Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

TÀ CHÁNH, ĐÚNG SAI

Việt Nam ta có Ngũ Đại Tôn Giáo, tức 5 tôn giáo có ảnh hưởng lớn trong quần chúng cả nước: Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài Giáo, Tin Lành và Phật Giáo Hòa Hảo. Các vị khai sáng tôn giáo đều là những bậc siêu nhân trên trước lâm phàm dạy đạo, thuyết pháp hay biên soạn Kinh Giảng nhằm dạy cho đời con đường chánh mà phụng sự. Theo con đường chánh thì nhân dân sống không phạm pháp, chừng chết đi, do vì lúc sống không sai phạm làm nhân chết đi không bị đọa vào tam đồ khổ, nếu ai từ cuộc sống không sai phạm còn thêm rửa sạch lòng phàm thì chết đi không đầu thai trở lại kiếp phàm. Người tín đồ của tôn giáo nào khi đã học được giáo lý chơn chánh thì từ nay về sau khắc kỷ: Hành động tà phải bỏ, lòng tà phải diệt. Bỏ hành động tà, lòng tà người tín đồ liền theo đó tập trung sức mạnh tinh thần hướng đến hành động và suy nghĩ chơn chánh. Lúc đầu, hành động chơn chánh với những thay đổi bên ngoài tương đối dễ nhưng phía trong lòng hơi khó bởi vì lúc chưa theo đạo, sự tích lũy những điều không chơn chánh quá nhiều, tháo bỏ những điều tà đã tích lũy cho rổng không là rất khó khăn. Nếu hành động chơn chánh được cộng thêm suy nghĩ chơn chánh tiếp nối những khoảng bỏ tróng, líp mất kẻ hở thì hành động tà, suy nghĩ tà, không còn chỗ chen vô quấy rối.
Ta đặt vấn đề hành động chơn chánh phải có thêm suy nghĩ chơn chánh đi cùng để tránh trường hợp làm việc phải mà tâm suy nghĩ không phải, ăn cơm chùa, mặc áo nhà chùa, ngồi niệm Phật, trì Kinh trong chùa mà lòng dạ cứ nghĩ chuyện đâu đâu của người thế gian. Đức Thầy có lời cảnh tỉnh:
“Đã từng dựa kẻ nâu sồng
Cớ sao tâm trí còn tòng ngoại duyên”.
Khi tà chánh được phân minh mà mình quyết tâm theo chánh bỏ tà, hành động, tư tưởng và ngôn ngữ sẽ chuyển hóa đúng hệ. Bấy giờ CHÁNH làm chủ tình hình, là ông chủ nhà đúng ý nghĩa thì các thành viên trong nhà đều phải có trách nhiệm bảo vệ, góp sức để làm phát triển cơ ngơi. Cẩn mật theo dõi những thành viên thường hay có thái độ bất tuân lệnh chủ, ông chủ đang giờ cầu cúng nó không chịu vào cuộc, ở ngoài làm ồn ào hết chuyện nọ đến chuyện kia là không hay đâu. Theo dõi để kịp thời giải quyết uốn nắn cho cong thành ngay, đừng chậm trễ mà cong lâu trở nên thương tật không sửa nổi làm uổng việc hành trì. Khi chánh không bị đối kháng của tà nữa, ngày nào còn sống trên trần gian nầy là sống ĐÚNG chứ không SAI.
Ta học biết như vậy, nói ra những gì ta học biết là quá hay ho, làm cho nhiều người hâm mộ sự thông minh của ta. Nếu lời nói của ta không qua kiểm chứng bằng hành động, chừng họ thấy được hành động của ta không giống như những gì ta nói, có lúc, ngay cả ta còn không chịu nổi ta thì đừng nói là người khác, họ cũng bỏ ta thôi.
Người tín đồ khi học giáo lý, do trình độ không đồng nên chỉ một vấn đề đưa ra là có nhiều ý kiến khác nhau. Nhận thức khác nhau trước một vấn đề làm tỏ rõ nội dung giáo lý không nên quá chú trọng việc ai đúng ai sai, mỗi người đều có quyền hành động theo suy nghĩ của mình, nếu hai vị trong cuộc đi từ bàn luận đến tranh luận, ngay khi tranh luận đã lòi ra cái xấu thì càng tranh luận thêm nhiều là càng lòi ra cái xấu thêm nhiều. Khi cái ngã căng lên thì sự biện hộ ra mặt bảo rằng: Chúng ta bàn luận về giáo lý là muốn làm sáng tỏ câu chữ trong giáo lý. Tranh luận với bàn luận hai tướng dạng hoàn toàn khác nhau, bàn luận thì nhỏ nhẹ, thì thầm, tranh luận làm làm ồn lên sự cãi cọ để giành thắng lợi, có một kết cuộc đúng sai về ai. Đã có hai tướng dạng ấy làm mẩu thức, ta rơi vào sự cải cọ ồn lên mà bảo rằng mình bàn luận thế thì tranh luận phải ở sóng to gió lớn cỡ nào nữa? Trong trường hợp nầy, bên nào cố tình loại bỏ đối phương bằng chế nhạo, chỉ trích, hạ thấp đối thủ cho mình cao lên thì chính kẻ có hành động hiếu chiến ấy là người thua cuộc. Đức Thầy gở bỏ sự dối lòng của những tín đồ quá say mê tranh luận qua những câu như sau:
“Bị háo thắng việc người không thấy,
Rồi mảng lo gièm siểm nhiều lời.
Vì vậy nên tình nghĩa se lơi
Đâu gần gủi mà tường diệu lý.”
Giáo lý nhà Phật làm minh bạch mọi vấn đề, ta không minh bạch được vấn đề sâu xa còn tiềm ẩn bởi trình độ nhận thức của ta kém cỏi. Sự nông cạn của ta là một lẽ mà bản ngã và sự tự tôn làm trí huệ u tối là một lẽ khác lớn hơn sự nông cạn của đối phương mà ta phê bình, chỉ trích. Ta tự hào rằng mình học rộng và nhận thức về giáo lý pháp môn sâu sắc là chỉ có ta suy nghĩ về ta thôi, còn đáp số của nhận thức sâu sắc mà ta khoe phải chờ xem ta có vượt qua cửa ải hay không rồi hãy nói. Đừng có cái kiểu như hai tên vật lộn, kẻ thua bị đối thủ đè nằm dưới sợ người ta cười luôn mồm bảo: Chết mày chưa, chết mày chưa? Kẻ ngoài không thấy nhưng nghe và xác định tiếng hắn kêu “chết mày chưa” tưởng rằng hắn là kẻ chiến thắng, đâu ngờ là tiếng kêu gượng gạo trong lúc bị đè.
Giáo lý đạo Phật hướng trọn chúng sanh theo con đường giải thoát sanh tử mà bước tới. Khi chưa học chánh giáo ta có thể bị tà giáo mua chuộc, quyến rủ, khiến nên hành động đúng sai. Đã học theo chánh giáo thì tà giáo đừng cho đeo đắm nữa, tất sai sẽ không còn. Chánh và đúng trong ta cụ thể qua hành động, ngôn ngữ và tư tưởng chứ không chỉ biện luận, tranh luận hơn người khác là được. Những từ ngữ mang tính Phật học, giải thích theo khuôn mẩu, người có chuyên môn hay không có chuyên môn qua giải thích vắn dài chứ ý nghĩa cũng giống nhau. Những từ ngữ nặng tính thời sự, tâm lý, đối đải, xả giao … lưu diễn tùy trường hợp chứ không bó buộc vào đường xưa lối cũ của người diễn trước.

26/1/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét