Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018


CHUYỆN TRONG MỘT ĐÁM GIỖ
Tôi đi dự đám giỗ vùng xa, những hộ nông dân theo tín ngưỡng Phật Giáo Hòa Hảo tính ra cũng khá nhưng chỉ là tín đồ trên phương diện hình thức tôn giáo chứ sinh hoạt về giáo sự hay đạo theo như chủ lễ gia cảm nhận là quá ít oi. Khách tham dự tuy không đông nhưng bầu không khí rất rộn ràng và ấm áp đã làm nổi bật ý nghĩa ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ của một nhà trong đạo ở cái xứ hiu quạnh nầy. Đồng đạo địa phương chỉ vài người trông họ rất là mới mẻ, có lẽ do đó, chủ lễ gia muốn nâng cao tầm vóc học Phật cho bà con trong làng mình nên mời khách thiền môn từ xa đến, đầu tiên mở chương trình đọc phóng thanh Sám Giảng Giáo Lý PGHH kế đó là hội thảo, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm của hành giả với hành giả. Tôi đến đúng lúc nghe vị đọc giảng viên đọc Sám Giảng Quyển Ba, phớt qua hai câu làm lòng tôi xao xuyến:
“Ở cho cha mẹ ngợi khen
Gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm.”
Không nói quý vị cũng biết, hồi còn trẻ tôi là một đọc giảng viên có khá đông người hâm mộ ghi âm mà Sám Giảng quyển ba đã được những thính giả yêu cầu tôi đọc ghi vào băng nhựa nhiều đến không biết bao nhiêu lần mà kể, nhưng tôi chưa có chút mỹ cảm nào về hai câu vừa nói, chợt lần nầy. Thích quá, tôi chưa kịp nói lên cảm nhận của mình thì trong bàn tròn một nam đồng đạo nhanh hơn tôi nói lên mỹ cẩm đó trước tôi:
Quý vị vừa nghe hai câu “Ở cho cha mẹ ngợi khen, gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm” nếu ta thực hành câu hai, hễ gặp ai lâm nạn là giúp không cần so đo người lâm nạn kia quen hay lạ, là người mình thương hay ghét. Làm được điều nầy dần dần trở thành thứ khả năng tríu mến, một khi đã có khả năng thì lúc đối trước “người lâm nạn”nó tự nhiên rất nhạy cảm trong việc “đua chen giúp giùm”, chừng ấy người lạ thành quen, người ta ghét sẽ thành người ta thương để bể đời vơi đi dòng nước mắt, nụ cười nở lại trên môi.
Nghe lời phát biểu với giọng ngọt ngào nêu trên, phần đông người đồng ý, vui vẻ, chỉ có một bạn không bằng lòng, ông ta nói:
- Lâm nạn bởi vụ gì còn được chứ như gặp tai nạn giao thông mà mình rớ vô cứu khổ nếu không cẩn thận phước đâu không thấy gặp họa ấp xuống, có khi bị đánh hoặc đẩy người cứu nạn vô tù.
Nghe qua lời phát biểu như chỏi bản khiến không khí hội trường sinh động hơn. Những tưởng câu “Gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm” đáng được là một ánh đuốc treo cao làm sáng tình người không ngờ bị anh kia làm sượn trớn. Có một đồng đạo hỏi:
- Xin được nghe lời giải thích của anh về câu: Người làm thiện, Phước đâu không thấy, gặp họa ập xuống là sao?
Nghe câu hỏi có giọng điệu không mấy nhẹ nhàng vị khách bị vấn có vẻ hơi ngại nên liếc mắt qua vị vấn chủ rồi ung dung đáp:
- Quý vị chắc cũng nghe trên đài hoặc đọc báo, internet _ người e dè trả lời _ nhiều vụ tai nạn giao thông, người bị tai nạn ngất xỉu, khách qua đường thấy vậy đở lên chở vào bệnh viện bị thân nhân của thương nhân nghi là người đã gây ra tai nạn cho thân nhân mình, trút giận lên người kẻ vô tội bằng những cú đấm đá còn báo quan bắt đi tù. Cứ coi chuyện cứu nạn bị đánh hay bị bắt nhốt vài giờ là chuyện nhỏ cũng được, nhưng có một vị Linh Mục đã vì cứu người tai nạn giao thông bị nghi là thủ phạm gây ra tai nạn, nhất thời nóng giận đánh một thoi, vị ân nhân cứu mạng nói trên chết tại chỗ. Đó không phải điều chúng ta quan tâm sao?
- Phải, tôi đã nghe những chuyện như vậy nhưng tính ra trăm chuyện mới gặp một chuyện xui rủi bị người nhà của thương nhân nóng tính, lổ mảng, nhạy cảm nhất thời khiến người làm thiện chịu đau hay bị nhốt lầm nhanh chóng sẽ được minh oan. Ta tu có thiện tâm trong mình, mình nầy đi tới đâu gặp chuyện cứu người là thiện tâm thúc đẩy phải cứu. Trừ phi ta không có thiện tâm hoặc thiện tâm chút chút thì hay so đo lời lổ, nếu tánh Từ Bi ngự trị trong lòng gặp chuyện cứu người là cứu đâu sợ gặp sự xui rủi của kẻ sai lầm nóng tính, lổ mảng mà bỏ qua cơ hội giúp đở cho một trăm người cần thiết sự thi ơn của mình sao? Đức Thầy có câu:
“Dầu cho gặp lắm hùm beo,
Từ-bi vẫn niệm quyết leo khỏi rừng.
Đâu nản chí mà ngừng việc phải…”
Hoặc câu:
“Dầu cho ai phá rối đức tin
Ta cũng cứ một đường đi tới.”
Sau lời biện giải của đồng đạo nầy, đồng đạo e dè kia không phản ứng dầu biết rằng ý tưởng sợ rủi ro của mình đã bị lung lay. Tôi nghĩ sự im lặng của bạn e dè coi như đề tài được chảy gở suôn trên mặt nhưng tâm lý vẫn còn ám ảnh cứu hay không cứu người lâm nạn trong trường hợp gặp phải sự nóng tính, hồ đồ… Tôi nói không phải để an ủi, xoa dịu cho qua chuyện của hai người không chung tư tưởng: làm thiện sợ họa và làm thiện không sợ họa mà trình bày quan điểm chính tôi:
- Ý nghĩ làm thiện lắm khi mang họa là chuyện đã có xảy ra, ta không thể phủ nhận anh bạn cho ta  thông tin chính xác về việc có ai đó cứu người lâm nạn bị coi là kẻ đã gây ra tội lỗi đáng bị ăn đòn. Nhưng ta đã mang trong người dòng máu Từ-Bi của Phật, có chuyện để mình trải nghiệm là cơ hội tốt cho mình hoàn thành công hạnh đâu lý nào ngại ngùng bỏ trôi công việc đáng làm. Dầu gấp gáp nhưng ta cẩn thận vẫn được, hãy hô lên cho bà con làm chứng và cùng với bà con chung sức cứu người, như vậy có thể hạn chế thấp nhứt cho sự rủi ro mà ta luôn ngại. Tìm cách ngăn chận tai bay họa gởi đến từ những kẻ nóng nảy, đa nghi, chuẩn bị đủ như vậy mà làm thiện lở gặp họa vào thân chỉ còn cách tin theo nhơn quả trả vay. Chuyện gì hễ vào trong guồng máy nhân quả thì phải chịu, cố tránh cũng không khỏi, bởi thế Đức Thầy có dạy:
“Luật nhân quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thông thả.”
Trừ khi ta không tin cứu người là việc làm thẳng ngay thì thôi vậy. Sự tu nhơn tích đức là một cách để trả khoản nợ mình vay từ kiếp trước hay kiếp nầy. Cần dụng công tu tỉnh và làm thiện sự mà sợ khó không làm, khoản nợ mình vay đã đến hạn kỳ phải trả mà lánh né, trì quởn không trả thì lúc lâm chung, giả biệt cõi đời các chủ nợ đến đòi dồn dập, gây khó làm thân thể đau nhức, hôn mê khó mà chủ tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Thiếu nợ, sớm hay muộn cũng phải trả không thì kiếp sau sanh lên bị trả với khoản lời lãi nhiều hơn. Chịu trả trong lúc ta còn sức khõe, tâm trí tỉnh táo sáng suốt sẽ hay hơn trả trong lúc tuổi già sắp chết, sức lực không còn, thần trí hôn mê, các chủ nợ đến đòi trong lúc mình mê thì cứ thế mê thêm, không nhớ niệm Phật, đường về Tây Phương bít lối, nẽo ác hiện ra.
Xét vào tình cảnh của vị Linh Mục mà huynh đệ đem chứng minh khi nảy, nói cho cùng, đời ai cũng phải một lần chết. ví dụ có ai đó không tin nhơn quả báo ứng gieo nhân lành để hưởng quả lành, trồng giống ác sẽ gặt lấy quả ác, nhưng chết trong chuyện cứu người là cái chết có ý nghĩa cho đời sống, rất xứng đáng hơn chết vì tranh giành, xâu xé danh lợi hoặc chờ già chết nằm trên giường bệnh, không một chút công lao với đời.
Sau cùng, điều tôi muốn nói với quý đồng đạo đây, chúng ta dùng từ “lâm nạn” không nên đóng khung vào tai nạn giao thông, lâm nạn có nghĩa là mắc nạn: nghèo đói, giặc giả, xảy ra bệnh tật… đều là trường hợp mắc nạn, cần phải cứu.
12/5/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét