Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018


CẢM NGHĨ VỀ VIỆC ĐỨC THẦY THỌ NẠN

(Tôi dùng từ “thọ nạn” không phải để hâm nóng lòng thù hận mà vì tôi đã quen thuộc từ các vị tiền bối hay dùng “Đức Thầy thọ nạn tại Đốc Vàng”, ( chưa ai nói Đức Thầy vắng mặt tại Đốc Vàng). Theo tôi, cái vì đã là sự thật thì không nên trốn tránh. Ta dùng từ Thọ Nạn sẽ ra ngay ý nghĩa Đức Thầy bị hại, còn nếu nói Đức Thầy vắng mặt, có người sẽ hỏi: vì sao Đức Thầy vắng mặt? Lòng vòng cho đã rồi cũng phải trả lời: Do Bửu Vinh ám hại, thì cũng là thọ nạn đó thôi. Còn nói Đức Thầy là Phật không ai hại được. Hại được Phật hay không là một chuyện khác, Đề Bà Đạt Đa cùng vua A Xà Thế lập kế hại Phật, cho Voi dữ uống rượu hoặc lăn đá trên núi xuống hại Phật thì sách sử đã ghi. Không phải Đức Thầy nói “ bởi nạn tai vừa mới vấn vương, bá nhựt thân nầy chịu nạn tai” đó sao?)
Mỗi năm gần đến ngày kỷ niệm Đức Thầy thọ nạn tại đốc vàng lòng tôi quặn đau, bồn chồn lo lắng. Quặn đau vì Thầy, bồn chồn lo lắng vì thương đồng đạo chúng ta, những ai vì sự nghiệp Phật Giáo Hòa Hảo, bảo vệ chứng tích lịch sử, gặp rất nhiều khó khăn...
Vì Thầy: Đức Thầy vắng mặt bởi biến cố Đốc Vàng Ngài đã để lại cho đời hai sự nghiệp sáng chói trong lòng lịch sử dân tộc, hai sự nghiệp đó là Tôn Giáo và Cách Mạng.
1. Sự nghiệp Tôn Giáo, Ngài lãnh sứ mạng từ hai vị Phật: A Di Đà Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật lâm phàm độ thế, khai sáng tôn giáo đặt tên là PHẬT GIÁO HÒA HẢO, dạy người đời tu nhơn tích đức, cải ác tùng thiện và gội rửa lòng phàm cho trong sạch để khi mãn kiếp hồng trần thác sanh về cõi Phật. Hoặc vì tu nhơn tích đức, rửa sạch những lấm lem trần tục mà tự tâm phát sáng, liễu ngộ Phật tánh đắc đạo tại thế gian. Trong khoảng thời gian dạy đạo, từ ngày khai sáng 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 đến 25 tháng 2 nhuần Đinh Hợi là 8 năm thôi; Đức Thầy đã tiên đoán trước ở mức 8 năm là ngưng, xa cách tín đồ một thời gian thì Ngài sẽ trở lại:
“Tảo tần lo liệu năm ba
Biết sao hiệp mặt thì già mới nguôi.”
Nếu ta làm bài toán cộng, 5 với 3 là mấy? Lo tảo lo tần trong suốt khoảng thời gian 8 năm kể từ 1939 đến 1947 rồi tạm vắng mặt nơi nầy để đi dạy đạo nơi khác, như Ngài đã thổ lộ tấm lòng thương chúng trong bài Sa Đéc và chính bài ấy nói lên sự chia cách từ thuở ban đầu:
“Lòng sầu riêng hãy nên nguôi bớt,
Đừng thở than bận đến lòng ta.
Để cho Thầy đi dạo Ta-Bà,
Đặng dạy kẻ đường xa chưa rõ.”
Chỉ đọc qua hai câu trích dẫn trên, đủ tin chắc có ngày Đức Thầy sẽ trở lại bởi sự hẹn hò “Biết sao hiệp mặt lòng già mới nguôi”. Đến nay sự hẹn hò trở lại của Đức Thầy đối với tín đồ thắm thoát hơn bảy mươi năm mà niềm tin trong lòng mọi người vẫn còn nguyên vẹn.
Khoảng thời gian 8 năm Ngài vừa thuyết pháp, vừa sáng tác Sám Giảng Thi Văn độ chúng. Sự vắng mặt của Ngài ta cho là chuyện bất ngờ nhưng đối với Ngài thì không phải vậy, Ngài đã biết trước mọi chuyện ẩn khuất, nếu chẳng vậy thì lúc Ngài đi khuyến nông thuyết pháp qua 107 diễn đàn, Ngài đều có sự dặn dò: sau nầy tôi xa cách tín đồ một thời gian, chừng về tôi sẽ về y xác cũ, là gì ??? Chính vì biết trước, Ngài làm chuyện nên làm, khi Ngài vắng mặt, tín đồ của Ngài không đến đổi phải ngơ ngáo, bơ vơ, vì đã có trong tay đầy đủ bản lộ đồ tu Phật.
b) Sự nghiệp cách mạng: Lâm phàm dạy đạo trong khi đất nước bị ngoại xâm, họ cướp nước, cướp quyền tự do của nhân dân; dù dân là một tín đồ của tôn giáo đạo Phật, trong khi tu hành cũng phải có một phần trách nhiệm với quốc gia dân tộc khi sơn hà nguy biến. Bởi lẽ Ngài thấy rất cần thiết phải thành lập một chánh đảng để toàn dân hoặc tín đồ trong đạo có thể tham gia cứu nước ra khỏi bàn tay kẻ thù xâm lược, ngày 21 tháng 9 năm 1946 Đức Thầy công bố thành lập Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội. Bài viết nầy, tôi lược ghi chương trình của Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội với hai nguyên tắc căn bản về chánh trị, đối nội và đối ngoại, như sau:
I.- CHÁNH TRỊ
a) Đối Ngoại:
1/- Căn cứ vào chánh sách của Liên Hiệp Quốc (O.N.U) và sự bảo vệ chung nền hòa bình, cộng tác với các dân tộc khác trên lập trường tự do và bình đẳng.
2/- Tranh đấu giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho nước nhà.
3/- Thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc nhược tiểu. Đoàn kết với các dân tộc ấy để chống đế quốc xâm lăng.
b) Đối Nội:
4/- Nước Việt Nam có một: Ba bộ Trung-Nam-Bắc gồm một.
5/- Củng cố chánh thể Dân Chủ Cộng Hòa bằng cách đảm bảo tự do dân chủ cho toàn dân.
6/- Ủng hộ chánh phủ trung ương về mặt tranh thủ thống nhứt và độc lập.
7/- Liên hiệp với các đảng phái để chống họa thực dân.
8/- Chủ trương “Toàn dân chánh trị”.
9/- Chống độc tài bất cứ hình thức nào.”
2. Vì đồng đạo chúng ta: theo như những điều tôi phân tách Đức Thầy đã lập được hai đại công 1, về đạo: Chấn Hưng Phật Giáo, canh tân giáo điều 2, về đời: Ngài thành lập một chánh đảng, kêu gọi toàn dân tham gia hoạt động trước nhứt là đuổi quân xâm lược và sau đó ứng chiến hai điều 8 và 9: “Chủ trương toàn dân chánh trị, chống độc tài bất cứ hình thức nào”.
Thành lập chánh đảng mang tên nước, không chỉ kêu gọi lòng yêu nước của người khác vấn thân lao nhọc mà chính Ngài cũng vào chiến khu sống cùng với các đồng chí thân yêu. Trong quyển Sấm Giảng và Thi Văn Giáo Lý có ghi lại chuyện ông Hồn Quyên, ký giả báo “Nam Kỳ” đã từ Sài Gòn vào chiến khu phỏng vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ là một chứng minh. Những bài Đức Thầy viết ở chiến khu như: TẾ CHIẾN SĨ TRẬN VONG Ở VƯỜN THƠM, TẶNG CHIẾN SĨ BÌNH XUYÊN, TẾT Ở CHIẾN KHU, KỶ NIỆM RỪNG CHÀ LÀ…
Làm nên đại công đối với đạo và đời như vậy rồi Ngài vắng mặt, đáng lẽ nhà nước cùng nhân dân muôn thuở nhớ ơn, cúng ngày kỷ niệm. Nếu nhà nước có đảng không thể ưa được một đảng khác thì thôi không nhận làm lễ nhớ ơn cũng được nhưng đừng cấm nhân dân, tín đồ thiết lễ kỷ niệm nhớ ơn một đại ơn nhơn của mình. Cấm tổ chức lễ ngày kỷ niệm Đức Thầy thọ nạn là tạo nên sự bức xúc khó chịu trong lòng người tín đồ. Luật pháp đôi khi, không phải là người ta không phục nhưng người tín đồ vì đạo vì Thầy mà xét câu tục ngữ “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng” là không phạm pháp. Đừng có mà hở ra thì gài tội người ta chống chánh quyền, lên kế hoặc đàn áp, bắt giam.
Những tín đồ kiên quyết bảo vệ đạo, bảo vệ những chứng tích lịch sử của đạo, tôi rất lo sợ, chỉ vì sự trọng đạo kính Thầy của quý vị mà dẫn tới bị đánh đập, giam cầm thì thật là đáng tiếc cho một khúc quanh lịch sử nước nhà.
09/4/2018 – 24/2/ Mậu Tuất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét