HÀNH THIỆN TRUY KINH
Đọc qua bài “Nang Thơ Cẩm Tú” của
Đức Thầy ta thấy câu “Gọi hồn người hành thiện truy kinh”. Xét lời lẽ
trong câu trích dẫn trên có ẩn ý cần phải bàn ra làm phương châm hành
đạo, để từ đó, tiến bước trên đường giải thoát sanh tử.
Hồn: phần vô hình trong con người,
thuộc tinh thần. Chữ hồn thường được đi đôi với chữ phách nên người
ta hay gọi chung nhau “hồn phách”. Hồn là tinh thần, phách là thể
xác, hai yếu tố tâm và vật hợp lại thành thân người. Nhưng từ “gọi
hồn” thì thường người ta hay hiểu hồn ấy là hồn đã rời khỏi thể
xác tức hồn của người chết, thành vong hồn. Ví dụ: Vái vong hồn cha
mẹ sống linh thác thiên về chứng giám, như trong bài “Tế Chiến Sĩ
Trận Vong Ở Vườn Thơm” Đức Thầy có những câu văn tế gọi hồn như sau:
“Nước non đang thiếu anh tài,
Tử thần vội cướp đưa ngay chầu
trời.
Hồn tử sĩ nghe lời than tiếc,
Trừ tham quân tận diệt xâm lăng.
Thề nguyền thành lũy đạp bằng
mới thôi.
Kẻ chết đã an rồi một kiếp,
Người sống còn tái tiếp noi gương.
Lòng thành thắp một tuần hương,
Vái hồn liệt sĩ bốn phương tựu
về.”
Như đã nói, gọi hồn tức kêu dậy
vong linh người chết, đó là chuyện trong thế gian người ta thường áp
dụng. Nhưng ở dây Đức Thầy viết “Gọi Hồn Người hành thiện truy kinh”
thì gọi hồn không với ý nghĩa gọi hồn người đã chết mà gọi kẻ
sống còn. Bởi từ “hành thiện, truy kinh” nó thực tế bằng việc làm
lành và nghiên cứu kinh điển Phật Giáo một cách cụ thể. Giải thích
trường hợp gọi hồn người sống mang ý nghĩa thực tế: ví ai gặp cảnh
cha mẹ chết buồn thương tha thiết, khóc than rên rỉ dày vò đến bỏ
ngủ quên ăn, lơ lơ lửng lửng như kẻ mất hồn. Tuổi trẻ thất tình,
chàng và nàng ăn ngủ không yên sống lơ lơ láo láo tự biểu hiện thái
độ mất hồn, đôi khi còn bị mỉa mai cay đắng: Hú hồn hú vía anh Xoài
hay cô Bưởi về băn cơm trong khi anh Xoài cô Bưởi còn sống. Chuyện đời
người ta bị chộ như vậy, chuyện đạo thì sao? Lắm kẻ không màng thế
sự hơn thua, đem thân vào cửa thiền môn tu tâm dưỡng tánh cho thành người
lương thiện, gột rửa lòng phàm, mà tâm tánh cứ quen thói cũ nghĩ ác
và vớ vẩn những chuyện đâu đâu. Cửa thiền môn là nơi dễ cưởng thân
phàm vì tập thể tuân theo giới luật, nội quy, nhưng tâm
phàm thì không dễ cưởng. Nội quy giới luật không cho phép kẻ
nương nhờ cửa Phật có suy nghĩ ác và những chuyện không đâu, chỉ
khuyên hành giả tự ai nấy biết mà sửa đổi những suy nghĩ không chánh
đáng nhưng hành giả không tự vấn lương tâm để loại bỏ những suy nghĩ
không chánh đáng, nhà chùa cũng không bắt được mà cột buộc vào khuôn
khổ những suy nghĩ trái đạo lý nhà chùa. Đức Thầy không bỏ qua sự
giáo độ kẻ đã vào chùa mà bụng đầy trần tục, Ngài đánh thức lương
tâm qua câu:
“Đã từng dựa kẻ nâu sồng
Cớ sao tâm trí còn tòng ngoại
duyên”.
Mình mặc nâu sồng thì mình biết,
người khác biết, nhưng vào chùa tu niệm mà tâm trí còn tòng ngoại
duyên là chỉ có mình biết thôi chứ người khác không biết được đâu.
Mình hiểu, ăn cơm chùa, ở đất chùa, hưởng huê lợi trong chùa mà nung
nấu chuyện thế gian là sai quy luật thiền môn, nhưng thiếu nghị lực
dấn thân, thiếu hành đạo phản tỉnh nên hiểu mà không thể cắt đứt. Bỏ
được muôn duyên bên ngoài mới trụ tâm vào ngôi Tam Bảo kỉnh Phật, kỉnh
Pháp, kỉnh Tăng là làm đúng, nhưng ngoại duyên đã khiến ta che kín
Phật Pháp Tăng để không thấy Phật Pháp Tăng mà thấy nó. Lúc tỉnh
hồn ta biết mà ta có dám diệt ngoại duyên cho hiển lộ Phật Pháp Tăng
suốt trong lòng?... Cửa chùa là cửa không, người vào đây với tự chủ
dứt sạch bụi hồng thì đáng lẽ phải bỏ hết việc trần để thực hiện
cho bằng được “cửa không xin giữ tấm lòng không”. Chứ thân trong chùa
mà cái hồn đã thường ra khỏi chùa thế thì đáng “gọi hồn” cho trở
lại chùa quá đi! Ta cúng nguyện Phật hằng ngày, thân đây thì thụp
lại trước ngôi thờ Phật mà cái tâm nó đánh đu chuyện lên Trời xuống
đất cũng không hay. Viết bài “Tỉnh Bạn Trần Gian” Đức Thầy có câu:
“Tiếng gọi hồn mê hồn được giác,
Phải toan sắm sửa rứt trần ai.”
Hành thiện: Nói dễ hiểu là ăn
hiền, ở lành, sống biết thương người và có thể vì người khác nếu
họ cần sự giúp đở phải lẽ, kẻ hành thiện ra tay ngay không sợ hao
tốn tiền bạc công sức. Người hành thiện thể hiện nghĩa cử cao đẹp
được nhiều mến mộ thì rán mà cẩn thận, không để niềm tự hào dấy
lên cho việc hành thiện của mình là mục tiêu rốt ráo. Nếu chấp cái
thiện mình làm là việc Phật đã làm rồi kiêu hảnh là hành trình đã
giậm chân tại chỗ. Trên con đường giải thoát sanh tử hành giả còn
phải đi xa hơn nữa, xa đến chỗ làm thiện không thấy mình làm thiện
thì đâu có cái lý dừng lại hưởng thiện mà tự hào?
Truy kinh: Truy là tìm tòi, theo
đuổi. Tìm tòi qua lời Phật thuyết, công việc Phật làm, đều có mang
ý nghĩa giáo dục, hướng dẫn chúng sanh hoàn chỉnh sự tu để chúng
sanh dựa vào căn bản ấy mà phát huy nội lực, theo đuổi mục tiêu Niết
Bàn tại thế hay vãng sanh Tây Phương. Kinh: lời của Phật dạy chúng,
được các đệ tử Tỳ Kheo viết thành chữ đặt tựa là Kinh Phật. Nội
dung trong kinh Phật hàm chứa diễn trình của Phật từ lúc còn là
thái tử xuất gia, tu hành đắc đạo giải thoát, và 49 năm ròng rả đi
thuyết pháp độ đời. Ngài tùy căn cơ chúng sanh thuyết ra những tràng
pháp cho họ nắm bắt được đại ý, hành theo như Đức Phật đã hành và
chứng như chỗ Phật chứng. Đức Thầy khuyên tu qua bốn câu thơ giảng sau
đây:
“Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên,
Hành thiện truy kinh thị sĩ hiền.
Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng
nghiệp,
Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên.
Thế nhưng không ít người tín đồ
PGHH thích hành thiện mà không thích truy kinh và có thể kích bác
những đồng đạo chuyên truy kinh không làm gì cho ai nhờ. Họ bảo tu là mở
tấm lòng thương người, giúp đời chứ ở đó trau giồi kinh kệ, người ta
khổ không biết, đói không hay, cứ vô tình vô cảm như vậy mà đi tới
đỉnh cao của sự thông thái… Thương người giúp đời là thể hiện tấm
lòng Từ Bi của Đức Phật nhưng nếu không có truy kinh thì sự hành
thiện e không hoàn mãn nấc thang để bước lên nấc thang cao hơn. Đời nay
có nhiều tổ chức hành thiện nhưng vì thiếu truy kinh sống luôn tuồng
không biết tuân theo giới luật mà hành thiện, khiến nên việc hành
thiện đã đụng phải những điều cấm kỵ trong đạo, ví dụ như Đức Thầy
dạy “tránh Tam Nghiệp và trừ Thập Ác” thì họ có thể hành ác trong
khi họ hành thiện mà không hay.
Theo ý nghĩa của bốn câu thơ giảng
dẫn trên, hành sự đúng đắng của kiếp con người là chữ hiếu đứng
đầu “Dĩ vi tiên”, nhưng hiếu không có nghĩa dành riêng phụng dưỡng ông
bà cha mẹ đủ đầy vật chất là xong, phải làm thiện với người đời để
cha mẹ có cái danh thơm là cha mẹ tốt mới sanh đứa con tốt. Sống có
tình có nghĩa, ích nước lợi dân, được bia danh là hiền sĩ “thị sĩ
hiền”. Nhưng hiền như vậy cũng chưa đi tới đâu trên đường giải thoát,
phải nên nghiên cứu học hỏi kinh điển nhà Phật tu phát sanh trí huệ,
dùng trí huệ đoạn chướng nghiệp căn gốc phiền não, phá bức tường vô
minh “kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp” thì Phật của chính hành
giả hiện ra “Phật tiền”, còn trong trần mà hết khổ vì trần, sống an
nhiên vĩnh viễn.
02/12/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét