ĂN NĂN XÉT KỸ
- Chào các em cháu đến thăm!
- Dạ chúng cháu xin kính viếng
chú.
- Nói thăm là được rồi, thêm kính
viếng chi cho nặng nề.
- Dạ hôm nay chúng cháu đến xin
học hỏi chú.
- Nếu học hỏi về đạo Phật, cứ
theo thời gian tạm nói tôi học Phật trước các em cháu, điều nầy không
có nghĩa là tôi thông minh hơn em cháu nhưng xét qua cơ bản thì tôi có
thể ngồi bàn bạc với em cháu mà không ngại. Phật cho Thế gian là
cõi khổ, các chúng sanh bởi cái nhân cái quả mà đến rồi cũng do
nhân quả phân tán đi. Khi đến cõi thế gian thọ thân là thân mượn của
tứ đại, người ta tưởng là thân thật của mình, nào hay nó giống như
thiện nam tín nữ đến chùa cúng Phật, khoác áo nâu sồng của nhà
chùa lên thân, cúng xong cởi áo chùa trả lại cho nhà chùa trước khi
rời khỏi chùa. Qua vấn đề nầy, người xưa tức cảnh ngâm thi:
“ Mượn áo tràng bà để lạy bà,
lạy rồi áo trả lại cho bà
bống trúc quét sân trần chẳng
động
vầng trăng xuyên biển nước không
xao”.
Kẻ tưởng thân nầy là thân thật
của mình, vì quí thân nên suốt ngày làm quần quật có được nhiều tiền
cung ứng cho tấm thân sự ăn, mặc, ở tốt, giàu sang phú quí, se sua hơn
người, học cao hiểu rộng để trình độ trí thức đi đôi với ông bà chủ
giàu sang. Học thế gian nhiều hơn học Phật khiến sự học Phật dần
dần phai lợt.
- Thưa chú, trong Sám Giảng Quyển
Tư “Giác Mê Tâm Kệ” có đoạn Đức Thầy dường như quở trách tín đồ:
“Có mấy kẻ ăn năn xét kỹ?
Mãi ỷ tài chê bướng chê càn.
Thì ngày sau đừng có trách than,
Những tội lỗi của mình tạo lấy.
Bị háo thắng việc người không
thấy,
Rồi mảng lo gièm siểm nhiều lời.
Vì vậy nên tình nghĩa xe lơi,
Đâu gần gũi mà tường diệu lý.”
Cháu muốn nghe sự giải thích của
chú về những từ như: Xét Kỹ, Ỷ tài chê bướng chê càn, háo thắng
việc người, gièm siểm…?
- Các em cháu! Tôi không có chuyên môn
về từ ngữ, chú giải yếu, e người nghe khó tiếp thu, thôi thì tôi
giải chung chung về đại ý của nó được không?
- Dạ, vậy cũng được.
- Đã có thân hình ta và khi ta
quyết lòng bảo vệ thân mình thì dễ hay xúc phạm hay xâm phạm đến
lợi ích của cái ta khác, người bị xâm phạm hay xúc phạm danh dự, nếu
như không nhịn được trước một kẻ thắng thường hay có thái độ kiêu
hảnh người bại mang xấu hổ đẩy đến hành động bất lành khó mà dừng
lại để xét kỹ, ăn năn. Mãi ỷ tài, cậy vào sự hiểu biết, biện thông,
thích chứng tỏ mình cao cả hơn ai, gặp người làm điều lành mà mình
đã làm rồi nhưng không ưa người nầy thì cứ cố bới cho cái lành ấy
rách đi. Sự giáo độ của các bậc trên trước là có khuôn thước đâu đó
sẵn, với lòng háo thắng, thích chen vào chuyện của người khác là
cạy cho những cái khuôn thước đó bung ra. Khuôn thước như hàng rào bảo
vệ sự yên ổn tu hành cho các tín đồ, mất hàng rào bảo vệ trong khi
người tu chưa đạt đến trình độ tự bảo vệ mình thì còn có nước thua
thôi.
Ví như người cha nọ đã quy y đạo
PGHH, con trong nhà từ đó ông muốn tạo cho chúng có ý thức hệ về
tín ngưỡng tôn giáo đương nhiên cha con cũng là đồng đạo. Tín đồ PGHH
mỗi nhà đều có dựng 3 ngôi thờ để ngày hai lần theo tôn chỉ nguyện vái
với Phật Tổ Phật Thầy chứng minh cứu độ. Con ông đã là người có
đạo thì phải hành sự theo cách của đạo dạy “Sớm chiều bình đẳng
chớ lơi, thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”. Con ông bửa cúng bửa
không nên ông khuyên chúng cố gắng làm theo lời dạy của Đức Thầy để
cho việc cúng lạy đừng bỏ bửa việc nầy đâu có sai mà xui rủi, gặp
đồng đạo tính tình háo thắng đến chơi hoặc đi qua đường nhằm lúc
nghe thấy, cao hứng quá đút miệng phang thẳng: Tu ăn thua là trau sửa
tâm tánh, mấy ông cứ tối ngày chạy theo hình tướng, tu tướng không tu
tâm, không phải Đức Thầy đã dạy “Tu không cần lạy cần quỳ” đó sao?
Chúng ta đồng ý người đến chơi hay
qua đường như đã nói dẫn chứng lời của Đức Thầy về lý rất hay,
tiếc là ông ta bày hàng lộn chỗ. Ở đây là chỗ hành sự chứ không
phải chỗ để nói lý. Tôn chỉ của đạo PGHH dạy mỗi nhà tín đồ trong
đạo phải có ba ngôi thờ và mỗi ngôi thờ Đức Thầy dạy cho bài cúng
nguyện riêng. Chuyện nầy hoàn toàn thuộc về sự, phải hành sự cúng
nguyện mỗi ngày hai lần mới xứng đáng là một tín đồ PGHH biết nghe
lời Thầy dạy. Con ông bỏ hành sự cúng nguyện theo tôn chỉ, phận làm
cha mẹ trong nhà khuyên nhủ chỉnh đốn con bảo tồn sự nghiệp đạo đức,
tại sao “ỷ tài” thông biện phá đi điều đúng của người ta? Chỗ thuyết
trình viên đang thuyết đề tài hai thời cúng lạy mà mình cứ như gàn
cản đem nói lý không không, vô tướng vô tác để người tín đồ nhẹ dạ nghe
theo bỏ cúng thì còn gì là tôn chỉ của PGHH, rất là có tội.
- Nhưng xin thưa với chú! Đức Thầy
dạy người tín đồ cúng lạy hai thời là được rồi sao lại phải thêm
câu “tu không cần lạy cần quì” nữa chi cho sanh đối đãi?
- Chúng sanh tâm bệnh có nhiều
chủng loại thì Phật phải dùng nhiều pháp làm phương tiện để đối
trị giải hết bệnh căn. Đầu tiên của người tu Phật là phải biết lạy
Phật cầu Pháp bởi đó Đức Thầy sáng tác kệ giảng và dạy tín đồ
lập ngôi thờ trong nhà để lễ bái sớm chiều và xem kinh niệm Phật.
Còn Đức Thầy dạy “Tu không cần lạy cần quì” là pháp đối trị những
tín đồ dựa vào sự lạy quì là đủ không sửa mình cho thành hiền nhơn
đức hạnh, trước việc nầy thôi thà không cần lạy quì, sửa mình cho
có phước tướng, đúng đắn còn hơn. Ông đạo lang thang kia chỉ dám nói
một câu tu không cần lạy cần quì rồi ngưng chứ không đọc tiếp
“Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”. Chỉ biết bài bác khi thấy
người ta tu tướng mà không hiểu hay không quan tâm đến lời dạy ngồi
đâu cũng sửa. Ngay khi ông đút miệng bài bác người có lối tu
căn bản chính là lúc ông không có sửa rồi.
Tiếp chuyện với các em cháu tôi
hân hoan đến độ xao xuyến lòng. Tôi thân mến các em cháu vì em cháu
đã làm gợi nhớ hình bống tôi lúc trẻ, cũng đi học hỏi các cô chú,
huynh trưởng. Nay tuổi ngả về chiều, em cháu còn ở ban mai, sự tu
hành và phục vụ lợi ích cho đạo còn dài. Những điều tôi đã chắc
lọc được thì cơ hội đối với tuổi bống chiều đã ngả mà nói rất là
mong manh để cho tôi trải nghiệm. Nếu như sự chắc lọc của tôi được
các em cháu quan tâm dẫn tới đồng cảm, tôi hy vọng có sự đóng góp
một phần nào của tôi cho các em cháu rút ngắn đường dài để sớm đi đến trưởng thành.
28/11/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét