Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018


MỘT CUỘC GẶP HAY

Có một anh nói với tôi về con trai của anh ấy tu Thiền chứ không tu Tịnh và anh không đồng ý con anh tu Thiền. Tôi hỏi:
- Anh có thể giải thích cụ thể hơn cháu nó hành đạo như thế nào được không ạ?
- Dạ được _ anh bảo _ nói về chỗ dụng công thì nó thật siêng năng, thường hay tịnh tọa.
- Ngồi tịnh thân như vậy cháu nó có niệm Phật không?
- Câu hỏi của anh, trước đây có đôi lần tôi hỏi nó nhưng lần nào nó cũng bảo là không niệm Phật. Tôi thắc mắc: không niệm Phật vậy con niệm gì khác chứ? Nó bảo là không niệm gì hết, để yên cho tâm định tịnh, và nó đọc lên lời dạy Đức Thầy để thuyết phục tôi về cách tu hành của nó là đúng “Định tâm thần như mặt nước hồ” và “Tâm bình tịnh được thì Phát huệ”. Dầu việc làm được chứng minh qua giáo lý của Đức Thầy nhưng lòng tôi cảm thấy lo lo.
- Anh giải thích rõ hơn về sự lo lắng của anh được chứ?
- Dong dài một chút không phiền chứ?
- Dạ được, nhất định rồi, không phiền.
- Định tịnh tâm là cách tu rốt ráo, bởi vị giáo chủ cõi ta bà nầy Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã tu Thiền Định dưới cây TÁT BÁT LA (bồ đề) đắc đạo thành Phật, chánh đẳng chánh giác, truyền thừa 33 đời tổ đều là yếu chỉ của pháp môn Thiền. Nói về sự nghiệp Phật Giáo thì pháp môn Thiền hay Thiền Tông  là một trong số mười tông phái có ưu thế hơn hết trên phương diện lịch sử. Dòng Tổ 33 đời khởi đầu từ Ngài Ma Ha Ca Diếp, chính vị nầy được Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni trao chánh pháp nhản tàng niết bạn diệu tâm làm tổ thứ nhất. Dòng chảy Thiền Tông đến đời thứ 28 là Ngài Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ cuối cùng của nước Ấn Độ, Ngài Đạt Ma mang Y Bát chân truyền từ Đức Phật sang Trung Quốc, truyền xuống năm đời nữa, đến Ngài Huệ Năng là tổ sư Thiền Tông thứ 33. Thư Tịch Phật Giáo ghi Huệ Năng Lục Tổ là tính từ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Tôi kể rõ như vậy để thấy tu Thiền hay Thiền Tông có sự kết nối giao duyên mật thiết của Đạo Phật từ sự kiện “Niêm Hoa Vi Tiếu” ở Linh Thứu Sơn. Ngày nay, nói đến tu Thiền, Đức Thầy PGHH cũng đã khắc ghi vào tâm não của môn đồ “Ngoài kiếp phù du của trần thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn. nếu lấy sự Thiền-định phá tan màn u-minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi.” Đọc nghe rõ ràng như vậy nhưng tu, tôi chọn pháp môn Tịnh Độ, pháp môn nầy dạy niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà cầu vãng sanh Cực Lạc ngay sau giờ phút lâm chung.
- Vì sao chọn tu khác hơn, không phải là Thiền-Định như anh đã hiểu và lý giải sự hay ho cao quí của pháp nầy?
- Lý do rất đơn giản. Đọc sử liệu từ đầu nguồn, sự thơm tho trong sạch của dòng nước trên đầu nguồn thế nào? Chúng ta ở dưới nguồn quá xa, dòng nước thanh lương qua nhiều móc thời gian không còn nguyên vẹn tính tinh khiết. Nhà tu của thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế hoặc của thời 33 vị Tổ sư so với các nhà tu trong thời hiện tại thế kỷ thứ hăm mốt nầy chênh lệch quá xa về hạnh cách, giới luật và sự buông xả các điều tục lụy. Tu Thiền là trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật, tự tu tự độ. Lấy đây để bàn, trong khi hành giả rất yếu kém về hạnh cách, giới luật và sự buông xả các điều tục lụy trong trần, biết mình sức lực tự độ không đủ thì hãy thôi đi cái sự ham hố “kiến tánh thành Phật” ngoài khả năng hiện có. Hãy chấp nhận cầu Phật độ bằng cách niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà sẽ tốt hơn.
Cái tâm lăng xăng đủ mọi thứ trong đời mà dằn xếp khát vọng cho nó đừng lăng xăng nữa khi tính tự giác không nhạy bén để hay sớm và chặt gọn chúng, hoặc có nhạy nhưng không bén, phát hiện tính lăng xăng mà chặt không đứt, bức không rời. Tự mình không thoát cứ để cho tính lăng xăng nghiền nát chứ không kêu cứu. Sự thật thì cũng không cần kêu Phật cứu, cứ niệm Nam Mô A Di Đà Phật nhiều nhiều đi, niệm nữa, niệm nữa đi thì tính lăng xăng thế sự sẽ biến mất, tâm trở nên Tịnh Định, chung kết cũng là Thiền vậy.

So với thời của Phật và chư đại tổ sư còn tại thế, trần gian lúc đó và trần gian của bây giờ khác nhau xa. Hành giả thối tâm phần lớn là do say mê vật chất, vinh hoa phú quí, mất quyền làm chủ bản thân dễ dẫn đến trụy lạc, sa đọa thấp hèn. Lâm vào tình cảnh như vậy, không chuyên niệm cầu Phật hộ độ, nói để tự mình mở trói những ràng buộc mà chưa thấy có hành động cụ thể nào để tự tin mình có khả năng giải thoát những trói buộc của thế gian. Chưa thấy có hành động cụ thể nào để tự tin mình có khả năng giải thoát những trói buộc của thế gian mà nói tin tin chỉ là tin bướng, nói càn, còn bản thân hành giả vùi sâu vào u mê và tội lỗi không có cơ hội cứu vãng nếu không nhờ Phật lực hộ độ. Đức Thầy trong bài “Thay Lời Tựa” có đoạn như vầy “ Thiên Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi hạ nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội”. Vì say mê vật dục gây nhiều tội lỗi đủ biết không thể tự cứu ra khỏi sự say mê và tội lỗi, hỏi còn mắc cỡ gì mà không niệm Phật, cầu Phật cứu cho???
Điều chúng ta nên biết là mình đang sanh sống trong đời hạ nguơn mạt kiếp, theo chu kỳ của Lý Tam Nguơn thì hạ nguơn là nơi tích tụ những cặn bã. Đời nay, hễ thấy ai gian manh, đàng điếm, dối gạt, làm những điều bất chánh, bất nghĩa bất nhân, dạng những đó người ta hay miệt khinh là đồ cặn bã xã hội. Ta dù không gian manh, đàng điếm, dối gạt, làm những điều bất chánh với ai nhưng cặn bã xã hội cũng níu trì ta lắm lắm, chúng muốn làm ta đen đúa và tội lỗi thì ta nên gần gủi, sát lại Đức Phật hơn nữa, cho đến khi giữa ta và Phật không còn khoảng cách, niệm Phật nhiều hơn nữa, vì công năng niệm Phật sẽ làm ta tỉnh trí, mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách và thách thức của chúng.
- Anh cảm nhận pháp môn niệm Phật có công năng giải cứu người mê tỉnh trí nhưng con trai của anh cháu nó không nghĩ như anh, cháu có con đường của cháu, không cầu tha lực của Đức Phật… nhưng cháu nó vẫn đi con đường anh đi và đến chỗ anh muốn đến thì lý do gì anh có vẻ không hài lòng?
- Tôi làm cha đối với con trong nhà, quan tâm sự tu hành của nó nên xét về hạnh cách, giới luật, độ nhạy bén về đạo đức, sự buông bỏ, đều lệch bệch không bằng ai. Nói tu Thiền để  tự độ mà chẳng thấy nó độ được gì cho bản thân nó, còn quá ham sắc màu trần tục, bảo thủ vật chất, bảo thủ danh lợi, ham ăn sang, ở sang, diện sang; bệnh trầm trọng như vậy đâu thể dựa vào thế ngồi xếp bằng thẳng lưng mà nói là an tâm, định tâm, tỏ ngộ đạo mầu sao? Tâm bệnh quá trầm trọng hãy thiết tha niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, sẽ có được sự nhiệm mầu của Phật, khi tâm ta đã hướng trọn niềm tin về Phật sẽ không còn gì để ta tin hơn, nhớ hơn là tin Phật nhớ Phật, cũng có nghĩa không còn gì ngoài Phật để ta nhớ.
Nói tóm lại, tu Thiền là đi với đại lộ trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật, lúc Đức Phật tại thế dẫn đến thời kỳ chư đại tổ sư, pháp môn khởi nguyên nầy rất ưu việt, nhưng nay đời mạt pháp, căn tính con người không thanh lương như xưa, là lúc khó thể tự độ nên cầu Phật độ. Viết Sám Giảng Quyển Nhứt Khuyên Người Đời Tu Niệm, Đức Thầy đi dạo lục châu, nhắc lại sự kiện:
“Có người tu niệm đáng thương,
Điên mới chỉ đường Tịnh-Độ vãng sanh”.
07/8/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét