Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

RẤT BUỒN BÁ TÁNH


Kính thưa chư quý đồng đạo! Hôm qua tôi mở quyển Sấm Giảng Giáo Lý, lần tìm bài “Dăn Dò Bổn Đạo” mò mẩm xem Đức Thầy có ẩn ý vì trong những lời lẽ dặn dò bổn đạo trước khi Ngài vắng mặt. Tôi đọc đến câu “Rất buồn bá tánh biết bao” liền giật mình. Nói như thế không phải từ trước đến nay tôi chưa đọc bài nầy; đọc lắm lần nhưng chưa có cái cảm giác, cảm xúc mạnh đến đổi như lần nầy. Lấy thẻ ngăn dấu gắp đôi quyển Sấm Giảng lại. Tôi tự nhủ: Bá tánh là trăm họ trong đó có mình. Tôi cảm thẹn và đặt ra câu hỏi Tại sao Đức Thầy buồn Bá Tánh? Suy nghĩ một lúc chưa có câu trả lời, mở quyển Sấm Giảng ra đọc tiếp “Nạn nguy sắp đến mà ngao du hoài”. Thì ra, buồn bá tánh vì nạn nguy sắp đến không lo mà tránh, cứ tính chuyện đi chơi (ngao du).
Căn cứ vào sự kiện “buồn bá tánh”, ta nên tìm hiểu nạn nguy sắp đến hình thể của nó là gì? Tôi thấy có ba cái nguy lớn: chiến tranh, Thiên tai và nghèo đói là điều đáng đem ra bàn bạc.
Nạn nguy của Chiến Tranh: theo tài liệu chúng tôi biết được từ “Bách Khoa Toàn Thư mở wikipedia” cuộc chiến tranh thế giới lần hai, cũng gọi là đệ nhị thế chiến, một số nhà chuyên môn theo dõi cho rằng cuộc chiến bắt đầu từ lúc quân đội Đức khởi binh xâm lược nước Ba Lan ngày 1 tháng 9 năm 1939, một số khác tính ra thì nói sớm hơn, họ căn cứ vào ngày quân Nhựt xâm chiếm Trung Quốc 7 tháng 7 năm 1937.
Đức Thầy là bậc cổ Phật lâm phàm khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, trong vòng nửa năm con Mèo còn lại Ngài viết bốn quyển Sám Giảng làm giáo lý dạy tu; quyển tư với tựa đề GIÁC MÊ TÂM KỆ là quyển cuối trong năm khai sáng đạo. Đức Thầy viết Sấm Giảng quyển Nhứt với tựa đề “KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM  Ngài chỉ đề năm sáng tác chứ không đề ngày tháng, nhưng khi sáng tác quyển Nhì “KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG Đức Thầy đề ngày 12 tháng 9 năm 1939 thì biết, lúc sáng tác quyển Nhứt tất nhiên trước đó. Nếu căn cứ theo Bách Khoa Toàn Thư đưa ra sự kiện quân Đức xâm chiếm nước Ba Lan ngày 1 tháng 9 năm 1939 là khởi đầu cuộc chiến thì sáng tác quyển Nhứt phải trước đó, bởi tiên tri không thể đến sau sự việc.
Trong Sấm Giảng quyển Nhứt Đức Thầy tiên tri đệ nhị thế chiến sắp diễn ra bằng những câu:
“Mèo kêu bá tánh lao xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉnh ghê.
Con ngựa lại đá con dê
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ kia cũng bị xáo xào
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng”.
Tiên tri năm khởi ra chiến tranh là năm Mèo 1939 đi qua năm con Rồng, con Rắn, con Ngựa, con Dê, con Khỉ, để đi đến chấm dứt là năm con Gà “canh khuya gà gáy” 1945 mới ngưng là hoàn toàn đúng.
Đức thầy nói “Nạn nguy sắp đến” chúng ta tìm tất cả những nguy nan thì đâu có nguy nan nào cao hơn về nguy nan chiến tranh. Hai bên lâm chiến thì mạnh được yếu thua nhưng nhân dân vô tội mà bom đạn lại vô tình kết thúc cuộc đời họ. Con người có nhiều cách chết nhưng chết về chiến tranh là gớm ghiếc nhứt. Tuy bài Dặn Dò Bổn Đạo Đức Thầy viết vào tháng hai năm canh thìn, sau khởi đầu cuộc đệ nhị thế chiến 1939 nhưng sự chết chóc thảm thê chỉ ở các nước ngoài còn Việt Nam bây giờ thì quân Pháp làm chủ tình hình. Những vị anh hùng dân tộc Việt có nổi lên đánh Pháp cũng là lẻ tẻ, sự chết chóc chưa đến đổi phải than là nạn nguy. Nhựt xâm chiếm Trung Quốc ngày 7 tháng 7- 1937 máu nhuộm đầy đất. Đức Thầy nói về sự sát hại đó:
“Chú Lùn Nhựt Bổn hùng hào
Chẳng thương sanh mạng quân Tàu dạy ngu”
chắc chắn diễn cảnh ấy sẽ đi tới Việt Nam nên Đức Thầy mới tiên tri là nạn nguy sắp đến. Rõ ràng năm 1945 Nhựt đảo chánh Pháp tại Việt Nam, sự chết chóc của cuộc đảo chánh xảy ra với những kẻ khác giống dòng mới thiệt là rùng rợn. Hai tên ngoại quốc đã làm giặc với nhau trong nhà mình thì nước chủ nhà sẽ lãnh đủ sự hư nát, còn gì nữa mà không gọi là nạn nguy sắp đến.
Nạn nguy vì nghèo Đói: Đất nước có chiến tranh nhứt là ngoại xâm, các mô hình kinh tế bị ảnh hưởng súng đạn khó làm ra sản phẩm. Việt nam ta được thiên nhiên ưu đải, có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, Theo lời Đức Thầy nước ta khi ấy lâm vào cảnh nghèo lụn vì bị quân Pháp phá hoại
“Hỡi Đồng Bào! Hỡi Đồng Bào!
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc
Ngày lại ngày siết chặc giống nòi.
Lật qua các báo mà coi,
Thấy con số chết xem mòi kinh nguy.
Cũng tại vì Tây-Vi bày kế,
Phá hoại nền kinh tế nước ta.
Làm cho điên đảo sơn-hà
Làm cho điêu-đứng con nhà Lạc-Long”
Miền bắc họ cho nhổ lúa trồng Bô cung ứng quân nhu. Cũng trong bài “khuyến nông” Đức Thầy viết rõ thực trạng đó:
“Giờ đây xem lại mùa màng,
Năm rồi miền Bắc tan-hoang còn gì.
Chỉ có xứ Nam Kỳ béo bở,
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền chủ phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang”.
Miền Nam ta được trồng lúa, nhưng Pháp bị lực lượng đồng minh vây hãm, cô lập, nông dân trồng lúa trúng mùa bán ra không được riết dân phải bỏ ruộng. Đến khi Nhựt đảo chánh Pháp Đức Thầy có dịp đi khuyến nông, kêu gọi nông dân “nắm tay trở lại cánh đồng”.
Nạn nguy bởi thiên tai: Tức Ách Trời. Đức Thầy nói “Ách Trời nạn nước thình lình”. Mưa nắng sái mùa, sái tiết, sanh ra dịch bệnh, mùa màng thất bát, khi khô hạn thì khô đến nứt nẻ đất, lúc thì bảo tố nước ở đâu cuồn cuộn dâng lên, cuốn mất tài sản và người.
Kính thưa chư đồng đạo! Tôi vừa trình bài sơ lược về “Nạn Nguy Sắp Đến” của thời kỳ đệ nhị thế chiến đã qua. Xét lại tình hình trong nước hiện nay:
Về Chiến Tranh: Trung Quốc luôn là nổi ám ảnh thê lương của nhân dân Việt Nam về lãnh hải và lãnh thổ. Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm. Họ tự biết mình làm vậy là vi phạm luật pháp quốc tế nên đã tự động đem quân, tàu chiến ra biểu dương sức mạnh trên biển đảo, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam cũng làm ảnh hưởng lớn đường tàu quốc tế. Nhiều nước thấy vậy cũng đem quân, tàu chiến túa ra ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc về biển đông. Trời chuyển thì ắc có mưa, chưa biết lúc nào Việt Nam xảy ra chiến tranh. Bên cạnh hành động khiêu chiến, Trung Quốc chẳng những biểu dương sức mạnh quân sự mà còn đẩy những mô hình kinh tế độc hại qua Việt Nam như trường hợp khai thác Bauxite ở vùng Tây Nguyên và công ty Formosa nhà máy thép, chất thảy công nghiệp đã gây độc hại bốn tỉnh miền Trung và rải rát những vùng lân cận.
Về Nghèo Đói: Việt Nam ta từ xưa nguồn kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; cái nước lúa gạo tại nhà, nghèo thì có chứ làm sao đói được. Thế nhưng, Đức Thầy báo trước lý do nghèo đói là do nước ngoài gây nên:
“Nghèo với đói từ đây sẽ biết,
Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài.
Nên bá gia hãy rán miệt mài,
Dầu rách rưới cũng mau cần kiệm.”
Kinh tế nông nghiệp phát triển có chừng mực mà hàng ngoại bang bố thiết (nhập khẩu) hoài hoài những đồ xa xí. Nhà tiền không dư cũng học đòi se sua sắm dọn, hoặc đi đây đi đó vui chơi, ruộng lời không đủ mua sắm trưng dọn, theo tôi biết rất nhiều rất nhiều nông dân giấy chứng khoáng ruộng đất không có trong nhà, thế chấp ngân hàng để lấy ba trăm triệu, năm trăm triệu… con nợ nó dần dần lên mà sắm dọn thì cứ sắm dọn, đi chơi cứ đi. Tiền xài từ ruộng, nếu thời tiết khắc nghiệt quá ruộng bị thất mùa, thu nhập không cao, đã thiếu vốn làm mùa lại mà vợ chồng con cái trong nhà chơi sang, hễ thấy hàng gì mới đẹp là mua, đi vay vốn cộng thêm tiền se sua sắm dọn “ hàng ngoại bang” thành một đống nợ, trớt thêm một mùa vụ nữa sẽ kêu bán đất, bán nhà.
Về Thiên Tai: Nhưng dẩu sao đất còn làm ruộng được cũng đỡ hơn. Đồng bằng sông Cửu Long là dựa lúa cho cả nước mà vừa rồi đã bị thời tiết đe dọa, những tỉnh ven biển bị nước mặn dâng lên bức tử đồng ruộng, vườn cây ăn trái, khiến nhiều hộ nông dân đối mặt với nghèo thiếu bao vây đóng cửa nhà đi xa làm mướn, chịu cảnh tha phương cầu thực đợi chừng nào nước ngọt về đẩy mặn ra biển thì mới trở lại ruộng đồng.
Hiện giờ nhằm mùa mưa, lũ trên nguồn đưa xuống, các kênh rạch nước mặn đã bị đẩy ra biển, chừng hết mùa mưa chưa biết năm tới ra sao trong khi trái đất gần như vài năm trở lại đây nhiệt độ mỗi năm đều tăng. Nhiệt độ tăng thì trùng trùng núi tuyết ở miền Bắc Cực phải tan chảy đùa xuống biển khiến nước biển bị nén dâng lên đồng ruộng. Các báo đài đưa tin miền Tây dựa lúa có mười một tỉnh mà hết chín tỉnh đồng ruộng bị mặn xâm nhập. Chưa biết chừng hết mùa mưa sang năm tới thế nào.
Tình trạng nhiệt độ trái đất tăng, thời tiết đáng sợ, con người cảm thấy khó chịu, dễ sanh bệnh cộng với sự ô nhiểm bởi chất độc thảy ra từ công kỹ nghệ, từ những tụ điểm chặt phá cây rừng, khai thác tài nguyên dưới lòng đất, khiến quả địa cầu cằn cổi nhanh, hết sinh tố thì độc tố lấn hiếp hòa vào không khí mà sự hít thở của ta không còn trong lành. Bây giờ nhiều người không bệnh, đi xe xẩy đó mà chừng chết là chết ngang.
Tóm lại: Những nạn nguy kể trên từ chiến tranh đến thiên tai, bệnh tật, nghèo đói là “sắp đến” Đức Thầy lo sợ cho bá gia bá tánh không thể sống yên mà bá tánh đâu hay cứ se sua với đời, vui chơi đây đó, Ngài rất buồn cho họ.
Để tránh được những nạn nguy sắp đến ấy, Đức Thầy dạy:
“Khuyên đừng xài phí xa-hoa
Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu.
Bớt ngao du, trưng dọn se sua thì bớt hao số tiền lảng phí, dư ra giúp đời, cứu người trong cơn hoạn nạn, khổ khó; còn có thời giờ tu học Phật Pháp, gieo nhân tốt không hưởng quả xấu, Đức Thầy chắc chắn sẽ không lo buồn.
Thưa chú tư! Sự báo trước của Đức Thầy về “Nạn nguy sắp đến” thì cháu tin, nhưng đáng lẽ phải chạy đi đâu trốn khỏi cảnh khói lưa binh đao, nghèo đói bởi chiến tranh sao lại “Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu” mà giải quyết được nạn nguy?
Thưa chư đồng đạo, cuộc gặp gở của chúng ta xem chừng đã hết giờ, ở mà giải đáp thắc mắc nầy nữa là lâu lắm. Xin thông cảm để dịp sau nhá.
28/8/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét