Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Xã Hội Từ Thiện:
TIỆC TÂN GIA

Đắn đo hai hôm đủ để tính kỹ tôi mới quyết định đi ăn tân gia qua lời mời trung gian. Nếu tôi nhớ không lầm, đây là lần đầu mình dự tiệc kiểu nầy. Thật ra không phải tôi dị ứng qua sự mời nhắn từ một vài người khác mà vì trên lập trường, tiệc tùng như vậy đối với tôi là không phù hợp. Nhưng đụng chuyện nầy lòng tôi có sự giải thích, trung gian không phải một người mà là nhiều người yêu cầu tôi nên đi để tạo thiện duyên, mỹ cảm với một tay chơi vừa gác kiếm giang hồ, quy y vào đạo
                                    Hình Chư đồng đạo trong buổi tiệc chay. 
                                 Cảnh chuẩn bị buổi tiệc tân gia.
Những từ “Gác kiếm giang hồ” nghe vui tai, liền đó trong lòng tôi có cuộc giành giựt giữa hai đối thủ: Lập trường không sa xí và gác kiếm giang hồ quy y vào đạo. Sự giải thích nghiên về tôi, tạo cho tôi chút cảm hứng tự mình lý luận việc nầy có ích lợi cho đạo và không nhớ vì về hai chữ lập trường mà mình giữ kỹ trong nhiều năm qua. Với lại hồi còn nhỏ lúc tôi phát tâm tu đã bị một Ông anh trong xóm hễ thấy mặt mình là chọc quê: Sao mà gác kiếm sớm vậy thằng nhỏ? Thằng nhỏ xưa nay đã sáu mươi tư tuổi, tưởng thời gian làm cho mình quên hết cái quá khứ không lành mà ai dè. Sự thật thì tôi đã quên lâu, từ cái thuở ra hòn chuyên tụ Tịnh Độ, giờ nghe chuyện trùng hợp lòng bổng nhớ… Kết cuộc tôi phải phá lệ mà đi dự tiệc tân gia và hy vọng chỉ một lần nầy thôi.
Người gác kiếm giang hồ quy y vào đạo là chú Dưng ở huyện An Phú, An Giang, tổ chức tiệc mừng về nhà mới, tiệc hoàn toàn là đồ chay. Nhà gỗ thường, sàn cao lót váng, nhỏ mà trong mắt tôi, cách thờ phượng trang hoàn, sạch sẽ, tôi cảm thấy nó rất là đẹp. Khách tham dự không đông, chỉ chừng hai mươi người, đều là đồng đạo trường chay lâu, đến với tư cách “ người bổn đạo cũ” chứng kiến sự quy y của chú Dưng để sau nầy có trách nhiệm gìn giữ chú ấy không cho sai phạm vào con đường cũ và dẫn dắt tiến lên.
                                   Ngôi thờ Cửu Huyền và Tam Bảo trong nhà đệ Dưng
                             Đệ Dưng người mặc áo màu xám.       
Dưng gác kiếm, từ giả các bạn bè. Chọn đi con đường khác Chẳng ai thích mà chung chơi. Bên phía Dưng chỉ có Ông nhạc phụ, vợ và đứa con trai đã bốn tuổi chưa biết nói chuyện, còn lại là chư tín hữu Phật Giáo Hòa Hảo. Bà Xã Dưng ở bên trong bận lo việc nấu tiệc đãi khách, bé trai quấn bên cha và Ông ngoại. Hơn vài vị khách ngồi trà nước, nói chuyện lai rai chờ thêm khách. Đợi đến lúc chuyện trò thân mật, độ cảm thông cao, tôi hỏi nhạc phụ của Dưng ngay lúc có chú ấy ngồi chung vui vẻ:
- Thằng con rễ nay thành người tốt, chắc là chú mừng lắm thì phải?
Ông ta đáp:
- Dạ tôi rất mừng, thưa anh.
- Chú có thể diển tả một đôi nét biểu cảm những vì mà chú nói rất mừng đó không?
- Dạ được chứ, trước đây nó tối ngày mê theo cờ bạc, rượu chè, thường gây chuyện choảng nhau trong xóm. Do vậy mà nhà lâm vào cảnh nghèo thiếu, vợ con coi như không còn chỗ nương tựa. Bị thằng rễ quậy mà họ hàng xem tôi rất thấp. sống tự ti mặc cảm tối ngày cứ buồn buồn. Giận khuyên không nghe lời nhiều lúc tôi tính bỏ mặc nó cho rảnh nhưng không được vì còn con gái và cháu ngoại của mình nên gượng mà khuyên để có may ra… Ngày qua ngày không thấy có sự may ra nào đến với tôi và vợ con nó. Nay bỗng nhiên nó bỏ ác tùng thiện, có bạn bè mới về nhà toàn là người hiền hỏi chớ không vui làm sao cho được?
Nghe dứt câu, đồng đạo rộ lên cười. Tôi bổng nhớ chuyện cách khoảng mười hôm trước, trong một đám giỗ, chiếc bàn tròn tôi ngồi có Ông trạc tuổi bảy mươi nói kể rất giòn:
Chỉ có cái uống rượu là tệ hết thảy! nếu ai hình dung được câu cổ nhân nói “ tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị” thì đủ biết. Tại sao người xưa dùng quá nặng lời đối với mấy hũ hèm, nói không nhường, ví họ như con chó điên giữa chợ vậy? Tôi hồi xưa có lúc cũng hũ hèm, nhưng cái hũ của tôi nhỏ nhỏ, tức mình sao cổ nhân mắng mình như con chó điên ở giữa chợ chứ? Sau nầy lúc tôi không rượu, thấy một trường hợp của Ông kia (xin miễn nói tên) có đứa con trai út bình thường thì nói năng đàng hoàn mà rượu vô là bất kể trời đất. Chừng hai giờ trước nó rất lễ phép qua cách xưng hô thưa cha và xưng con ngọt sớt, anh em ngọt ngào với vợ hiền mà chừng cụng ly ở đâu về nhà, thấy cái mặt không hiền, cả nhà ai cũng sợ mà lánh đi. Ông con kêu cha không phải bằng cha nữa mà là “Ê Ông Già”…còn mấy công đất….sao không… chôn Ông đâu có hết. Vợ là con dâu nết na, hiếu thảo với nhà chồng thấy Ông chồng vác cái tướng không hiền về nhà chị ta lánh mặt phía sau vách, chịu không yên qua những câu xúc phạm nặng với bậc sanh thành sợ tổn đức hại con cháu sau nầy, ra khuyên can bị chồng thợp tóc quay nghiến và Ông chồng không kêu vợ bằng em như hai giờ trước mà bằng “Mầy” Đi dan chỗ khác, mầy mà còn binh Ổng… vào phe với ổng thì tao không tha cho đâu. Liệu mà giữ hồn, con quỷ! Cút đi, cút!.
Cứ đem phản chiếu hình ảnh của đứa con đối với cha như vậy có còn là con người không rồi hãy xét câu Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị của người xưa là sai hay đúng.
Nghe qua câu chuyện, rất đáng thương những bậc làm cha mẹ bị con hành phạt và dầu người say rượu khó chịu bởi câu nói của cổ nhân, không công nhận cũng không được vì hành động của kẻ say đã để chứng tích với một đống hậu quả ê chề.
Nhạc phụ phát biểu xong, đến lượt chàng rễ nói:
Ba tháng qua tôi rất là sung sướng, thứ nhất là được cha mẹ vợ con thương, thứ hai không bị mắng, choảng nhau vì “ tửu nhập tâm”té trầy xướt mình mẩy, thứ ba là làm ăn dư tiền, thứ tư là hằng ngày lễ niệm Phật, tạo phước. sống trong đời tôi cảm thấy chưa lúc nào mình được hạnh phúc như lúc nầy. Hôm nay may mắn được bác tư, cô chú, anh chị em thương tình đến chia vui với chúng tôi về nhà mới, ủng hộ chúng tôi vững niềm tin vào sự tu hành. Tôi xin hứa với mọi người, từ nay Dưng tôi đi thẳng đường theo Phật Đạo. Lòng tuy quyết nhưng dầu sao cũng mới mẻ, non nớt, rất cần có sự hỗ trợ tinh thần của các bác, các chú cô anh chị em trong đạo để lúc sang sông mà gặp sóng to gió lớn, đi cách sao cho qua được bờ bên kia.
 Hội trường ghi nhận lời yêu cầu của Dưng bằng một tràng pháo tay dài thật dài, tôi nói:
Nay cháu phát tâm tu, thêm một chúng sanh giác ngộ là hay, cả đây  rất vui mừng và tôi nghĩ không phải chỉ có chúng ta hôm nay mừng vui, còn nữa chứ, ai đã thệ nguyện “Bể trầm luân khô cạn sáu đàng, Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”. Đức Thầy chúng ta chắc cũng mừng lắm! Cháu đã yêu cầu chúng tôi thì chúng tôi yêu cầu lại được không? Được chứ! Đơn giản thôi, Yêu cầu cháu đừng bỏ tu, lúc nào cũng cùng chúng tôi mà chung bước, chung thuyền, giông to sóng lớn thì chúng ta kết bè lớn nối liền sông qua sông, biển qua biển đi cũng dễ thôi mà.
Tiệc xong, đội khói lửa hết trách nhiệm trong bếp dồn cả ra ngoài nghe chúng tôi chuyện trò thân mật, có vị yêu câu tôi hãy phát một đề tài vì cho người nghe có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua những khó khăn để đạt đến mục đích. Tôi xét hôm nay cần nên nói về công ơn cha mẹ để đánh thức Dưng, người mới vừa gác kiếm và những ai hay làm cho cha mẹ đau sầu. Tôi nói:
Đừng làm khổ thêm cho những người thân mình, trước tiên là vị trí của cha mẹ. Tôi chưa nói đến cái điều ai cũng đinh ninh con làm khổ cha mẹ là mang tội bất hiếu, tôi chỉ đề cập ngay vấn đề “ Mẹ cha là kẻ trọng ân” như đức Thầy đã dạy. Tôi không lập hôn tất nhiên là không có con, những chuyện sâu xa trong lòng của các bậc làm cha mẹ thì tôi không rành, tôi chỉ nói cái trước mắt mà bất kỳ là ai cũng thấy được: Sanh con ra, nuôi nấng cực khổ mấy cũng không than. Lúc bé còn trong nôi tiêu tiểu vô chừng, cha mẹ phải thay tả giặt rửa, con nằm chơi hay ngủ cũng phải canh chừng, lở giật mình thức giất phải có mẹ hay cha bên cạnh để vỗ về cho đừng khóc. Chỉ cần trên mình bé có dấu muỗi chít phồng lên thì cha mẹ xuýt xa đau. Bé biết trườn, bò, nếu lơ dòm ngó tý xíu có thể bé sẽ rớt ạch xuống đất hay xuống sàn nhà, thương con lòng đau điến, cha mẹ rầy rà đổ tội cho nhau. Từ bé biết đi chập chửng đến lúc vào trường, qua tuổi thành nhân mỗi mỗi lớn lên trong sự thương lo của cha mẹ. Tấm thân cha mẹ sanh ra và bảo bọc đến lớn khôn tốn biết bao nhiêu là công khó, đáng lẽ phải nên trân trọng giữ gìn tốt, sao lại đem tấm thân yêu quí cha mẹ cho đi trộm cắp giựt giọc, cờ bạc rượu chè, đánh nhau đến thương tật, suýt chết thân? Thật là tội nghiệp! Tưởng đã thành người lớn thì cha mẹ hết lo sao! Bây giờ sang trang qua thế lo khác: cách ở đời, phải quấy, tốt xấu giàu nghèo của nó. Gặp đứa con lớn lên nghiện rượu, thích cờ bạc, mê ăn chơi lêu lỏng lâm vào nghèo khổ nợ nầng. Cha mẹ lúc nầy già yếu hết sức lao động muốn được sống yên, gặp con cái như vậy yên sao nổi.
Thương cha mẹ nên làm người con hiếu thảo; cờ bạc rượu chè, gian manh hung ác là do con người mê nhiễm chứ hồi cha mẹ sanh con đâu có sanh theo mấy cái thứ tội lỗi đó. Tự mình mê nhiễm thì phải tự mình bỏ mê theo giác. Cho dầu có khó bỏ cũng rán mà bỏ, đừng nói khi đâu đó lỡ làng rồi thì để nó tiếp tục nhá, cho lỡ hoài riết sẽ mất đức. Đến khi đức đã mất hoàn toàn thì đời sống chỉ có khổ không có vui.
Tôi đi nhiều, gặp những trường hợp người con sa đọa hơn cháu Dưng đây mà cố bỏ thì người ta cũng bỏ được. Nay trông Dưng nhà ta ngon rồi đấy, Lúc mê, tội thôi là tội, hễ giác lên là không làm tội nữa nhưng tội cũ là cái “nhân” đã gieo thì phải chịu “quả” báo và những tiếng gièm pha trong đời. Cần có sự ăn năng tu tiến, làm việc phước thiện để rửa sạch những tội trước. Riêng cháu Dưng đây, tiếc hôm nay không có cha mẹ ruột của cháu đến dự để nghe Ông Bà bày tỏ, biểu cảm sự vui mừng. Nhưng, có Ông cha vợ ngồi chứng kiến, vui mừng chưa từng có khi được người con rễ quay đầu hướng thiện thì chắc là cha mẹ ruột cũng thế thôi.Qua sự vui mừng nầy, nên trân trọng để nó có một vị trí vui mãi mãi, điều cần yếu là ở Dưng, tạo sự vui tươi bằng mãi mãi phục thiện để cho cha mẹ và chúng tôi hôm nay đừng thất vọng nửa chừng.
Xong tiệc về nhà, tôi sực nhớ bé trai con của Dưng đã bốn tuổi mà chưa nói được, chỉ ạ ẹ một vài tiếng khó hiểu nhưng bé có sự khôn ngoan khiến mọi người hôm đó đều chú ý.
Cha mẹ của bé kể: Coi như bé đã dùng chay từ lúc sanh ra cho đến giờ, khi còn trong nôi nhai cơm đút bé, có hơi thịt cá là bé phun ra, nhiều lần như vậy mẹ nó phải nhai cơm với muối thì nó mớm nuốt, đến khi nó tự ăn được, nhà bị tôi mà nghèo xơ xác, phần không biết đạo tôi đâu lo vì cho nó, đôi lúc còn bực mình đổ cho nó cái tội làm rắc rối, chỉ mua cho nó một chay nước tương, cần ăn thì nó tự động đi múc cơm chan nước tương, nếu có được một trái dưa leo cho nó cắn ăn với cơm trông nó rất thích.
Ngày ăn tân gia, có vị khách đến biếu cho cái đồng hồ treo tường, không nói chuyện được nhưng bé đã sắp đặt bằng cách đưa tay chỉ chỗ treo chiếc đồng hồ, cho đến cái võ đựng đồng hồ có những mẩu hình sáng đẹp bé nắm tay cha chỉ đóng đin treo chỗ đó.
Trong khi những dĩa trái cây vừa mới bưng ra mời khách, thứ trái cần phải lột võ mới dùng được, không ai sai, ngờ đâu, bé vô buồng bếp tìm cái bọc ny long đem ra chỗ khách đang ngồi dùng, bành miệng bọc. Mọi người đều là khách đến, không ai thèm xem cử chỉ của bé khi có người đang nói chuyện với giọng thuyết giảng giáo lý, chỉ có cha Dưng của bé biết thành ra nói nghe như “ phá đài”: Cần gì thứ đó mậy, để người ta ăn rồi vụt hột võ xuống đất là xong, nè! Ngay sau tiếng “ nè” cha Dưng của bé vụt hột võ vào kẹt vách cho rớt dưới sàn . Bấy giờ mọi người mới nhìn lại chỗ bé với ánh mắt thương cảm, ngợi khen thằng bé ngoan.
                                         Cháu Nguyễn Văn Kiệt
Tôi ước mong cha mẹ của bé, trong gia đình, đừng để chỉ một mình bé có duyên với Phật. Hãy cùng với bé ăn lành ở lành và giúp bé phát triển trí não, có những bửa ăn chay không chỉ là nước tương.
04/11/2014
Lê Minh Triết


                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét