Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

BUNG LẠI KHUẤY BUNG

A lô! Ai gọi tôi đó?
- Xin thưa có phải chú tư Triết không?
- Phải, tôi đây.
- Dạ chào chú, cháu là Hùng. Giới thiệu thôi chứ cháu nghĩ chú không biết cháu đâu, nhưng cháu thì biết chú.
- Xin chào. Không thấy mặt nhưng nghe giọng nói của em trai còn trẻ, vậy tôi sẵn sàng xưng chú nhá ?
- Dạ cám ơn sự thân mật của chú.
- Thế em gọi điện thoại cho tôi để làm quen hay có vấn đề gì?
- Dạ, trước là làm quen sau nhờ chú giải nghĩa về hai câu giảng của Đức Thầy “Cũng Bung sao lại khuấy bung, một bầy ngơ ngác cội tùng còn xa”. Xin thưa cùng chú thắc mắc của cháu: “Bung” có ý nghĩa gì? Tại sao bung lại “khuấy bung”? “Một bầy ngơ ngác” ám chỉ gì? Thế nào gọi là “cội tùng còn xa”? Kính mong chú giải thích.
- Đề tài nầy tôi nghĩ là em trai đã nghe hoặc hỏi ai đó rồi, nay hỏi tôi để tìm hiểu thêm sự đồng dị của nó phải không? Nhưng tôi sẵn sàng vì sự thắc mắc của cháu, vậy tôi nói nha!
Bung: có nghĩa là bật hay sút ra ngoài vị trí của nó, ví dụ như chiếc thúng bung vành, nón lá bung niền, bánh xe bung vỏ
Khuấy: chọc phá, gây khó khăn, làm nhục người khác. Ca dao có câu “Chẳng lấy cũng khuấy cho hôi, làm cho bể trách bể nồi mà coi”.
Như chúng ta biết, đồ đã bị bung ra là thứ đồ bỏ, hết xài, như thúng bung vành, nón bung niền, bánh xe bung vỏ… đâu xài được nữa. Ý nói, người có những việc làm gian giối, tội lỗi, xấu xa… sự phạm phải của họ đến đổi những thành viên trong gia đình như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng… còn không tin dùng được. Tội lỗi, gian giối đầy người, những quyến thuộc duy nhứt còn không chịu nổi thế mà họ cũng đi hạch tội người khác, chỉ trích, nói xấu người khác. Chung đạo, cùng thờ một Thầy, Đức Tôn Sư ta dạy cách cư sử với nhau như tình ruột thịt “Ta phải thương yêu nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức”, thế nhưng, họ là tín đồ trong đạo mà không theo quy trình “con một cha” của Đức Thầy dạy. Họ có những thói xấu, những điều lầm lỗi với người anh em CON MỘT CHA, không chịu ăn năn cải sửa mà tìm cách che đậy thói hư tật xấu của mình bằng đặt điều “khuấy bung” chuyện xấu của những đồng đạo khác không đúng sự thật, để cho phần đông gây sự chú ý đến người khác đó mà quên dòm ngó cái xấu của họ. Nếu người kia làm quấy là sự thật thì trong tin thần “con một cha” nên xây dựng nhủ khuyên kín đáo chứ đâu vì mình muốn đậy cái xấu của mình mà bươi xấu kẻ khác. Huống chi ta phê bình, chỉ trích người kia đôi khi vì khác quan điểm, quan niệm với ta thôi.
Những vị tu hành chân chánh thường để tâm theo dõi tiến trình tu, nếu có vọng tưởng điên đảo nổi lên, phát hiện kịp thời những ý tưởng lợi mình và tội lỗi liền đập tan khi chúng vừa nhú lên, họ châu đáo vào công việc làm an lặng cái tâm, đâu có thời giờ rảnh rang đi nghe chuyện quấy của người khác rồi thêu dệt, mổ xẻ. Thành thử, đối với các vị, trong đời sống sẽ không có chuyện “khuấy bung” ai.
Người tín đồ nào không nghe lời dạy “Ta phải thương yêu nhau như con một cha” là chưa đi bước một thì sẽ không có bước kế tiếp “Dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức”. Nếu có giảng giải đạo lý cho người khác nghe, đôi khi, tôi nói ví dụ đôi khi thôi nhá, bị danh, lợi nó xai khiến làm tuồng yêu thương dìu dắt để lấy lòng những người được họ làm màu quyến rủ. Không cảm thương người đói mà cho họ ăn thì sự ban ân nầy có một ý nghĩa khác. Người trồng cây, đặt cái gốc xuống đất không chịu chỉnh sửa cho ngay ngắn rồi hãy lấp đất, nếu đặt cái gốc không ngay thì kết quả thân cây sau nầy phải cong quẹo.
Một Bầy Ngơ Ngác: Thông thường, “bầy” không áp dụng cho con người mà chỉ cho thú vật: Bầy gà, bầy vịt, bầy chó, bầy chim… chứ không nghe ai nói bầy người, một khi ai đó dùng chỉ con người thì đó là lời trách mắng thậm tệ: ăn ở dơ dáy như thú vật, tụi nó hùa nhau như bầy chó, chúng nó đông mà ngu như bầy heo, bò… vì hành động không chút phép tắc nào. Đức Thầy dùng từ “một bầy” theo đó diễn cảnh chia ly của tình Thầy Trò mà trò học hành chưa xong lời giáo huấn, như hai câu sau đây:
“Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo,
Như vịt con dìu dắt nhờ gà.”
Vắng Thầy, các học trò như bầy con bơ vơ không có chỗ nương tựa, thôi thì nhờ ông bà, cô chú, huynh đệ trong đạo ai có thông minh nhanh nhẹn hơn thì dìu dắt người kém cỏi; như cảnh tượng mẹ gà mà là con vịt, mẹ gà có thể giúp vịt con bằng dìu dắt, bươi quàu kiếm ăn trên đất khô, vịt con theo mẹ gà chăm sóc nhưng hễ chúng thấy nước ao hồ là trầm xuống, mẹ gà không xuống nước được nhưng lòng đầy lo lắng, không muốn xa con, không muốn con có mệnh hệ gì, lây quây trên bờ ao hồ kêu túc túc. Thấy đó, mẹ gà dù sự lo lắng cho vịt con không tròn nhưng ít ra cũng đở khổ cho vịt con trong những lúc không có mẹ vịt. Điều nầy đã nói lên, như khi không có Đức Thầy bên mình thì ông bà, cô bác, huynh đệ trong đạo, ai quan tâm thao thức về đạo có hạnh cách tốt, có sáng kiến bảo vệ đạo và đồng đạo, theo khả năng của mình cũng như khả năng của mẹ gà đối với đàn con vịt, phải chấp nhận sự chăm sóc dìu dắt của đồng đạo. Có đở hơn không, nhưng ta lại không chấp nhận sự thật có đở hơn không đó mà hành động bung lại khuấy bung, chiếc thúng bung vành khuấy bung chiếc nón bung niền; bánh xe bung tơ lông, lại cười ngạo nghễ chiếc xe bung tơ lông khác. Đồ bị bung ra thuộc về đồ bỏ hết xài, nhắm chê bai chiếc xe hư của người ta mà xe của mình nguyên vẹn trở lại được sao?
Hai người vào cuộc chỉ trích, bài bác qua bài bác lại những đồng đạo ở ngoài cuộc “ngơ ngác” không biết tin ai. Trước sự khui bày cái xấu của hai bên ra làm giảm hạ niềm tin đồng đạo thì sự tu sẽ bị ảnh hưởng theo phe phái, kẻ theo bên nây người theo bên kia. Sự ngơ ngác nầy được Đức Thầy vạch rõ trong một đoạn văn sau đây:
“Nghe lời rù tông nọ phái kia.
Cả tăng đồ trong nước chia lìa,
Riêng pháp bảo, riêng chùa, riêng Phật.
Trong bá tánh sầu thành chất ngất,
Mãi nghi nan chẳng biết đường nào…”
Cội Tùng Còn Xa: Cội Tùng là chỉ cho cội đạo, người có đạo, gương mẩu. Sở dỉ có sự ám chỉ nầy vì từ xưa người ta căn cứ vào hạnh cách của cây Tùng để so sánh với các loại cây khác… cây Tùng có tính đặc trưng không biến đổi màu sắc trước sức biến chuyển của thiên nhiên về nóng lạnh, gió mưa. Không bị sức phẩn nộ của mùa hè nắng nóng cây lá héo xào, mùa thu không phải lá rụng trơ cành để thay màu áo mới. Tùng bao giờ cũng đứng sừng sửng huy nghi với màu xanh mượt mà duyên dáng. Đạo đức lý giải là chơn lý tuyệt đối, vốn như như bất động cũng như sự bất động của Tùng trước thiên nhiên bốn mùa, không bị đối đải làm nên sự vui buồn, thương ghét, đẹp xấu. Do hạnh cách không thay đổi bởi thời tiết nóng lạnh, nắng mưa, có nét giống đạo nên xưa nay người ta mượn Thân Tùng làm biểu tượng cho đạo. Theo Đức Thầy, ai đã quy y vào đạo liền đi tới hành đạo, tức chuyên tu thì hạnh cách của người ấy cũng trở nên sáng sủa, đáng kính, dễ thương “Người tu như thể Bá Tòng (Tùng), ai ai cũng quí cũng trông cũng nhìn”.
Còn Xa: ý nói, khó mà đạt đạo.
Tóm kết hai câu giảng nêu trên BUNG LẠI KHUẤY BUNG: đồng đạo chê bai, chỉ trích, miệt khinh đồng đạo, làm những người ngoài cuộc nhìn vào ngán ngẩm, “ngơ ngác” không biết tin ai. Vì sự mất tin tưởng ấy, chỗ nương tựa không còn, khiến nên tinh thần đạo đức lui sụt, thượng lộ bất an, chẳng những đường dài không được thu ngắn mà mỗi lúc xa thêm. Nói quy y vào đạo để tu mà ôm lòng chỉ trích, bài bác, thương ghét suốt thì có tu được gì? “Một bầy ngơ ngác cội tùng còn xa” là rất phải thôi.
Em trai thân mến! Trên điện thoại không thể giảng rộng, tôi tạm giải như vậy, xin hỏi ý em trai có hài lòng chút nào không ạ?
Thưa chú, không những là “chút nào” như chú nói mà rất là hài lòng. Cám ơn chú thật là nhiều. Xin chào tạm biệt chú!
Xin chào!
22/1/2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét