Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

RẤT MỪNG CHO SỰ HỌC PHẬT PGHH

Tiếp chuyện với chư đồng đạo, rất mừng là được gặp gở với quý vị qua những đề tài Tâm là Phật, Phật là Tâm, làm Chơn chánh là Phật… Mừng vì huynh đệ nhà mình, dù sống trong đời tại gia cư sĩ, bận rộn nhưng có chí hướng thượng đáng trân trọng. Đức Thầy khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Ngài là Phật từ bên cõi Thiên Trước lâm phàm dạy tu theo đạo Phật. Phật dạy tu thành Phật là lẽ tất nhiên, không ai có thể phủ nhận. Xưa Đức Phật Thích Ca tu thành đạo như lịch sử đã chứng minh Ngài ngồi thiền-định dưới cội Bồ Đề chứng đắc quả Phật tại thế, truyền thừa xuống 33 đời tổ là pháp môn thâm sâu nầy. Đức Thầy dạy về pháp môn thiền-định như sau:
“Tâm bình tịnh được thì phát huệ.
Ta yêu chúng viết ra giảng kệ,
khuyên Tăng Đồ cùng các Tín Đồ.
Nghe cạn lời chớ có mờ hồ,
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo.”
Hoặc:
“Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu”
Ngài cho biết, người tu thiền định thì phải tu cho tới nơi:
“Định tâm thần như mặt nước hồ”.
Lúc tôi còn trẻ nhỏ chưa biết tu là gì, nghe chú bác cô dì bàn về chuyện tu hành thành Phật thì mấy cụ như có vẻ khinh khi buông một câu thiếu điều nhá lửa “ Mấy đứa hễ gặp nhau là bàn chuyện xa vời, cái thứ ăn cơm dưới đất làm chuyện trên Trời thì bàn rốt lại được gì?
Bị chê dở nhưng tôi thích, mấy cô chú nói nghe hay tai lắm mà những tiếng la rầy của một số cụ không mang ý nghĩa vì để tôi biết la rầy như vậy là đúng hay không. Sau nầy phát tâm tu, có đọc những câu giảng của Đức Thầy khuyên tu thành Phật tôi mới thấy ra ý nghĩa Phật dạy tu thành Phật là rất đúng. Dầu thích nghe, nhưng tôi biết tu thành Phật khó khăn đâu dễ mà được. Chẳng phải Đức Thầy đã nói như vầy sao!:
“Khó tìm cho gặp chủ-nhơn-Ông,
Còn ẩn ánh nơi vòng sanh-chúng.
Ai mê tâm nghe qua không phủng,
Rán suy tầm đặng mở tánh linh.
Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,
Thì cũng thấy bổn lai diện mục”.
Ta hiểu Đức Thầy là cổ phật lâm phàm dạy tu đắc đạo như Ngài đã khuyến khích môn đồ bài “giải thoát cửu huyền” như sau:
“ Rán tu đắc Đạo cứu Cửu-Huyền,
Thoát chốn mê-đồ đến cảnh Tiên.
Ngõ đáp ơn dày công sáng-tạo,
Cho ta hình-vóc học cơ-huyền”.
Nếu mục đích tu không để thành Phật thì Đức Thầy sẽ không nói ra chi cho uổng tiếng uổng lời.
Phật và chư đại tổ sư tu chứng viên thông đều từ pháp môn thiền định thấy tánh thành Phật. Chúng ta đọc trong Kinh Sách nhà Phật thấy ghi Phật tức tâm, ngộ nhận lái lý không cần dụng công niệm Phật, tham thiền; chê bai người Niệm Phật, tham thiền màu mè hình tướng, là không nên.
Đức Thầy bảo “Phật nọ tức tâm” là giáo lý dạy tu chứ không phải đương nhiên là Phật rồi. Dạy trong tâm có Phật để khi tu đừng chạy kiếm Phật ngoài tâm. Nói cách khác Đức Phật cho hay tất cả chúng sanh trong tâm đều có Phật, chỉ cho hay thôi chứ chúng sanh chưa là Phật thực sự. Phật có trong tâm và thành Phật là hai chuyện hoàn toàn khác nhau; bởi vì Phật trong tâm mới chỉ là Phật trên lý thuyết, chưa có nội dung một vị Phật, chưa thể hiện Phật chất. Ý nghĩa của giáo lý là phải từ lý thuyết đến hành trì, sự hành trì là trừ bỏ các giả tướng để sống với thật tướng. Thế nào là giả tướng? Tức những tướng sanh diệt.
Có người đọc thuộc vài câu giảng của Đức Thầy rồi đắc ý, chứng tỏ ta là … chấp câu “ Làm gian-ác là Quỷ là Ma, làm chơn-chánh là Tiên là Phật”, đi những việc từ thiện, giúp đời, độ người thì tự hào là làm chơn chánh, cho mình là Tiên là Phật. Thế gian có những kẻ độc ác trộm cướp giết người nhưng có lúc họ cũng thấy thương tâm cho một gia đình nghèo thiếu ăn thiếu mặc, đành lòng bố thí, ta cho đây là việc làm chơn chánh nhưng không thể coi họ là Tiên là Phật được. Bởi vì họ mới làm một chút xiếu việc thiện trong khi tội ác của họ không biết đến bao nhiêu lần mà kể. Phật là đấng toàn thiện chứ không phải chỉ thiện chút chút vậy đâu! Gọi họ là Phật thì rất là bất công với Phật toàn thiện. Họ tạm dừng chân trên con đường ác để làm một chút thiện chứ không phải từ nay thiện hoài hoài. Đắc Phật là Phật luôn chứ không phải Phật trong ít bửa hoặc giây lác rồi trở lại chúng sanh, như Đức Phật Thích Ca đắc Đạo ba ngàn năm rồi mà cho đến giờ chúng sanh vẫn còn Niệm Phật Hiệu của Ngài là Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Do đó câu “Làm chơn chánh là Tiên Là Phật” có ý nghĩa giáo lý rằng: Đức Phật luôn luôn làm thiện với chúng sanh và hướng dẫn chúng sanh đi lên đường thiện nghiệp, những chơn chánh Đức Phật đã làm nếu chúng sanh nào theo dấu Phật, làm điều chơn chánh như Đức Phật, coi là việc Phật sự. Việc Phật sự có tính công tác tôn giáo hơn là tính chuyên tu, rất khác với việc thành Phật.
Ta làm việc Phật mà chưa thành Phật bởi vì ta còn thiếu nhiều chất liệu mặt tâm linh: Khi Đức Phật làm điều chơn chánh tâm Ngài an trụ trong chánh niệm, chánh định có đi làm việc chơn chánh hay không làm tâm Ngài vẫn bình tịnh, sáng suốt, không bị bất cứ điều gì có thể làm cho Ngài thiếu bình tịnh sáng suốt, nguồn tâm sinh hoạt đều đều không có cặn cáo làm phai đi tâm tịnh, cũng không có bống đen vô minh hạn chế sức sáng suốt của Ngài.
Giả tướng từ lâu ẩn núp bởi vô minh, hành động trong bống tối, tâm Phật bị các giả tướng che phủ, bất giác hoàn toàn từ ý niệm dẫn tới hành động, nói Phật trong tâm chứ chưa sử dụng được. Ví như cây Tre, tiềm năng có rổ, thúng, cột, kèo, đòn tay các cái… nhưng cây Tre ấy còn nằm trong buội Tre đầy gai thì Rổ, Thúng, Cột, Kèo, Đòn Tay… các cái đâu có. Dựa vào thế nhà có trồng Tre mà nói bóng gió rằng: Tôi có Thúng, Rổ… là không thực tế.
Lúc xưa Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp ai Ngài cũng nói một câu “ Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài có thể thành Phật”, câu nói đã lột trần được sự thật về ý nghĩa Phật tức Tâm, Tâm tức Phật. “Có thể” là từ ngữ nói cho tương lai sẽ thành Phật thì hiện tại chưa phải là Phật; cũng như có thể làm ra Rổ, Thúng, Cột, Kèo, Đòn Tay … nhưng chưa làm, hiện tại nó còn là cây Tre thì không thể gọi là Thúng, Rổ, Kèo, Cột các cái được vì sự chưa làm ấy mà cả hai chúng sanh vẫn còn chúng sanh, cây Tre vẫn là cây Tre.
Cho nên ngay trong việc làm chơn chánh thì phải có cái tâm chơn chánh đi cùng, nếu không thì việc làm chơn chánh chỉ là cái vẻ bề ngoài, Tiên, Phật đi trước cách rất là xa. Có cái tâm chơn chánh ngay trong việc làm chơn chánh là mới hiệu quả cho một việc làm hay nhiều việc làm đương nhiên đã lên đường của Phật nhưng chưa đi cùng với Đức Phật, hành giả còn phải thai đổi tâm lý từ chơn chánh qua chánh tâm, chánh định…
Muốn có một tương lai tốt phải siêng năng làm cái vì đó từ hiện tại. Nhà nông, đối với các bác nông phu, nay không cày sạ lúa mà hy vọng bốn tháng sau trúng mùa, có lúa đầy bồ, là hy vọng ảo huyền.

19/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét