Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018


HƯỚNG DẪN QUY Y

Sáng sớm ngày 14 tháng 7 năm Mậu Tuất chúng tôi chở  ba bộ ngôi thờ đi từ tỉnh An Giang đến xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang với tư cách những người bổn đạo cũ hướng dẫn quy y cho ba gia đình phát tâm tín ngưỡng Phật Giáo Hòa Hảo. Vì từ xa đến, lịch trình đi và về trong ngày, làm việc gấp gáp nhưng thời gian không đủ đáp ứng trang hoàn ba ngôi thờ, chỉ lo hai ngôi thờ trong nhà cho bà con, còn ngôi Thông Thiên trước sân đành tạm mượn chiếc bàn thế vào để tiến hành lễ quy y.
Để đi vào chương mục phát lễ quy y, chúng tôi trình bày với chủ gia rằng, theo nghi thức thờ cúng của người tín đồ PGHH được quy định rõ ràng trong quyển “Tôn Chỉ Hành Đạo” là mỗi nhà chỉ có ba ngôi: Thờ Cửu Huyền Thất Tổ, Thờ Tam Bảo Phật Pháp Tăng, trước sân thờ ngôi Thông Thiên. Thói quen của người dân Tây Nam Bộ, chưa quy y theo tôn gáo nào nhưng trong nhà có nhiều khánh thờ: Ông Độ Mạng, Thần Tài, Chúa Tiên Chúa Ngọc, Khánh Anh La Sát, Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẹ Sanh… giờ nếu quy y PGHH đúng với tín ngưỡng giáo điều xin quý vị cho phép chúng tôi dẹp bỏ các khánh thờ nói trên, còn hương linh các vị trong các khánh thờ thì tùy duyên mà vào ngôi Cửu Huyền Thất Tổ hay ngôi Tam Bảo.
Lời hướng dẫn của chúng tôi được chủ gia đồng ý, chúng tôi vào ngay phần nội dung. Dựa theo bài “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” rất cần thiết cho sự tín ngưỡng chơn chánh được trích đọc làm khởi đầu việc quy y:
“Đừng thấy ai theo mối đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào. Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thể nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô đạo nhắm đó mà bài bác nhạo chê hủy báng và cũng rất uổng cho cái công trình thành kính lễ bái của ta vậy.
Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông Thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng; chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông thầy rất thông minh cũng chẳng có ích cho mình cả.”

Căn cứ đoạn trích dẫn trên chúng tôi thấy cần làm cho người phát nguyện quy y thông thoán về chánh tín và mê tín nên đọc lại cho ăn sâu ý thức: “Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật mà chưa hiểu ông Phật thế nào” và “Tại sao ta phải thờ Kính Đức Phật… cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông Thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng; chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy”. Do đó, nay quý vị quy y theo đạo PGHH của Đức Thầy cần nên hiểu về đạo và Đức Thầy, Ngài là ai? Từ đâu đến? Đến để làm gì?
Thế danh của Đức Thầy là Huỳnh Phú Sổ, nguyên quán làng Hòa Hảo, cha: Đức Ông Huỳnh Công Bộ, Mẹ: Đức Bà Lê Thị Nhậm. Ngài là cổ Phật lâm phàm như trong Sám Giảng Giáo Lý đã ghi:
“Cảnh thiên trước thơm tho nồng nặc
Chẳng ở yên còn xuống hồng trần.
ấy vì thương trăm họ vạn dân
nên chẳng kể tấm thân lao khổ”.
- Thiên Trước tòa sen có chỗ ngồi
Xuống trần chẳng dụng chốn cao ngôi.
- Đức Di Đà truyền mở đạo lành
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Giáo độ chúng sanh, không chỉ dùng cách xưng hô trên trước xuống hồng trần là đủ để người ta tin, Ngài còn thể hiện khả năng của bậc đắc đạo thần thông, biết rõ quá khứ vị lai nên đã tiên tri. Đức Thầy viết Sám Giảng Quyển Nhứt, lúc đó các siêu cường chưa manh động chiến tranh hoàn cầu, Ngài báo trước năm khởi đầu và kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai qua những câu như sau:
“Mèo kêu bá tánh lao xao
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉnh ghê.
Con ngựa lại đá con dê
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ kia cũng bị xáo xào
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng.”
Kết quả đúng vanh vách, đệ nhị thế chiến khới đầu từ năm con Mèo “Mèo kêu” và kết thúc bởi 1945 năm tuổi con gà “Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng”.
Thêm một chuyện nữa, Đức Thầy khai sáng đạo PGHH chưa đầy một năm, 18-5- Kỷ Mão – 1-4 Canh Thìn Đức Thầy hạ bút bài “Từ Giả Bổn Đạo Khắp Nơi”. Nội dung chính cho sự từ giả bằng những lời lẽ dặn dò quyết tâm của các bổn đạo khi Đức Thầy vắng mặt, ta có thể để nằm lòng những câu sau đây:
“Từ nay cách biệt xa ngàn
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đờn nỡ đứt dây
Chưa vui buổi hiệp bổng Thầy lại xa.”
Mười một ngày sau khi viết bài từ giả bổn đạo, 12 tháng 4 Canh Thìn ông chủ quân Tân Châu cùng quan cò BaZin đến nhà Đức Ông bắt Đức Thầy đi lưu cư “Năm năm trường xa cách”.
Như quý vị thấy đó, Đức Thầy biết trước mọi chuyện, cả đến chuyện Ngài vắng mặt bởi biến cô Đốc Vàng; qua 107 điểm khuyến nông thuyết pháp Ngài đều có thông báo trên giảng đài : Sau nầy có thời gian tôi xa cách tín đồ, trong thời gian xa cách không ai biết tôi ở đâu cả, chừng về tôi sẽ nguyên xác cũ. Hôm nay, quý vị quy y, chúng tôi hướng dẫn bằng trích đọc bài “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” để quý vị nhận thức về sự dặn dò của Đức Thầy “Trước khi thờ, học đạo nào hay theo ông thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng; chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy”. Thế đã đủ niềm tin chính xác về đạo PGHH và Đức Thầy, giờ đây, chúng tôi trích đọc bài “Điều Kiện Vào Đạo” để quý vị hiểu rằng điều kiện của Đức Thầy đề ra không cầu kỳ, phiền phức và chúng tôi chắc chắn quý vị có đủ điều kiện quy y Phật Giáo Hòa Hảo.
Kính thưa quý vị! theo bài “Điều Kiện Vào Đạo” tôi vừa trích đọc, người quy y cần có hai người bổn đạo cũ hướng dẫn, may mắn cho quý vị là hôm nay, lễ quy y PGHH của quý vị, chúng tôi có tới gần chục người bổn đạo cũ hướng dẫn, chúc mừng quý vị!
(Xin ghi nhận công lao của đội cất cầu từ thiện, là tín đồ PGHH đến từ tỉnh An Giang, làm việc thí công, treo cao hạnh cách cho bà con vùng đây hâm mộ, phát nguyện quy y.)
29/8/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét