PHỤ MẨU THÂM ÂN
Đối với cha mẹ, đừng nói là người có
tôn giáo hay không tôn giáo nào mà kẻ có trách nhiệm còn người thì không một
chút lương tâm với đấng sanh thành. Được lên kiếp người ai cũng do cha mẹ sanh
ra nên đều có bổn phận đáp ơn dưỡng dục đâu đợi phải là người đạo đức tu hành
mới làm hiếu sự.
Hằng năm vào ngày rằm tháng bảy lễ hội
Vu Lan của Đạo Phật, Việt Nam ta dù người không có tín ngưỡng tôn giáo đạo Phật
cũng hưởng ứng lễ hội báo hiếu dựa theo sự tích của đại Đức Mục Kiền Liên cứu
mẹ thoát khỏi ngục A Tỳ và câu chuyện lúc Đức Phật Thích Ca còn tại thế thuyết
Phụ Mẩu Báo Hiếu Ân Trọng Kinh, nói lên công ơn của cha mẹ không lấy gì sánh
bằng: Ví như có người vai trái cõng cha vai phải cõng mẹ, ăn uống, tiêu tiểu
trên vai mình mà đi quanh núi Tu Di cũng chưa đáp nổi thâm ân. Bởi thế Ca Dao
Việt Nam
cũng gượng gạo diễn tả tình nồng thắm khi nói về cha mẹ:
“Công cha như núi Tháo-Sơn
Nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Nhân lễ Vu Lan báo hiếu năm nay 2018,
tôi xin gởi lời chào mừng, khen tặng những phụ mẫu tại đường tăng long phước
thọ trong nhà có con thảo, cháu hiền, chăm lo đấng sanh thành chu đáo; cũng xin
chia xẻ nỗi đau bất hạnh của của những ông bà già yếu vì không may mắn được Trời
ban hiếu tử, lại là đứa hoang chơi, vô trách nhiệm với đấng sanh thành. Lụm cụm
lắm rồi mà vẫn còn lê gót phong sương tha phương cầu thực, quạnh hiu bên chiếc
chòi tranh rách nát hay lăn lóc trên vỉa hè cầu xin sự tốt bụng của các thí
chủ.
Phật nói có được thân người là quí
“nhân thân nan đắc”, sự quí giá ấy mỗi ai cũng do cha mẹ sanh ra, dù sự ra đời
của mình ở một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nào đó khiến cha mẹ không thể chăm
sóc con đến lúc trưởng thành thì bổn phận làm con cũng không có quyền phê phán,
chỉ trích, phụ bạc công ơn mang nặng đẻ đau. Cha mẹ sở dỉ không thể chăm sóc
con khôn lớn vì ông bà đều ở vào một hoàn cảnh và hoàn cảnh cay nghiệt ấy bắt
buộc phải đầu hàng định mệnh. Thông cảm là mở rộng con đường phía trước cho
chính ta tiến thân để sự sống không bị tủi nhục, cô đơn. Tủi nhục vì ai ai đều
gần gủi với cha mẹ sửi ấm lòng còn mình có cha mẹ đáng lẽ cũng được sửi ấm tình
thương nhưng quá nặng sỉ diện, câu nệ hình thức, có cha mẹ đàng hoàn nhưng
không nhận, không thân thương bởi vì cha mẹ đã nghèo hèn còn thêm thấp thỏi
danh dự, để khi người ta chừng “lá rụng về cội” mà con người mình cũng có cội
lại phụ bạc cội nguồn, rụng về đâu? Cho ai? Cô đơn vì, cho dù mình rất thành
đạt về kinh tế “ham công danh quên chữ sanh thành, mến phú quí quên câu dưỡng
dục” (lời Đức Thầy). Người thành đạt kinh tế, nghĩ rằng “có tiền mua Tiên cũng
được”, Tiên là bậc ở cõi Trời mà nhân gian có tiền mua là được sao! Giá như, có
tiền mua nhiều thứ tình thương nhưng không có tình thương nào cao thâm và vĩ
đại như tình cha mẹ. Được các thứ tình thương trong xã hội muôn màu muôn vẻ
nhưng thiếu tình cha sanh mẹ dưỡng không phải cuộc sống tất bật mà quá cô đơn
sao?
Đối với Phụ Mẫu Thâm Ân Đức Thầy Phật
Giáo Hòa Hảo dạy môn đồ có ba cách đền trả:
Cách thứ nhứt:
“Mẹ cha là kẻ trọng ân
Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già.
Ở cho biết nhượng biết tùy
Vui lòng cha mẹ vậy thì mới ngoan.”
Cách nhứ nhì: Cha mẹ qua đời không phải
là hết công thôi việc, hằng ngày theo bửa ăn của mình hoặc trong những khi giỗ
quảy đều cúng vái ông bà cha mẹ về dùng. Đức Thầy dạy “Mỗi khi ăn cơm với mắm
muối vì cũng vậy đều nguyện vái Cửu-Huyền, Thất-Tổ, ông bà cha mẹ quá-vãng về
ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo.” Sám Giảng Quyển Ba Đức Thầy có câu:
“Giường linh đơm quảy mới là
Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi”.
Cách thứ ba: “Rán tu cầu cho cha mẹ
được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được
siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân”(lời Đức Thầy).
Rằm tháng bảy ngày lễ hội Vu Lan báo
hiếu 2018, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và chúc phúc những ông bà cha mẹ
trong nhà có con thảo cháu hiền, những ông bà cha mẹ chẳng những không được con
cháu quan tâm mà còn bị chúng ngược đãi, tôi mong ước một ngày không xa những
nghịch sẽ trở thành hiếu tử.
25/8/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét