KHUYÊN
BỆNH NHÂN CHUYÊN TU
Hình Minh Họa |
Người bệnh là nữ đồng đạo trước
đây tôi chưa hề quen biết, khi cô ấy lâm trọng bệnh mà gặp nhiều điềm
chiêm bao không sáng sủa cho việc trị bệnh, lo sợ cái chết diễn ra
trong đời, sanh tuyệt vọng. Không biết nghĩ điều gì, cô nhắn lời với
những đồng đạo quen thân là muốn gặp tôi, gặp được cho dầu chết cũng
mãn nguyện. Trong số những đồng đạo cô quen thân có người cũng biết
tôi, đã đến bày tỏ giùm lòng mong ước của cô ấy. Nghe nói cảm thương
quá, tôi rán đến thăm xem cô ta nói điều gì trong khi tôi đang bệnh sổ
mủi, nhức đầu và phải lái xe già hai mươi cây số.
Cô ở trong phòng có máy điều hòa,
khi tôi đến thăm, cô nằm nghiêng người, đôi chân chỉ là lớp da bộc
xương, không cữ động được; đôi cánh tay di chuyển một cách miễn cưởng,
yếu ớt, nhưng tiếp chuyện nói năng thì độ nhạy cảm vẫn còn bén
lắm. Thấy cô vóc dáng già nhăn tôi gọi bằng chị, cô sửa lại kêu tôi bằng
chú xưng cháu và nói rằng cô mới hơn năm mươi tuổi chút thôi. Vừa
chào xong tôi tự giới thiệu mình là Lê Minh Triết, cô như bật mừng
với vẻ xúc động, lấy ngón tay chậm chậm phía dưới khóe mắt, nói
với tôi y hệt những lời cô đã nói chuyền với người khác: gặp chú,
cháu quá mừng, nếu cháu có chết cũng mãn nguyện.
Nghe giọng nói quá bi quan tôi liền
gạt qua, nếu để yếu chí mềm lòng lâu thì sẽ ảnh hưởng tinh thần
nặng nề lắm, tâm lý cũng theo đó giết mòn người bệnh:
- Không sao đâu, rồi cô cũng sẽ hết
bệnh, đừng lo lắng nhiều.
- Dạ, chú thương mà nói vậy chứ
bệnh trong mình cháu thì cháu biết.
Cô tin tôi đi! không chết chóc gì đâu
mà sợ. Chưa chết mà sợ thì hãy niệm Phật cho hết sợ. Người ta ở
đâu dầu là chỗ đông người mà sống với tâm hồn cách biệt cảm thấy cô
đơn lắm. Đừng để cô đơn xâm chiếm rồi cứ tủi thân tối ngày nghĩ
chuyện không hay. Bên cô vẫn còn có chư đồng đạo, trên nữa thì có Đức
Phật, Đức Thầy lúc nào các Ngài cũng với tâm từ bi rộng lớn cứu
độ chúng sanh. Yêu cầu cô luôn nhớ Phật và niệm danh hiệu của Ngài, hành
trì quyết liệt pháp môn niệm Phật cô sẽ thấy đúng như lời tôi nói:
Không Chết. Tôi khuyên cô, đừng sợ chết khi mình đang sống; hãy tận
hưởng sức sống cho có hương hoa, trước tiên là không phụ công ơn cha mẹ
sanh thành dưỡng dục, sau không phụ lòng Thầy Tổ dạy đạo cứu đời.
Biết ơn sanh thành dưỡng dục là trong sự sống phải tu nhơn tích đức,
sửa tốt con người mình để nói lên sự tốt đẹp của Ông Bà Cha mẹ,
biết ơn Phật Tổ Phật Thầy, Đức Thầy vì các Ngài mở lượng từ bi ban
bố giáo pháp cứu độ chúng sanh thoát miền mê khổ của kiếp người.
Thưa chú _ bệnh nhân hỏi _ thế nào
là thoát miền mê khổ của kiếp người?
Tôi đáp:
Đức Phật, Đức Thầy cho rằng cõi mê
là cõi khổ, “Cõi thế gian dường thể chốn ao tù, trong biển khổ mấy
ai mà thoát đặng”. Người còn trong mê là còn trong khổ dầu người đó
đang sống gần phật. Cõi mê là cõi đã cho ta cái thân tứ đại bị trói
buột bởi Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Thoát miền mê khổ có hai nghĩa, một
nói về sự một nói theo lý:
1,Về Sự: Miền: thuộc không gian,
cõi nước; thế gian là cõi khổ, Cực Lạc là cõi tuyệt vui như Sám
Giảng Đức Thầy có những câu:
“Ta Bà khổ Ta bà lắm khổ.
Có bao người xét cho tột chỗ,
Tịnh Độ vui Tịnh Độ nhàn vui.
Cảnh thanh minh sen báu nặc mùi,
Nào ai rõ cái vui triệt đáo”.
Hoặc những câu:
“ Cõi Tịnh Độ lắm điều thanh nhã,
Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn.
Chốn Ta Bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế.”
2, Về lý: miền đây là miền vô
hình, miền mê khổ là sự khổ lên từ trong tâm. Thoát miền mê khổ là
thoát đi từ trong tâm tất cả những sự khổ trong đời. Ông Thanh Sĩ
diễn tả nội tâm thoát miền mê khổ nghe rất hay:
“Trong tâm não mơ hồ đã sạch,
Đêm ngày luôn minh bạch cõi lòng;
Sống đời mà vẫn tâm không,
Như nhiên khỏi phải dụng công giữ
gìn.
Không còn sợ tâm sinh niệm quấy,
Cũng hết lo ngoại vật là mê;
Tự do sống ở thoát về,
Thân tuy cách phật tâm kề đài sen”
Đức Thầy nói ngắn gọn hơn, rất dễ
hiểu:
“ Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.
Chí toan gieo giống Bồ-Đề
Kiếm người lương thiện dắt về
Tây-Phang”
Nếu thực hiện được lời Đức Thầy
dạy, chứng được cái chỗ “Tâm lìa cõi mê” ở cõi Ta Bà như đang trên
Cực Lạc. Thật sự chưa về Cực Lạc mà đã thoát miền mê khổ rồi.
Tôi trình bày xong là ngưng tiếng,
thấy thời gian qua khoảng tróng cô nói:
- Giờ cháu hết biết câu nào để
hỏi với lại sức khõe kém, nhưng lòng rất muốn nghe, vậy xin chú tự
cho lời khuyên.
Tôi thấy cần nên vây quanh vấn đề
hành trang thiên lý cho cô, lúc nầy cũng nên sanh tâm nhàm chán cõi Ta
Bà để còn chỉ một lòng mong về Cực Lạc mà cô có thể đem thực hiện
trong nay mai.
- Như lúc nảy cô than chết, tôi bảo
rằng chưa thì cô nói tôi dùng lời an ủi, không bằng lòng với lời
khuyên của tôi. Thế cô biết chính xác là phải chết, vậy thôi đừng sợ
chết nữa đi! bởi vì lo cũng vô ích; hãy lo là khi chết đây đi về đâu
để mà dồn hết các cái lo nghĩ cho chỉ một hướng giải thoát. Chắc
chắn là cô cũng muốn đi về Phật. Từ cõi Ta-Bà khổ qua Tịnh-Độ vui
thì phải có đầy đủ những thủ tục xuất cảnh, thủ tục ấy bằng vào
sự Niệm Phật chí thành. Muốn được điều nầy phải cắt đứt hết những
chướng ngại, nào là Thương, Ghét, cảnh vật và con người, bất cứ
cảnh nào và người đó là ai. Nói cách khác, hãy tự xếp mình không
có quyền thương ghét, chỉ còn quyền bảo vệ niệm Phật siêng suốt
trong chính mình. Cô có cần hỏi tại sao tôi đặt nặng vấn đề bảo vệ
niệm Phật không? Như cô cũng biết, người tu niệm Phật thường bị niệm
ma kè theo, nếu thiếu bảo vệ cho tiến trình niệm Phật thì niệm ma
sẽ tông vào, vẫn ngồi xừng xửng trên bồ đoàn đó mà niệm cái gì
chớ không phải niệm Phật. Tình trạng mất kiểm soát, thiếu bảo vệ càng
lâu là càng nguy to cho việc nguyện vãng sanh Cực Lạc.
Còn một điều rất quan trọng, Đức
Thầy là Phật từ bên cõi Phật đem pháp Phật lâm phàm giáo hóa chúng
sanh, trong sự giáo hóa Ngài đã biểu thị lòng thương cảm đối với
những ai trong bệnh hoạn mà cố chí tu hành:
“Ví Thầy xác thể hãy còn đau,
Hà huống chi con tránh được nào.
Quả dữ trả rồi nhân thiện đến,
Nếu Thầy đắc đạo bỏ con sao?
Dầu ở đâu xa Ngài cũng nhớ về
người bệnh:
“Đường xá xa xôi Thầy Nguyện Cầu,
Phật Thần ban rải huệ linh mầu,
Cho con yên ổn thân đôi chút,
Chớ dễ nào Thầy quên trẻ đâu”.
Tôi cho cô có quyền không tin tôi
nhưng cô không có quyền không tin Đức Thầy bởi cô đã quy y, là người
tín đồ PGHH. Đức Thầy có câu:
“Tuy là hữu ảnh vô hình
Chớ dân lòng tưởng sân trình đáo
lai”.
Thưa chú Sân trình đáo lai là thế
nào ạ ?
Sân: sau ngay giây phút đó, Trình:
hiện, lộ ra. Sân trình đáo lai, ý nói sau khi tưởng nhớ Đức Thầy thì
có Đức Thầy hiện đến tức khắc, nhưng mắt thường ta không thể thấy
được.
Đừng tưởng trong phòng cô, cái không
gian chật hẹp nầy chỉ có mình cô mà than thân trách phận, tôi còn
đến thăm cô được thì đừng nói là các đấng từ bi thần thông quảng
đại. Hãy niệm tưởng Đức Phật, Đức Thầy, các vị ấy sẽ không bỏ cô
một mình đây đâu. Hãy giồi giàu sự tin tưởng về Ngài và làm tốt
công việc Ngài dạy để được:
“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc,
hưởng công Niệm Phật rất yên lành”.
Đến thăm cô qua thời gian như vầy
cũng đủ, tôi về để cho cô tập trung Niệm Phật. Xin chào cô tôi về.
- Chú ơi! cháu rất cần có lời
khuyên của chú, nếu chú không bị bận việc quá đáng xin hãy thường
đến khuyên cháu. Nam Mô A Di Đà Phật.
13/8/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét