Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

CHUYỆN VỀ TU SĨ THÁI HÒA
tạm minh họa về ao sen báu
Nghe cuốc điện thoại của Huỳnh Phước Sự gọi báo, cụ Thái Hòa Lê Văn Vui từ gỉa cõi trần để đến ngự trên tòa sen báu và hỏi tôi có đi dự lễ an táng cụ không. Nhận được tin tôi xúc động trân mình, vì với cụ là bậc trưởng thượng mà lúc sinh tiền tôi đã bỏ lỡ hai cơ hội đến thăm, đáng tiếc! Anh Nguyễn văn Lía đã hai lần đi thăm cụ đều có rủ tôi đi cùng nhưng lần nào tôi cũng bảo là bận việc nầy việc nọ, hứa để dịp khác. Nay thì hết còn dịp khác nào, đạo luật vô thường không cho tôi có dịp khác với cụ nữa đâu. Ngày 22 tôi có hứa trước đi dự đám cúng tuần cho một nhà quen thân vùng Thánh Địa Hòa Hảo, trước sự kiện nầy tôi đành phải thất hứa với đám cúng tuần để đi dự lễ an táng, đưa tiểng vong linh cụ Thái Hòa về miền an lạc, hầu mong gở lại chút đáng tiếc như đã nói.
Cũng tại cái bệnh hứa lần hứa lựa nên tôi chưa biết nhà đám ở đâu để mà đi tạ tội. Sáng sớm anh Nguyễn văn Lía gọi điện đến, tôi mừng và nghĩ rằng anh ấy cho hay việc đi dự đám táng cụ Thái Hòa. Ai ngờ, anh không hay cụ mất, lại rủ tôi đi xuống Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp dự lễ cúng tuần. Tôi báo anh hay cụ Thái Hòa viên tịch hôm qua 21 tháng 8 và 2 giờ chiều nay cử hành lễ an táng. Tôi mời anh cùng đi, bây giờ đến lược anh từ chối. Rốt cuộc anh Lía cũng không đi cùng tôi, anh cho tôi cái địa chỉ và nói rằng tôi có thể đi đến đó trước còn anh phải đi dự cúng tuần ở địa điểm nói trên rồi mới tranh thủ chạy qua dự lễ an táng cụ sau.
Tôi rất dở việc hỏi thăm đường nhà nhứt là vùng thành thị nên mới nhờ sự hướng dẫn của cô Nguyễn thị Thùa. Là hướng dẫn viên nên cô chạy trước, trông khác với con đường anh Lía chỉ, cô đi rẻ từ cầu kênh Cái Sơn đổ ra sông không mấy xa thì đến điểm.


Tại nhà lễ, tôi may mắn gặp nhiều đồng đạo quen lâu mà lại vắng lâu nữa. Bây giờ thì ai cũng tuổi tác hết rồi. Cô Nguyễn thị Thùa giới thiệu cho tôi biết một số các vị học trò của cụ Thái Hòa lúc học ngành y, phục vụ cho bà con bệnh nhân ở bệnh viên Nguyễn Trung Trực và cô nhanh nhẹn mời các vị ấy ngồi vào cùng bàn cho tôi có dịp tìm hiểu về sự nghiệp y học, y đức của cụ.
Anh Nguyễn Thành Trung một trong những học trò của cụ ngồi cận tôi đây, tôi hỏi anh ấy những kỷ niệm anh có với cụ Thái Hòa là gì? Anh liền kể chuyện về vị thầy yêu quí của mình như sau:
Chú Hai dạy các học trò đừng hút thuốc (tôi xin lỗi sửa lời của Nguyễn Thành Trung vì anh kêu cụ Thái Hòa bằng thầy, tôi đổi lại là “Chú Hai” để một số ngươi khó tính nghe không dị ứng) phần đông bỏ hút thuốc được, còn một số ít thiếu quyết tâm bỏ mãi không xong nhưng họ không dùng công khai. Ghiền quá đi kiếm chỗ kín hút lén lút, chú hai bắt gặp, người phạm do lòng nể sợ mà tự động lên tiếng: Chú ơi con quá ghiền, bỏ ngang là cơn ghiền nó giật mạnh chịu không nổi, chú cho con giảm lần lần rồi con sẽ bỏ dứt. Hoặc chú ơi con không thể nào bỏ hút tuyệt đối được. Người hứa bỏ lần lần và quyết phải bỏ thì chú hai có niềm tin, biểu cảm nét mặt vui vui, còn người nào nói không thể bỏ được, trông vẻ chú
 hai buồn lắm.

Sau mỗi buổi hết giờ làm việc dùng cơm tập thể xong, chú hai nhơn đây nói chuyện đạo đức PGHH và đạo đức của người làm ngành y, và Ông nói với tính quyết định: hai điều đạo đức phải đi từ xây dựng bản thân là trên trước hết. Mấy anh em ghiền thuốc có khi ăn cơm chưa no thẳng thì buông đủa đi kiếm chỗ vắng phà khói phun mây. Có một anh ra ngoài sau hút thuốc, đứng ở sát vách nầy mà mắt cứ lườm lườm về vách đằng kia, sợ chú hai đi bất ngờ. Sợ cũng không khỏi, hút mới có vài hơi chưa đả thèm anh gặp chú hai đi thẳng lại, tức khắc liệng điếu thuốc xuống đất lấy bàn chân đặt nhẹ như che án chờ chú hai đi qua lượm lên mà hút lại. Khổ ơi là khổ! Chú hai có chịu đi qua đâu! tới chỗ anh Ông dừng lại nói chuyện. Anh nghĩ bụng chắc chú hai biết mình ra đây hút lén nên không che giấu nữa anh đạp mạnh chân lên điếu thuốc thì chú Hai bỏ đi, chừng sau coi lại điếu thuốc tét bét ra.
Tuy vậy chú Hai vẫn đối đải bình đẳng rất mực thương yêu giúp đỡ người dạy không nghe lời bỏ thuốc. Chính nhờ chú lấy tình thương mà cảm hóa, kẻ nói không thể bỏ hút được, sau không lâu cũng bỏ.
Tôi hỏi: Lúc anh và các bạn xin gia nhập vào ngành y ở bệnh viện Nguyễn Trung Trực, thủ tục có khó lắm không? Anh Nguyễn Thành Trung đáp:
Cán bộ, nhân viên y tế các ban ngành trong bệnh viện chú hai hồi thu nhận hoàn toàn là tín đồ PGHH, một là chú biết rõ lai lịch người tốt, hai là do các Ban Trị Sự PGHH giới thiệu đề nghị vào làm, nên hầu hết cán bộ nhân viên y tế đều có tâm hồn đạo Đức PGHH. Giờ nào làm thì làm, tới giờ tu cũng tu. Dầu làm trong bệnh viện, có vất vả với các bệnh nhân thế nào thì hai cử tu mỗi ngày cũng không bỏ sót. Chú Hai kiểm điểm rất kỷ để không ai vắng mặt, mỗi thời cúng thì Thầy lên đứng trước trò đứng sau, đồng cúng nguyện.
Bây giờ trong bàn chúng tôi được thêm một chị hồi xưa có phụ vụ bệnh nhân trong bệnh viện Nguyễn Trung Trực, theo sự hướng dẫn của Anh Nguyễn Thành Trung chị ấy được mời ngồi cận bên tôi và anh ta. Chị họ tên là Nguyễn thị Kim Hoàng. Tôi hỏi chị, những kỷ niệm lúc ở phục vụ trong bệnh Viện Nguyễn Trung Trực thân cận với Thầy lương y Trưởng Thái Hòa, trong lòng chị còn vươn đọng lại những kỷ niệm gì?
 Chị Kim Hoàng đáp:
Tôi vào học và làm ở bệnh viện Nguyễn Trung Trực rất sớm, lúc đó nơi nầy còn là những căn trại lá lụp xụp lắm, nhưng vì cảm mến hạnh cách và tấm chân tình của vị thầy lương y hiến thân phục vụ từ thiện mà có nhiều anh chị em đến xin nhập học, phụ vụ trong bệnh viện. Làm việc hiến thân chứ không lương bỏng vì, những anh chị em nhà khá hơn có điều kiện làm thiện nguyện, mỗi tháng đóng tiếp tiền ăn. Mãi đến sau nầy có một số mạnh thường quân ủng hộ cất mới bệnh viện bằng nhà tường kiên cố. Để góp sức cho bớt hao chi phí, chú hai động viên các học trò theo học ngành y, nhân viên y tế, tích cực tham gia công tác xây cất bệnh viện bằng những vì mình có thể làm được. Ai làm thợ được thì làm, không cũng bưng gạch, vác cát, trộn hồ, chuyển hồ tới thợ. Thời cúng sáng xong mọi người bắt tay vào việc, làm cho đến giờ phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện mới thôi. Làm việc nhọc nhằn như vậy nhưng ai nấy đều hòa vui vì luôn có chú hai đi đầu trong các công việc đặng khích lệ tinh thần, dạy dổ ngọt ngào. Đến giờ dùng cơm, đặc biệt là tất cả đều dùng chay, dọn ăn tập thể, luôn nêu cao tinh thần bình đẳng sự sống, cho dù chú hai có ngồi ăn ở mâm bàn nào thì đồ ăn của mâm bàn đó không nhiều hơn, và những mâm bàn không có chú hai ngồi dùng cũng chẳng vì thế mà ít hơn…

Chuyện kể về cụ Thái Hòa đang hồi ngon ngọt, bổng Ban Tổ Chức cuộc lễ an táng thông báo đến giờ di quan, chiêng trống vang lên chúng tôi đành phải khép lại câu chuyện.
Cứ như chuyện kể thì cụ Thái Hòa Lê Văn Vui tài tình quá phải không? Đứng mũi chịu sào thành lập một bệnh viện hoàn toàn PGHH. Nhân viên các ban trong bệnh viện đều dùng chay, giờ làm xả thân làm giờ tu thì bỏ làm ra tu, y đức có thêm tâm đức, nhờ vậy mà bệnh viện trị hay có tiếng. Ở quận Chợ mới xưa đương thời có hai bệnh viện, một bệnh viện quốc gia, một nữa là bệnh viện tư nhân từ thiện Nguyễn Trung Trực, mà dân chúng trong làng như làng Kiến An tôi đây, ai có bệnh nặng phải chỡ đi nhà thương thì người ta chọn đến nhà thương Nguyễn Trung Trực.
Sự tài tình của cụ còn nữa … nữa, cụ khuyên những nhân viên trong ngành y đều không nên hút thuốc. Ở vào thời điểm đó thì khách quan khó tính có thể bức xúc cho rằng: Bệnh viện vì mà kỷ luật nghiêm khắc vậy! đây giống như chỗ tu hành, đã trường chay rồi mà còn phải giữ giới nữa, nếu không sao lại kêu người ta đừng hút thuốc? Ta thấy Tu Sĩ Thái Hòa đi trước thời gian khá lâu, Ông đã giảng dạy rất nhiều về sự hút thuốc có hại cho sức khõe, đồng thời nhà biết làm từ thiện, đạo đức, đừng nên dùng tiền lảng phí. Ngày nay các bệnh viện, không chỉ ở Việt Nam người ta đã lệnh không cho ai hút thuốc trong bệnh viện, chừng ni, những người khó tính đó mới hay thì cụ Thái Hòa đã đi trước thời gian quá xa.

25/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét