QUYỂN SẤM GIẢNG
Quyển Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ nầy của Ban Trị Sự Trung Ương GH.PGHH hải ngoại. |
Trời chiều dịu nắng
nóng, tôi ra sân hóng gió tìm ít không khí trong lành hơn là ngồi
trước cái quạt máy “tranh quyền tạo hóa nồng thay lạnh”. Giống tôi đi
đâu xa lâu về, nhìn cây Bồ Đề phát lạ, giươn tàng che bít những chậu
mai sần sù, và những cọng hoa Lan treo lòng thòng dưới những tàng lá
Bồ Đề rậm mát. Tiếng ngâm nga giọng giảng văng vẳng của một cô nông
dân làm cỏ rẩy cận bên, giọng đọc nghe cũng hay hay mà trật chữ lắm,
khiến tôi nhớ chuyện xa xưa:
Sau cái ngày gọi là
giải phóng đất nước, PGHH lâm vào cảnh bi đát nhất, bị quân giải
phóng cột buột các vị lãnh đạo Giáo hội phải từ bỏ sinh hoạt tôn
giáo, các cơ sở tôn giáo bị tịch thu và giáo lý phải đem nạp cho
họ. Mất hết rồi … tôn giáo mà không có giáo lý lấy đâu cho tín đồ
tu học?
Thời kỳ đen tối nhất
là kẻ quyền lực đã bắt buộc Giáo Lý PGHH của Đức Thầy là văn hóa
đồi trụy, kêu nhà ai có phải đem giao nạp bằng trì hoãn, giấu đút
khi bị bắt là không có quyền khiếu nại về sau. Phần đông đồng đạo ta
quá sợ đã đem giao, một số thà đốt chớ không nạp, còn lại một số
ít khác không giao không đốt, để bó kín trong nhiều lớp mủ hoặc dồn
nén trong thùng đại liên 50 (thùng không) đào đất chôn cất. Sau nầy
giông gió qua luồng người ta moi đất đem lên xem một cách cẩn thận,
kín đáo, hễ có nghe tin rụt rịt thì moi đất chôn lại, đậy củi đậy rơm
hoặc trồng trọt gì trên dấu đất mới đào, phi tang dấu vết. Có người
đem chôn kín quá lâu, sợ không dám lấy lên coi, chừng sau nầy moi lên
mới hay bị mối ăn mất chữ quá nhiều.
Từ khi ban Quân Quản ra
lệnh giải tán Ban trị sự Giáo hội PGHH các cấp và tịch thu các cơ
sở, giáo sản của đạo; qua thời gian dài theo dõi không thấy tín đồ
PGHH sinh hoạt hội nhóm họ an tâm về tình hình an ninh đối với tôn
giáo bản địa nầy. Dựa vào thời cơ tróng hở, huynh đệ ta lén lút
gặp nhau trau đổi sự tu học mới hay rằng: rất nhiều đồng đạo bây giờ
không có quyển Sám Giảng Giáo Lý để tu học, nghiên cứu, bởi trước
kia họ quá sợ đã đem nạp hoặc đốt bỏ. Từ sự thật điêu tàn đó thúc
đẩy một số tín đồ gan dạ moi đất đem lên một quyển SÁM GIẢNG THI VĂN
GIÁO LÝ TOÀN BỘ lén lút đến nhà in. Trước năm 1975 Ban Trị Sự Trung
Ương có tổ chức mướn nhà in để y bảng kẽm cho riêng quyển Giảng toàn
bộ, mỗi lần tái bản không phải sắp chữ lại. Sau 30 tháng 4 năm 1975
các cơ sở in ấn của thời Việt Nam Cộng Hòa đều bị tịch thu, giải
tán các nhân sự, nay muốn in là việc làm lén và phải làm trở lại
từ đầu. Vì thế phải mang quyển SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ nhờ sắp
chữ in đúng theo đó. Số lượng in không nhiều, in từ từ nhiều đợt để
tiện cho việc cấp phát không bị tồn động trong nhà kẻo lúc xui xẻo
bị xét, không có vật chứng không bị cột buộc tội tình. In những lần
đầu vận chuyễn trót lọt, cấp phát cho bà con khao khát quyễn giáo
lý, ta thấy sự vui mừng của họ lắm lắm… Một tổ chức làm được chư
đồng đạo các nơi coi theo đó mà làm, sanh thêm nhiều tổ chức in ấn lén,
có lẽ sự bảo mật không tốt, rò rỉ thông tin tới tai mắt chánh quyền
cách mạng, nên sau nầy nhiều đợt bị bắt phạt hành chánh hoặc đi tù.
Nhớ chuyện quý huynh
đệ làm, tôi lại mường tượng quý vị lúc đi tìm mối in, in chui họ
đòi giá cước cao, và lúc bị tịch thu quý vị chìu lòn năn nỉ gì
cũng không được phải nạp phạt trước đi tù sau… là hình bống đẹp soi
gương kim cổ, đúng với lời dạy:
“Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên
Phận môn đệ phải lo vun quén.
Tầm sức nhỏ còn làm nên kén
Người không
lo có thẹn hay chăng?”
Thời điểm đó dân tình
mình nghèo lắm, đất nước mới giàu đây thì lại nghèo xụp như từ trên
cao rơi xuống hố thẵm, sự sinh hoạt đời sống nhân dân nằm trong khuôn
khổ “Hút thuốc bằng giấy vò, gội đầu bằng nước tro” vậy mà đồng
đạo ta chắc mót để hùn tiền in lén Sám Giảng Giáo Lý của Đức
Thầy, thật là những tấm gương đáng trân trọng. Tôi cho đó là công
trình to tác, là những người đại ân đại nghĩa đối với tín đồ PGHH
sau nầy.
Tuy không đem so gương
Trần Huyền Trang đi Đông Độ thỉnh kinh, nhưng trong lúc PGHH đã bị nhà
nước mới lên ngôi xóa sổ, tịch thu giáo lý, phần đông các chức sắc
bị đưa đi tù giam, tù học tập cải tạo. Cảnh khó khổ đã diễn ra
trước mắt, và mức hình phạt nặng nề đối với những ai lén lút hoạt
động tôn giáo thế mà vẫn còn có những tín đồ lòng gan dạ sắt đi in
Sám Giảng cấp phát cho đồng đạo, thiệt không biết sợ tù.
Nay đã qua rồi thời
kỳ đen tối đó, và chư đồng đạo dường như không ai nhắc nhớ gì đối
với những người đội vác Kinh Giảng PGHH trèo đèo lội suối bí mật
gởi đến những đồng đạo chưa có hoặc có nhưng đã giao cho chánh quyền
cách mạng thiêu hủy ngay sau cái gọi là giải phóng đất nước. Tưởng
cũng nên nhắc lại khúc quanh lịch sử đó cho em cháu trẻ tuổi sau nầy
biết để thực hiện câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ
người đào giếng”. Giờ có những em cháu trong nhà quá thừa thảy
những quyển Sám Giảng Thi Văn bìa mềm bìa cứng, quyển khổ thường
quyển khổ rộng trong khi đời Ông Cha, Chú Bác của các em cháu rất
vất vả trong việc bảo vệ món gia bảo nầy trước những bàn tay quyền
lực đã muốn tiêu diệt đạo PGHH.
Hồi thời Đệ nhị Cộng
Hòa nhân dân xài Thẻ Căn Cước thì qua tới chánh quyền cách mạng họ
không cho dùng, bấy giờ cũng chưa có giấy chứng minh nhân dân, người
dân của chánh quyền cách mạng chỉ xài cái thẻ cử tri mà thắt chặt
an ninh mạnh như súng. Ai lỡ đi tha phương cầu thực không về nhận phiếu
cử tri coi như không có phép đi đường, đụng chuyện họ có thể bị nghi
tàng quân tàng hình gì cũng được. Trong thẻ cử tri trước là ghi tên
họ, năm sanh, nơi thường trú, tôn giáo. Nhiều người không dám khai
thiệt tôn giáo của mình là PGHH, đề tôn giáo: Không, nghe đau như Kiến
Nhọt cắn.
Nhớ khoảng năm 1978 tôi
đi lấy thuốc Nam
trên núi Cô Tô chung với đoàn Cái Dầu Thị Đam, bị chánh quyền xã Cô
Tô bắt lùa đi cả hai mươi người về cơ quan. Một người bên phía chánh
quyền cách mạng hỏi: Ai là người cầm đầu đi lấy thuốc? Nghe tiếng
“Cầm Đầu” Bà con đồng đạo sợ quá nói thiệt Huynh bảy là trưởng
đoàn chớ không lập lại tiếng cầm đầu. Năm đó Huynh Bảy độ tuổi ba
mươi, tu độc thân, thuộc dạng khá giả từ trước, nhà có hai chiếc xe
khách dạng lớn, nhờ đó huynh dễ tạo tiền mới làm đầu tàu cho bà
con hùng hập đi lấy thuốc núi độ bệnh bà con. Chánh quyền hỏi tên
tuổi, chỗ ở, tôn giáo, điểm nào người nói người ghi liền theo đến
phần tôn giáo là không liền được. Hỏi Huynh tôn giáo giáo nào huynh
trả lời là ĐẠO. Hỏi đạo gì huynh đáp là TÔN GIÁO. Suốt nửa giờ
làm việc, có bị hầm hét cỡ nào huynh cũng chỉ trả lời lòng vòng: Tôn giáo là đạo, đạo là tôn
giáo không dám nói tôn
giáo PGHH.
Những chuyện làm khơi lại
vết đau thương của thời dĩ vãng tôi không muốn nhắc, nhưng ở khúc quanh lịch sử của
tôn giáo đã có những con người đại ân đại đức vun đấp nền đại đạo
đang thiếu sinh lực cho bật lên sức mạnh Phù Đổng, bất chấp sự gian
nguy, tù tội. Họ đã làm nên một tấm gương tốt thì ta phải treo gương
họ cho mọi người nhìn ngắm, học đòi. Một cuồn phim có kẻ tốt người
xấu người ta chỉ muốn nhìn mặt kẻ tốt thôi nhưng kẻ xấu cũng bị
hiện trong phim và, những ai gây ác cảm với PGHH sẽ bừng mắt lên mà
hiểu rằng: PGHH là một tôn giáo đã được Đức Thầy đề ra lập trình đi
giữa lòng lịch sử dân tộc, sẽ được dân tộc chỡ che nuôi dưỡng; đạo
không thể mất và cũng không bị đồng hóa bởi ý đồ đen tối của những
kẻ mượn đạo tạo đời.
Bạn đọc có nghi ngờ
tôi câu “Đi trong lòng lịch sử dân tộc” không ? Hãy vào xem PGHH thì
bạn sẽ thấy lời tôi nói là đúng. Chỉ nơi lễ quy y Tam Bảo Đức Thầy
đề tựa là “Bài nguyện trước bàn thờ Phật” mời các vị chứng minh
gồm có “Phật Tổ Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu
Thần, Chư vị Sơn Thần, Chư Vị năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh”
Tình Phật không có biên cương lãnh thổ quốc gia, chúng sanh gồm vạn
loại không giới hạn chủng loại nào, hai tiêu điểm nầy ta để riêng qua.
Tính từ Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chự Vị Sơn
Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi đều là những anh linh công thần nước
Việt, không có Ông Tây Ông Tàu nào lộn vô danh sách chư quan cựu thần
nước Việt. Công Thần nước Việt chứng minh cho người Việt quy y Tam
Bảo, gọi PGHH đi giữa lòng lịch sử dân tộc, không phải đã quá đúng
rồi sao ?
Điều chính yếu mà tôi
muốn nói là các em cháu trẻ tuổi trong PGHH, hãy nên trân trọng quyển
Sấm Giảng Giáo Lý mình đang cầm trên tay, bởi có sự hy sinh một phần
sức khõe của Ông, Cha, Chú, Bác bảo vệ gia bảo tồn tại đến ngày
nay. Các em cháu rán nên học cho nhớ nhiều thuộc nhiều, đem thực hành
vào đời sống tu tâm dưỡng tánh.
10/8/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét