TIẾP CHUYỆN QUA ĐIỆN THOẠI
- A lô xin chào!
- Thưa có phải số điện thoại của
chú tư Triết không ạ?
- Dạ phải.
- Con là Trúc gọi điện xin nhờ
chú minh giải giùm điều con chưa hiểu trong một đoạn giảng luận ạ.
- Dẫn giải trên qua thoại sao?
- Dạ, con vừa đăng ký thành công
cuộc gọi khuyến mãi ba mươi phút, chú cứ nói đừng ngại tốn nhiều
tiền.
- Được rồi, cô hỏi đi.
- Dạ thưa… những câu con định hỏi
là của ông Thanh Sĩ, chú có đồng ý không?
- Đồng ý. Không chỉ ông Thanh Sĩ
mà bất cứ của ai nói về sự tu hành với ý nghĩa đúng đắn, diễn
giảng rõ ràng, và nhân thân có xuất xứ tốt, dạy phải mình nghe. Đồng đạo nào xưng tài hơn ông Thanh Sĩ
và những vị tu hành chân chính khác mà nói năng không phải, hành sử
không có phép tắc đạo đức, cái tài tự xưng đó mời mỏi miệng người
ta cũng không tin dùng.
- Được vậy con mừng quá!
- Với tôi, Ông Thanh Sĩ là vị cao
huynh cùng học đạo, thờ một Thầy với chúng ta. Đức Thầy dạy đạo là
“Dạy khôn trần thế chớ nào dạy ngu. Dạy đạo đức người tu rạng lý,
mong cho người hữu chí làm theo”. Ông Thanh Sĩ đi trước chúng ta và đã
học được điều khôn của Đức Thầy dạy mà phát sáng tâm tánh, giảng luận
đạo lý hay ho, sắc bén. Đọc ông người ta thấy cái tinh thần Phật
Giáo Hòa Hảo trong ông cao vời vợi “ Tôi như đồng đạo trẻ già, theo
Huỳnh Giáo Chủ tại gia tu hành. Tu hồi mười sáu tuổi sanh, đến năm
Mậu Tý xuất hành khuyên dân”. Nói thật, đọc quyển Thuyết Pháp Ứng
Khẩu của ông do lớp đồng đạo trưởng bối viết tóc ký, tôi xúc động
qua lời lẽ mang niềm ưu tư của ông lo bảo vệ đạo Thầy. Kỳ thuyết
pháp ứng khẩu ngày rằm tháng hai năm 1953 tại ngôi Tây An Cổ Tự, xin
trích đoạn đầu ông thuyết “ Kính thưa quí đồng đạo! Lần giảng nầy
cũng như lần giảng rồi, đều được đồng đạo trưởng ấu tham thính đông
đảo, khiến cho lòng tôi tràn ngập nỗi vui mừng và đau đớn. Tôi vui
mừng, vì thấy việc đạo đức còn được nhiều người nhớ tưởng; song
phải đau đớn, vì sự vắng mặt của Đức Thầy hơi lâu, làm cho có nhiều
trường hợp gay ngạnh xảy ra giữa khối tín đồ…”
- Thưa chú, trong đồng đạo có
người gọi ông Thanh Sĩ là Ngài, có người gọi là Sư Huynh con mới nảy
nghe chú gọi là Cao Huynh, chú có thể giải thích sự khác biệt nầy
không?
- Đó thuộc về cái thấy riêng của
mọi người.
- Nhưng chú đã nói: Ông Thanh Sĩ đi
trước chúng ta đã học được cái khôn
của Đức Thầy dạy mà phát sáng tâm tánh, giảng luận đạo lý hay ho,
sắc bén. Sự thông tuệ đó ta có thể gọi tôn ông là Ngài hay Sư Huynh
được, thế sao chú không dùng lại dùng danh từ Cao Huynh?
Đúng, Ông Thanh Sĩ đáng để ta
thượng tôn là Ngài nhưng hềm vì trong đồng đạo của chúng ta có một
số người không muốn cho ông Thanh Sĩ học khôn lời dạy của Đức Thầy
nên đã mang trong người cái bệnh “dị ứng” về ông. Nếu ta kêu Ông Thanh
Sĩ bằng Ngài Thanh Sĩ thì những đồng đạo có mang cái bệnh dị ứng
họ sẽ bóc lửa lên. Để cho đôi đàng tốt đẹp ta gọi ông Thanh Sĩ bình
thường như vậy là được rồi, kêu bằng Ngài, những đồng đạo không ưa
cho rằng mình cố tình chọc giận các vị, sanh lôi thôi phiền phức
không có lợi cho đạo Thầy. Còn sao tôi không kêu Ông Thanh Sĩ bằng Sư
Huynh; vì trong đạo Phật Giáo Hòa Hảo như cô cũng biết, Đức Thầy dạy
đạo hướng đa số quần chúng đến nếp tu tại gia cư sĩ Học Phật Tu
Nhân. Tại gia cư sĩ thì đâu có Tăng Sư, tùy theo độ tuổi mà gọi nhau
là Ông, Bà, Cô, Chú, Bác, anh, em… PGHH đã không có sư mà gọi ông Thanh
Sĩ bằng Sư Huynh thì tôi không dám. Hãy để Ông Thanh Sĩ sống hòa đồng
với chúng ta, gần gủi chúng ta sẽ tốt hơn là gọi tôn danh ông khiến
cho người khác khó chịu đi đến nội bộ chỉ trích nhau làm ảnh hưởng
không tốt cho đạo Thầy. Thôi nha! mình nói chuyện vòng ngoài quá
nhiều làm mất thời gian, coi chừng ba mươi phút đăng ký gọi khuyến
mãi giá rẻ không đủ nói lên phần chính thì uổng đấy. Cô hỏi đi!
- Dạ, thưa chú, trong tác phẩm
Thần Cơ Thật Luận của ông Thanh Sĩ có những câu như: Về Tịnh-Độ cho
thân hết khổ, Lên Niết-Bàn hầu có an- cư. Được kim-thân bất hoại bất
hư, Được bổn-tánh chơn-như thường-trụ”. Đọc trọn bốn câu cho có mạch
lạc dễ thông cảm nhưng hỏi chỉ hai câu mang danh từ Phật Học: Tịnh-Độ
và Niết-Bàn, Về Tịnh-Độ cho thân hết khổ. Tịnh Độ là gì? Lên
Niết-Bàn hầu có an cư. Thế nào là Niết Bàn?
- Tịnh-Độ: Theo như Phật Học Từ
Điển, tịnh là trong sạch, Độ là (thổ) đất. Tịnh độ có nghĩa là
cõi đất trong sạch. Cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà trang nghiêm
thanh tịnh cũng gọi là cõi Tịnh Độ. Đức Thầy từ cõi Tịnh Độ lâm
phàm diễn tả nơi ấy như sau:
“Đường sanh mạng Phật ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn…
Cảnh như như chẳng có đổi thay
Không còn biết phân chia nhơn ngã…”
Quốc độ của Đức Phật A Di Đà có
ba tên gọi: Cõi Tây Phương, Cõi Cực Lạc, Cõi Tịnh Độ. Gọi Tây Phương
vì cõi nầy ở hướng Tây. Xưa Đức Phật Thích Ca giới thiệu về cõi
nầy như sau: Đây về bên Tây Phương kia trải qua mười muôn ức Phật Độ có
một quốc độ của Đức Phật A Di Đà, Ngài nguyện rằng, có một chúng
sanh nào niệm danh hiệu của ta đến nhất tâm bất loạn nếu ta không
rước chúng sanh ấy về quốc độ của ta, ta nguyện không ở ngôi chánh
giác. Đức Thầy lâm phàm khuyên bổn đạo “ngó về Tây niệm chữ Từ Bi,
ở Tây Phương chư Phật ngóng trông, chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật, cõi
Tây Phương chư Phật đợi chờ”. Cực
Lạc là nơi tột vui như Đức Thầy có câu “Khuyên chúng sanh nghĩ tận
đuôi đầu, về Cực Lạc mới là hết khổ” hay “ nếu thế gian còn chốn mê
tân, thì ta chẳng an vui Cực Lạc.” Chúng sanh cầu sang Cực Lạc
phải niệm lục tự Di Đà đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn. Do vì
cõi của Phật là cõi tịnh nên gọi là Tịnh Độ. Xưa Đức Thích Ca 49
năm trụ thế thuyết rất nhiều Kinh trong đó có Vô Lượng Thọ Kinh, A Di
Đà Kinh và Quán Vô Lượng Thọ Kinh, ba quyển Kinh nầy chủ yếu dạy tu
bằng cách niệm danh Hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh cõi Phật. Đức
Phật thuyết kinh nói về Tịnh Độ, sau nầy có Bồ Tát Phổ Hiền lập
thành Tịnh Độ Tông.
Niết Bàn: Niết là ra khỏi, Bàn
là rừng; Niết Bàn chỉ người đã ra khỏi rừng. Rừng đây chỉ cho rừng
vô minh, người trong vô minh tăm tối dễ gây tội lỗi, nghiệp chướng nặng
nề phải theo luật nhân quả báo đền. Đạt Niết Bàn tức ra khỏi rừng
vô minh, thoát sanh tử, sống trong sự sáng suốt không lầm lẩn vướng
tục, tự tánh không sự. Đức Thầy bảo “Niết Bàn tịch tịnh là đường
vô sanh”. Theo Đức Thầy, tu muốn đạt đến Niết Bàn Diệu Tâm phải đi từ
vô vi pháp “Tầm Vô Vi kiếm cảnh Niết Bàn” và chuyên sâu vào thiền
định “Ngoài kiếp phù du của trần thế, có cái gì không vi không dịch,
vĩnh viễn trường tồn. Nếu lấy sự thiền định phá tan màn u-minh che
phủ thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết
quả báo luân hồi”.
Về Tịnh-Độ và Niết-Bàn đáng lẽ
phải chi tiết như viết một quyển sách hay một đề tài thuyết trình
ít ra cũng một giờ đồng hồ. Đây tiếp chuyện qua điện thoại thời giờ
có hạng, chỉ 30 phút thôi…
Nói đến đây thì máy điên thoại
của tôi kêu lên tuốt tuốt, tôi coi lại thì máy đã thoát khỏi cuộc
gọi.
18/12/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét