TỦI CUỘC
HÔN NHƠN BÀY TRƯỚC PHẬT
Có người hỏi tôi, Đức Thầy viết “Tủi cuộc hôn nhơn
bày trước Phật” có nghĩa là gì? Tôi trả lời: xin cho nói thêm một ít về xuất xứ
có liên quan mới chảy gở được vấn đề tiềm ẩn trong câu. Bài nầy là một trong
hai bài BUỒN và TỦI sau bài “Cảm Tác” viết tại Bạc Liêu cùng ngày với bài Cảm
Tác 29 tháng 6 năm Nhâm Ngũ 1942. Nhờ Ngài viết hai bài cùng ngày với bài Cảm
Tác chúng ta không khó hiểu bài “Tủi” với câu “Tủi cuộc hôn nhơn bày trước
Phật”. Do sự liên quan trên dưới ta phải bàn xuyên qua bài “Cảm Tác” với câu
“Đem thân mà rứt nợ trần, nợ trần đâu khéo chần ngần chun ra” mới rõ thấu được
câu chuyện “tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật” là thế nào.
Vào ngày tháng đầu mùa hạ 1940 quân chinh phạt Pháp
buộc Đức Thầy phải sống lưu cư để chận đứng sự ảnh hưởng của Ngài đối với nhân
dân tín đồ. Năm 1941 – 1942 chúng đưa Đức Thầy về tỉnh Bạc Liêu , nh à
ông bà Ký Giỏi. Ông Bà Ký có cô con gái đã hứa hôn cho con trai ông Ký Lục Ngọ,
khi Đức Thầy bị đày đến nhà ông Ký Giỏi thì không lâu sau đó cô con gái của Ông
Ký xin hủy ước cuộc hôn nhơn nói trên. Như chúng ta biết, Đức Thầy là một thanh
niên tuấn tú, được quần chúng ngưỡng mộ, phủ phục nghe lời như nghe lệnh, ra
khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo chưa đầy một năm mà trong tay có đông đảo tín
đồ đến khoảng triệu người. Tài hoa danh dự như vậy bị khiến xui ở nhờ nhà có vị
tiểu thư đài cát mà vị tiểu thư ấy sắp về làm dâu làm vợ trong một gia đinh môn
đăng hộ đối. Đức Thầy bị bên phía nhà đàng trai nghi ngờ làm cản trở cuộc thành
thân của đôi uyên ương nầy. Bởi chuyện xảy ra như thế Đức Thầy viết bài “Cảm
Tác” để thức tỉnh phía đàng trai rằng:
“Đem thân mà rứt nợ trần
Nợ trần đâu khéo chần ngần chun ra”
Đồng thời Ngài nói qua giáo lý giải thoát để bên
nhà ấy biết rằng:
“Sa môn chí những tín đồ
Mai vong cản mối tựa hồ gớm ghê.”
Người tu hành từ tín đồ cho đến bậc Tăng Sư phải
hằng lo Kinh Kệ, trau giồi hạnh cách hoa sen gần bùn chẳng bị bùn làm nhơ uế.
Hôn nhơn là sự say đắm thế gian trong khi người chân tu say đắm về Tây Phương
Cực Lạc đâu có lý nào suy nghĩ về hôn nhơn của mình hay của của ai nữa. Đã như
vậy thì không được phép làm mai hay cản mối. Huống chi Đức Thầy là cổ Phật lâm
Phàm như Ngài đã thổ lộ “ Lòng mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan… muôn ngày vô sự
lóng sạch phàm tâm”. Dạy đạo nhằm mục đích đưa nhân sanh thoát khỏi sông mê
biển khổ mà dâm tâm, ái dục chính là biển khổ sông mê nặng nề nhứt, chở nó như
ghe chở khẳm lé đé nước, rất dễ bị chìm. Có lần Ngài khuyên mọi người ghi nhớ
trong lòng “Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…; cái tư tưởng đã rù quến
tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát ly ra được. Ấy
về phần tà”. Kinh Phật cũng dạy “Dâm tâm bất trừ trần lao bất khả xuất (trong
tâm không trừ được lòng dâm dục có chết đi cũng trở lại cõi hồng trần).
Đức Thầy là Phật trên cõi Phật lâm phàm cứu độ nhân
sanh, Ngài không còn bất cứ sự vướng bận nào trong cõi thế gian, chuyên dạy đạo
giải thoát cho đời khỏi vòng sanh tử trong một kiếp. Muốn học đạo giải thoát
điều cần yếu là con người không bị trói buộc ngay trong hiện tại về ăn, mặc, ở,
hoặc lún túng bởi danh, lợi, tình phủ chụp đâu có chuyện làm mai hay cản mối.
Ngài đến cõi nhân gian, đem cái thân “rứt nợ trần” của mình dạy chúng sanh rứt
nợ trần như Ngài thì đâu lý nào nợ trần ở đâu trong mình chun ra.
“Lìa quê tách bước xa ngàn
Gia đình chẳng đoái còn màng chi ai”.
Bài “Cảm Tác” là một tiếng chuông to ngân vang đánh
thức những ai ngủ vùi trong mộng:
“Nện vang một tiếng chuông linh
Cho người trong mộng biện minh lẽ nào.”
Đã nện tiếng chuông linh vang dội rồi mà e người
quá mê không thức được, buộc lòng Ngài cất tiếng than qua một bài thơ tiếp theo:
TỦI
“Tủi sầu Phật Giáo ở non Tần,
Tủi phận môn đồ quá tối tân.
Tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật,
Tủi cơ nghiệp báo phế nguồn ân.
Tủi thay ai tạo trò vô lý,
Tủi bấy lấp nguồn đạo hữu chân.
Tủi hổ trông nhìn người dối thế,
Tủi duyên ác cảm đắm hồng trần.”
Bày thơ tám câu có ba câu cho chúng ta ghi nhớ “Tủi
cuộc hôn nhơn bày trước Phật _ Tủi thay ai tạo trò vô lý _ Tủi duyên ác cảm đắm
hồng trần” lý giải rất khắn khít phá nghi ngờ.
Người tu còn trong mê đắm bởi vấn vươn thất tình
lục dục, nghĩa vợ tình chồng ghì níu chằn chịt bàn chuyện hôn nhơn cũng đành
đi, đàng nầy, Đức Phật là đấng giải thoát các hệ lụy thế gian “lóng sạch phàm
tâm” lâu rồi, vậy mà người ta đặt điều, buộc hôn nhơn đến với Ngài “ Bày
trước Phật” mới thiệt là: “Tủi thay ai tạo trò vô lý” trò vô lý nầy làm hại
“Lấp đường đạo hữu chân”.
Xưa, lúc Đức Thích Ca còn tại thế, có ông Duy Ma
Cật là Bồ Tát lâm phàm trong hàng cư sĩ, ông ấy muốn độ các Thầy Tỳ Kheo gần
gủi Phật chưa đạt đến cảnh giới thượng thừa siêu việt, bèn giả bệnh cho các vị
ấy đến thăm để có cơ hội pháp thí. Đức Phật biết thế nên sai các đệ tử của Ngài
đến thăm sẵn đó học giáo lý bất khả tư nghì. Các đệ tử Phật cùng ông Duy Ma Cật
bàn về pháp môn không hai, các thiên nữ cảm kính pháp hay nên đã rải hoa Trời
cúng dường các vị trong pháp hội. Thấy trên hư không hoa rơi dính mình, ông Xá
Lợi Phất đã lấy tay phủi hoa rớt xuống. Nhưng cánh hoa nầy rớt xuống thì cánh
hoa khác vướng lên, ông Xá Lợi Phất cứ lo mà phủi mãi. Bấy giờ có vị Thiên Nữ
hiện ra hỏi: Sao nhân giả phủi hoa? Xá Lợi Phất đáp: vì hoa nầy không như pháp
nên phải phủi. Thiên nữ nói: Nhân giả đừng nghĩ như thế, hoa nầy chính là như
pháp, do vì nhân giả không như pháp nên mới
thấy hoa nầy không như Pháp. Nhân giả hãy nhìn xem đi! Hoa rải xuống
chung trong pháp hội, nhưng trên thân các vị Bồ Tát thì không hoa nào dính mắc,
bởi lòng của các vị ấy hết kiết sử, chỉ có nhân giả bị vậy mà thôi.
Kiết hay Kết: là mối thắt buộc con người còn trong
mê, Sử: Sai khiến. Kiết Sử tức vừa buộc vừa sai khiến.
Tóm lại, Đức Thầy cất tiếng than “Tủi cuộc hôn nhơn
bày trước Phật” bởi có người nghi Ngài cản trở cuộc hôn nhơn của vị tiểu thư và
cậu công tử của hai nhà môn đăng hộ đối, quyền quí cao sang. Bên cạnh đó Ngài
tỏ cho chúng sanh biết rằng: Một vị Phật từ cõi Phật lâm phàm không còn chút gì
mê đắm hồng trần, đem chuyện nợ duyên mà nghĩ quấy về Ngài, dù trong sự nghĩ
quấy ấy làm mai hay cản mối đều không phù hợp, vì Phật đã mãi mãi xa lìa những đối
đải phải quấy, tốt xấu của thế gian.
15/3/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét