LỄ CÚNG
ÔNG BA NGUYỄN VĂN THỚI
thiệp mời lễ cúng Ông Ba trước năm 1975 |
Ông Ba là vị tu đắc trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nơi
thờ Ông trước năm 1975 là ngôi chùa có tên là “Kim Cổ Tự”, từ khi nhà nước xã
hội chủ nghĩa lên quyền đã cải tự thành gia “Phủ Thờ”. Ông Ba là tác giả của
quyển KIM CỔ KỲ QUAN, tác phẩm nầy mang nội dung vừa là Sấm Cơ vừa là giáo lý
đượm mùi thiện vị:
“Đi đâu cho khó nhiều đàng,
Kìa non Bửu Tự nọ ngàn Ma-Ha.
Kiểng nào kiểng chẳng có hoa
Non nào non chẳng có tòa thiên-thai”.
Những câu sau đây còn nhập tâm hơn:
“Bửa cháo rau đã an phận khó,
Còn hơn người bán chó treo dê.
Khát thời uống nước Tào-Khê,
Đói ăn Ma-Phạn tối về canh-tân.”
Lễ cúng Ông Ba năm nay mùng chín tháng tư năm
Mậu-Tuất 2018 tôi không bàn về sử nghiệp của Ông, chỉ nói chung quanh quan cảnh
ngày đại lễ. Cũng như mọi năm, cái cảnh đông người trước đường chùa cả trong sân
chùa. Vào nơi trang nghiêm thờ phượng, thấy cảnh bà con nguyện vái liên tục, người
đến sau và sau nữa không thể đợi được lớp người nguyện vái phía trước hành lễ
xong, kẻ đứng người quì cứ mà lạy xá người lạy xá trước mặt mình. Xong việc
nguyện vái khách tủa ra sân ra đường dạo cảnh, đâu đâu cũng cảnh người người
qua lại, chào nhau vui vẻ, tay bắt mặt mừng hỏi han tâm sự, tinh thần phấn
khởi, hứa hẹn gặp lại ở kỳ lễ sang năm…
Bên cạnh niềm vui ấy, đặc biệt, lễ cúng Ông Ba năm
nay có nhiều tiếng khóc la thảm thiết, nguyền rủa kẻ gian bởi những vụ cướp
giật công khai trong chốn đông người mà nạn nhân của vụ bị cướp giật nầy thường
là phụ nữ trẻ, vì những vị nầy đi cúng lễ chùa mà sắm dọn lòe loẹt cho dây
chuyền vàng phơi ra cổ, hay đem điện thoại cầm tay thứ đắc tiền ra ghẹo sang,
nhởn nhơ quay phim, chụp hình, kẻ gian chỉ cần có cơ hội là túm ngay dây chuyền,
điện thoại cho mặc sức ở đó mà khóc la, chưởi bới. Đâu phải bị giật mất của là
thôi, nếu chủ sở hữu tiếc của cố giữ những hàng quí giá của mình làm cho vụ
cướp giật của kẻ gian không suôn chuyện, kẻ cướp có thể cho vài thoi vô mặt
siểng niểng, đau nhá lửa, sưng phù gò má, bầm nâu con mắt mới chịu buông của
quí ấy ra: đã mất đồ còn thêm mang bệnh.
So với những năm qua, năm nay có nhiều vụ cướp giật
rất là bài bản, kẻ cướp đánh người bị cướp đến độ kinh khủng mà không thấy mặt
ông quan làng nào can thiệp sức tấn công của những tên gian tặc và tỏ một chút
tình với nạn nhân bị cướp xâm hại. Nghe thấy vụ cướp giật xảy ra, kẻ gây tội đã
bỏ chạy, người bị giật mất nữ trang còn oằn hoại với những vết sưng lói, bà con
đi dự cúng lễ, phần đông đều tỏ lòng thương cảm người phụ nữ trẻ không may
nhưng cũng có một ít người nói ra cái giọng cay đắng: Đi cúng chùa còn sắm dọn,
khoe của, bị vậy cũng đáng, để thức tỉnh cho suốt cuộc đời không có lần sau.
Nói như vậy liệu có quá đáng không! Trời sanh người
ta là phái đẹp, còn trong lúc trẻ đã nguyện ước đi chùa vái lạy cầu phước là
quí rồi, chỉ là cầu phước thôi chứ không cầu tu đắc đạo nên đừng buộc họ phải
giữ hạnh cách một nữ tu, họ cần tô điểm những điều gợi sắc để tự hào về vẻ đẹp
Trời ban. Vàng đeo tay, trồng cổ… người ta gọi là nữ trang, dầu vàng ở trên
mình của nam nhân cũng không gọi là nam trang. Vậy nữ trang là đồ dành trang bị
thêm sắc đẹp người phụ nữ, phụ nữ trẻ dáng xinh xinh sắm nữ trang để làm đẹp mà
bắt buộc họ không khoác lên thân mới là chuyện lạ. Tuy vậy đến chỗ đông người lại
là vùng mất kiểm soát mà ta đeo nữ trang để làm duyên hương sắc, nếu bị cướp
giật, xâm hại thân thể như những trường hợp xảy ra trong hai ngày qua, thì
chuyện đeo nữ trang làm đẹp với chuyện mất của còn bị xâm hại thân thể ta chọn
bên nào?
Đã bị cướp giật ngoài sân, ngoài đường, Sáng nay
mùng 9 ngày chánh cúng Ông Ba, những tên cướp giật gan thật là gan, dám vô giật
trong chỗ các ngôi thờ, một người phụ nữ trẻ đi cập kè cúng nguyện với chồng, nguyện
vái xong trong khi cô lạy tạ ơn trên thì cọng dây chuyền không nằm yên trên
ngực, nó lòng thòng xuống, kẻ gian hờ sẵn chụp giật dây chuyền khá tài tình rồi
biến mất, làm cái ông phu quân theo gác gian giùm cho vợ cũng chịu thua, không
cản kịp.
Đừng tin chánh quyền giữ an ninh tốt đối với những
tên cướp giật cho mình vui chơi khoe của, hãy cẩn thận và đề phòng tai vạ để
không gặp phiền phức trong khoảng thời gian ta đi dự lễ cúng Ông Ba hay những
nơi tương tự khác hơn là khi bị tai vạ mong chờ chánh quyền đến đuổi vạ cho ta.
Trọn năm mới cúng lễ Ông Ba một lần, biết cái chỗ đông người, không chắc về mặt
an ninh thì thôi nhịn trang xuất một buổi một ngày cũng không nhiều nhặn gì đâu
mà nhịn không nổi, còn hơn là đeo nó để khi vái lạy nghe lòng hồi hợp bất an,
liết mắt qua lại khi thấy có kẻ lạ đến gần.
23/5/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét