím có được cái đáng được. Theo thuyết Nhân Quả của nhà Phật, người có đời sống an lành, con hiếu thảo như vậy là do kiếp trước có vun trồng cội phúc nên đời nầy hưởng quả. Ở cái tuổi 48 vẫn còn khả năng lao động dài dài nhưng vì trẻ trong nhà nầy biết yêu quý bậc sanh thành ép lẹ lẹ nghỉ hưu non là tốt phước cho bậc làm cha làm mẹ, nhưng kinh tế gia đình thế nào, có ổn không?
- Dạ, nhà có tổng cộng bốn người, sống quây quần trong chục công đất ruộng, theo lời Đức Thầy dạy:
“Xin đừng xài phí sa hoa
Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”
Và:
Xin đừng đeo đắm lợi danh
Bỏ trôi đạo đức hư danh dạy truyền”.
Nhờ cam tâm tình nguyện học hạnh theo giáo lý cuộc sống không thiếu. Huống nay hai đứa con đi làm ăn xa, khỏi tốn hai miệng ăn, nhà còn có hai người mà hưởng 10 công ruộng là quá đầy đủ. Đã vậy chúng vẫn gởi tiền cung cấp hằng tháng cho cháu có dịp đóng góp việc từ thiện. Nói thiệt, với sức khõe của cháu mà chăm sóc 10 công ruộng thì hết sức là nhàn nhả thế mà chúng nó còn ép cháu cho người ta mướn đất. sự thật thì chúng nó khuyên cháu như vậy cũng phải vì Đức Thầy dạy, chẳng những không xài phí sa hoa mà còn thêm ăn cần ở kiệm nữa. Tiền cho mướn đất xài còn không hết, hễ có yêu cầu gì thêm thì chúng lập tức gởi tiền về.
- Nghe chú nói tôi thật lòng khen cháu trẻ nhà nầy quí yêu cha mẹ, quí yêu đạo đức, xã hội từ thiện. Nghe thấy sự tốt phước của nhà chú tôi cảm lòng thương, tội nghiệp cho nhiều gia đình bất hạnh, cha mẹ già đến lố tuổi nghỉ hưu mà chưa hưởng được chút phúc báo nào của con cái, phải vất vả để kiếm miếng ăn bởi trẻ trong nhà của họ xem thường công ơn sanh thành dưỡng dục, nó không coi gia đình như một tổ ấm mà xem là nơi ăn gởi nằm nhờ, chúng chủ yếu là lo săn sóc bản thân đẹp đẽ với những cuộc vui thích còn nơi ăn gởi nằm nhờ cả đến cơm ăn áo mặc cứ luôn làm cái gánh nặng trên vai cha mẹ hoặc anh em khác. Đi chơi cho đả tới bửa về nhà ăn, đôi khi còn mang cái hũ rượu về nhà hoành hành không ai chịu nổi. Hãy coi những người già yếu đi xin hay mót bọc hoặc lội bán vé số tối ngày, trong số họ, chỉ một ít người bị rơi vào hoàn cảnh đơn độc không thân nhân hoặc có nhưng thân nhân của họ quen thói sa đọa hư hèn, tự lo cho mình còn chưa được đừng nói là lo cho cha mẹ. Nói ra rất là tội nghiệp những ông bà già nghèo khổ vì bị con hại, trước kia nhà họ tuy không giàu sang phú quí hơn ai nhưng cái ăn cái mặc là không thiếu, có tài sản ruộng đất đã bị đứa con mê cờ bạc, chơi bời đàng điếm… gây nợ nần phải bán lần lần tài sản, ruộng đất, trả nợ thay con cho nó khỏi vào tù hoặc tránh bị đòn của những chủ nợ thuộc dạng anh chị chuyên sử lý những biện pháp xã hội đen đối với những con nợ trong nhà còn có khả năng trả. Nhìn những người bất hạnh ấy mà so thì chú thím đây thật là sung sướng, hạnh phúc, có con hiếu thảo. Tuổi còn sức lao động mà con kêu giữ gìn sức khõe, đừng tính chuyện làm giàu cho bản thân mình, hãy lo làm giàu đức hạnh, tình thương, đối với những người không may mắn. Hai trẻ làm việc trong công ty mỗi tháng chăm tiền đều đều cho cha mẹ đi cúng chùa làm công tác từ thiện. Đúng là cha mẹ hiền sanh con hiếu thảo.
Việt Nam ta, sau 30 tháng 4 năm 1975, dân ùn ùn bỏ nước đi tìm tự do trên nhiều quốc gia nằm phía bên nầy bên kia bờ đại dương, qua thời kỳ hoạn nạn, ổn định đời sống làm ăn có tiền gởi về cho những người thân còn ở Việt Nam. Nhờ đồng tiền của các nước tự do cao gấp ngàn lần so với tiền có hình ông Hồ ở Việt Nam; của người ta có một trăm đồng  (100) mà đổi ra tiền có hình ông Hồ là hơn hai triệu, nếu cũng tính đếm từ một trăm đồng đến con số hai triệu thì mỏi cả tay miệng mới xong. Những gia đình có thân nhân là Việt Kiều ở các nước tự do nói trên, khi nhận tiền nước ngoài gởi hoặc thân nhân tự mang về liền cho cất nhà cao cửa rộng, đổi mới cuộc sống vậy cũng tốt, nhưng một số hãnh diện phát lên sa hoa phung phí, ăn chơi sa đọa, không đếm sỉa đến lúc khốn khổ của mình trước kia mà biết thương người nghèo hèn cơ cực. Thật sự thì nhà chú thím đây không so nổi với mấy nhà có thân nhân nước ngoài và hai đứa con của ông bà chỉ là đi làm mướn cho công ty tại Việt Nam, lương không nhiều và với đồng tiền rẻ mạt nói trên, chú cũng vận dụng làm ích lợi cho đời. Tôi thật hoan nghênh hai trẻ nhà có thiện tâm và bái phục cách ăn cần ở kiệm của chú, sử dụng đồng tiền đúng hướng xã hội từ thiện.
01/4/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét