Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

XIN GIÚP BÀ CON NGHÈO ĂN TẾT

Nhiều người chúng ta nói mình sống trong một đất nước hội nhập với những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hoặc toàn cầu đang phát triển kinh tế. Nghe vậy cũng có lý, vì  rõ ràng bộ mặt thành thị có thêm nhà cao tầng, công ty, xí nghiệp với những khu vui chơi và tính đàng điếm cũng có thể phát sinh trong những nhà cao tầng, khu vui chơi lảng mạng biến con người trụy lạc thấp hèn khi họ đang diện sang và bảnh. Đất đai của nhân dân đang canh tác, ruộng vườn yên ổn, nhiều nơi bị chủ đầu tư nước ngoài hoặc trong nước mua mặt bằng dựng lên cơ sở họ không đến trực tiếp với chủ đất mà qua chánh quyền, ép bán giá rẻ cho họ thành lập công ty, nhà máy chế biến… dân mình phải lãnh một số tiền bán đất giá rẻ rồi thui thủi vô vùng sâu vùng xa hơn nữa đối mặt với cô đơn buồn chán, sống kiếp nghèo nàn, lạc hậu. Nếu nhân dân không chịu bán đất mình giá rẻ thì chánh quyền vào cuộc bênh vực phía chủ đầu tư gây áp lực nặng với chủ đất nói trên, thảy cho cái biên bản “chống lệnh” hoặc vì nhân dân quyết bảo vệ mảnh đất nhà ở, cự cải rầm lên thì chánh quyền nhân dân đưa chủ đất vô khung hình phạt “gây rối trật tự an ninh công cộng”, đẩy vào tù.
Ở thôn quê huyện, xã, cũng có lưa thưa những nhà giàu sang phú quí, ta không đánh giá những nhà giàu nầy họ dựa vào đâu mà đứng vững, chỉ nói là, bên cạnh họ còn có biết bao hộ nghèo, sống kiểu “tay làm hàm nhay”, vì một bất trắc nào đó TAY không làm lâu thì HÀM còn chi mà nhay nữa chứ! Có những hộ nghèo sống ở nông thôn nhưng họ không phải là nông dân vì đời họ giờ không một tấc đất cậm vùi, có thể họ là ông chủ đất bị đuổi đi cho người nước ngoài vào lập nghiệp, số tiền bồi thường cho họ chỉ đủ cất nhà nhỏ gọn là hết đâu dư mà sắm lại đất đai. Họ sống dưới mức nông dân, làm mướn cho mấy ông chủ ruộng may mắn hoặc những nhà kinh doanh bằng nghề thương mãi. Có những mái lá lụp xụp như ổ chuột cận nhà giàu rồi đi làm mướn hoặc ra đồng bắt ốc, hái rau hoặc cầm bị đi xin, mót bộc, bán vé số… nuôi thân hoặc nuôi sống cả nhà.
Nhiều năm qua tôi thấy cận tết rồi mà còn lắm người dang nắng ra đồng lum khum nhổ cỏ, cấy lúa mướn, hoặc mót bộc, những trẻ em còn trong tuổi đến trường mà vì cảnh nghèo cha mẹ chỉ cho con học đến biết đọc biết viết thông thường là thôi, có đứa đi mót bắp, mót khoai người ta bỏ sót, kiếm thêm chút thu nhập tiếp cha mẹ, có đứa mặc cảm kiếp sống nghèo của mình đâm ra lêu lỏng, buồn chán rồi tập tụ vào đường trụy lạc: cờ bạc, húc chích, trộm cắp…

Những cha mẹ nhà nghèo đối với con cháu phần đông đều mang chung tâm sự, mỗi khi gần tết đến rất lúng túng khi con trẻ đòi sắm áo quần mới, hai đấng sanh thành của đám trẻ trong nhà đang lo là làm sao đủ gạo ăn từ ngày vào tết cho đến mùng 7 hạ nêu, họ phải đi kiếm mối mang làm mướn nhiều hơn. Có những việc nặng nề mà trước đây họ không nhận làm, có những việc trước đây họ cho là thấp thỏi, mất danh dự, hạ tiện, giờ cũng phải cúi đầu làm việc mình không thích kiếm thêm tiền mua sắm quần áo mới cho con, sắm lễ cúng trên bàn thờ ông bà vui chơi những ngày tết. Họ phơi lưng ra ngoài đồng cho đến buổi chiều cuối năm lịch ta mà qua năm mới, gạo trong lu ăn chẳng mấy ngày đã cạn, không chờ đến mùng 7 hạ nêu mới đi làm lụng kiếm tiền, họ làm việc ngay vào ngày chánh tết hoặc sau một ngày nếu có ai kêu.
Tôi là người sanh ra từ nhà quê, ăn nằm trong sự thiếu thốn nên dễ cảm thông cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn bởi nghèo thiếu bao vây, trông đừng tết đến hoặc chậm chậm lại để họ có thời gian kiếm tiền mua bánh trái ngon cúng ông bà. Trông vào tình huống đó năm nay tôi muốn cùng bà con mình, những ai có hảo tâm với người nghèo khổ, tật nguyền, xin mở lượng từ bi giúp đỡ. Đức Thầy có câu:
“Nhà nghèo dạ tợ như bào,
Vợ đau con yếu phương nào cho an.
Cả kêu cùng khắp xóm làng,
Mấy ông điền chủ cứu nàn mới qua.
Làng gần chí những tỉnh xa,
Lúc xưa thì cũng ruột rà với nhau.
Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.”
Người già không có con cháu chăm sóc, hoặc con cháu muốn làm hiếu thuận với cha ông nhưng bản thân họ không thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn nghèo nàn, xin hãy giúp cho họ cái tết có cơm gạo đủ ăn, có bánh cúng trên bàn thờ ông bà. Ước vọng ăn tết của nhà nghèo không quá cao, chủ nhà giàu bớt một chút xa xí sẽ giúp được thôi. Đức Thầy diễn tả hai dạng nghèo giàu đối với ngày tết:

“Người dư của cải tiêu xa xí
Kẻ thiếu tiền nông nợ mắc dồn.
Ba bữa cờ trương còn hớn hở,
Bảy ngày nêu hạ hết lo nôn.
Thì ra năm mới như năm cũ,
Cảnh khó dân đen vẫn tự tồn.”
Hãy xem hai hình trạng trên đây ăn tết, kẻ thì xài xa xí phung phí người lại kiếm ăn sống còn chưa xong, hỏi nợ sắm lễ cúng ông bà, con cái áo quần rách rưới thay mới cho chúng cũng tiền hỏi, sau tết thì làm như bán thân để trả, cho nên “Cảnh khó dân đen vẫn tự tồn”. Chúng ta không đợi phải giàu lắm mới giúp được họ, chỉ cần chúng ta mỗi người một tay là chảy gở giùm họ những rắc rối gần như bế tắt. Giảm bớt áp lực nợ nần, họ chỉ tốn tiền may quần áo cho con còn tiền sắm tết cúng ông bà là chúng ta mỗi người một ít là được. Nhà giàu mà chịu giúp thì giúp khá nhiều người nghèo. Đức Thầy khuyên:
“Lòng nhơn xin khá tập rèn
Thạch-Sùng Vương-Khải sách đèn ai ưa.
Thánh Hiền roi tích đời xưa,
Nhờ tâm từ thiện người ưa kính thờ.”
Nếu chẳng vậy chết rồi là hết:
“Chết rồi bỏ của bơ vơ,
Chi bằng làm phải chuyện thơ ghi đời.”
Thương người nghèo khổ, muốn làm chút ơn ích với họ đặng tạo phước duyên cũng không đòi hỏi ở chỗ mình phải là lá lành mới đùm lá rách, chúng ta là lá rách phải rồi, nhưng rách ít có thể đùm được lá rách nhiều. Ủy lạo cho những nhà nghèo, bệnh tật, già yếu không có thân nhân nuôi dưỡng ăn cái tết tốt đẹp, họ cảm thấy hạnh phúc biết bao và ý thức rằng, trong cuộc sống thiếu hụt của họ, bạc bẻo là không có thân nhân cũng có ân nhân vổ về an ủi, chia sẻ nổi bất hạnh cô đơn trong kiếp sinh tồn để họ đủ lực gượng dậy trong cuộc sống đầy đau thương tủi nhục mà vượt khó, đi cùng chúng ta…
Xin hãy phát quà giúp cho những hộ nghèo ăn tết, hởi quý bà con mình ơi!

18/1/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét