TẬP TU
“Chữ Tập
Đề nay đà mở cửa
Để đem
vào khuôn khổ người hiền.
Rán cực
lòng một bước đầu tiên
Thì mới
được làm nên Phật Thánh”
(Lời Đức
Thầy)
Tam Tự Kinh có câu “Nhơn chi sơ tánh bản thiện”(
người mới sanh ra tánh vốn thiện). Thiện có nghĩa là hiền lành, ngược với hung
dữ. Có tánh hiền lành nhưng kiếp trước chưa dứt vọng tưởng thế gian nên phải
trở lại (luân hồi) làm người trong cõi thế. Do đó, muốn thoát luân hồi sanh tử
chỉ trông vào tánh thiện ban sơ thôi là chưa đủ. Luân hồi do mê nhiễm mà vào đường
ấy, ta có thân là có sự mê nhiễm theo cùng. Không mê nhiễm dứt khoác không mang
thân tứ đại, trường hợp Đức Thầy mang thân tứ đại không vì đi theo định nghiệp
luân hồi mà là lâm phàm độ chúng. Làm lành và tâm tánh mê muội là hai chuyện
khác nhau, không thể chỉ có hiền lành thôi là vãng sanh Tịnh Độ. Lục Tổ Đàn
Kinh Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy chúng đệ tử “ Các người lo làm việc phước lành
không cầu ra khỏi biển khổ sanh tử, trong khi tánh mình mê muội thì phước nào
cứu đặng”.
Theo câu “Nhơn chi sơ tánh bản thiện” dẫn trên, ta
biết rằng con người ai mới sanh ra cũng có tánh thiện dầu sau nầy lớn lên họ là
tên đại gian ác. Do vậy, khi phát tâm quy đầu Phật Pháp tánh thiện ấy phát khởi
trước và mạnh mẽ hơn, là tu phước. Tu phước nếu không được đánh thức mình trước
mọi vật dục thế gian cám dổ, có làm lành nhiều mà tâm đầy mê muội thì lúc giả
biệt cõi hồng trần không thấy con đường siêu lên chỉ có một nẽo đọa xuống. Đức
Thầy viết Sám Giảng Quyển Tư “Giác Mê Tâm Kệ”, đoạn khởi đầu Ngài dùng lời lẽ
hay ho của sách thánh hiền ra khuyên dạy, ai có đọc hay nghe người khác đọc đều
cho rằng hữu lý:
“Sách Thánh Đạo ghi trong Tam Tự
Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh.”
Rõ ràng quá, sanh ra vốn thiện, mỗi lúc lớn lên va
chạm với cuộc sống mà sanh cảm nhiễm ham muốn nên bị nào danh, nào lợi, nào
tình cám dổ cái tánh bản thiện lúc ban sơ khiến nó bị vùi lấp trong những yêu
cầu nầy, đỏi hỏi nọ kia không ngừng, hết yêu cầu nầy đến yêu cầu khác hết đòi
hỏi điều nầy đến đòi hỏi điều kia, cái tánh thiện lúc cha mẹ sanh ra không còn
bảo quản được nói chi đến chuyện thoát mê khai ngộ xa vời. Ta tu là mong muốn, lần
nầy giả biệt cõi hồng trần là một đi không trở lại “thoát luân chuyển khỏi đeo
khổ tử”.
Quy y vào đạo có thêm sự tu hành đúng pháp, đến lúc
cởi bỏ huyễn thân mặc thân thân Kim Cang Bất Hoại hoặc “Mãn kiếp hồng trần sanh
lạc quốc”. Từ sự nhắc nhở “Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh” nên người quy y vào
đạo để tu là tự tạo môi trường thích hợp cho sự tập tu không bị lợi danh hoặc
những điều trần tục khác làm chướng ngại. đường dầu xa nhưng hành trình không
dừng, xa cũng thành gần. vì thế Đức Thầy có lời khuyên:
“Xa nơi tranh đấu lợi danh
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”
Chữa “Xa” trong những câu tôi vừa trích dẫn có mang
hai ý nghĩa như sau:
1, Xa những chỗ lợi danh, người vì lợi danh, tranh
đấu.
2, Không xa chỗ lợi danh và người vì lợi danh,
tranh đấu, ở ngay chỗ có danh, có lợi, người tranh đấu vì danh lợi cũng được,
cốt làm sao cho thân tâm của hành giả đừng bị cảm nhiễm chất độc Danh, Lợi,
Tình: Xa tức lòng không vướng mắc.
Nói về sự, xa nơi tranh đấu lợi danh là con đường
yên ổn mà Sĩ Đạt Ta đã khai thông lộ đồ nầy trước nhất, nay trải gần ba ngàn
năm mà nói đến sự tu hành theo đạo Phật người ta vẫn còn áp dụng lộ đồ chứng
tích nầy một cách mạnh mẽ. Đạo Phật nói: Phật ở tự tâm mỗi người thay vì đi đâu
tìm Phật thì hãy tìm trong chính mình. Đó là nói theo “lý”, muốn đạt rốt ráo và
thực tế phải đi từ “sự” vào. Lễ bái Phật, tụng kinh gõ mõ… ai không biết đó là
sự. Chẳng phải Đức Phật đã nói như vầy sao “ Nhược dỉ sắc kiến ngã, dỉ âm thanh
cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.
Nói đến chữ tu là tập tu, nếu ham muốn chuyện thế
gian, bất cứ những gì trong thế gian đều là giả, cái thân ta đây ta cho là quan
trọng nhất mà giả thì còn cái gì trong thế gian nầy không giả chứ? Tríu mến các
cái giả là không thể đến với thiệt. Người có thói quen cờ bạc, rượu chè, đàng
điếm, những thứ trụy lạc thấp hèn nầy đã phiếu giễu đầy trong xóm đã làm ta
ghiền nặng, ban sơ bảo bỏ ghiền mà cứ mắt thấy tai nghe nó phiếu giễu hoài hoài
thôi ghiền làm sao được. Ở chỗ trụy lạc bỏ trụy lạc không được thì tìm cách đi
xa để bỏ, bề nào, hễ bỏ được là tốt đừng chấp việc bỏ thói quen ghiền nhiễm tại
chỗ hay đi xa. Nếu không có chuyện đi xa của Sĩ Đạt Ta“ Thừa đêm khuya lén trốn
vào rừng, Lìa cha già vợ đẹp con cưng, Thân chẳng sá xông pha bờ buội”(lời Đức
Thầy) làm gì có sự chói chan của đạo Phật trên cõi trần gian cát bụi nầy.
Khó khăn của vấn đề cầu vãng sanh Cực Lạc là gì?
Lục tự trì tâm là phương pháp đúng đắn nhứt, nhưng trên đường hướng thượng xảy
ra những chướng ngại quên niệm Phật thì sao? Lúc bình thường giữ Phật trong tâm
còn khó huống chi gặp chuyện bất ngờ như tai họa lật xe, chìm tàu, bệnh tật hay
đối trước cái chết thì Phật có còn trong tâm hay đã đứt mất từ lâu. Bất kỳ diễn
ra chết lành hay chết dữ mà nhớ niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật rước, bằng
ngược lại “… Kịp đến khi tử thần gõ cửa, số vô thường đã tới, sanh ra muôn ngàn
kinh hãi , thần trí hôn mê rất tríu mến cõi đời, cửa nhà con vợ mà không làm
sao sống được nữa, nên lúc ấy kẻ phùng mang, trợn mắt, người chắt lưỡi, nghiến
răng, lăn lộn giật mình, kêu than thảm thiết. Xét coi lúc ấy khổ sở là dường
nào”. Chết mà diễn ra trường hợp nêu trên, cho dù lúc bình thường niệm Phật
nhiều mà tới lúc ăn thua lại không niệm được thì chỉ có thua thôi. Do vậy, tập
tu để được thuần tu, tập niệm cho thuần niệm, chết lành hay chết dữ mà có niệm
Phật là ăn chứ không thua.
Chuyến đi cứu trợ bà con Việt Kiều Cam Pu Chia vừa
qua, tôi may mắn được ngồi đàng trước chung dãy với tài xế, không biết chú ấy
lúc ở nhà giữ vững công phu đến độ nào nhưng khi lái xe có được hạnh cách tôi
cho là rất thuyết phục lòng tin, có lẽ đối với chú, Phật là tất cả cuộc đời nên
chú nhạy nhớ Phật. Có khi xe cởi lên đường ổ gà, tiếng niệm Phật từ miệng chú cùng
lúc với tiếng nện rầm rầm nhảy cựng đầu xe, có khi tiếng niệm Phật sau liền lúc
xụp ổ gà và đôi lần chú niệm xong một câu Lục Tự thì bánh xe mới càn qua hang
lổ. Điều tôi nói hạnh cách rất thuyết phục lòng tin vì, như chúng ta đều biết
sự chết chóc xảy ra cho dù chết lành không bị lật xe, chìm tàu, súng đạn, cứ
nằm trên giường bệnh mà chết đi biết đâu lúc đó xảy ra như điều Đức Thầy báo
trước:
“Gần hấp hối tâm thần xao xác
Trí vẩn vơ kinh sợ vô cùng”.
“Tâm thần xao xác” hay “kinh sợ vô cùng” là biểu
hiện hành trạng không nhớ Phật thì chết sẽ không theo đường Phật đến cõi Tây
Phương.
24/3/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét