Bàn
về CHẤN-HƯNG PHẬT-GIÁO
Kính chào chư quý đồng đạo! Hôm nay
chúng ta bàn luận về cụm từ “Chấn Hương Phật Giáo”. Quý vị còn nhớ
không nào! cụm từ nầy trong hai câu kết của đoạn văn bốn câu mà cách
đây vài tuần ta đã hẹn để dịp khác. Nay chính là dịp khác đã nói
đó.
“Chấn-hưng Phật-Giáo học-đường,
Dưới trên hòa-thuận chọn đường qui-nguyên”.
Chắc không cần nói xuất xứ thì
quý vị cũng biết hai câu ấy trích trong bài nào. Chúng ta bắt đầu
tìm hiểu nhá.
Chấn-Hưng: Chấn: chỉnh đốn lại, ví
dụ: Chỉnh đốn lại lời nói, việc làm để người và công việc trở nên
tốt đẹp. Hưng: Phất lên, phát triển lên, hưng thạnh, thạnh vượng. Chấn
Hưng là chỉnh đốn lại công việc cho đúng với lập trình, mô hình đề
ra và làm phát triển PGHH một cách thật sự. Ví dụ truyền bá giáo
lý mà lập trình đề ra như vậy có đúng không? Không đúng là chỗ nào?
Phải biết chính xác để sửa hư thành nên. Nếu đúng thì sao không hưng
thịnh, phát huy đến đỉnh điểm? Nếu lập trình đề ra là đúng thì sự
thật của vấn đề không phát triển tầm vóc truyền bá không lỗi ở lập
trình mà lỗi ở thiếu nhân sự tốt, thiếu người có khả năng chuyên môn
nên lời nói hành động của người truyền bá không được để vào lòng
người hâm mộ. Điều người hâm mộ cần, giảng thuyết hay ho là một lẽ
nhưng vị giảng viên phải không để lộ sự sơ hở về hạnh cách: Chấn
hưng mình trước khi chấn hưng Phật Giáo. Ta cứ đi nói: Mình có trách
nhiệm chấn hưng Phật Giáo nhưng không có trách nhiệm bản thân, kết
quả của lời nói chấn hưng chưa cụ thể ngẩn cao, hưng thạnh.
Phật Giáo: Đạo Phật, Phật giáo ra
đời hồi thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo, vị khai sáng
đạo Phật dưới cõi trần này là một con người bằng xương bằng thịt do
cha mẹ sanh ra có tên là Sĩ Đạt Ta, đi tu thành chánh quả hiệu Thích
Ca Mâu Ni Phật. Lúc chưa tu đắc đạo, Ngài là một người như bao nhiêu
con người cũng sinh hoạt bình thường, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc,
ăn uống ngủ nghỉ, có điều xuất thân của Ngài hơn chúng ta, Ngài là
Thái Tử, ăn thì cao lương mỹ vị, hàng mặc toàn gấm vóc lụa là; ta
ăn thường, mặc áo vải thô sơ. Nhưng không vì quyền quí sang trọng mà
Ngài được thành Phật, và cũng không phải vì quyền quí sang trọng mà
không thành Phật. Đâu lỗi do ta ít học lại nghèo nữa, áo vải che thân
thì mãi mãi là chúng sanh. Ta nghèo, ít học nhưng chưa chắc đã nghèo
hơn cái nghèo của tên tiều phu Huệ Năng và sự học vấn của Ngài
chẳng được chữ nào, Kinh Kệ mang đầy bụng mà không biết chữ để viết
Kệ trình lên Tổ, phải nhờ đồng môn viết giùm. Dựa vào nghề lên rừng
đốn củi gánh về bán ra kiếm sống mà vẫn đắc được tâm Phật, địa vị
Tổ Sư, một trong sáu đời Tổ của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc. Đức
Thầy có đoạn khen Sư Huệ Năng:
“Đức Lục Tổ ít ai dám sánh,
Người dốt mà nói pháp quá rành.
Lựa làm chi cao chữ học hành,
Biết tỏ ngộ ấy là gặp đạo”.
Tu chỉ để tỏ ngộ bổn tâm chiếu
kiến Phật Tánh của chính mình, chỗ đó không có giàu nghèo, sang hèn,
thông minh hay dốt nát. Sĩ Đạt Ta tu thành chánh quả thấy rõ trong tâm
của mỗi chúng sanh đều có tánh Phật như Ngài, nếu tu như Ngài tu thì
sẽ thành Phật ngay hiện kiếp nên Ngài nói “ Nhứt thiết chúng sanh
giai hửu Phật Tánh (Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh) và câu
“Nhứt thiết chúng sanh bất thành Phật quả ngã thệ bất thành Phật”
(Nếu có một chúng sanh nào (tu) không thành Phật ta thề là không
thành Phật).
Đắc đạo xong Ngài đi thuyết pháp
độ chúng như trong Sám Giảng Đức Huỳnh Giáo Chủ có câu:
…”Ấy mới vừa đắc đạo hoàn-toàn
Và lần bước phô-trương độ chúng.
Ngài bèn xét ở trong Phật-Chủng,
Các chúng-sanh đều có như ta,
Bị vô-minh vọng-tưởng vạy-tà,
Nên quay lộn Tà-Bà cõi khổ”
Khởi đầu cuộc “Độ Chúng” Ngài đến
dạy năm anh em Kiều Trần Như tu tức khắc chứng quả A La Hán. Ngài có
năm thời kỳ thuyết pháp: Thời thuyết Hoa Nghiêm, thời thuyết Tứ A
Hàm, thời thuyết đại thừa, thời thuyết phương đẳng đại thừa sau cùng
là thời Pháp Hoa và Niết Bàn. Ngài có Chánh Pháp Nhản tàng Niết
Bàn Diệu Tâm truyền từ Tổ thứ nhứt là Ông Ma Ha Ca Diếp dẫn tới tổ
thứ hai mươi tám của nước Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma, rồi Tổ Sư Bồ Đề
Đạt Ma ôm Chánh Pháp sang Tàu truyền thêm năm đời, cộng là 33 vị Tổ.
Ngoài sự truyền thừa chánh pháp
nhản tàng Niết Bàn điệu tâm từ nơi Đức Phật, sau nầy các nhà tu
hành đã liễu ngộ đại pháp, dùng phương tiện độ chúng các Ngài đã
dựng lên trong đạo Phật kể cả thảy mười tông phái. Mỗi tông phái đều
có Tông Sư và học thuyết làm bộ môn giáo lý cương lĩnh cho tông phái
mình, ví dụ như Câu Xá Tông có Câu Xá Luận, Thành Thật Tông có Thành
Thật luận, Pháp Tướng Tông có Duy Thức Luận…
Học Đường: Trường học. Đã là
“Phật giáo học đường” thì trường
dạy nầy là dạy đạo Phật. Khi nghe Sư Thầy hay những huynh trưởng
thuyết pháp, thuyết trình giáo lý đạo Phật cũng gọi là học đạo,
tuy nhiên học đạo qua các bài thuyết ở nơi công cộng chỉ bổ ích cho
người học ở mức độ đề tài, còn trường học thì đi từ căn bản. Đức
Thầy kêu gọi môn đồ mở chương trình Phật Giáo Học Đường là muốn tín
đồ PGHH phải đi từ căn bản đó học hiểu đạo Phật.
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt xưa có thượng
tọa Thích Thiện Hoa viện trưởng Viện Hóa Đạo mở trường dạy đạo, có
cả thảy mười hai lớp, chương trình giáo khoa cho từng lớp và năm học.
Sau nầy tài liệu học trong lớp có in thành tập đề tựa là “Phật Học
Phổ Thông” ban rải rộng.
Phật Giáo Hòa Hảo tính từ năm khai
sáng 1939 đến 1975 tuổi đạo chưa thành lão bối, nhưng nghĩ lúc Đức
Thầy bị đày vào nhà thương Chợ Quán mà còn để tâm lo tương lai của
đạo, viết lời kêu gọi môn đồ chấn
hưng Phật Giáo học đường (mở trường dạy đạo Phật) sau nầy mới
có bốn lớp dạy đạo ngắn hạng: Lớp Đạo Pháp Khai Tâm, Lớp Sơ Cấp,
Lớp Sơ Cấp Bổ Túc, Lớp Tu Nghiệp. Hằng năm rất nhiều địa phương vùng
có đông dân cư PGHH hay tổ chức mở khóa, tùy theo dân trí mà yêu cầu
dạy lớp Đạo Pháp Khai Tâm hay lớp Sơ Cấp hoặc Sơ Cấp Bổ Túc… dầu
tuổi đạo còn non trẻ nhưng Phật học đường của PGHH hoạt động khá
hưng thịnh, mầu mở.
Ngoài ra, chương trình Phật Giáo
Học Đường còn được giảng dạy giáo lý PGHH ở những trường trung học
Tư Thục, Bán Công như ở quận Chợ Mới thì có trường Kinh Dương Ông Bùi
Văn Ưởng dạy, tư thục An Giang trường Nguyễn Bá Trung Ông Nguyễn Văn Đon
dạy, trường trung học bán công ở xã Hội An (chợ Cái Tàu Thượng) Ông
Cao Hoàng Huơi dạy, trường trung học bán công Cái Dầu (Thị Đam),
trường trung học bán công Thánh Địa Hòa Hảo …
Dưới Trên Hòa Thuận: Ý nói, về
chỗ đứng (địa vị) lớn nhỏ, cao thấp nên sống hòa thuận với nhau,
trên nói dưới nghe, dưới nói trên lắng nghe, chị ngả em nâng, hòa
thuận để hợp tác thành công những điều ích lợi chung cho nền đạo. Trong
một gia đình mà dưới trên hòa thuận thì tốt chị tốt em, cha mẹ danh
dự, công việc cho dù lớn lao mà đồng lòng là hiệp sức gánh vác
chuyện lớn cũng thành nhỏ, không đồng lòng, người nầy làm người kia
không làm mà còn chỉ trích, chê bai, chuyện nhỏ cũng không xong.
Công tác đạo sự là công tác lớn,
đạo bao gồm cả thế gian, cần phải “dưới trên hòa thuận” mới làm nổi
việc lớn. Ta vì sự ích lợi cộng đồng mà truyền bá đạo Phật, ích
lợi của bản thân nếu không dẹp được thì cũng phải hạ bớt ngọn cái
tâm tính hẹp hòi riêng tư của mình để hòa nhập dòng chảy chung với
chư đồng đạo làm công tác. Thuyền ra sông lúc đầy sóng gió, trên một
con thuyền mà Ông chèo lái Ông chèo mủi không thuận nhau, người chèo
Nam, kẻ bơi Bắc suốt như vậy thì ghe tới đâu?
Chọn Đường: Đường đời vạn nẽo,
Phật Pháp là phương tiện Pháp nên Phật thuyết rất nhiều pháp để tùy
trình độ chúng sanh chọn dùng đúng pháp, đi đúng đường. Đường nào
cũng về Phật thì khi đã chọn đường nào hãy đi miết con đường đó,
đừng có ham hố quá nhiều đường (pháp) nhảy qua nhảy lại lung tung
làm cho hành trình chậm mất. Đức Thầy có câu:
“Đức Phật Tổ nào đâu hẹp lượng,
Chịu nhọc nhành mới rõ Đạo-Đề.
Thấy một đàng thẳng-bẳng mà mê,
Ôi chừng đó mới là mầu-nhiệm”.
Qui-Nguyên: về nguồn xưa. Nguồn xưa
của đạo Phật không trọng về hình thức, âm thanh sắc tướng, đúng như
lời Phật thuyết:
“Nhược dỉ sắc kiến ngã, dỉ âm thanh
cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo, bất năng
kiến Như-Lai”
(nếu dùng sắc tướng, âm thanh cầu
Phật,
người nầy theo đạo tà, rốt không được
Phật đâu).
Đức Thầy vâng lệnh Đức Phật Tổ
Thích Ca Mâu Ni lâm phàm độ thế như câu “ Đền Linh-Khứu sơn trung chịu
mạng”, nên trong việc chấn hưng Phật giáo, về thờ cúng Ngài kêu gọi
mọi người “nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở
vào sự hào-nháng bề ngoài”; còn về giáo lý để tín đồ tu học Ngài
nói:
“Đạo vô-vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước”.
“ Đạo Thích Ca nhiều nổi cao sâu,
Hãy tìm kiếm cái không mới có”.
Tóm kết đại ý: Phật giáo đang lạc
mất đi tính nguyên thỉ, đạo vô vi của Phật nay đã tạo ra quá nhiều
hình tướng, hành giả thì chấp lý bỏ sự, giới đức không nhường. Do
đó Đức Thầy kêu gọi môn đồ phải “Chấn Hưng Phật Giáo” lại cho đúng
cội nguồn xưa. Nhìn hiện tại thì thấy phần đông các nhà tu học, có
hơi khôn lên một chút liền bảo thủ không chịu hòa nhập với cái khôn
của vị khác tạo nên sức mạnh cho tiến trình truyền bá đạo Phật, có
vị lo tu cho riêng mình, chết ai nấy chịu; các chức sắc hoạt động tôn
giáo tâm tư phân tán bởi những cái vẻ bề ngoài rồi mạnh ai nấy bảo
thủ khiến nên trong một tôn giáo mà chia nhiều tổ chức, phe nhóm, làm
suy yếu tinh thần đoàn kết của PGHH. Dưới trên không hòa thuận còn có
sức mạnh đâu nữa mà Phật Giáo tỏ rạng như xưa. Để làm được điều
nầy thì những người trong tôn giáo đạo Phật phải “ Dưới trên
hòa-thận, đồng một tấm lòng mới làm nổi công cuộc lớn lao nầy.
25/8/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét