Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

LỄ GIỖ NGUYỄN TRUNG TRỰC

Mấy bửa qua bà con tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) xóm tôi vận động rau quả vật thực chỡ đi các nơi có tổ chức lễ cúng giỗ đại anh hùng Nguyễn Trung Trực. Nơi cúng quy mô nhất là ngôi đình trong khu đô thị tỉnh Kiên Giang. Vì thế những đồ vật quyên được sẽ đem phân phối nơi đó nhiều hơn. Tôi ở đầu doi Cù Lao Ông Chưởng mà đến ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực nói trên có thể già trăm cây số. Chuyển hàng vất vả nhưng vì tôn kính một đại anh hùng xả thân vì nước, những người làm công tác quyên góp, vận chuyển không nề hà mệt nhọc khó khăn.
                            Phú Quốc 28 thang 8 năm 2014 ( Văn Ngoãn).
ĐÔI NÉT VỀ TIỂU SỬ
Nguyễn Trung Trực sinh trong thời vua Minh Mạng, lúc đầu cha mẹ đặt tên Ông là NHơn, sau nầy đổi ra tên Lịch. Lớn lên vào trường, được Thầy thương bạn quí, dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng đã có nhân cách chánh chơn quân tử, rất mực thông minh, kính thầy và luôn luôn đối sử tốt với bạn bè, xuất sắc nhất trong đám học trò nên Thầy Giáo đặt cho Ông cái tên là Trung Trực. Trước ở tổng Trung An, huyện phù các, tỉnh Bình Định. Cha là Nguyễn văn Phụng, mẹ là Lê thị Kim Hồng. Lúc Pháp đánh chiến miền Trung, gia đình Ông chạy vào Nam, sống nghề chài lưới ở làng Bình NHựt, huyện Cửu An, phủ Tân An nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
                     Hình tường đài cựu Nguyễn Trung Trực , Phú Quốc 28/8/2014 ( Văn Ngoãn).
Bình Định là nơi nổi tiếng đứng nhất nước về võ học, bậc mày râu chẳng nói làm chi, đến như phụ nữ mà còn phải học nghề động thủ tay chân. Nhà  thơ nào đó đã nhả hứng thi tặng:
“ Ai về Bình Định mà coi
Con gái cỡi ngựa, múa roi đánh quyền”
Ở tuổi thiếu niên Ông đã thích môn võ, thường luyện tập môn ấy nên thể lực tốt võ nghệ khá thông. Sau khi thành Gia Định bị Pháp đánh chiếm, lòng yêu tổ quốc trong Ông phực dậy, câm hận giặc ngoại xâm, tháng 2 năm 1859 Ông đi chiêu mộ thanh niên trong làng vào lính chống kẻ thù xâm lược. Ông giải thích, nếu chúng ta làm ngơ chuyện nước non cho Pháp tặc mặc tình sử dụng non sông của tổ tiên một cách tùy thích mà mong cầu bình yên trong cuộc sống, mãi mãi sẽ không yên. Được bạn bè tin tưởng nhân dân theo cùng, ngày 10 tháng 12 năm 1861 Ông mở chiến công đầu tiên đốt tàu pháp có tên là L’ Esperance trên dòng sông Nhựt Tảo. Sau chiến công oanh liệt đó vua Tự Đức mới phong chức cho Ông là Quản Cơ. Huỳnh Mẫn Đạt đã khen tặng chiến công hiển hách đó qua hai câu thơ:
“Lửa hồng Nhựt Tảo oanh Thiên Địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”
Sau đó, Cụ Nguyễn mở rộng hành quân, lần vào tỉnh Kiên Giang đánh ăn to một trận nữa.
Về Rạch Giá không lâu thì nắm được tình hình của quân Pháp, Ông kêu gọi tập trung lực lượng nghĩa binh và bố trí công việc đâu đó xong, bốn giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868, dân quân từ Tà Niên âm thầm kéo đến đánh chụp đồn Pháp tại Kiên Giang, thắng gọn ghẻ. Trận ăn to nầy đã giết chết nhiều sĩ quan và binh lính Pháp, thu về cho nghĩa quân hơn trăm khẩu súng.
Tin quân Pháp đại bại ở tỉnh Kiên Giang, tàng quân cấp báo cứu binh. Bộ chỉ huy Pháp ở tỉnh Vĩnh Long nhận tin Đồn Kiên Giang thất trận bị nghĩa quân chiếm cứ, ra lệnh điều một đội quân tinh nhuệ  đến đánh chiếm lấy lại cái đã bị mất. Cụ Nguyễn làm chủ đồn Kiên Giang chỉ mới 5 ngày, nghe tin phía đối phương có đội quân tiếp cứu, biết sức không chọi nỗi lực lượng cứu quân tinh nhuệ của Pháp, Ông và nghĩa binh phải bỏ đó mà đi về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc lập chiến khu. Bấy giờ có Huỳnh văn Tấn trước là anh em đồng đội với Nguyễn Trung Trực theo Trương Định đánh Pháp, sau nầy Tấn trở mặt, tiếp tay cho quân xâm lăng. Huỳnh văn Tấn dẫn theo 150 (một trăm năm mươi tên lính Pháp) sùng lục hết dãy đất liền rồi ra hòn Phú Quốc, hoạt động tình báo khắp nơi. Biết cụ Nguyễn đang ẩn binh trong rừng sâu, Tấn cho quân bao vây ngày đêm chận đường lương thực và làm ảnh hưởng đến sự sống của muôn dân trong vùng để cho Ông phải đau lòng mà ra mặt.
Trên thực tế, truy đuổi chứ không tài nào bắt được nhà ái quốc gan dạ thao lược nầy. Theo biên bản điều tra của đại úy Piquet có đoạn  ghi rằng “ tôi cho biết rõ là tôi đã tự ý quy thuận lãnh binh Tấn, hắn đến bảo tôi viết tờ đầu hàng. Xét vì chúng tôi bị bao vây lâu trong núi dân tình trong vùng cũng bị ảnh hưởng chúng tôi mà lầm than đói khổ không còn thức ăn để sống. Tôi bảo một người dân địa phương chân chất trói mình tôi lại dẫn tôi nạp cho Tấn. Nếu tôi tiếp tục chiến đấu, hắn không bắt được tôi dễ dàng như thế.”
Sau đó cụ Nguyễn bị Pháp đưa đi giam ở khám lớn Sài Gòn cho tiện việc điều tra, đến ngày 27 tháng 10 nhằm 28 tháng 8 ta năm 1868 Pháp dời Ông Trung trực về Rạch Giá để thụ hình, chúng giao sinh mạng Ông cho một người khmer tên Tưa. Ra giữa pháp trường, Nguyễn Trung Trực yêu cầu Pháp mở trói, không bịt miệng mắt để Ông được ngắm vẻ đẹp của quê hương lần cuối. Dân xứ Tà Niên kính Ông lắm, kéo đến rất đông như để xin chia sẻ những rủi ro, bất hạnh mà Ông đang đối mặt. Tôi nghĩ, nếu ở vào thời điểm có Phật Giáo Hòa Hảo, tiếc thương một anh hùng chắc người ta phải đọc trách hóa công:
“Nước non đang thiếu anh tài,
Tử thần vội cướp đưa ngay chầu Trời”( tâm sự của người viết).
Trông ai nét mặt cũng hãi kinh, cái khí phách của người anh hùng đã lên tới tuyệt đỉnh. Đến lúc vĩnh biệt cõi đời mà vẫn còn ung dung tự tại, chẳng thấy chút sợ chết là gì, hiên ngang ứng khẩu một vần thơ:
“ Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu giang đãm khí hữu long tuyền.
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa,
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên”.

PHẬT GIÁO HÒA HẢO CÓ LIÊN QUAN GÌ VỚI NGUYỄN TRUNG TRỰC?

                          Tín đồ PGHH đang hành lễ trước tượng đài Cựu Nguyễn Trung Trực.

Về Ông, trên dòng lịch sử chưa thấy đề cập Ông có tín ngưỡng tôn giáo nào. Ông hoàn toàn là nhà ái quốc. Việt Nam từ xưa có nhiều tấm gương anh hùng hy sinh vì nước, chết được sắc vua ban thành Thần, dựng đền thờ. Làng nào cũng có đình Thần, hàng năm dân làng tề tựu nấu giỗ cúng bái, nhưng riêng đại thần Nguyễn Trung Trực, dân chúng thuộc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ưu đãi trọng vọng hơn các lễ thần khác. Đặc biệt, trong dãy miền tây Nam Việt, vấn đề cúng giỗ Ông các nơi, nếu có người tín đồ PGHH tham gia vào ban tổ chức thì lễ vật được đem dâng cúng toàn thức ăn chay,(trừ những nơi xa không có tín đồ PGHH tham gia hoặc có rất ít), mọc lên nhiều trạm cơm với những mái che lắp ráp, cung cấp đủ cho bá tánh thập phương no lòng mà ở vui với lễ cho đến mãn cuộc.
Trước mắt có nhiều dấu hiệu tốt. So với những năm cúng trước, mùa lễ giỗ cúng cụ Nguyễn năm nay 2013 chắc phải khởi sắc hơn. Mấy hôm đài truyền hình tỉnh Kiên Giang liên tục thông báo: tại trụ sở ban trị sự PGHH tỉnh Kiên Giang đăng ký tạm trú cho bá tánh thập phương đến dự lễ đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá đều có thể đến nghỉ ngơi và dùng cơm miễn phí. Địa điểm rất rộng thoán mát gió biển, có gác lầu, tổng cộng sức chứa của trên dưới lầu khoảng hai ngàn người. Khu nầy do Ông Bà Thượng Sơn đổ tiền ra mua đất, dựng hội quán, đạo tràng sinh hoạt giáo lý, cho ban trị sự (BTS) tỉnh mượn vô thời hạn để hoạt động đạo sự. Cùng với ban trị sự, Ông Bà Thượng Sơn, phía bên trụ sở của tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng đã quét dọn sạch sẽ cho khách đến dự lễ nghỉ nhờ.
Người tín đồ PGHH phần đông khi nhắc đến tên tuổi của vị anh hùng đốt tàu giặc, đánh đồn giặc có pha chút kính nể gọi Ông là Quan Thượng; thỉnh chân dung để trong nhà, vái vang mỗi khi có việc đi xa, tự tin về sự hộ trì.
Vì đâu trong số các chư thần chỉ một vị thần Nguyễn Trung Trực được tín đồ PGHH coi trọng như thế?Trên quan điểm đó chúng tôi nhận xét có hai nguyên nhân chính:
1.    Căn Cứ Vào Chuyện Đức Ông Đi Núi Tà Lơn
Mùa thu năm kỹ mão 1939 tức sau khi Đức Thầy làm lễ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, biết Đức Ông không tin có Phật giáng thế trong nhà và ứng hiện trên thân thể của người mà từ nhỏ lớn lên luôn bệnh hoạn thê lương. Để được Đức Ông tin, Đức Thầy phải dẫn Đức Ông đi viếng núi Tà Lơn. Núi nầy nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, ở nước láng giềng cam-Pu-Chia ăn thông qua Thái-Lan và Lào. Hồi ấy thế với chưa văn minh, mặt giao thông không tốt như hiện giờ, đường đi muôn trùng cách trở, rừng núi âm u, thời điểm đó, đi núi nhà còn khó huống chi đi dạo núi nước ngoài và chuyện khó tin, người hướng dẫn lại là một thanh niên với thân thể gầy yếu mới hăm mốt tuổi ta. Từ nhỏ, Đức Thầy đã phải bệnh suốt, Đức Ông đành cho nghỉ học để chuyên trị bệnh, có hồi nào được ai dẫn đi núi Tà Lơn đâu mà biết. Lần đi viếng núi nầy Đức Ông thấy sự mầu nhiệm từ trong đứa con trai của mình, ấy không, dạ không phải…trong một thanh niên quen thuộc mà nhiều tháng năm qua Đức Ông bận lòng lo. Đức Thầy thuộc làu đường, dẫn Đức Ông đến chỗ hai vị đạo nhơn tu tịnh tọa trong muôn rừng. Đức Ông muốn biết qua danh tánh của hai vị chơn nhơn khi hai vị đang tịnh tọa, Đức Thầy liền giải tỏa thắc mắc của Đức Ông: Vị Nầy là anh hùng Nguyễn Trung Trực, vị nầy là Đức Cố Quản Trần văn Thành. Sau khi hai vị hiến thân đền ơn đất nước xong, thoát lên núi Tà Lơn tịnh tu Phật Đạo.
(Người viết có sự thích thú vô vàng vì chuyện của hai vị chơn nhơn đã làm ứng hợp với lời truyền dạy của Đức Tôn Sư PGHH “ Đền xong nợ nước thù nhà, Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”).
Chuyện mắt thấy tai nghe đành rành ra, Đức Ông về kể lại chuyến đi núi Tà Lơn với Đức Thầy cho mọi người đến thăm nghe. Biết đây là phép mầu của Đức Thầy, nhưng chuyện hai đại công thần Việt nam lên ở tu trên núi Tà Lơn là sự thật. Cái uy tín của Đức Ông trùm che lên tín đồ PGHH, Được Đức Thầy dẫn đi gặp hai vị chơn nhơn đã đền xong ơn nước từ Việt nam qua ở tu trên núi Tà Lơn thì quả là tiếng tăm đồn khắp. Người đệ tử kính Thầy thì phải kính những chuyện về Thầy, những lời Thầy dạy, nên từ đó Ông Nguyễn Trung Trực, Trần văn Thành đã có vị trí tôn nghiêm trong lòng người tín đồ PGHH là lẽ tất nhiên.
2. Bài Quy Y trước bàn thờ Tam Bảo
Từ lúc Đức Thầy khai sáng đạo PGHH vào mùa hè năm kỷ mão 1939, theo bút ký “ Dõi Gót Theo Thầy” của Ông Ngô Thành Bà tức Biện Đài cho đến mùa thu năm ấy Đức Thầy đã dẫn Ông đi núi Tà Lơn, khoảng thời gian sau ba tháng Đức Thầy khai đạo, nhưng trước đó Đức Thầy cũng đã dẫn Đức Ông đi núi nầy hết một chuyến rồi. Trong thời điểm đó những chú bác có thẩm quyền bảo vệ tốt giáo lý của Đức Thầy, kết tập các bài Đức Thầy viết, Riêng trong phần Sấm Giảng, Quyển Nhứt, Sám Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm không có ngày tháng mà chỉ có đề năm sáng tác 1939. Quyển Nhì Kệ Dân Của Người Khùng có ghi ngày, tháng, năm sáng tác đầy đủ, Sám Giảng Quyển ba cũng chỉ có đề năm sáng tác chứ không có ngày tháng. Quyển Tư Giác Mê Tâm kệ có ghi ngày, tháng, năm sáng tác. Quyển Năm Khuyến Thiện, không có ngày tháng sáng tác, còn năm thì là 1941. Dầu Sám Giảng Quyển Ba không đề ngày tháng sáng tác nhưng ta biết chắc Đức Thầy đã viết xong quyển ấy trước khi dẫn Ông Biện Đài đi núi Tà Lơn. Theo như Ông Biện Đài kể, từ Việt nam đi một ngày chiều đến chợ Cần Giọt và nghỉ đêm, Đức Thầy đã mang một quyển Sám Giảng quyển ba đến biếu cho một Ông cụ nhà gần đó. Ông cụ xem qua liền nói: Quyển nầy đoạn đầu giống của Thầy tôi mà đoạn sau lại khác… Từ ngày 18 tháng 5 năm kỷ mão 1939 cho đến hết năm, phần Sám Giảng Đức Thầy đã viết được 4 quyển Nhứt, Nhì, Ba, Tư và một số thi bài, chưa có “Tôn Chỉ Hành Đạo” tất nhiên người tín đồ trong đạo chưa có sự cúng lạy ngày hai thời và bài nguyện quy y trước bàn thờ Tam Bảo. Mãi đến năm 1945 Đức Thầy mới viết quyển sáu với“ NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN” trong đó có “CÁCH THỜ PHƯỢNG, HÀNH LỄ VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT TÍN ĐỒ P.G.H.H. về sự tu hành của người cư sĩ tại gia, mỗi nhà của tín đồ phải có 3 ngôi thờ, trừ trường hợp ở chung đậu nhà người khác. Ba ngôi thờ ấy là 1 bàn thờ cửu huyền, 2 bàn thờ Tam Bảo, 3 bàn thông thiên trước sân nhà. Ba ngôi thờ, bàn thờ cửu huyền có bài vái riêng con ngôi Tam bảo và Thông Thiên thì vái chung mục Phật Đạo.
 Trong bài nguyện trước bàn thờ Phật là quy y Tam Bảo: Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y tăng nhưng nguyện có sự cảm ứng chứng minh của cụ Nguyễn Trung Trực với tôn danh Quan Thượng Đẳng Đại Thần để ăn chắc câu nguyện phải làm. Ai Cũng biết Nguyễn Trung Trực là vị quan tướng trung với nước, hiếu với dân. Sách xưa có câu “Sanh vi tướng, tử vi thần”( sống làm tướng, thác làm Thần. Đức Huỳnh Giáo Chủ nói:
“Dầu không siêu cũng đặng về Thần
Nhờ hai chữ trung quân ái quốc”
Được cụ Nguyễn Trung Trực ở vị thế chứng minh cho bài nguyện quy y Tam Bảo mỗi ngày hai lần sớm chiều, người tín đồ PGHH đã nợ Ông, tất nhiên phải kính Ông thôi.
5/10/2013
Lê Minh Triết





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét