Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018


TUẦN TỨ THẤT ĐỒNG ĐẠO
ĐẶNG VĂN MƯỜI

Đặng văn Mười cởi bỏ huyễn thân sau vài hôm tôi mới hay. Muộn màng rồi, thôi thì dặn lòng tới cúng tuần đi cũng được. Nhưng tới tuần lại không nhớ, tuần nào nhớ thì kẹt việc hoặc nhằm bửa mưa to nhớ cũng như không. Từ tôi ra phải chịu một hai khoảng lầy lội mới tới đường bờ kinh xáng, bánh xe bị bùn chèn cứng không chịu lăn tròn, nó đòi lếch, lếch… làm tôi phát sợ mà thôi đi cho xong. Tuần thất nầy tôi nhớ, cũng không bận việc chi, màu Trời nắng tốt; được ba phải, xét không còn lý do gì vắng mặt cuộc cúng tuần nầy.
Căn nhà nhỏ của Đặng văn Mười nằm ngoài vườn sau, chỗ chật hẹp không đủ sức chứa bà con đồng đạo từ các nơi đến dự lễ cúng tuần, các cháu của Mười tổ chức lễ tuần cho chú mình ở ngôi nhà lớn, sân rộng. Bàn cầu nguyện đặt trước sân nhà, đề nay là tuần thất thứ 4, có rất nhiều người gần xa đến tham dự.

Đặng văn Mười, tên thường gọi là Mười Nheo (Xin miễn nói về nguyên quán), Phát tâm tu lúc còn ở tuổi vị thành niên, trước năm 1975 đang cấp sách đến trường với học trình trung học. Đã phát tâm tu, tình trạng song học trường đời lẫn trường đạo như bị quá nhiều áp lực, vì duyên sâu với Phật Pháp, để không bị áp lực nữa bé Mười nghỉ học trường đời chuyên sâu vào trường đạo. Lớn lên đến tuổi thành nhân, giờ không còn là bé Mười ngày xưa nữa, đã đủ tư cách một ông đạo, tự quyết sống độc thân nêu cao hạnh cách đạo đức bản thân, hoằng dương chánh Pháp của Đức Thầy. Sau đó nghe tin ban Tu Huấn trung ương giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo mở Tu Viện, đặt vị trí ở “Kim Cổ Tự” (Phủ Thờ Ông Ba) cho các tu sinh có lập trường độc thân vào đây với chương trình tu học dài hạn, rèn luyện cứng cỏi hạnh đức, nữa sau đem sự hiểu biết của mình cống hiến cho lợi ích tôn giáo, giáo hội. Đạo Mười đến ghi tên vào Tu Viện nói trên, ở tu học cho đến ngày 30-4- 1975, đất nước xảy ra biến cố chánh trị làm thay ngôi đổi chủ, ông chủ mới nầy, nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chấp nhận sự có mặt của các tôn giáo trong xây dựng xã hội, kiến thiết quốc gia. Tu Viện bổng chóc bị giải tán, đạo Mười trở về quê sống chung nhà với mẹ và người chị ruột cũng là nữ tu độc thân. Sau nhiều năm im ẩn chánh quyền địa phương lơ dòm ngó đối với tín đồ PGHH, đạo Mười lén ra cất chòi nhỏ phía sau vườn nhà ở riêng tu, trồng sâm chút đỉnh bán kiếm sống qua ngày. 
Ngay sau ngày 30-4-1975 Các ban trị sự giáo hội PGHH bị cấm hoạt động, các cơ sở thông tin về PGHH như sách vở, báo chí, tạp chí “Đuốc Từ Bi” là cơ quan ngôn luận của giáo hội PGHH, chương trình truyền thông đại chúng “Tiếng Từ Bi” hằng tuần phát lên tầng sóng đài Phát thanh Ba Xuyên, Sài Gòn đã bị triệt diệt, ngay cả quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo lý cũng buộc phải giao nạp nhà nước, ai không chịu giao nạp thì phải dấu kín, hoặc đào đất mà chôn. Về phương diện học Phật bên ngoài hoàn toàn bị bế tắt, đạo Mười nghĩ cách mở chương trình thu thanh toàn bộ quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý, lén lút sang phát cho bà con đồng đạo có tấm lòng hâm mộ Đạo Pháp, các vị vặn máy vừa đủ nghe để ôn nhuần giáo lý tu tỉnh tại nhà.

Thuở ấy tôi là một đọc giảng viên có giọng đọc làm đệ Mười thích ý, đạo ấy mời tôi đọc thâu băng không phải một lần mà nhiều lần bởi băng và máy thu băng ra đời sau tốt hơn đời trước, theo thị hiếu của người hâm mộ, chủ nhà băng muốn tồn tại thì phải đổi mới hình thức bỏ trước lấy sau. Là đọc giảng viên thường được ghi âm, khi chúng tôi vào chương trình, đạo Mười vì quan tâm việc truyền bá chánh pháp cần đọc đúng chánh văn nên luôn luôn ở cận chúng tôi, lật quyển Sám Giảng Thi Văn trước mắt để dò theo, hễ nghe đọc trật chữ là kêu dừng lại, đọc lạc giọng hay giọng không suôn cũng phát tay kêu sửa. Sau nầy tôi đọc cho nhiều chỗ yêu cầu lấy băng làm gốc mà so sánh thì dàn băng gốc của đệ Mười vượt hẳng các chủ băng gốc khác về kỹ thuật âm thanh và phát âm đúng. Ngoài ra, đệ Mười còn đi một khóa tù giam vì tội in ấn lén quyển Sám Giảng Giáo Lý. Theo nhận xét của tôi, đệ Mười là người có công rất lớn trong việc “truyền bá Kinh Lành” PGHH ở giai đoạn đầu lịch sử của sau biến cố 1975.
Nhân dịp tham dự lễ tuần tôi muốn tìm hiểu trước khi lâm chung đạo Mười có dặn dò hay biểu hiện gì đáng ghi nhớ không. Một đồng đạo thuộc thân nhân người quá cố trả lời:
Ông Út bệnh lâu ngày, trường hợp chở đi bệnh viện điều trị đã thường xảy ra khi con bệnh hành xác tột độ, nằm viện cho y bác sĩ theo dõi ít hôm hoặc một hai tuần bệnh ngặt sẽ qua khỏi thì về, trừ lần nầy. Buổi sáng ngày 19 tháng 3 Mậu Tuất Ông Út còn rất tỉnh dặn dò chúng tôi chỗ Ông để chìa khóa tủ, hãy nói với cháu Thảo, khi bật khóa tủ ra sẽ thấy trong đó có hai xấp tiền để riêng, một là tiền dành làm ngôi Tam Bảo, hai là tiền riêng của tôi. Tiền làm ngôi Tam Bảo là nguồn vốn của nhiều bà con đồng đạo đóng góp hàng tháng, hãy tiếp tục thay tôi sử dụng khoản tiền nầy theo đúng mục đích, còn tiền riêng của tôi thì cháu Thảo và các cháu tùy hỷ sử dụng. Đã tỉnh táo dặn dò như vậy đâu ngờ chiều lại Ông Út lâm chung.
Theo tôi, dầu đạo Mười không nói ra chừng nào mình cởi bỏ huyển thân, nhưng đến lúc sắp lìa bỏ cõi đời mà còn có sự bình tỉnh, dặn dò hai khoản tiền công và tiền tư để làm trong sạch bản thân trước khi ra đi, chính là sự báo trước.
01/6/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét