Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018


QUÊ TÔI CẦN MỘT CÂY CẦU

“Khuyên những kẻ giàu sang có của
Hãy mở lòng thương sót dân nghèo”
Lời của Đức Thầy
“Quê tôi cần một cây cầu” là tiếng nói thổn thức của những người dân làng quê được chọn làm đề tài. Sáu năm về trước tại một nơi xa xôi của tỉnh Kiên Giang dân tình nghèo khổ có con kênh mà không bắt nổi cây cầu nối liền hai bờ cảm cách, một điều trông xót xa hơn là ngày qua ngày người ta thấy các em học sinh đến trường phải qua lại trên chiếc bè được kết bởi nhiều cái thùng mủ thả trên mặt nước, chiếc bè đưa rước các em qua sông mỗi chuyến đi không nhiều, chỉ hơn vài đứa trên đó là cùng. Các em học sinh chăm ngoan không muốn để Thầy Cô giáo quở trách là lười biếng, vô kỷ luật, phụ huynh học sinh phải đương đầu với nổi khó khăn của con em là đôn đốc chúng tốn thời gian nhiều hơn các học sinh ở những ngôi trường lành mạnh khác, phải đi sớm để tránh gặp rắc rối mắc kẹt bè vào lớp muộn. Nhiều năm qua như vậy, hôm nọ có những người khách lạ qua đường, tình cờ chứng kiến cái cảnh học sinh đến trường đã vất vả mà không an toàn, lòng dâng lên niềm thương cảm, xúc động bồi hồi, nảy sinh ra óc sáng tạo cách thay chiếc bè cho học sinh đến trường không gặp sự rắc rối nào về thời giờ vào lớp.
Chợt nhớ Ông Bà xưa thường hay dạy con cháu, trong các việc làm phước, tu kiều bồi lộ được coi là công quả đứng hàng đầu. Nghĩ thông, những người khách tha phương ấy, sau chuyến du hành đường xa về, đã đem chuyện các em học sinh phăng bè qua kênh đến trường, thỏ thẻ một ít người có tinh thần xã hội từ thiện và được các vị đồng cảm kéo thêm bạn bè vào cuộc, kêu gọi sự ủng hộ vì học sinh. Kết quả đã đem đến cho học sinh vùng sâu nầy một chiếc cầu váng. Cái cảnh nghèo đáng sợ là cầu không có lan can vịn níu. Ban tổ chức cất cầu đơn giản đến cỡ vậy, vì số tiền quyên góp không nhiều.
Qua thời gian 5 năm, cây cầu đã xuống cấp, đáng lẽ phải được cất mới lại năm rồi 2017 mà thiếu nhân duyên kéo tới năm nay 2018, chiếc cầu đã xuống cấp trầm trọng, người ta đi trên cầu cảm nhận không an toàn, tưởng đến độ tai hại sẽ xảy ra. Không thể trì hoãn được nữa, dân làng và các phụ huynh học sinh yêu cầu các nhà từ thiện bố thí cho chiếc cầu khác và dự tính lần nầy cất lại lên đó cây cầu chất lượng hơn. Hội từ thiện cho đổi mới hình thức từ cầu gổ qua cầu bê tông.

Từ thiện cần sự nổ lực của nhiều bàn tay kết hợp tốt. Nhà ai cũng có cuộc sống riêng tư về tiền bạc và công sức bảo quản sự sống còn của mình. Giúp đời là thể hiện sự chia sẻ một ít trong cuộc sống riêng tư đó. Mỗi người một ít, nếu chỉ vài người đóng góp một ít không đủ thực hiện công cuộc từ thiện lớn lao nên cần nhiều đóng góp, mỗi người chia sẻ một ít đó trở thành số nhiều, đáp ứng yêu cầu cần thiết cho công tác từ thiện, tu kiều bồi lộ. Đức Thầy lâm phàm dạy đạo mục tiêu chính là hướng chúng sanh đến cứu cánh sanh tử, mãn kiếp hồng trần thác sanh về cõi Phật hay thành Phật qua pháp môn Thiền Định như Ngài đã nói “Nếu ta lấy sự thiền định mà phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi”. Nhưng chúng sanh đa dạng trình độ giác ngộ không đồng, khả năng chuyên sâu pháp môn tu chứng “Nghiệp sạch tình không” chưa thể hiện tốt, do vì nghiệp không sạch thì hãy lo mà dắt dìu cái tình cái nghiệp tránh đi những mê đắm và tội lỗi; thay vì vấn thân vào tình đời hãy đem thân phục vụ cho tình đạo, thay vì bị cột trói trong sự thương yêu một người thì thương yêu thoải mái lên nhiều người. Tôi dùng từ “thoải mái” để nói rằng mối tình không bị cột buộc bởi ích kỷ và tư lợi, chẳng phải ta đã đọc thấy Đức Thầy thổ lộ tình yêu của Ngài cao thượng quá sao:
“Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẩn chúng sanh.”
Thế gian muôn điều cám dỗ, sức cám dỗ có khi mãnh liệt và nó không ngoại trừ những vị tu hành chuyên sâu pháp môn cứu cánh, nên khi nói về tình thì khó mà đạt được “tình không”, không đạt được tình không thì đương nhiên tình nằm trong hổn độn: đục trong, tốt xấu, phải quấy… tráo trở khôn lường. Nếu để đục, xấu, quấy… tấn công làm chủ tình hình chúng nó sẽ áp chiến đẩy trong, tốt, phải… mất dạng. Vậy nên, khi chưa đạt được “tình không” thì hãy tu chỉnh lại cái tình tha nhân cao thượng, biết thương yêu và nghĩ đến nổi thống khổ của người khác, giúp đỡ, cứu vớt người khác vượt qua những khó khăn, bù bổ bất hạnh. Bởi đó Đức Thầy chẳng những kêu mỗi người làm phước mà còn dạy rủ nhau làm phước như những câu:
“Việc nhà quý bạn đã xong,
Hiệp nhau là phước rõ lòng hiền nhơn”.

Nhờ rủ nhau, đông bà con làm phước kết quả nhanh hơn. Thế gian nầy, nhiều người sống đời bất hạnh, từng bị khổ đau làm khóc đứng than ngồi, nhờ đông bà con là phước thiện mà những kẻ khóc đứng than ngồi đã lau khô dòng nước mắt và nụ cười nở lại trên môi.
Trong nghiệp có hai phần thiện và ác, khi nghiệp chưa sạch tức thiện ác lẩn lộn thì ta nên tránh ác hành thiện, khi nào việc tránh ác hành thiện được hoàn chỉnh, thiện siêng suốt trong tâm, một bước “Lóng nguồn chơn” nữa là xong:
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho.”
Vậy, làm từ thiện cũng là một cách tu đi từ gần đến xa, từ thấp lên cao để đạt đến cảnh giới nội tâm của cái gọi là “nghiệp sạch tình không” hay “Lóng nguồn chơn”. Muốn đạt được Nghiệp sạch tình không hay lóng nguồn chơn đang ngự trên cao kia, ta đứng ở dưới đất nhìn lên với đầy lòng ngưỡng mộ mà từ chỗ đứng không chịu đi, leo, trèo lên từng bước rốt không được gì. Thương người để chuyển hóa thù ghét, làm từ thiện để chuyển hóa việc ác…
28/3/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét