BUỔI HỌC THỨ 15
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC TRONG BÁT
CHÁNH:
LUẬN
VỀ CHÁNH NGHIỆP
Kính thưa chư quý đồng đạo! Buổi
học hôm nay chúng ta học về Chánh Nghiệp. Đứng ở lập trường tại gia
cư sĩ mà nói đề học nầy rất đụng chạm đến kinh tế gia đình; nhưng
chúng ta thế gian là cõi khổ, quy y Phật Đạo là muốn chỉ còn một
kiếp nầy thôi sẽ không chịu khổ sanh tử ở một kiếp khác. Vì vậy
học chánh nghiệp để chúng ta một là chọn nghề nghiệp phù hợp cho
sự tu hành, hai là trong nghề nghiệp nhưng mình cũng hạ quyết tâm
tránh tội ác khi nó dính líu hoặc đến bất ngờ. Làm được điều không
tội, chẳng nợ ần ai, lúc mãn kiếp hồng trần đi với câu niệm Phật
về cõi Tây Phương. Mong tất cả cố gắng với đề học hôm nay.
PHẦN 1: HỌC CHÁNH VĂN:
Chánh nghiệp.- Việc làm chánh-đáng ngay thẳng.
Đối với kẻ xuất-gia đầu Phật,
ngoài những lúc tham-thiền nhập-định, những khi trì
tụng kinh hành, những khi đọc kinh viết sách, những lúc công-quả
cho nhà Thiền, chẳng có việc chi có thể tạo thành ác-nghiệp
cả.
Những kẻ tại-gia cư-sĩ, trái
lại, còn cần phải lo kế sinh-nhai, mưu cuộc sống còn; kẻ
buôn tảo bán tần, người việc nầy việc nọ, tóm lại cũng
tại vì xác thân mà ra cả. Tuy nhiên dầu đời sống của họ có bị
sự sinh-nhai chi-phối, song cái chi-phối ấy, khác hẳn với kẻ gian-tà
đạo-tặc, chẳng có làm việc gì xao-trá bất nhân.
Trong cuộc mưu cầu cho lẽ sống , họ cũng nguyện bỏ những nghề-nghiệp
gây tai-hại cho con người: nuôi điếm, bán á-phiện, buôn
rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ, v.v…
Đành rằng những người buôn bán ấy
không có ép buộc bạn hàng, song tại có họ làm các nghề-nghiệp ấy,
con người mới bị hư-hỏng, trụy-lạc, hoang-đàng, trà-đình
tửu-điếm… Họ là đồng lõa mà phạm-nhân là kẻ nghiện-ngập
say-sưa.
Thế nên mục chánh-nghiệp răn-cấm
chúng ta làm các nghề ấy.
Kẻ tại-gia cư-sĩ cũng chẳng sát-hại
vô cớ các sanh-vật, hoặc không đánh đập chém đâm ai có thể gây ra
những điều tội-lỗi.
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG:
Chánh Nghiệp: Hãy theo sự giải thích của Đức
Thầy là hơn cả: Việc làm chánh-đáng ngay thẳng.
Xuất-gia đầu phật: Từ ngữ xuất-gia đã có giải
thích những buổi học trước nay chúng ta không bàn, chỉ bàn qua từ
“đầu Phật”. Đầu Phật tức cúi đầu nhận lời của phật mà tu hành.
Hạng người xuất gia đầu Phật không muốn bận bịu việc thế gian để
tiếp nối sự khổ của vòng luân hồi sanh tử, các vị rời bỏ gia đình
phục mình trước cửa Phật (thiền môn) lãnh lời Phật dạy lo tu suốt
kiếp.
Tham-thiền: Tham: nghiên cứu, suy xét; Thiền: tĩnh
lự, tư duy kêu đủ chữ là thiền na, cũng là một trong sáu chiếc
thuyền qua bờ giác của hạnh tu Bồ Bát. Vào thực hành gọi là thiền
quán hay thiền định. Khi quán xét thì rõ ràng, chiếu soi, khi thiền
định thì lắng đứng các vọng niệm để vào đại định, phát sáng trí
huệ. Tham thiền có hai cách một là ngồi thiền (tọa thiền) hành giả
lựa chỗ vừa ý, trước Phật đài hay những nơi yên tịnh, hoang vắng
ngồi tréo chân lên, hay là hành thiền lòng áp dụng trong tứ oai nghi,
như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói: “Đi cũng thiền, đứng cũng thiền,
nói năng động tịnh thảy an nhiên.”
Nhập-định: Nhập: vào trong, định: chữ Phạn
(Dhyana) tam muội, dịch là trạng thái định tâm, thanh sạch, vắng lặng,
định đi sâu là trạng thái tịnh. Nhập định tức đi vào thiền định thâm
sâu. Xưa các chơn sư mỗi khi nhập định thời gian rất lâu, đói no, nắng
mưa gió rét đầy Trời không làm cho các Ngài bị động, như trường hợp
của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma hoặc Sĩ Đạt Ta với sáu năm khổ hạnh thiền
định dưới cội Bồ Đề.
Công-quả cho nhà Thiền: Công quả: công, việc đem đến ích
lợi cho mọi người, gần gủi nhất là phước thiện, từ thiện, dùng vật
chất như tiền gạo đồ ăn… để giúp đỡ những người bất hạnh thiếu
thốn; chỉ dạy nghề nghiệp chánh đáng, dạy cách tu tâm dưỡng tánh. Tóm
lại, công quả là nói những nhà có hảo tâm làm việc vì người mà
không tính công. Nhà thiền: tức nhà Phật, nhà chùa. Công quả cho nhà
thiền tức công quả trong chùa của hạng tu xuất gia vì ích lợi chúng
sanh mà làm việc, tham thiền nhập định sẽ đi đến công viên quả mãn.
Tạo thành ác-nghiệp: Tạo thành: việc thiện hay ác
không đương nhiên có chính do mình tạo. Người biết đạo thì tạo thiện
không tạo ác, người không biết đạo thì vô tư việc thiện ác mà hành
động chỉ vì mục đích danh lợi tiền quyền; ác nghiệp: làm ác kiếm
tiền, giá như làm thuê, nay việc nầy mai việc khác khi thiện khi ác,
nhưng đã chọn nghề ác ví dụ như nghề sát giết sinh vật đem bán nó
đâu phải một ngày một bửa mà hàng họ luôn luôn. Tạo thành ác
nghiệp: tức lấy ác nhân làm sự nghiệp thì là nghiệp ác cứ mãi mãi.
Tại gia cư sĩ: Người ở tại nhà tu theo đạo
Phật, không phải như hạng xuất gia chuyên lo kinh kệ, sự sống có phật
tử tín thí. Hạng tu tai gia là tự lực cánh sinh, tự mình lo làm ăn
tự mình tu hành. Người tại gia cư sĩ bận rộn như đã nói họ không có
nhiều thời giờ tham thiền nhập định, trì tụng kinh hành hay đọc kinh
viết sách; người tín đồ PGHH vâng lời Đức Thầy họ cố gắng ngày hai
thời công phu nguyện vái Phật độ cho mình, tông tổ và tất cả chúng
sinh, ngoài ra cũng chặc chịa tu theo tứ oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi
đều tu, tu từ nhà ra tới ngoài đồng “Ở ruộng đồng cũng niệm vậy
mà, Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc”.
Kế sanh-nhai: Kế
: sự tính toan, kế hoạch, tìm cách nào cho đạt; sanh: sự sống;
Nhai: nghiền bằng răng. Kế sanh nhai tức tìm cách nào để sinh sống,
sự nghiệp để mưu cuộc sống. Người cư sĩ phải chọn việc làm, nghề
nghiệp phù hợp với người biết đạo, đừng vì ham lợi lộc, tiền bạc
mà không chịu cân nhắc việc tội phước, giàu tiền cũng giàu luôn gian
ác, không phù hợp với người tại gia cư sĩ học Phật tu nhân. Bởi vì
dầu ở tại gia cư sĩ cũng được dạy pháp môn tu “mãn kiếp hồng trần
sanh lạc quốc”. Theo Đức Thầy, dạy tín đồ tu tại gia không với ước
vọng đời sống quá cao, chỉ bằng “miễn cho được ngày hai cơm tẻ, buổi
bần hàn đặng có tu thân”. Do ước vọng không cao, vật chất không mắc
mớ nhiều cho mình đem thân suốt ngày phụ vụ, đừng nói là chọn nghề
ác để làm.
Mưu cuộc sống còn: Mưu là dùng kế, bàn tính cho
tốt; cuộc sống còn tức sự hiện
diện của ta đây; hồi nào còn đời không tu là khác, nay vào đạo tu
thân, muốn nhẹ mình để đi nhanh về Phật thì đổi mới đời sống, việc
ác không làm, điều thiện nên gieo. Đừng đặt lý do nghèo thiếu mà bất
phân thiện ác. Nhân quả là cán công lý, nó vốn không có tình cảm
thì đừng hồng mà biện minh lý do nghèo để được tha tội. Tóm lại,
vì cuộc sống phải làm mới có sống nhưng không vì cuộc sống mà gây
tội lỗi.
Buôn tảo bán tần: Câu nầy thường là áp dụng cho
những ai có đời sống chật vật, thiếu thốn, mua đầu chợ bán cuối
chợ. Tảo, Tần là hai loại rau mọc dưới nước, xưa những gia đình
nghèo khổ đàn bà phải đi hái hai loại nầy về dùng hoặc đem bán
kiếm tiền, do sự tích đó mà ngày nay những gia đình đời sống túng
thiếu đàn bà đi mua gánh bán bưng thường được coi là lo tảo lo tần:
Chạy tảo chạy tần mới được bấy nhiêu đó.
Cũng tại vì xác thân: Diễn ý từ những câu dẫn trên, sở
dĩ con người lo “mưu cuộc sống còn, buôn tảo bán tần” cũng vì có
xác thân nầy. Xác thân là vay mượn của tứ đại nên phải chịu sự chi
phối của sanh lão bệnh tử. Có thể sanh với tử ta không bàn vì một đàng
thuộc về quá khứ một đàng thuộc tương lai, lão và bệnh là hai món
đang đeo đắm; già thì sức hoạt động không còn, đi đứng chậm chạp, có
bửa ăn không ngon ngủ không yên thì phải lo làm sao chon ăn ngon ngủ yên
không thì nhiều ngày sẽ sanh ra bệnh. Nhà đang túng thiếu mà gặp
bệnh, bệnh ngoài da một vài bửa hết còn đỡ, gặp thứ bệnh vô sâu
trong ngũ tạng, trục ra được thì cũng lắm tiền, đành phải chạy tảo
chạy tần bài mưu tính kế để có tiền cung ứng cho xác thân đương lúc
nó bệnh. ÔI Khổ! Vì thế Đức Phật Đức Thầy dạy người tu phải chọn
nghề nghiệp ngay thẳng chánh đáng, có túng thiếu cũng giải quyết
đói no trong một kiếp nầy thôi mà tu tâm dưỡng tánh. Hết kiếp, nghiệp
ác không có thì không sanh trở lại để chịu quả báo, nhờ tu tâm dưỡng
tánh mà gột rửa tâm phàm thành tâm Phật, tánh phàm thành tánh Phật
thì chừng đó, nói theo Đức Thầy “Tử thần kia đâu dám dắt hồn, thoát
luân chuyển khỏi đeo khổ tử” Ô hây !
Chi-phối: Chi: chia ra, chi tiền; Phối: kết
hợp, phối hợp. Chi phối là từ cái nguyên vẹn bị ảnh hưởng hoàn
cảnh bên ngoài làm xao động. Ví dụ một người từng được coi là “ăn
cần ở kiệm đặng mà lo tu” không se sua vật chất mà một lần gần gủi
với người đua đòi vật chất giải thích vật chất là cái phương tiện
để mình sống như may mặc đồ đắc tiền thì đồ chậm hư rách, ít tốn
công may vá, mua xe thứ thiệt xài bền, nhà to cao mát mẻ… nghe cũng
có lý. Từ đó tính “ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu” đã bị vật lời lẽ
của người kia làm chi phối, nếu không sớm phát hiện chận dừng kịp sự chi phối càng lúc lớn mạnh dẫn đến
bỏ đạo thôi tu hoặc tu danh tu lợi tới chết chẳng được gì, uổng thay
một kiếp.
Gian tà: Gian: giả dối, gian xảo, gian trá;
Tà: công vạy, không chánh đáng ngay thẳng. Gian tà có thể một danh từ
để chỉ cái xấu nhứt trên đời. Cho nên người học đạo tính xấu nhứt
nầy phải từ bỏ, nếu không tu hành cũng chẳng đến đâu. Đức Thầy có
câu:
“Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu”
Hoặc “ Gian tà hồn xác cũng tiêu”.
Đạo tặc: Trộm cắp, lấy của người làm của
mình. Ở đây Đức Thầy dạy người tại gia cư sĩ dù có bị kế sanh nhai
chi phối nhưng sự chi phối ấy khác với kẻ gian tà đạo tặc. Khác với
kẻ gian tà đạo tặc tức không thể là kẻ gian tà đạo tặc, đừng hồng
lợi dụng lúc nghèo thiếu mà hành động sai trái. Đức Thầy đưa kiểu
mẩu của người cư sĩ tại gia để thực hành chánh nghiệp, trong hoàn
cảnh kinh tế khó khăn cũng nên vượt khó sử sự “khác với kẻ gian tà
đạo tặc” .
Xảo-trá: Xảo: tánh không thật, nói hay hứa
không đúng; trá: giả dối, phỉnh gạt: Xảo trá: khéo gian xảo để lấy
lòng, làm cho người khác tin, trước mắt là nhờ cậy, sau chờ cơ hội
để chiếm dụng.
Bất nhân: Danh từ nầy nên hiểu từ gần đến
xa; bất nhân có thể hiểu là không có lòng thương người và bất nhân
cũng có nghĩa cách ăn ở không còn là con người nữa. Sống trên đời
đối với kẻ bất nhân quá đổi người ta nói: Ông ấy hành động không
còn có tính người nữa.
Nguyện bỏ những nghề nghiệp gây tai
hại: Tôi thấy cần
nên bàn qua động từ “bỏ”. Bỏ có nghĩa là không lấy, không dùng; nhưng
đi chung với nó: “từ bỏ”, hay “nguyện bỏ” mỗi sự đi chung có ý nghĩa
khác. Từ bỏ mang ý nghĩa thức tỉnh ví dụ như hai món độc “Tửu
nhiễm vào thân thể bất an, sắc mến nó ngày kia lao khổ” hiểu được
là tự mình từ bỏ ngay. Nguyện bỏ phát thêm sức sức mạnh tinh thần,
vì câu nguyện từ tận đáy lòng nó không phải là lời nói suôn hay nói
chơi cho vui. Nguyện bỏ, đứng trước những điều khó bỏ nhờ vào sức
nguyện vái của mình hằng ngày mà lòng thêm mạnh mẽ, ở vai vế làm
chủ tình hình, do sự chặc dạ mà tà nghiệp có thể trở về với
chánh nghiệp nhưng chánh nghiệp thì không theo ai, nó giữ nguyên. Nghề
nghiệp tai hại cho con người có biết bao nhiêu là thứ, Đức Thầy kể
điển hình một vài điều sau đây:
Nuôi điếm: tức nuôi dưỡng dân đàng điếm, đĩ
thõa, câu nhữ khách làng chơi để kiếm tiền, sòng bạc thì ứng tiền,
chứa chấp kẻ gian… Làm những điều bại hoại nền luân lý nước nhà.
Bán á-phiện: Thứ hại người cực mạnh về thể
xác và tinh thần, đời nay gọi là Ma Túy, người bị dính vào thứ
ghiền nầy thể xác dần dần tìu tụy, thần trí ngày ngày suy kém.
Đến cơn ghiền mà thiếu tiền phải tạo tiền bằng mọi giá để có húc
chít, trộm đồ… Tác hại mạnh như vậy nên Đức Thầy đặt ra “Điều Kiện
Vào Đạo” không thu nhận tín đồ ghiền á phiện, muốn quy y vào đạo
phải nguyện bỏ trước đâu đó xong rồi mới được cho phép quy y.
Buôn rượu: Bán rượu cho mọi người uống. Tác
hại của sự uống rượu rất lớn, vì thế người trong đạo PGHH chẳng
những không được uống rượu mà còn cấm cả sự bán rượu cho người
khác uống. Nhà có một người chồng uống rượu say sưa quậy chịu không
nỗi huống chi bán rượu mỗi ngày có tới hằng trăm ông chồng quậy ở
nhà người khác. Nên người tín đồ PGHH khi đã quy y vào đạo, nếu có
bán tạp hóa nên cữ bán rượu tuyệt đối.
Đầu cơ: Dự trữ vật chất hàng hóa; nhà
kinh doanh trù tính những mặt hàng có lời nhiều mà hiện tại giá
rẻ, ví dụ như lúa gạo, họ mua giành mua giựt tích trữ thừa cơ hội thao túng thị trường bán ra giá
rất đắc để thu lợi nhiều.
Cho vay cắt cổ: Cho vay lấy lời quá nặng. Có
người ở vào hoàn cảnh không dư, làm vừa đủ sống, gia đình lại gặp
người thân bệnh, vì muốn lo chạy chữa cho người thân mình hết bệnh
phải đi vay hỏi. Trong lúc bệnh cần tiền nhanh đặng giải quyết, vay
cao mấy cũng phải vay. Chừng người thân hết bệnh lo mầng mà trả nợ
vay cao nầy, làm đến khờ người mới trả nổi. Biết vậy, nên người tín
đồ PGHH Đức Thây khuyên đừng cho vay cắt cổ và có thể thực hành trong
ba điều khuyên: 1 Có hỏi nới tay để giúp đời, 2 của dư cho mượn mới
là, 3 hảo tâm bố thí ngọc tòa được lên.
Hư hỏng: Lấy nghĩa của chiếc máy bị hư
hỏng, lúc đó không xài được. Người bị hư hỏng cũng thế, không xài
được; chồng hư hỏng vợ không xài được ngược lại cũng thế, con hư
hỏng cha mẹ xài không được, trò hư hỏng Thầy xài không được… Đức
Thầy đưa ra những hư hỏng để làm điển hình như sau:
Trụy-lạc: Từ một con người tốt, danh vọng,
lại sa ngã xuống chỗ thấp hèn, từ một con người có học đàng hoàn
mà hành động như ngươi vô học. Tu là niệm thiện hành thiện, bao nhiêu
năm thường hành mà phút chóc sa đọa vào những vui chơi trần tục mất
trắng sự tu hành.
Hoang-đàng: Hoang: là không có chủ, con hoang
là con không có cha mẹ, nhà hoang là nhà không ai ở, ruộng hoang là
không có người gieo trồng; đàng: đường đi. Hoang đàng ý nói người rong
chơi suốt, bỏ phế việc gia đình, xã hội mặc ai, vùi đầu vào những
sự vui say không lý tưởng.
Trà-đình tửu-điếm: Trà đình: chỗ khách làng chơi,
thưởng thức trà có nữ hầu; tửu điếm: uống rượu trong quán điếm, có
mỹ nữ chuốc rượu. Trà đình tửu điếm là nơi ăn chơi sa đọa, dành cho
những tay hào phóng dư tiền.
Đồng-lõa: Đồng chịu trách nhiệm tội lỗi,
ví dụ như người ăn trộm với kẻ tiêu thụ đồ gian, kẻ lấy trộm với
người tiêu thụ có quan hệ mắc xích trong nghề kiếm tiền, nếu người
lấy trộm mà không có mối tiêu thụ thì chưa chắc đã dám. Khi bị sa
vào lưới pháp luật kẻ lấy trộm là chính, tiêu thụ đồ gian là tội
đồng lõa.
Nghiện-ngập say-sưa: Ngiện ngập say sưa là ghiền nặng,
ví dụ như nghiện ma túy, nghiện cờ bạc, nghiện uống rượu ... Nghiện
ma túy tới cữ không có là không chịu nổi. Tôi thấy một anh nghiện
tới cữ mà không có thuốc để húc chít, sanh bức rức trong mình, khó
tính, quạu quọ thế mà đưa vô một mũi thuốc phiện là giải quyết sự
bức rức, khó tính… ngay tại chỗ và tôi cũng đã chứng kiến một
người nghiện rượu buồn dàu dàu nước miếng nước mồm tuôn lợp đợp,
chỉ cần cho anh ta một ly rượu trắng không cần mồi màng, có thể tay
anh run run không cầm được ly rượu, phải nhờ người tỉnh đút rượu trong
miệng anh, nóc một ly khí thế sẽ trở lại.
Răn cấm: Từ những vụ nuôi điếm, bán á
phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ dẫn đến các sự trụy lạc,
hoang đàng, trà đình tửu điếm… người tín đồ nhà Phật, PGHH, cấm
không được phạm vào.
Sát-hại vô cớ các sanh-vật: Theo luật nhân quả hễ sát sanh là
có tội không đợi có cớ hay không cớ, nhưng Đức Thầy dạy đạo Phật cho
hàng cư sĩ, do trình độ giác ngộ thấp kém giữ giới không cao Đức
Thầy đã cho ăn “chay bốn bửa ấy là qui tắc”. Do vậy giết sanh vật
ngoài bửa ăn đều là sát sanh vô cớ.
KẾT LUẬN:
Chánh nghiệp là một trong Bát
Chánh Đạo mà xưa kia Đức Phật Thích Ca đã thuyết cho các tăng đồ nhà
Phật hiểu để trong việc lập thân hành đạo họ đi đúng đường. Đức
Thầy viết luận về chánh nghiệp của Đức Phật để áp dụng cho hàng
tại gia cư sĩ học Phật tu nhân không được hành nghề gian tà đạo tặc,
xảo trá bất nhân; những nghề vì mình mà hại người. Nếu lở đã làm
thì từ rày nguyện bỏ những nghề nghiệp gây hại con người ví dụ
điển hình như : Nuôi điếm bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt
cổ. Thực hành đúng những lời dạy bảo trên, không có tội chướng cản
ngăn trong khi mãn kiếp hồng trần sẽ đi tự do “sanh Lạc Quốc”.
PHẦN 3: ĐẶT NGHI VẤN:
- Hãy giải thích theo chánh văn của Đức Thầy: chánh nghiệp
là gì ?
- Theo phép luận của Đức Thầy, hạng tu xuất gia “chẳng có
việc chi có thể tạo thành ác nghiệp cả” chúng ta đọc đoạn nào để
chứng minh điều ấy?
- Người cư sĩ tại gia đã chịu chật chội trong sinh hoạt
đạo sự, tại sao Đức Thầy đặt biệt quan tâm họ về thực hành chánh
nghiệp?
- Làm ra để ăn mà sống Đức Thầy kêu tránh những nghề
nghiệp gì?
- Trước không tu, hành nghề không chánh đáng giờ hiểu đạo
ta phải làm sao?
- Hãy giải thích về tội đồng lõa?
Kính chưa chư quý đồng đạo hiện
diện! Buổi học thứ 15 đến đây hết giờ, mãn việc. Kính chúc quý vị
thân tâm an lạc.
11/6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét