Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018


NIỆM PHẬT, SỬA MÌNH
Dựa theo câu “Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn” của Đức Thầy làm đề tài gặp gỡ chư quý vị.
Trong đạo Phật, niệm Phật là một phương pháp, pháp môn tu hành, niệm Nam Mô A Di Đà Phật thường thường thì Đức Phật A Di Đà có thường thường bên hành giả hộ độ che chở, vì Niệm Phật là tiếng kêu cứu thống thiết làm động lòng từ bi của chư Phật. Đức Huỳnh Giáo Chủ có câu:
”Chữ Lục-Tự trì tâm bất viễn
Thì lâm nguy có kẻ cứu mình.”
Bất viễn có nghĩa là không xa. Lục tự trì tâm tức Nam Mô A Di Đà Phật luôn giữ trong tâm, không để vắng niệm, lúc nào cũng có Phật trong đời sống, gặp cảnh chiến tranh bom rơi đạn tạc hay những nạn tai sắp xảy đến, trong lòng có Phật và niệm Nam Mô A Di Đà Phật, có các vị ơn trên gia hộ, ngọn lửa chiến tranh hay tai nạn sẽ vượt qua, không hại người niệm Phật, như Đức Thầy dạy:
“Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt
Thì nạn tai cũng thoát như không.”
Ngoài sự niệm cầu Phật cứu độ bình an nơi chốn hồng trần hay cho vãng sanh về cõi Phật, niệm Phật còn để khơi dậy Phật chính mình đã bị bỏ quên trong vô minh và tội lỗi. Phật của mình là Như Lai tánh trong mỗi người, diệu năng hành sự bốn đức Từ, Bi, Hỷ, Xả. Đức Thầy viết bài Chư Phật Có Bốn Đại Đức như sau:
“Chư Phật có bốn đại đức. Vậy ta niệm danh hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đại đức là:
1.- Đức Từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.
2.- Đức Bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót vô cùng.
3.- Đức Hỉ: Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã.
4.- Đức Xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vương víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bào giờ sanh lòng luyến ái.
Vậy ta niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta có thể đắc được bốn đại đức ấy.”
Phần đông hành giả tu pháp môn niệm Phật, hướng đến nguyện ước được Phật cứu độ, còn niệm Phật để thực hiện bốn đức tính cao cả của Đức Phật trong chính mình thì quên làm, nên niệm Phật mà tâm tính vẫn khó khăn với người khác, gút mắc, bảo thủ, mê nhiễm…. Tôi biết một số bà con lớn tuổi, rảnh việc nhà, muốn trọn lòng về với đạo nhưng ngặt một điều, ở tu tại gia thì niệm Phật không vô, hay sanh nhiều thứ chướng, nghe ở đâu có mở khóa niệm Phật là đòi phải được đến đó tham dự. Dâu con trong nhà thấy cha mẹ đi nơi khác tập sự niệm Phật với người ta là mừng, nhờ thuận duyên hấp thụ niệm Phật được nhiều, hy vọng ông bà chuyển đổi tâm tính, chừng về nhà ăn ở dễ chịu với con cháu, láng diềng. Không ngờ kết quả chẳng ra gì, chỉ là điệp khúc đường xưa lối cũ, cha mẹ đi luôn bốn năm khóa niệm Phật rồi mà chừng về, cái nết khó, gút mắc, bảo thủ… không thấy giựt giảm chút nào, dâu con và bà con trong xóm mất hy vọng sự tu hành của cha mẹ mình.
Đối với dạng niệm cầu Phật độ chứ không nghĩ về tự độ, rất là thiếu xót khi chúng ta đọc qua lời dạy của Đức Thầy:
“Trau tâm luyện tánh cho minh,
Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn”.
Câu “sửa mình cho trơn”, xét thấy chữ “trơn” trong câu mang ý nghĩa đặc biệt hay, cần giải thích để hành sự đúng đắn. Theo tôi, TRƠN có hai nghĩa sau đây:
- Trơn là thật sạch, sạch hoàn toàn, sạch trơn: Anh không thấy nhà của tôi đã quét dọn sạch trơn đó sao!
- Trơn: ngược với nhám. Đi qua chỗ đông người hoặc nơi chật hẹp, người mình mẩy trơn tru dễ đi qua, bằng trên mình nhám nhúa, gai ngạnh tùm lum, chướng ngại không phải ai khác gây ra cho mình mà chính mình mang nó theo trên đường, để lúc nào cũng xảy ra chuyện mình hại mình.
Trơn, nếu hiểu theo ý nghĩa sạch trơn là không còn dính chút dơ hay bụi bặm nào. Chốn hồng trần là nơi tụ hội nhân quả từ kiếp trước, đã vì nhân quả đầu thai vào cõi nhân gian để giải quyết những ân oán. May nhờ nghe lời Phật dạy, muốn thoát khỏi luân hồi, đời nầy, kiếp nầy nguyện trả thôi chứ không vay lại. Nợ dầu thiếu nhiều, trả không vay lại trả riết sẽ hết nợ. Hãy xét lại mình đi! có sạch trơn được cái việc trả không vay lại chưa? Thấy chưa sạch trơn hãy cố gắng hơn nữa làm cho sạch trơn để tương lai sau không còn bị vào vòng quay của sáu nẽo luân hồi:
“Cảnh Tây thiên báu ngọc đài lầu,
Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng.
Kẻ hiền đức sau nầy được hưởng,
Phép thần linh của Đức Di Đà.
Lại được thêm thoát khỏi Ta Bà,
Khỏi luân chuyển trong vòng lục đạo.”
Trả không vay lại, theo tôi, hãy xem xét kỷ mình có bằng lòng nhàm chán cõi Ta Bà khổ nầy chưa? Trong cõi Ta Bà khổ có đầy đủ những thứ mồi câu, sức cám dỗ mãnh liệt của Danh, Lợi, Tình; Lục Dục, Thất Tình, bị câu nhử, lắm lúc làm hành giả quên đi hẹn ước với Phật, phải về gặp Phật nơi cõi Tây Phương. Nếu lúc mãn kiếp hồng trần, ra đi mà quên niệm Phật, việc sửa mình cũng chưa trơn là đi về đâu? Chuyện mãn kiếp hồng trần là có nhưng sanh Cực Lạc là không, rốt cũng vào vòng quay luân hồi nữa thôi.
Sau cùng tôi xin được trích lời dạy của Đức Thầy nhắc nhở với bà con mình:
“Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù,
Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng.
Nơi cửa Thánh, ôi ! người còn quạnh vắng,
Chốn nhà ma chen chúc quá thêm đông.
Tính từ khi ta bỏ nhà ma, vào cửa Thánh. Đã nói là vào cửa thánh lâu rồi mà chốn ao tù khổ khổ như biển cả sao lại cứ tríu mến mãi không chịu thoát chứ! Như vậy là không nhàm chán thế gian khổ khổ sanh tử, chỉ nói bằng cái miệng đặng đem đọ sức hiểu biết với người khác, nhận tiếng khen cho vui tai còn ao tù thì vẫn ở.
Tôi cũng xin được nhắc nhở với bà con mình thêm về tình hình đất nước hiện nay, nạn tại bởi mưa bão cả ba miền hơn bao giờ hết, hư hao tài sản, nhà cửa ruộng vườn và chết người, bị hại gắp mấy lần những năm trước. Bên cạnh những tai họa hãi hùng nầy, dấu hiệu chiến tranh như đã khơi dậy ở biển đông liên quan đến Việt Nam. Nhiều quốc gia đã đem tàu chiến, hàng không mẫu hạm chực sẵn, chuẩn bị vào cuộc. Nếu chiến tranh xảy ra bắt đầu từ Hoàng Sa, Trường Sa, hai hải đảo nầy thuộc giang sơn của Việt Nam mà Trung cộng đang xâm chiếm thì đồng bào ta khổ lắm. Hãy niệm Phật nhiều hơn để bản thân tránh họa kiếp “Hãy tin tưởng và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chúng”(lời Đức Thầy) nhiều hơn để đất nước Việt Nam không có thiên tai nạn ách, chiến tranh xâm lược của giặc Tàu. Lãnh đạo những quốc gia có ý đồ xâm lược Việt Nam hãy bỏ đi thứ mộng mị thôn tính, giữ trật tự thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.
11/8/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét