Thuyết Trình Đề Tài:
NIỀM TIN VỀ SỰ CỨU ĐỘ
Xin kính chào chư quý đồng đạo!
Hôm nay tôi xin được giảng luận qua đề tài “Niềm Tin Về
Sự Cứu Độ”
Kính thưa quý vị! Niềm Tin là sự trọn lòng về một vấn đề, một con
người, một công việc…quyết chắc không sai. Ví dụ: Phật nói không sai, Phật hứa
không sai, vấn đề đó không sai. Niềm tin về sự cứu độ của Phật tuyệt đối phải
có.
Người học đạo, đức tin là trước hết. Nếu không tin PGHH và Đức
Thầy sẽ không trải lòng theo đuổi mục tiêu Ngài chỉ. Chúng ta hiện là tín đồ
trong đạo đọc kệ giảng của Đức Thầy, nhìn bề ngoài ta có đức tin tôn giáo,
nhưng kết quả có tính quyết định là tùy thuộc bên trong. Quy y theo một Tôn
Giáo là bề ngoài “ Làm theo lời chỉ mới là bề trong”. Đức tin có sâu cạn thì
việc làm theo lời chỉ cũng sâu cạn theo. Có người làm theo lời chỉ hơn năm mươi
phần trăm, có người năm mươi phần trăm hoặc dưới mức trung bình, hoặc chút ít
thôi. Làm theo lời chỉ có chút vánh là tại gì tin cũng có chút vánh. Nếu một
hành giả tin chắc chắn rằng ngày mai mình chết thì ngay bây giờ họ làm gì hay
chờ tới mai mới làm gì??? Quý vị nói đi! Buông xả tất cả để Niệm Phật hay Thiền
Định ngay bây giờ cho đạt tiêu chuẩn vẵng sanh, thành Phật phải không? Nhưng
nếu gặp bệnh đến, hành giả không có niềm tin mạnh mẽ về việc tu hành của mình
cũng như không có niềm tin mạnh mẽ là chết đến sẽ được Đức Phật rước, cơ hội
cho vọng tâm nổi dậy bao vây. Không hoan hỉ trút bỏ cái thân giả tạm để giữ
chánh niệm về Phật, cứ lại tham sanh quí tử, chết đến nơi mà vẫn còn
kèn cựa muốn sống lâu hơn, trả giá sự sống chết chớ không chịu trả giá vãng
sanh, thành Phật thưởng cái công mình tu hành, miệng mồm lốp bốp
mong tu cho được vãng sanh mà cơ hội đến, đò cập bến còn xin ở lại, để cho sự
khổ trong tâm cứ như được nước thống trị mãi. Ngay khi chết đến mà chẳng có
tu là chết trong sự nối tiếp sanh tử qua một kiếp khổ khác.
Nhà tu tham sống sợ chết, khi cái chết hiện đến khó mà Niệm Phật
đạt nhất tâm bất loạn đúng tiêu chuẩn cho Đức Phật đến chấm đậu và rước đi,
điều nầy ai cũng biết mà chận đứng sự tham sống sợ chết để niệm Phật cầu vãng
sanh Tịnh Độ thì rất là khó khăn, bởi trước đây ta “quen nói” Tu mà không Tu,
chưa cập nhật sự tu đúng điểm đậu, ở điểm rớt là phần nhiều... Đường về Tây Phương
không hiện rõ, quỷ dữ cồng tay xiềng cổ lôi đi theo bánh xe luân hồi.
Chối từ sự chết đến là không làm theo lời chỉ về “lý vô thường”
của Đức Thầy cảnh tỉnh:
“…họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân
thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo.
Những cái sanh, cái bệnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy
rồi đến người khác…rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả nhân loại không
thiếu sót một ai. Thế mà họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú
quí, đi theo những vặt vụn, tiểu ti eo hẹp”.
Sợ chết rối lên, tâm thần chao đảo không trì hành pháp môn Niệm
Phật cầu vãng sanh qua cõi Cực Lạc, muốn tiếp tục sống khổ trong cõi
Ta Bà. Có người chịu khổ đến tám chín mươi năm tuổi mà chưa chán,
già đến đổi đi đứng lựng cựng như trẻ mới lên hai lên ba, bò càng bò
miểng cũng còn muốn sống lâu hơn nữa. Nói kéo dài sự sống để tu, có phải
thua quá rồi ngụy biện không? Nếu sự kèn cựa để được sống lâu tu nhiều là đúng,
ngay sau câu nói phải tự ý thức là sống chỉ để tu thôi mới phải, đàng nầy không
phải để tu mà là để nhiểm đậm hồng trần, ở càng lâu càng mất dấu vãng sanh,
thành Phật. Tin Giáo lý đạo Phật nhưng để lòng dục vọng phát sinh mạnh hơn,
trong khi ta niệm Phật, vào trận cứ bị phiền não bao vây “chết trong trận”
còn đâu là chiến sĩ Như Lai!
Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm, điều đó được nói lên trong quyển Sấm
Giảng Thi Văn Giáo Lý chính tay Ngài viết, cứu độ chúng sanh trọn gói. Con
người có thể xác và tinh thần Đức Thầy độ hết:
- Nói ra Phật Pháp để chữa lành tâm bệnh
- Dạy Y Pháp (thảo dược) để chữa lành thân bệnh.
Tâm bệnh thì đời mờ mịt khó tu, thân bệnh tứ đại không an, đau
nhức cũng khó tu. Nếu bị hai cái khó tu đến cùng lúc siếc chặc vòng vây, không
còn sự hiện diện của pháp môn niệm Phật khi sự sống chấm hết thì công tu
lổ nặng. Người mà thân bệnh nhiều, tu hành khó khăn, thất thoát. Quý bậc
đại Đức trở lên thường trụ chánh tâm hành đạo, không màng các việc trong đời,
tâm tươi trẻ mạnh khõe khi thân cảm nhiễm bệnh cũng còn gây khó dễ huống không
phải bậc đại đức lìa xa danh vọng? Trị bệnh thân rất là quan trọng, nên Đức
Thầy đề cập dược liệu trị bệnh trong Giáo đồ. Kinh nghiệm hay không kinh nghiệm
bản thân, người ta cũng thấy thân bệnh là thiệt thòi chướng ngại các việc có
liên hoan, không những hư thân mà còn hư cả trí óc, khó khăn qua làm ăn, sinh
sống, và trên đường tu.
Đức Thầy lâm phàm cứu độ chúng sanh chủ yếu là dạy tu cho mau
thành Phật hay sanh sang quốc độ Cực Lạc chấm dứt luân hồi khổ, nhưng hềm vì
toàn thể tín đồ đều mang thân tứ đại phải chịu sự chi phối của bệnh, Ngài đưa
ra “ba bài” thuốc để điều trị bá chứng. không cần biết bệnh gì, hễ bệnh là dùng
được mà.
“ Có đau xem thuốc ba bài,
tâm thành cầu nguyện ắt nay bệnh lành”.
“ Có đau thì thuốc đó mà,
Dòm trong bảng chữ
về nhà kiếm cây.”
Hốt thuốc “ba
bài”không cần đến tiệm thuốc hay đi ông Thầy nào cho sanh phiền phức chuyện
tiền nông. Thuốc rất dễ kiếm, tìm một chút là xong ngay một thang nấu uống trị
bá bệnh. Đức Thầy cứu độ cho các tín đồ khi thân lâm bệnh bằng những món thuốc
dễ tìm, chỉ tốn chút công không tốn của nhưng ít có người tin đó là sự thật.
Nhà có người bệnh lo chạy đông chạy tây, lắm khi còn “gá duyên” qua Ông lên Bà
xuống, tốn tiền thuốc muốn sạch nhà còn bị mấy “ơn trên” kêu cúng, hại thêm
hại.
Bệnh Nhân trị ở đâu cũng vậy, hết hay chết đều xảy ra tương đối.
sách xưa có câu “Dược y bất tử bệnh”( thuốc dầu hay cũng không cứu được người
tới số). Nhà giàu không thèm uống thuốc nam, những tín đồ PGHH có tiền, không
tin thuốc ba bài của Đức Thầy có diệu năng trị bệnh, đi kiếm Bác Sĩ, những bệnh
viện nổi tiếng mà chừng chết thì cũng chết.
Hồi đó, trước năm 1975
tôi tu ở Hòn Sơn Rái, có ông tư Hòn lớn tuổi mà công phu lễ bái đều đặn, siêng
năng. Tên thật của ông tư là gì tôi không biết, ông thứ tư mà ở tu trên Hòn
nhiều năm người ta gọi ông là ông tư Hòn, với lại lúc quen biết nhau thì ông đã
khá tuổi, xét mình còn quá trẻ không dám hỏi tên. Ông tư tin “hết mình” về y
dược của Đức Thầy. Nếu xét trong người có bệnh, ông chỉ chọn một trong ba bài,
chuyên môn của ông dùng trị bệnh là bài năm thứ lá: lá xoài, lá mít, lá
ổi, lá bưởi, bông trang hoặc bông vạn thọ bệnh vì cũng nấu năm thứ lá,
nhức đầu, tiêu chảy, trẹo lưng, ho suyễn... Có lần ông trèo lên cây mít hái mít
chín, tay vói nắm nhằm nhánh cây khô, nhánh gảy rơi ông xuống, lưng vắt lên
sườn đá, đầu chạm đá xịt máu, dãy ba sườn như muốn rệu đi, hết nhúng nhít cụt
kịt. Bây giờ tự làm Thầy thuốc hốt cho mình không được nữa rồi, ông tư nhờ đồng
đạo trẻ tuổi đi hái thuốc nấu giùm ông. Uống mỗi ngày một thang, liên tiếp hai
chục thang bệnh ông dần dần bình phục.
Có lần tôi hỏi ông tư: Đức Thầy dạy tới ba bài thuốc, sao con thấy
bệnh gì ông tư cũng nấu uống ròng năm thứ lá? Ông tư đáp không cần nghĩ ngợi:
Ba bài là để cho bệnh nhân rộng đường mà chọn chứ bài nào thì cũng
trị bá bệnh. Đức Thầy nói: “có đau xem thuốc ba bài” có đau là dùng thuốc ba
bài, tùy thích nghi với bệnh mà chọn một trong ba chứ đâu phải dùng một lượt cả
ba. Tôi chọn một trong ba bài thuốc mà dùng để trị bệnh của tôi là đúng cách,
bệnh gặp thuốc của Đức Thầy là không cầm cự nổi, phải rút ngay thôi. Đức Phật
có tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhiều như vậy đâu phải để mọi người tu qua hết
tám vạn bốn ngàn pháp môn mới đắc, chỉ chọn lấy một pháp nào đó trong tám vạn
bốn ngàn pháp của Phật mà hành trì.
Ông Tư quả là… đem ví dụ ngộ nghĩnh hay hay. Kính thưa chư quý vị!
Xin đừng hỏi tôi, ông Tư kiên trì uống thuốc Đức Thầy mà giờ còn sống không
nha! Con người hễ có sanh là có tử. Ông tư sống đến già lắm rồi thì phải chết,
ông vua, cha mẹ Bác Sĩ cũng chết chớ đâu riêng ông tư. Có điều đáng khích lệ là
cái bệnh làm ông chết không có dính dáng đến chuyện ông tư rơi từ trên cao
xuống vắt mình trên đá núi. Theo tôi nghĩ: thuốc ba bài của Đức Thầy, ngoài tính
mầu nhiệm để tiếp mở rộng Tôn Giáo còn tính khoa học, năm lá cây đều có vị
thuốc, thực tế chúng ta không nên phủ nhận y học của Đức Thầy. Đến lúc
phải chết dù sanh ra từ trong hoàng cung hay trong phòng mạch của ông Bác Sĩ
thì cũng chết. Người tín đồ thỉ chung, học đạo giải thoát, đến lúc phải chết mà
nằm chết trên ba bài của Đức Thầy, giữ trọn niềm tin nơi Tôn Giáo vẫn hay hơn
chết trên giường nằm của Bác Sĩ. Từ chỗ dùng dược ba bài của chủ lãnh đạo tôn
giáo mà thoát xác sẽ có ý nghĩa đạo đức hơn chết trên bước cuối cùng của bệnh
viện.
Rất tiếc, chúng ta sinh ra không thấy được sự hiện diện của Đức
Phật và Đức Thầy Kim Sơn Phật, khi tôi được sinh ra thì Ngài đã vì việc lợi ích
lớn mà đi rồi. Chúng ta chỉ nghe nói về Đức Phật ở Kinh sách: Ngài có 6 phép
thần thông ( lục thông) thấy, nghe, biết… ở mọi nơi trên quả địa cầu và ngoài
quả địa cầu không một chút bị ngăn ngại. Ngài thể hiện trên tất cả để cứu khổ
ban vui cho chúng sanh. Ngài chủ trì tâm Phật hằng hữu để không lúc nào Ngài
không là Phật, với tính sáng suốt hằng hữu nên tâm thuần khiết một màu thanh
tịnh.
Tôi học biết về sử liệu Phật Giáo chọn hai yếu mục cần thiết để
nhắc nhớ bước đăng trình:
Ngài luôn có 6 phép
thần thông xử dụng ở mọi nơi mọi lúc, không bị ngăn ngại. Chúng ta chưa thấy sự
hiện diện Đức Phật làm việc ấy, nhưng dựa vào Kinh Kệ Ngài đã để lại cho đời
rất phù hạp cơ cảm của tín nữ thiện nam trên phương diện nhận xét và nhận định
từ giáo lý đến chân lý. Chúng ta tin hoàn toàn ở khả năng của Phật với những vì
Phật thuyết. Theo chỗ tôi suy nghiệm đạo Phật luôn thể hiện tính thực tế và rất
khoa học, năng động sự tìm kiếm trong chính mình là yếu tố nhân bản cho hành
giả đột phá rừng mê vô minh tìm kiếm lối ra ngoài dòng sanh tử khổ não. Chỗ
thực tế của Đức Phật vượt lên mấy trăm tầng thực tế của chúng ta, sự vượt lên
trên của Ngài không có nghĩa chỉ mình Ngài mới có và chúng ta định mệnh thấp
hèn suốt kiếp phải chịu mờ mịt thê lương. Thật sự thì chúng ta chưa biết gì về
chuyện như Phật hay không như Phật cũng như lúc Ngài còn là Sĩ Đạt Ta bị bao
bọc bởi vô minh, Ngài là người đầu tiên trên quả địa cầu nầy trải thân mình thí
nghiệm. Kết quả trong thí nghiệm từ bản thân Ngài cho thấy Ngài có được những
điều chưa từng có, không còn một chút bợn lòng, hoàn toàn sáng suốt, đại giác
ngộ. Ngài khám phá, không, nói Ngài khám phá là không đúng vì khám phá là sau
khi đã mò mẩm, nghiên cứu. Ngài không làm chuyện mò mẩm nghiên cứu mà có một
kết quả không ngờ…sự hiển lộ Phật Tánh từ tâm thanh tịnh? Ta phải dùng từ thế
nào nhỉ! Để nói, Ngài thấy các chúng đều có Phật Tánh và có thể sẽ thành Phật
như Ngài.
Thật hết sức là mới mẻ mầu nhiệm, ở mọi chúng sanh đều có khả năng
thành Phật như Ngài, và sự tuyên bố của Ngài sau khi đó “ Nhứt thiết chúng sanh
giai hữu Phật tánh - nhứt thiết chúng sanh bất thành Phật quả ngã thệ bất
thành Phật” Và điều chúng sanh ai cũng có thể thành Phật là ông Phật của chính
mình hiện đang ở trong lớp cặn cáo vô minh chứ không phải Phật của Phật
cho. Vì thế Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni kêu gọi người tu “ Hãy tự mình
thắp đuốt lên mà đi”, Đức Thầy, Huỳnh Tôn Sư cũng kêu gọi”
“ Phật tại tâm chớ có đâu xa”
Vì thế mà :
“ Hãy bền lòng
tìm Phật trong tâm”
Đức Phật có đôi mắt, chúng sanh cũng có đôi mắt nhưng mắt của Đức
Phật trong sáng nhìn xa thấy hết mọi chuyện không bị cặn cáo dấy lên từ mọi lúc
mọi nơi khi Ngài thấy, mắt chúng ta không thấy hết như Ngài, vì trong khi thấy
lòng chúng ta bị dấy lên những cặn cáo, khiến đôi mắt chúng ta ghèn nhặm tùm
lum, chỉ thấy gần thôi mà còn mù mờ không chính xác. Lỗ tai ta có vấn đề, tâm
ta cũng có vấn đề, cặn cáo trong lòng cũng theo vấn đề nghe biết để nghe biết
không thông suốt. Giờ chỗ ta đứng là chúng sanh trong cõi khổ, mắt có ghèn
nhặm, hoa đốm, lổ tai có vấn đề tâm có vấn đề…Theo Đức Phật tu hành ta cũng
muốn mình có được chứng đắc Lục Thông, nhưng ta còn là chúng sanh đang tu tập
mà đòi thấy suốt mười phương, nghe suốt mười phương, biết tâm ý của cùng khắp
chúng sanh thì không thể có được. Điều chúng ta cần làm bây giờ là làm sao cho
mắt mình không bị ghèn nhặm. Mắt có bệnh thì phải trị bệnh cái đã, lổ tai có
bệnh cần nên trị bệnh và tâm ta đây sao mà quá bèo nhèo, đần độn hãy điều trị
cho dứt nộc, Mắt, Tai, Tâm…sẽ phát triển bản năng sẵn có để mắt là mắt Thiên
Nhản Thông, tai là tai của Thiên Nhỉ Thông, tâm biết là tâm Tha Tâm Thông… Đừng
chạy trốn sự thật của sáu giác quan. Mắt thấy sắc, chức năng của mắt sanh ra là
để thấy ta không thể đổ thừa tại thấy mà động tâm, đi đến quyết định trốn hay
cưỡng ép cho nó không thấy. Trên đời có ai đui mà chịu đâu! Cấm chức năng của thấy
là việc làm thiếu bình tỉnh và vô duyên, điều cần bàn bạc là cái thấy không
phát sinh cùng lúc với cặn cáo, rất trong trẻo sáng ngời, không bị vẩn đục,
chướng ngại, dừng lại ở sắc nào để tríu mến hay không tríu mến, sáng ngời trong
trẻo đi qua đi qua, thì mắt không bị gò bó trong khi thấy, không cặn cáo trong
khi thấy mới thấy thông suốt, (thần thông diệu dụng). Tai nghe âm thanh, không
dừng lại ở âm thanh nào, nghe không cùng lúc với sự phát sinh cặn cáo để biến
tướng sự nghe nặng hơi tình cảm, chìu theo sở dục, tác động tâm lý, đánh đổi sự
thanh tịnh sáng ngời qua cuộc chơi hay dở, ấm chác. Tâm không dừng lại ở ân
tình nào để thương hay không thương, ở sự hiểu biết nào để cao ngạo hay lòn
cúi, không phát sinh cặn cáo cho tâm được là Chơn Tâm, Tịnh Tâm, sẽ đi lần đến
hiệu quả Tha Tâm Thông…
Thế là đường đi về cõi
Phật rộng thênh thang, có ngày cũng lên đến, trong lúc đi trên con
đường về Phật, mắt thấy sắc mà quên Niệm Phật là cái thấy có vấn đề, bị chướng
ngại bởi ghèn nhặm, sự tập tểnh trên Thiên Nhản Thông bị cắt đứt. Trong lúc
Niệm Phật, tai nghe âm thanh, mà quên niệm Phật thì nghe bị chướng ngại, cặn
cáo, sự tập tểnh trên Thiên Nhỉ Thông bị cắt đứt. Lúc Niệm Phật đáng lẽ duy trì
chỉ có Phật trong tâm thôi, nhưng tâm lại bất thình lình nổi lên cặn cáo nhớ
tưởng việc khác thì tâm bị chướng ngại, sự tập tểnh trên Tha Tâm Thông bị hủy
diệt ngay.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét