Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

NGHE BÀI “TÌNH YÊU” CỦA ĐỨC THẦY

Nhớ lại chuyến đi ủy lạo vừa qua, mang thời gian tính hai năm, ngày lên đường 25 tháng 12- 2017 (tháng cuối có ngày 31) ngày về tới nhà 04 tháng 1- 2018. Suốt chặng đường mười ngày đoàn có biết bao nhiêu là kỹ niệm. Tôi xin nhắc lại một kỹ niệm rất ấn tượng vì nó có liên quan đến sự phát triển tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo. Hòa là hòa nhập vào các vai tầng trong xã hội, Hảo là làm tốt đẹp sự Hòa nhập.
Đến tỉnh Khánh Hòa thành phố Nha Trang, vào vùng sâu nơi có bão dữ đi qua, guộn cuốn nhà cửa mùa màng của nhân dân. Phát hai trăm phần quà cho bà con bị lũ xong, đoàn trở ra quốc lộ đi về huyện Sông Cầu, chùa Phước Sơn; thuận đường, chúng tôi ghé thăm hội người mù cũng trong tỉnh thành nầy. Theo xác nhận của tôi từ hiện trường (tính hiện trường thôi nhá) nơi đây giờ có khoảng hơn mươi hội viên người mù (không kể vài người sáng mắt hiến thân tiếp việc). Hầu hết thành viên trong hội đều thể hiện một cuộc sống tự lực cánh sinh, lao động kiếm sống ngày qua ngày bằng nghề bó chổi quét nhà. Mỗi người có một khoảng không gian riêng, bày la liệt những cọng bông chổi, thợ mù vuốt từng cọng, từng cọng rồi giũ sạch, loại bỏ những cọng không đủ chuẩn thành rác. Nhiều vị lớn tuổi cũng lao động như vậy, trông các vị bèo nhèo thật là tội nghiệp!
Đoàn vào hội trường người mù xem nghe hát bài "Tình Yêu"

Khi người mù sống trong một gia đình với những người thân thương, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu, dòm người mù với một bửa ăn không ngon thì han hỏi, nửa đêm trời trở lạnh, họ lở đánh rơi chiếc mền khỏi thân, lạnh nằm co ro cũng có người thân phát hiện giúp kéo tấm chăn lên. Hội người mù thì toàn là người mù, nếu có sự lo lắng cho nhau cũng chỉ là ý niệm, họ bất lực với sự giúp đỡ người khác. Nếu họ cùng với những người thân thương trong một mái ấm, có lẽ thân nhân không để cho họ lao động vất vả để kiếm tiền… nghĩ đến đây tôi ước mong trong tình thương đồng bào nhơn loại hãy ngó đến họ, xin đóng góp một chút tình thương thì những người mù nơi đây hoặc hội người mù nơi khác cũng được đồng bào quan tâm như vậy sẽ thoát khỏi sự lao động vất vả kiếm sống, họ có thể yên tâm mà niệm Phật hay niệm Chúa tạo nhân lành trong kiếp lai sinh.
Hỏi thăm mới biết, chánh quyền địa phương chỉ cất nhà cho ở tập thể, chịu tiền điện ánh sáng, điện nước sinh hoạt còn những chuyện ăn sắm có liên quan đến đời sống thì tự kiếm ăn. Lao động cũng khá vất vả mà sản phẩm không ra nhiều, do vậy, tiền không đủ cung cấp theo mức nhu cầu cần thiết, phải nhờ tình đồng bào giúp đỡ.
Hội người mù cũng có hội trường để thỉnh thoảng tập trung lên đó vui chơi ca hát sưởi ấm cõi lòng của những mãnh đời bất hạnh. Cũng tại hội trường nầy thỉnh thoảng có đoàn tham quan du lịch, hay tổ chức từ thiện, tôn giáo, ghé thăm thì được mời lên đây cho họ gởi lời chào hỏi và cống hiến những bài hát giúp vui. Nếu khách có cho tiền, nhét vào tay của người nào thì người đó có quyền nhận xài riêng, còn ai giúp vào hội thì là của chung trong hội. Trong hội người mù có em trai nay 17 tuổi, cha mù, mẹ mù, em cũng đi theo cái vòng lẩn quẩn đó mà mù từ trong bụng mẹ. Em có năng khiếu về âm nhạc nên hội đã cho em đi học môn em thích, thông thạo cả thảy 14 nhạc cụ.
Hôm nay chúng tôi vào hội trường của hội người mù, qua những câu chào hỏi chân tình thốt ra từ cửa miệng của một cô mù đại diện nói những lời lẽ làm chúng tôi cảm động. Đến phần biểu diễn ca hát giúp vui, có lẽ biết đoàn từ thiện của chúng tôi là tín đồ đạo Phật Giáo Hòa Hảo nên cô mù hướng hướng dẫn chương trình giới thiệu một đồng cảnh hát bài “Tình Yêu” của Đức Thầy. Giới thiệu là hát nhưng sự biểu diễn đích thực là ngâm thơ tao đàn. Mới đầu tôi tưởng là hát thiệt nên đã chuẩn bị đầy đủ sự lắng nghe để so sánh vì bài thơ “tình Yêu” của Đức Thầy tôi biết có hai người đem phổ nhạc. Dòng nhạc nói trên, một được đăng lên tạp chí “Đuốc Từ Bi”, một nữa là giáo sư Trần Trọng Kim. Nhạc phổ trên tập chí tôi có đọc thôi chứ chưa nghe ai hát để biết giọng điệu thế nào. Còn nhạc do Trần Trọng Kim phổ thì tôi có nghe thấy chính ông vừa đàn vừa hát.
Còn nhớ, lúc tôi bị chuyển tù xa từ nhà tù An Giang ra Z 30A, tôi gặp giáo sư Trần Mạnh Bảo, ông đạo Cao Đài, chính ông đã đọc bài thơ Tình Yêu của Đức Thầy thuộc làu lòng và ông đã chuyền cái thuộc lòng ấy lại cho Trần Trọng Kim nghe, sau đó ông nầy cho phổ nhạc. Lúc tôi đến Z30A sống chung đội, cùng buồng giam với ông Kim, ông Nguyễn Mạnh Bảo ở đội người già, khác buồng khác đội nhưng chung khu chung sân chỉ trừ đêm tối mới cách biệt hai buồng giam chứ ngày thì gặp gở trò chuyện tự do, qua lại trà nước, ăn uống không ngại. Ông Bảo biết tôi là nhà tu của PGHH nên buổi chiều nọ dẫn tôi đến ông Kim, giới thiệu tôi cho ông ấy và yêu cầu ông đàn hát từ bài thơ Tình Yêu của Đức Thầy mà ông đã phổ nhạc. Thuở ấy ban giám thị nhà tù đối sử với phạm nhân thuộc diện mà họ gọi theo cách của họ: “Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia” chưa quá thắc chặc, phòng nấu ăn của chúng tôi ít ra cũng có cái ghế ngồi và lúm khúm những tủ bàn con con đựng đồ đạc… Ông Trần Trọng Kim có cây Tây Ban Cầm tay đánh đàn miệng hát bài Tình Yêu nói là tặng tôi. Điệu nhạc ông phổ nghe khá êm tai, tuy giọng già không du dương lắm nhưng tiếng hát rất là thanh ấm, lòng tôi cởi mở, cảm xúc, lâng lâng…
Chỉ có lâng lâng thôi chứ chưa làm lòng tôi nghẹn đau như cái giọng ngâm tao đàn của cô mù trong hội người mù Khánh Hòa. Ngâm thơ có nhạc đệm, giọng ngâm và nhạc đệm có khi như tiếng thì thầm mối tình chân thật “ta có tình yêu rất đượm nồng”, khi êm đềm như tiếng nước chảy rì rào bên bờ suối “Yêu đời yêu lẫn cả non sông”, có lúc dậy lên tưng bừng làm náo nức chiến sĩ của tình yêu “Không thể yêu riêng khách má hồng” mà là “Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh”.
Giọng ngâm của cô mù làm ức lòng tôi một thứ tình yêu được giấu kín bao bọc bởi vô minh. Tôi cảm nhận sự rung chuyển của lời thơ hòa với giọng xướng ngâm tài tình của cô ta đã đẩy lùi những thứ tình yêu nặng niềm trần tục. Nhà thơ nào đó đã nói “Yêu là chết trong lòng một ít”. Biết rằng yêu để rồi chết trong lòng một ít mà người ta vẫn phải giẫm chân lên sự yêu đương nếm những cay đắng của tình yêu, giãy chết cuộc đời chàng và nàng bởi dục vọng và hố sâu tội lỗi. Trong đoàn, có lẽ nhiều người cảm xúc mạnh dâng lên, không biết phải vì thương cô ca sĩ mù lòa hay vì nghe những lời lẽ trong bài hát mà lòng bật lên ánh sáng, xúc động mạnh tình yêu nhơn loại, không còn yêu riêng ai nữa? Một người rồi hai người, ba người… từ chỗ ngồi đứng lên, đi lại nhét vào tay cô mù những tiền… cho đến khi cô ca sĩ nầy diễn ngâm hết bài thơ tình yêu mò về chỗ cũ vẫn có người tiếp tục lại nhét tiền vào tay cô ấy.
Dân hát trong hội trường người mù và cầm rổ xin tiền
Nhờ hát bài tình yêu mà tình yêu chơn thật đến với cô, cho cô có tiền giải quyết những bế tắt nhu cầu cần thiết người có cuộc sống tối tăm. Thấy sự ủng hộ của các thành viên trong đoàn cứu trợ đối với hội người mù ở đây, đệ Dân,Vân (?) ban hậu cần trong đoàn, muốn có thêm tiền cho chung trong hội, Dân hát một bài và vừa hát Dân cầm rổ đi tới lui trong hội trường xin tiền. Rất nhiều bà con mình ủng hộ.
06/1/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét