HỒI
ỨC VỀ MỘT LỄ ĐẠO
Lễ kỷ niệm ngày khai sáng PGHH năm
nay, 18 tháng 5 Bính Thân 2016, mấy
cháu chụp về cho tôi một số hình cài trong thẻ nhớ, trong đó có một
tấm hình khiến tôi nhớ lại một lễ xưa mà thương về dĩ vãng. Tấm
hình tôi nói, trên cổ Hoa Đăng Xa có triển lãm nhắc tích Phật Thích
Ca ngồi tham thiền dưới cội cây Tát Bát La (bồ đề) đắc đạo, có mấy
cô Thiên Ma Ba Từng đến ỏng ẹo trước Phật, quyến rủ cho Ngài động tâm
nhan sắc mất chánh định, tiêu tan thần thông để hào quang không còn
xông lên mấy từng Trời cao làm cho cung điện uy nghi của cõi Trời thứ
sáu chấn động như muốn xụp đổ.
xem Phật ngồi thiền định kìa |
Tạo hình thì có ý nhưng không có
lý, không biết vì ban tổ chức Hoa Đăng Xa làm nét Phật sử lấy lệ hay
vì huấn luyện mà những vai diễn không nghe lời? Vai diễn của mấy cô
Thiên Ma Ba Từng xem cũng tạm được chứ đúng ra thì hơi “Ma Quỉ” thêm một
chút nữa mới đúng sách vở, hai nữ Thiên Ma vừa đánh đàn vừa hát
múa trước Phật với phục sức tróng hở, phản ảnh được nét độc đáo
của bản nhà nghề. Theo sử liệu, Đức Phật ngồi thiền định dưới cộ
Bồ Đề vẻ uy nghi bất động mặc cho Ma Quỉ múa men gợi lòng trần tục.
Đức Phật đã nhập vào chánh định thì lòng trần tục đâu còn cho mà
gợi thương gợi nhớ. Nhưng vai Phật ngồi thiền định trên Hoa Đăng Xa không
phải vậy, tệ thật là tệ! Làm vẻ Phật, ít ra phải rạng rỡ nét
thoát tục với bộ tịnh tọa kiết già, bàn tay chồng lên bàn hay kiểu
bắt Ấn Tam Muội, đôi mắt khép bớt ngay tầm sóng mũi, đàng nầy, Phật
ngồi thiền định gì mà con mắt mở trau tráu, đầu mặt láo liên, không
thẳng lưng mà tay dường thể cầm cái gì… vật chất; té ra hình Ông
Phật nhiễm chớ không phải thanh tịnh bất động.
Lâu lắm rồi, nó không xưa như chuyện
“Ngàn lẻ một đêm”, lúc tôi còn là một em trai, sốngđời thích ca
hát, bạn bè thân mến bảo tôi có giọng hát truyền cảm và mời tôi đi
hát tân nhạc, cổ nhạc một số đám cưới, đám hỏi… Sau nầy vào đạo
tôi không còn tập tụ hát xướng gì nữa, tôi trở thành đọc giảng viên
được rất đông thính giả yêu chuộng.
Độ khoảng 1970 lễ kỷ niệm ngày
khai sáng đạo, năm đó ban trị sự (BTS) và toàn thể tín đồ PGHH xã
Kiến An hùng hập tổ chức lễ rất qui mô, một xã mà hai thứ hình
triển lãm nổi bật là khá lắm đấy! Hoa Đăng Xa (dâng cộ đèn) Hoa Đăng
Thoàn (tàu bè Thủy Lục) diễn hành cùng lúc lớp trên bờ lớp dưới
sông. Bè Thủy Lục biểu diễn từ lòng rạch Ông Chưởng đến sông lớn
Thánh Địa Hòa Hảo, Hoa Đăng Xa, các BTS xã ấp trong vùng tổng Định
Hòa có tổ chức Hoa Đăng Xa thì cho đồng loạt giễu hành khắp Cù Lao
Ông Chưởng.
Dâng cộ đèn và bè thủy lục hoạt
động lúc trời đêm thì sắc màu lộng lẫy. Bè thủy lục ở các tỉnh
quận xa phải tốn nhiều ngày mới đến được Thánh Địa giễu hành trên
một khúc sông rộng và dài từ xã Phú An đến xuống hết đuôi cồn Doi
Nàng Éc. Suốt khúc sông dài rộng ấy, đêm về dân chúng của hai bên bờ
sông tủa ra xem nó như một rừng đèn xanh đỏ tím vàng di động, khi thì
phẳng lặng khi thì gục gặt lắc lư, lô nhô những điển xẹt pháo, những
trái Si Nhô bung dù trên không sáng ánh. Lúc Trời không sóng gió những
chiếc xuồng cui, xuồng Tam Bản, ghe cà dom nho nhỏ, có chiếc chèo tay
có chiếc gắn máy đuôi tôm chạy vọt ra quan sát từng chiếc khắp vùng
có tàu bè thủy lục hoạt động. Trong rừng đèn ấy người ta thấy vui
mắt với những tranh hình triển lãm rất nhiều sự tích: Sự tích Thầy
trò Trần Huyền Trang (Tam Tạng) đi thỉnh Kinh, sự tích Phật Thích Ca
thành đạo, sự tích Phật nhập Niết Bàn, sự tích Bà Hoàng Hậu Ma Da
trổ sanh thái tử Sĩ Đạt Ta ở vườn Lộc Uyển và rất nhiều rất nhiều
những tranh ảnh nghệ thuật mang tính truyền bá giáo lý PGHH; những
câu trong Sám Giảng Thi Văn giáo lý có tượng hình thì được đem dùng,
ví dụ: “Biết làm sao lên lưng Bạch Hạc, Bay cả Trời tỏ ý từ bi” hay
là “Cây Ngô Đồng hứng vẻ đượm sương, cho chim Phụng mặc tình xòe múa”,
hoặc là “Năm Mèo kỷ mão rõ ràng, khắp trong trần hạ nhộn nhàng
xiết chi” và “Thuyền Bát Nhã tay cầm tay lái, Quyết đưa người khỏi
bến sông mê”… thì người ta khéo tay vẽ hay thúc hình cây Ngô Đồng, Con
Bạch Hạc, con Mèo, Thuyền Bát Nhã thật là đẹp lộng lẫy.
Tổ Đình và An Hòa Tự là vùng
trung tâm, Hồi nầy gọi là Thánh Địa Hòa Hảo, có vào thủ tục hành
chánh nhưng không mang tên xã ví dụ như xã Hưng Nhơn, xã Phú An,… thay
vì xã Hòa Hảo thì là Thánh Địa Hòa Hảo.
Cũng có những chiếc bè thủy lục
hoạt động lưa thưa ngoài khu vực nhạy cảm cho bà con các địa phương
không đến được Thánh Địa Hòa Hảo ghi nhận trong lòng một lễ đạo
rạng rỡ kỳ tích.
Thánh Địa Hòa Hảo từ nhánh Sông
Tiền, chảy cua qua sông Vàm Nao hòa vào Sông Hậu, rộng vậy mà tới
mùa lễ đạo lại hẹp té ra. Bà con những tỉnh vùng xa đi ghe tàu đến
dự lễ đậu lớp lớp và nối đuôi nhau cả chục chiếc bung xa ngoài sông
rộng. Những chiếc ghe tàu đến sau đâu được đậu gần bờ cho lên xuống
dễ dàng. Muốn lên bờ xem lễ phải đi chuyền trên những chiếc ghe tàu
đậu trước, chẳng chủ ghe tàu nào khó dễ về việc người ta đi chuyền
trên ghe mình, có muôi thì đi trên muôi, gặp những chiếc ghe treo cà
rèm bằng lá lợp nhà hay bằng vải mềm nhủng hoặc phủ một tấm platic
đâu đi trên đó được, phải chun lòn dưới lòng ghe khỏi cần hỏi chủ,
đồ đạc của ai kệ ai có người ở giữ ghe hay không mình đi thì cứ đi.
Không có chuyện tham lam trộm cắp, nghĩ người vì mộ đạo mà vượt
đường xa tới đây, muốn có việc làm phước thiện để chứng tỏ tấm
lòng với Thầy Tổ ai nỡ nào làm chuyện ác nhơn mất đức. Với lại
hồi đó, thời đệ nhị Cộng Hòa các tôn giáo hoạt động có tư cách
pháp nhân thật sự, chánh quyền và quân đội, cảnh sát, những người
thuộc tín đồ PGHH được nghĩ phép, về dự lễ họ tự thấy có trách
nhiệm giữ an ninh, quyết liệt với tội phạm giựt giọc và không can
thiệp vào những sinh hoạt tôn giáo, nên tình hình an ninh rất tốt mà
lễ tôn giáo thì chánh quyền chẳng ai đến làm động làm rầy. Những
người trong hàng ngũ quân nhân cảnh sát được về nghỉ phép, họ đến
dự lễ còn giúp cho lễ tưng bừng thêm tưng bừng, lộng lẫy thêm lộng
lẫy, họ mang từ tiền tuyến về những trái Si Nhô (trái sáng tay) dộng
xuống đất hay đầu gối kêu cái xẹt là thót lên cao tủa ra ánh sáng có
dù che, bốn chữ Phật Giáo Hòa Hảo rành rạnh trên không, trông rất
đẹp và kỳ diệu biết bao!
Trở lại vấn đề, trong hai hướng
sinh hoạt những ngày đại lễ của ban tổ chức, tôi chọn đi theo đoàn
Hoa Đăng xa, dâng cộ đèn phóng thanh Sám Giảng. Trên chiếc Hoa Đăng Xa
của tôi đi có triển lãm hình sự tích Bồ Tát Tất Đạt Đa lâm phàm tay
chỉ thiên tay chỉ địa mà rằng “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.
Ngồi trên xe cộ đèn ngó phớt qua hình tượng, tôi đinh ninh là hình
giả do nghệ nhân khéo tay gói ghém mà linh động giống thiệt. Lúc nầy
khoảng mười giờ đêm bổng trên vuông hình tay chỉ thiên tay chỉ địa bật
lên tiếng nói của một bé gái: Con mắc đái lắm! Tôi giật mình chới
với tưởng như bức tượng gổ nói được tiếng người. Ba mẹ của bé gái
đều có đi trên xe dâng cộ đèn kề miệng vào tai bé nói nhỏ với cháu
vì vì tôi không nghe. Nếu tôi nhớ không lầm xe tới kinh cầu mươn Ấp
Sử, mé kinh tương đối vắng vẻ, cha của bé mở dây buột tay chỉ thiên
tay chỉ địa ẳm cháu xuống cho đi tiểu tôi mới nhìn rõ cháu chỉ
chừng bốn hay năm tuổi mà thôi, cháu có gương mặt sáng và hiện nét
hiền, dễ dạy, dễ thương. Tiểu xong, ba mẹ cháu vận động xoa bóp tay
chân cho cháu đũ thông thả rồi đưa lên xe buột dây diễn hành tiếp.
Đứa bé gái năm xưa có sự huấn luyện
của cha mẹ nên đống vai diễn thật tốt, tôi ở trên xe mà còn lầm
tưởng hình giả ai dè là thiệt, hình không day qua ngó lại, đóng vai
Phật lâm phàm tay chỉ thiên tay chỉ địa y hệt. Nếu không diễn thì thôi
bằng diễn thì diễn cho tới để khán giả nhìn hình triển lãm gợi
cảm đúng như Phật Sử mà đánh thức đầu ốc những kẻ làm ma phá đạo
và nhà tu hành thì phải chuẩn mực, nghiêm trang, tịnh tọa thì thẳng
lưng, mắt khép một nửa, bất động trước những thứ cám dỗ, nhứt là
cám dỗ về sắc dục.
Dầu viễn không đúng trong Phật sử,
nhưng được chọn đóng vai Phật là có phước lớn. Tôi xin chân thành cám
ơn ban tổ chức Hoa Đăng Xa có triển lãm hình Phật thành đạo dưới cội
Bồ Đề đã gợi nhớ cho tôi một ít hương vị mùa lễ xa xưa.
29/6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét