Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018


LUẬN QUA BÀI
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ TUYÊN BỐ

Đọc bài “ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ TUYÊN BỐ” được đăng lên báo Quần Chúng ngày 14 tháng 11 năm 1946 trong thời Pháp thuộc, nói lên nguyên nhân nào Đức Thầy tham chánh. Nay đứng trước tình hình nước nhà đang bị đe dọa bởi Tàu cộng, quốc gia láng diềng nầy ỷ mạnh hiếp yếu, có ý đồ xâm lăng, chúng không còn chút lương tâm lương thiện để nói chuyện phải quấy dầu ta có cố nói phải quấy cho họ nghe cũng không thể đảo não họ được. Trung cộng chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nói phải quấy với họ rất nhiều lần mà kết cuộc cũng chứng nào tật nấy. Họ còn ve vản muốn chiếm thêm ba vùng trọng điểm của Việt Nam làm ba đặc khu kinh tế: Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh miền bắc, Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa miền Trung và đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang miền Nam. Kẻ gian đã dòm ngó đồ đạc trong nhà mình là muốn chờ cơ hội đánh cướp. Họ tạo và chờ cơ hội, nhân dân ta phải làm thế nào đừng cho chúng có cơ hội thực hiện điều gian trá dầu ai đó không màng danh lợi, đem thân phụng sự cho đạo pháp. Dưới đây xin trích đăng lời tuyên bố của Đức Thầy nói lên tâm trạng của người tu trước hiện tình đất nước bị ngoại xâm thì làm gì?

“Tôi, một đệ tử trung thành của đạo Phật, một chiến sĩ trì chí của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, sẵn sàng cùng đoàn thể mình cương quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non sông. Cương quyết tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chung cho nòi giống”.

Người tu Phật ai cũng biết mình mang nặng bốn ân: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào nhơn loại, nhưng điều quan trọng của bậc thuần tu, dầu mang nặng bốn ân nhưng Ân Tam Bảo thực hành chu đáo nhất. Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo PGHH chỉ qua thời gian 5 năm, tuyên bố đã thu phục được hơn triệu tín đồ. Điểm lại 5 năm ấy, sự tự do truyền giáo tại làng Hòa Hảo chưa tròn một năm, 18 tháng 5 Kỹ Mão 1939 – đến ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn 1940 thì Đức Thầy đã bị quan cò Pháp BaZin đến bắt đi suốt 5 năm và đày Ngài sống lưu cư, quản chế gắt gao các cuộc gặp gở mang tính truyền giáo đối với Ngài. Sau khi Nhựt đảo chánh Pháp thì những kẻ Việt gian làm tay sai cho Pháp bị nhân dân trả thù. Không muốn đồng bào với nhau có cuộc tàn sát cho ngoại bang thấy đó khinh bỉ, nhứt là đối với người quy y PGHH, Đức Thầy viết Sám Giảng quyển thứ sáu với tựa đề NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN và lời nói đầu cho quyển sáu Ngài viết:

“Năm năm trường xa cách, cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gủi các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi.”Lý do trên hết để viết NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN là “ Nhưng gần đây có vài kẻ hiểu lầm, hành động một vài điều không hợp với tinh thần đạo đức, trái chủ nghĩa từ bi bác ái và sự cao thượng của giáo pháp nhà Phật. Thế nên điều ấy làm cho quyển sách nhỏ nầy ra đời.”

Công cuộc chấn hưng Phật Giáo dù bị sự kìm hảm của quân xâm lược, những người mộ đạo dù không gặp mặt Ngài nhưng vẫn hướng về Ngài mà làm lễ quy y tại nhà. Hanh thông như thế, sao Đức Thầy nỡ “Rứt áo cà sa khoác chiến bào”??? Cũng trong bài ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ TUYÊN BỐ có đoạn rất đặc sắc như đã cho phép tín đồ công khai làm những điều lợi ích nước non:

“Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo :  tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị.”

Truyền bá Phật Giáo ở thiền lâm là cứu độ chúng sanh cải tà quy chánh, cải ác hành thiện, niệm Phật để đánh thức Phật trong tâm hay niệm Phật cầu vẵng sanh Tịnh Độ. Truyền bá trên trường chánh trị là nêu cao chính nghĩa, trừ gian diệt bạo để cứu an bá tánh, dập tắt ngọn lửa chiến tranh nhất là chiến tranh xâm lược thì non nước thái bình, nhà nhà yên ổn. Chiến tranh của quân xâm lược tới đâu đều làm cho đất bằng sóng dậy, trận địa diễn ra sự chết chóc kinh hoàng, hảm hiếp dân lành, lê thứ không yên chăm sóc ruộng vườn, mở mang công nghiệp nghệ. Trước cảnh dầu sôi lửa bổng quân chinh phạt mang đến, Đức Thầy tạm ngưng vai trò tăng sĩ để làm chiến sĩ cứu nước cứu đồng bào. Nhựt đảo chánh Pháp, đoàn quân xâm lược nầy cút khỏi nước ta nhưng Đức Thầy biết trước là chúng sẽ trở lại Việt Nam nên trong bài kêu gọi toàn dân tham gia “Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội” có đoạn như sau:

“… Vậy thì mỗi người công dân Việt Nam đều phải nghĩ đến xứ sở mình, đến tương lai đất nước mình, đến sự sống còn của dân tộc mình; vì mặc dầu đã bị triệt hạ trên dãy đất Đông Dương, Đế quốc pháp bên kia trời cũng vẫn còn hoài bảo cái mộng tưởng khôi phục lại quyền chủ trị; vậy thì đồng bào hãy cố gắng lên !”

Thật vậy, Nhựt đảo chánh pháp cầm quyền cai trị chưa đầy một năm, xứ Phù Tang bị lực lượng đồng minh cho ăn hai quả bom nguyên tử hạng nặng, sức công phá ghê gớm. Không biết còn bao nhiêu quả bom như vậy xán xuống nước Nhựt, phòng trước hay hơn, họ đành phải giơ tay đầu hàng vô điều kiện, thì năm 1946 Pháp tái chiếm Việt Nam, dẫn đến năm 1954 qua hiệp định Geneve Pháp phải trả nước Việt lại cho người Việt trước khi thu quân về cố quốc, nhưng hiệp định trả nước Việt Nam bằng chia đôi lãnh thổ.

Tôi dùng từ: Tạm ngưng tăng sĩ để đi làm chiến sĩ nghe thì có hơi chỏi tai ? Vì dựa vào những câu như “Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa, rứt áo cà sa khoác chiến bào”... Nếu như hai câu trích dẫn trên Đức Thầy nói với tính khuyến khích, vận động những người yêu tổ quốc nấu nung bầu nhiệt huyết ra chiến trường đánh đuổi quân xâm lăng còn Ngài thì không, ngồi trên cao chỉ huy năm ngón hay vẫn đi làm phận sự của tăng sĩ là tôi nói sai. Nhưng thật sự Ngài đã vấn thân vào chiến khu đồng cam cộng khổ với các chiến sĩ yêu nước trên chiến khu miền đông. Ta đọc quyển Sám Giảng và Thi Văn Giáo Lý PGHH do Ngài sáng tác sẽ thấy rằng bài “Đi khuyến nông về” Ngài viết tại Sài Gòn tháng 6 năm Ất Dậu 1945, kế đó là bài “Tự thán” (bài sau) tại miền đông cuối năm 1945, từ đây dẫn tới Ngài đều viết ở chiến khu miền đông. Những bài như “Tiếng Súng Bên Lầu, Tặng Chiến Sĩ Trận Vong ở Vườn Thơm, Tặng Chiến Sĩ Bình Xuyên, Tết Ở Chiến Khu, Kỹ Niệm Rừng Chà Là… từ cuối năm 1945 cho đến năm 1947, trừ bài viết gởi cho hai ông: Trần văn Soái và Nguyễn Giác Ngộ về lệnh án binh bất động không đề viết tại đâu, còn tất cả đều viết ở chiến khu miền đông. Ông Hồn Quyên ký giả báo Nam Kỳ cũng từ Sài Gòn vào chiến khu miền đông phỏng vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ.

“Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa, rứt áo cà sa khoác chiến bào” Đức Thầy đã nói qua hành động để đánh giá cao về quốc gia dân tộc. Người có tôn giáo, ta chỉ muốn bảo vệ tôn giáo của ta thôi, quốc gia đại sự là chuyện của ai không cần biết. Xin hãy hâm nóng lời dạy của Đức Thầy “Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh vào mình ta mới ấm.”và câu “ Hễ nước mất thì cơ sở của đạo phải bị lấp vùi; nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ”. Bởi tầm quan trọng ấy đối với bậc tu hành, muốn truyền bá chánh pháp cho người người hướng thiện cũng phải nghĩ đến chuyện “Nước mất thì cơ sở của đạo phải bị lấp vùi”. Đến như Ngài Khuông-Việt dầu nặng nợ sồng nâu nhưng đối với quốc gia cũng cho là đại sự. Đức Thầy tô lại tấm gương đó như sau: “Trên lịch sử Việt Nam thời xưa nhà Đại Đức “Khuông-Việt” dầu khoác áo cà sa, rời miền tục lụy, thế mà khi quốc gia hữu sự cũng ra tay gánh vác non sông”.

03/9/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét