Thuyết Trình Đề Tài:
LỄ NIỆM PHẬT PHẢI THÀNH TÂM
Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà
Phật.
Xin kính chào chư
quý đồng đạo.
Kính thưa quý vị! Hôm nay chúng ta gặp gở nhau qua đề tài
“Lễ Niệm Phải Thành Tâm”.
Chư đồng đạo thân mến! Như quý vị biết,
hễ ai là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, mỗi ngày đều phải cúng nguyện hai thời và
ngồi niệm phật sau giờ cúng nguyện tùy theo sức khõe như Sám Giảng đã chứng
minh:
“Sớm với chiều
gắng chí nguyện cầu,
Thì sẽ được tòa chương dự kế”
Và câu:
“Sớm chiều bình đẳng
chớ lơi,
Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”
Nếu tín đồ mà bất tuân lời dại thì
danh dự tín đồ chỉ là “ hư danh”. Theo đó, thời gian dành cho sự tu qua mỗi ngày là quá ít nếu
không được săn sóc kỷ lưỡng để rơi vào trường hợp “tu lấy lệ” thì thật là uổng
một ngày, một cữ công phu. Để căn cứ theo lời tiên tri của Đức Thầy:
“ Đời cùng còn
chẳng mấy năm,
Khắp trong các
nước thây nằm bằng non.
Cha thì chẳng
thấy mặt con,
Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia.”
Tương song với việc tiên tri cảnh khổ của cơ ly loạn, Đức Thầy còn nhấn
mạnh sự bức bách của tấm thân vô thường:
“Ta Bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu kết oan khiên báo đền.
Thiều quang thắm thoát dường tên,
Mắc vòng sanh tử có bền đặng đâu”.
Vấn đề đặt ra có tính gấp gáp như vậy, đáng lẽ sự tu cấp bách hơn, nhân
rộng thời giờ công phu để kịp đáp ứng
với “Đời cùng còn chẳng mấy năm” và “ Thiều quang thắm thoát dường tên”
mà rán tu để sớm đạt kết quả sự tu trong ngày chung cuộc. Nhưng, xét bối cảnh
miền tây Nam nước Việt nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm, nhân sanh đời sống
ruộng nương tay lấm chân bùn, bản chất hiền lành sùng đạo, nên khi dạy đạo, Đức
Giáo Chủ không đưa ra tổ chức Xuất gia thành mục chuyên đề, hiện thực nóng
bỏng, nâng cao tầm quan trọng của các Tăng Ni ở thế chủ động; Ngài chỉ giải thích
Hạng Xuất Gia trên phương diện học sử
Phật Giáo mà thôi:
“ ĐẠO PHẬT TỪ XƯA ĐẾN NAY
LUÔN LUÔN PHÂN CHIA LÀM HAI HẠNG NGƯỜI:
1)
HẠNG XUẤT GIA
2)
HẠNG TẠI GIA
HẠNG XUẤT GIA:
gồm các nhà sư hay những Ni Cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương bè
bạn, dựa thân vào cửa Thiền hay núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh
kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành, giồi mài trí tuệ hầu giảng giải
cho bá tánh thập phương nghe để quày đầu hướng thiện quy y Phật Pháp, không còn thiết
đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà Sư là cả thế gian, thân quyến nhà Sư là
khắp nhân loại đại đồng.
Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp
luân hồi.”
HẠNG TẠI GIA: gồm có các đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa
đủ điều kiện Xuất Gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với
gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các Nhà Sư hay Ni Cô đặng.
Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của
nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà họ phượng thờ
Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật…”
Sau khi giải thích tính thực tế của hai tổ chức tu Đức Thầy xác định:
“ Bàn xét như
trên, thấy rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tai gia cư sĩ học phật
tu nhân vậy.”
Miền tây Nam Việt là xứ trung tâm học Phật PGHH của các tín đồ, để phù hợp với tính nông dân qua sự tu
Đức Thầy không đặt ra những qui điều nặng áp lực thời gian với những vùng nông
dân nghèo khổ. Ngày hai thời bái Phật Tu hành, chia xẻ những thành quả Phật Giáo
khi người Cư Sĩ Tại Gia áp dụng đồ biểu “
sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và
luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà họ cũng phượng thờ Đức Phật,
phát nguyện quy y…”Chia xẻ thành quả một cách không quá sức để họ bước vào
PGHH hành đạo tại nhà.
Theo sự suy gẩm của tôi, Đức Thầy không chủ trương xuất gia và thời
gian tu chỉ dựa vào hai lần ngắn ngủi trong mỗi ngày vì muốn nhấn mạnh sự tu
qua chất lượng, có ít mà chất lượng ai cũng chịu. “Ít” cầu cúng bái Phật để
người tín đồ thuộc nông dân nhẹ sự cản trở của Tôn Giáo trong việc sinh nhai,
nhưng khi đã bước vào việc công phu cầu cúng thì tính quyết liệt hiện rõ ra
hành động cụ thể thành “Nhiều”, nhắc nhở
các môn đồ:
“ Khi cầu nguyện
đừng cho phạm lỗi
Phải làm tròn các
việc vẹn toàn
Dân chớ nên làm
bướng làm càn
Trong lúc ấy niệm cho lấy có”.
Và:
“Khi cầu khi
nguyện chuyện gì thành tâm”.
Hạng Chú Bác trong đạo chúng ta đã triển khai mạnh mẽ ý nghĩa trên,
tác động phổ cập trong quần chúng, đồng đạo luôn luôn được nhắc nhở khi cầu
nguyện là phải chánh tâm, thành tâm. Vấn đề nầy trở nên to tác và hiện thực
khách quan trong qui trình tu “nhập cuộc” và luôn luôn ở tư thế chủ động nóng
hổi sự tu. Thế là, người tín đồ từ trong thời gian tu ít ỏi nhân lên, từ dưới
thấp của Đạo Phật vượt lên kiểm sát cái
tâm ở chỗ tu mà có tu không, ở chỗ niệm Phật có niệm Phật không?
Phải có chất lượng, đồng
thời với việc tu theo thời khóa, khi thời tu đã tập cho tín đồ có thói quen tu,
coi như việc tu đã trở thành nợ nần, với bản hợp đồng bất khả xâm phạm, Đức
Thầy dạy thêm cách tu ngoài giờ tu, ngoài chỗ tu ở các ngôi thờ trong nhà. Giờ
tu là hai buổi công phu sớm chiều của mỗi ngày, tu ngoài giờ tu là tu không đặt nặng tính thời gian, không
chỉ dựa vào lý do sớm chiều là xong chuyện, tu ngoài chỗ tu là tu ngoài ngôi
thờ:
“ Ở ruộng đồng
cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc”.
Hoặc:
“Tu không cần lạy
cần quì
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”
Và câu:
“ Ai ai cũng rán
xét mình,
Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài”
Đức Thầy dạy hai cách tu tức là tu liên tục từ trong nhà ra đến ngoài
nhà. Có thể chúng ta phân định rằng: Tu trước ngôi thờ là “ Tu Hết Mình Mẩy”,
đầu, mặt, tay, gối toàn để phục vụ cho việc tu. Chắp tay lạy Phật lỡ bị ngứa
ngáy trong thân người rán chịu chứ không dám đưa tay ra gải. Tu hết mình mẩy
thế nầy mà đem tu suốt ngày với hạng tại gia cư sĩ Học Phật Tu Nhân, đắc được
sự hôi hám và chết đói thôi. Nên việc tu “Hết Mình”Đức Thầy dạy tu mỗi ngày một
ít, giữ cái căn bản đã thì sau đó, đừng tu hết mình mẩy nữa mà chỉ Tu Tâm thôi.
Tu tâm không có cản trở tay chân mình mẩy, thân thể hôi hám đi tắm rửa giặt giủ
được, ngứa ngáy gải được, cuốc đất trồng khoai nấu ăn giặt đồ đều sinh hoạt
bình thường, suôn sẻ, công việc sinh nhai trôi chảy. Làm lụn, đi đứng bằng tay
chân, còn tu là ở cái tâm, hai phương cách biệt, chừng đó ta sáng lên để nhận
thức: đâu thể nói mắc bận làm việc nầy việc kia tu không được.
Người nào nói tu không được vì
bận làm công việc là người đó không có tu tâm mà là tu trên tay chân.
Thời giờ tu hết mình mẩy rất ít, có vị còn lừa bỏ cử công phu, than mệt
mỏi, lý luận một mình “ Thôi để Tu Tâm cũng được”. Đừng lợi dụng câu Phật
nói Tu Tâm để lúc lười tu đổ trúc cho việc tu tâm thành không tu gì
hết. Khi cuốc đất, trồng khoai, nhổ cỏ; người ở đâu, đến đâu tất cả đều
tu được. Bỏ cái bệnh chứng không thích tu mà chỉ thích đòi hỏi.
Lý luận Tu Tâm
trong chỗ tu hết mình mẩy để bỏ cử tu là khó được ai tin, lúc không phải tu hết
mình, chỉ tu tâm sao lại đỗ thừa do tay chân đi làm cái nầy cái nọ tu không
được?
Giờ chúng ta trở lại việc tu theo thời khóa như đã bàn qua trước, tu
hết mình đầu, mặt, tay, gối chỉ được thời gian ngắn ngủi so với mỗi ngày dài.
Thế chúng ta dành ưu tiên tâm tư cho lúc cúng nguyện. Trong khi nguyện Phật thì
ngay trong tâm chỉ có Phật thôi, tất cả những gì ngoài Phật hiện ra trong tâm
lúc đó đều là vọng niệm chen vô câu nguyện. Trong khi phủ phục trước Phật, giữa
mình và Phật không có khoảng cách của bất cứ hình bống nhấp nhô nào, có như thế
mỗi lạy của chúng ta đều có cảm ứng đến Phật. Nếu lúc ta lạy nguyện Phật, giữa
ta và Phật có khoảng cách bởi một cái gì, ta lạy xuống trúng cái gì đó chớ
không có trúng Phật, làm sự lạy Phật của chúng ta mất ý nghĩa.
Nhưng khổ thay! “ Giặc nào bằng thứ giặc lòng, lúc nào cũng đánh chớ
không lúc ngừng”. Ông Thanh Sĩ cho biết như thế. Chúng ta suy nghiệm quả đúng
như lời ông nói, chiến trận đánh nhau chết người, thây nằm lợp đất có lúc cũng
ngừng đánh, giặc đánh chưởi lâu mỏi miệng cũng thôi, duy có thằng giặc lòng,
khủng khiếp quá, thật là hiếu chiến “ Lúc nào cũng đánh”. Nhiều người tính tu
cho chắc ăn, lên núi lên non, miệt mài hy vọng đã bị nó đánh chịu không nổi
phải “xuống núi”, chết bờ chết bụi trên đường về Tây
Phương. Phải chi giặc có đánh ai thì ngoài
giờ tu, lúc thẩn thơ, nhà hết việc quan trọng, chỉ còn là giải trí vì đó, xách
nước nấu ăn, may vá, bửa củi, giặt đồ đánh đi, đánh té chúi nhủi cũng được, làm
ơn tha giùm cái lúc đầu, mặt, tay, gối phủ phục trước Phật, mắc chứng gì mới
cầm cây nhang chưa kịp xá là my tấn công? xá Phật bao nhiêu dính nó hưởng hết.
Kinh thưa quý vị! Muốn cho được khi cúng nguyện không bị giặc bao vây
chúng ta hãy tập tu và phấn đấu việc tu tâm đến độ nhạy cảm tự chủ lấy mình.
Sẵn sàng chảy gở các xúc sự ở mọi tình huống, hoàn cảnh. Đức Thầy dạy
“ Ai ai cũng rán
xét mình,
nếu còn tánh xấu
thì rinh ra ngoài.
Xử lý
mọi chuyện tại chỗ nó phát sinh, giải quyết dứt điểm, tâm không còn mang nặng
quá khứ của một ngày làm việc, hay các vấn đề nghe thấy quan hệ, như cuồn băng xóa sạch
các dữ liệu của một ngày qua hay nhiều ngày, đối trước Phật tâm không còn dữ
liệu, không có gì, còn gì…Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật.
Người
Xưa cho rằng đi đánh Giặc là công việc của bậc mày râu. Khi quốc gia hữu sự cần
góp sức thì phải ra mà chung sức. Mình không xâm lăng thôn tính đất nước của
ai, nhưng từ đâu tới xâm lấn của mình, cái tinh thần yêu nước với sự réo gọi
của hồn thiêng sông núi khiến bậc tu mi không thể khoanh tay đứng nhìn kẻ dị
chủng tàn phá quốc gia dân tộc mình. Thanh niên phải lên đường ra chiến trận,
đánh đuổi quân chinh phạt giữ yên bờ cõi của tổ tiên. Nhưng thế giặc quá mạnh,
tấn công chiến địa biên cương như vũ bão. Sức chống cự của nam chiến binh không
đủ cho giặc xâm lăng khiếp sợ lui bước. Thắng ở chiến trường biên cương, chúng
ồ ạc tấn công vào xóm làng nhà cửa của dân. Phận liễu yếu đào thơ Trời sanh ra
không phải để đánh giặc, nhưng giặc hóng hách kiêu căng, dám dẫn xác tới nhà,
trong tay không có súng thì dao gọt đồ cũng chém, cây cũng đập, đàn bà nhà nào
cũng thế, sức yểm trợ của hậu phương mạnh đến cở vậy giặc cũng không vào được
nhà ai, bị đập riết phải thua thôi.
Chúng
ta là Chiến Sĩ của Như Lai, có bổn phận giữ yên bờ cõi Phật, ta không hiếu
chiến đem quân đi đánh ai, nhưng bị tấn công thì phải tự vệ, nghinh chiến. Khi
sắc đẹp tấn công với mắt ta, âm thanh tấn công với tai ta, mùi hương tấn công
với lổ mủi ta, thức ăn tấn công với lưỡi ta… có thể hai bên đấu đá quyết liệt ở
chiến trường, chết sống gì lúc đó thì thôi, ta về nhà rồi, không có hiện diện
của sự chiến tranh: Mắt không thấy sắc đó, tai không nghe âm thanh đó, mủi
không ngửi, miệng không ăn các thứ đó nữa, nghĩa là ngay lúc ta về nhà còn chỉ
một mình ta mà dư hưởng của sắc, thinh, hương, vị… gặp lúc trưa, sáng giờ y như
thật, ta bị nó theo về nhà hành hạ, tới giờ tu nó chọc ghẹo không cho tu, tới
giờ ngủ nó làm trằn trọc suốt không cho ngủ. Những chiến sĩ của Đức Như Lai ơi!
Gặp chuyện vậy thì sao nào? Ôm bụng nghiếng răng mà chịu đau cho nó mặc sức mà
bạt tay đá đít suốt sao? Cho nó đập nhừ tử sao? Giặc đến nhà đàn bà còn phải
đánh.
Xưng
mình là Chiến Sĩ Như Lai gì đâu để giặc tới nhà đánh chết lên chết xuống, cúng
Phật không yên, ăn ngủ không yên, giả bộ thảnh thơi như không có gì. Chuyện
chết sống đường tu mà nói là không có gì, phiền não đánh đở không
muốn nổi, tương chao tàu hủ thiếu chút văng ra, xém đào ngũ mà nói
không có gì sao? Chối leo lẻo sao? Dạy người ta tu, đốc xúi người khác quên
hết sự đời mà mình không tu, không quên điều thế sự, bệnh gần chết cũng vả vờ
không bệnh để làm Thầy đi trị bệnh người khác, lấy tiếng thông minh, tu cao,
mặc kệ cho nữa chết đến quỷ xứ có bắt đi đâu thì bắt.
Không,
Chiến Sĩ Của Như Lai, lở có sơ hở rộn ràng gì là ở chiến trường thôi, giải
quyết dứt điểm ngay, không mang giặc về nhà, điển hình như câu chuyện sau đây:
Xưa có
hai vị Sư đi hóa duyên, phải qua một dãy rừng núi hoang vu không thấy một mái
nhà. Đi trên đường hoang vắng ấy Trời bỗng mưa to. Hành trình suốt, sau cơn mưa
bỗng xuất hiện một dòng suối to, nước chảy cuồng cuộng, sức lực nam nhân vượt
qua con suối cũng phải vất vả lắm mới được. Nhè đâu có một cô thôn nữ mặt hoa
da phấn, đến nhìn dòng thác đổ cuộng thất vọng não nề; hai Sư, một vị không dám
nhìn thẳng vào mặt cô gái để biết cô ta là ai, một mình lội riết qua sông, Sư
còn lại cổng cô gái, chòi nhanh qua bờ bên kia và để cô xuống khỏi mình không
cần nghe hay nói một lời nào, Sư tiếp tục hành trình không chút ngần ngại. Vị Sư Huynh đi trước trông bực bội
việc phạm giới của Sư đệ và chính sự bực bội khiến Ông “làm mất tu”
dài dài trên đường. Người Sư đệ đi sau, lúc cổng cô gái cũng tu, để cô
gái xuống bờ bên kia cũng tu, tu dài dài theo đường về chùa. Vừa bước vào
hậu liêu bị ông Sư Huynh cằn nhằn:
- Giới
luật làm sao mà dám cổng con gái người ta, làm chuyện bại hoại thiền môn,
tội đầy người với Phật.
Sư đệ
ôn tồn nói: Tiểu đệ biết làm vậy là không phải, phạm luật quy giới cấm nên vừa qua tới bờ là bỏ một
cách dứt khoát rồi, Sư Huynh không chịu cổng thì “buông tại chỗ” phải tốt hơn
không. Mang người ta về chùa lại đem trách tiểu đệ, suy nghĩ có đúng không?
Người
xưa nói “ ngộ biến tùng quyền” ăn thua tai đôi với nhau giặc có chém chết ở
chiến trường không tức, tức là sau khi chiến tranh mà còn nung nấu trong lòng.
Chiến trường ngưng tiếng súng “không chịu kết thúc hồ sơ tại chỗ”, còn dẫn về
nhà cho nó đánh, chết là cái chắc.
Không
tu nỗi hạnh Bồ Tát như vậy thì thôi, cô gái có qua được bên kia sông hay không
là mặc kệ cổ, có chết đuối cũng không thương tình; xóa ngay dữ liệu tại chỗ,
đừng có đem chuyện giữa đường với cổ về chùa mà bàn cho quấy bung cảnh dà lam
thanh tịnh: không biết cô ấy giờ ra sao?
Có qua được sông sâu hay không? Phải chi lúc nảy mình giúp người ta…thiệt
là chồng hồ sơ dày cợm, dài nhằn giải quyết không biết đến bao giờ mới hết
chuyện lôi thôi. Rốt cuộc, người ra tay
giúp bất cứ là ai mà kết thúc hồ sơ vụ án tại chỗ, coi như ngon lành.
không giúp mà kết thúc hồ sơ tại chỗ, thong thả ra đi kể cũng ngon.
Giúp hay không giúp đều không kết thúc hồ sơ tại chỗ, mang trong lòng, đến
đâu giặc cũng theo, cho dù Quì nguyện trước bàn thờ Phật chưa chắc
làm tỏ rõ việc tu.
Giặc do
tự tâm phát sinh. Đừng nói vọng động
trong khi chưa có gì hết là không sao. Chết tốt chớ không sao dầu! Cho vọng
động nhiều về việc gì nữa sẽ “ Xụm” người vào việc ấy. Chiến trường đụng
nhau một chút liền tan, thứ mang bên lòng mới là bệnh nặng, nó đánh mãi,
hết có cửa sống.
Kết luận:
Kính
thưa chư quý đồng đạo! Đức Phật dạy tu là TU TÂM dù có thực hành qua lớp lớp sự
tu thì cũng là tu tâm trong các sự tu ấy. Đức Thầy dạy:
“ Khi cầu khi
nguyện chuyện gì thành tâm”
Và:
“ Chẳng nói dắn dài
Phật nọ tức tâm”
Cầu Phật ngoài tâm nhất thiết không thể có. Thế
nên hành giả đi vào công phu lễ bái phải giữ nhất tâm trong câu nguyện, và niệm
Phật, rán mà săn sóc hành trạng chuyên tu, trong tâm chỉ có Đức Phật thôi.
Kính thưa chư quý đồng đạo! tôi vừa diễn giảng đề tài “Lễ Niệm Phật
Phải Thành Tâm”. Mong đề thuyết hôm nay có sự đồng cảm, để tôi cùng quý vị,
chúng ta sẽ cùng nhau qua lời dạy của Đức Thầy:
“Đường đạo đức
chớ nên chán nản,
Hãy bền lòng tìm
Phật trong tâm.
Phật Tây phương
thiệt quá xa xăm,
Hãy tìm kiếm ở trong não trí ”
Kính
chúc quý vị thân tâm an lạc, đạo quả chóng viên thành.
Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà
Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét