Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018


ÍCH LỢI CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

Ngày nay sự cầu nguyện: cầu an hay cầu siêu phát lên rần rộ những vùng đông cư dân Phật Giáo Hòa Hảo, vì người ta tin tưởng có sự hộ trì của các đấng vô hình trên trước như Đức Phật, Đức Thầy khiến những nhà là tín đồ PGHH trước giờ thờ ơ với đạo không làm việc gì ích lợi để chứng tỏ mình một người có đạo cũng bắt đầu làm quen với việc sinh hoạt đạo sự nầy. Những tín đồ không cúng nguyện mỗi ngày, không gìn giới cấm ngay cả bốn ngày chay lạt mỗi tháng còn khi nhớ khi quên, thế nhưng, trong nhà có người thân lâm bệnh, xảy ra tai nạn hoặc chết chóc, thân nhân họ cũng vọng bàn Phật trước nhà, vang vái cầu ơn trên Phật Tổ, Phật Thầy cứu độ.
Không làm theo lời Phật dạy nhưng lòng đầy tin tưởng lời Phật dạy là đúng, để lúc nào cơ hội đến làm được thì làm. Tin tưởng vào sự nghiệp cứu đời của Đức Phật bằng đưa ra phương thức tự cứu cho mỗi hành giả, đã có tự cứu cộng thêm Phật cứu nữa chuyện tu hành sẽ thành công thôi. Giống như người làm ăn bằng vốn nhà mà được người khác giúp thêm vốn thì sự nghiệp dễ phát triển đến đỉnh điểm. Trái lại, người muốn phô trương thanh thế treo bày sự nghiệp nhà mình mà không có một chút vốn tích lũy, huy động vốn đều là tiền vay bạc hỏi, quá nhiều rủi ro rất khó mà thành công.
Những tín đồ vào đạo không cúng nguyện, giữ giới, hành thiện… như đã nói trên, bởi họ bị quá nhiều dục vọng lôi kéo không chống nổi nhưng niềm tin đối với đạo Phật là không mất, để có lúc trời quang mây tạnh, dục vọng hở ra một chút là niềm tin Phật sẽ bừng dậy trong lòng, tự cứu mình ra khỏi đam mê và tội lỗi. Từ đó duyên Phật môn mở cửa, sống chung nhà đạo với chư đồng đạo, có sự nương cậy, giúp đở lẩn nhau đồng tu đồng tiến, lúc cởi bỏ huyễn thân tứ đại trả về cát bụi để đến một thế giới trong nhiều thế giới, tỉnh tâm tìm lại lộ đồ sang Phật quốc, nhờ đồng đạo tiếp cứu và cầu Phật cứu cho mình qua thế giới Cực Lạc. Đồng đạo tiếp cứu bằng nhắc nhở niệm Phật để người sắp lâm chung đừng quên Phật lúc từ biệt cõi đời, hoặc người quá cố lâu nhờ oai lực của Phật mà nghe thấy có nhiều người đang hướng về mình niệm Phật, nguyện Phật cứu độ mình, tức khắc sẽ tỉnh tâm, tự làm hành giả trên đường về Phật quốc. Không quên Phật tức đã sống cùng Đức Phật, ai làm được điều ấy cũng sẽ theo Phật về cõi Tây Phương.
Như trên đã nói, những tín đồ thường không cúng nguyện, giữ giới theo tôn chỉ, họ bị lôi cuốn trong vòng đời mà còn tin sự nhiệm mầu của Phật, biết cầu Phật cứu độ khi gặp chuyện khó khăn, tai ách huống chi những tín đồ hàng ngày biết cúng lạy tu hành trường chay giữ giới mà không tin khả năng của Đức Phật độ tận chúng sanh sao? Một số tín đồ không tin đi cầu nguyện giúp người khác là có kết quả nên gàn cản khi thấy ai đi cầu nguyện cho người khác với lời lẽ không hay: Ông ấy, bà ấy không tu hành gì, cả đời làm ác mà nhờ người ta cầu thiện đến cho mình thật là vô lý, chỉ uổng công thôi.
Nói như thế thì lời dạy của Đức Thầy chẳng hóa ra vô nghĩa sao? “Bây giờ ta đã quy y đầu Phật, thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ”. Tôi vừa trích lời Đức Thầy dạy, Ngài không đề cập đến chuyện người nào đó có hành đạo hay không, thiện hay ác, ta dựa vào đâu để nói họ làm ác không cầu nguyện cho họ là phải chứ? Dựa vào đâu để nói họ không tu bị quả báo bệnh hay chết rán chịu? Bà Thanh Đề thân mẩu của Mục Kiền Liên làm ác hay làm thiện mà bị đọa tam đồ? Đức Phật dạy Mục Liên cách cứu mẹ bằng nhờ vào sức tu hành của chư tăng trong ngày tự tứ, Phật Giáo Hòa Hảo tu hạnh tại gia cư sĩ không có chư tăng mà có “anh chị em trong đạo” Đức Thầy dạy hãy nhờ “sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ” mà ta lại không tin để hành sự theo lời Đức Thầy dặn sao? Những người ăn nằm trong cửa Phật chẳng phải đã biết Đức Phật vì chúng sanh phạm tội nên lâm phàm cứu tội họ sao?
Theo tôi, nếu thực hành lời dạy của Đức Thầy “Đem sức khẩn vái của anh chị em trong đạo…” một việc làm có ba điều lợi ích lớn.
1-    Trước nhất là lợi ích về mặc tôn giáo. Quý vị có nghe thấy sự cầu nguyện cho người bệnh và người chết đã ăn sâu vào tình người, hòa nhập trong xã hội. Làm từ thiện ngày có ngày không, hoặc lâu lâu mới có một chuyện thiện để làm chứ nói đi cầu nguyện thì ngày nào như ngày nào cũng có, điều nầy đã làm phát triển, nâng cao vai trò của tín đồ lên tầng bậc người biết thương người. Tình cảnh hiện nay nếu đạo sự nầy không có hay bị bế tắt, nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, ai đói ai no mặc kệ, ai bệnh hay chết mặc kệ họ thì đạo nhà giờ ra sao?
2-    Lợi ích cho người hành giả “Đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ” người tham dự lễ cầu nguyện là thực hành câu đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cho người khác. Ai học Phật cũng đều biết mình có 3 nghiệp ác: Thân nghiệp, khấu nghiệp và ý nghiệp, hãy biến 3 nghiệp ác thành 3 nghiệp thiện. Tham gia các cuộc cầu nguyện không nhiều thì ít có ảnh hưởng tốt cho sự tu tập ác nghiệp thành thiện nghiệp. Thân quỳ nguyện thì ngay lúc đó thân không làm ác, tốt cho thân nghiệp; đi chung với người đạo làm việc đạo, ai cũng nói năng lời lẽ đàng hoàn mình cũng nhờ đó mà thưa thốt hạnh cách, đọc lên lời nguyện vái là tốt cho khẩu nghiệp; ý cầu vãng sanh hay hết bệnh là tốt cho ý nghiệp. Chủ lễ gia có đãi đằng trà bánh, ngồi chung trong bàn tròn là người đạo với nhau, thân không thể phát sinh thái độ hung đồ cường điệu thì thân không phạm ác, ngồi chung với người đạo có nói ra cũng chuyện đạo đức tu hành là miệng không phạm ác, chung lòng chung hướng cầu nguyện người ta là ý không phạm ác. Thân không phạm ác, miệng không nói ác, không gợi nhớ ác cảm với ai tất ý sẽ không nghĩ ác. Mọi người đều hòa nhập như vậy, ta là ai mà không hòa nhập để một mình nghĩ ác thôi sao?
3-    Lợi ích cho người quá cố, lâm chung. Cầu nguyện cho người quá cố hay vừa lâm chung, người sơ cơ học đạo, ít tu, tự mình không thể niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ bởi vô minh bao kín mà đường về Tây phương không thấy, để giúp họ (mà giúp họ tức giúp ta sau nầy) ta niệm Phật, nguyện Phật cứu độ vong linh họ, nhờ oai lực của Phật chuyển hóa mê tâm thành giác tâm để họ có ít nhiều tự mở sự bao kín của vô minh. Lúc sống không tin Phật tu hành, làm điều tội lỗi bị trả quả nếu không nhờ oai lực của Đức Phật chuyển hóa, khi bị trả quả chỉ biết giận giổi trách hờn nuôi lòng ghen tỵ với những ai có phước hơn mình, vô minh chẳng những không bị phá tan mà mỗi lúc tô đậm dày hơn không nghe tiếng niệm Phật cũng không thấy những ân nhân cầu Phật độ cho mình, chỉ cầu oai Đức Đức Phật là được:
“Từ bi oai lực nhiệm sâu
Độ con thoát chốn ưu sầu trần ai”.

Ta nguyện Phật cứu độ vong linh người “thoát chốn mê đồ vãng sanh Cực Lạc” bằng thành tâm, chánh tâm:
“Tây phương tuy ở cõi xa,
Thành tâm thì có Phật mà đáo lai”.
Nguyện Phật được thành tâm thì Phật phóng quang đến cứu. Ta nguyện mà Phật không phóng quang đến cứu đó không phải Phật không còn linh ứng mà do ta nguyện Phật không được thành tâm, chánh tâm. Đi nguyện cho có, hành động sơ sài rồi quen thói đổ thừa nghiệp Ông ấy Bà ấy quá nặng Phật không thể cứu nổi, mà không ngờ Phật không đến cứu là do ta thiếu thành tâm chánh tâm trong khi cầu Phật.
Xét ba điều ích lợi của sự cầu nguyện kể qua như trên, tôi không nói là có ai đó phản bác điều Đức Thầy dạy “phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ”. Trừ những vị tu hành chuyên sâu vào pháp môn, nội tâm an tịnh, hàng ngày như sống trong tịnh-thất, thiền-thất; những đồng đạo có cuộc sống bình thường còn gian díu, dính díu tình cảm, làm ăn, giàu nghèo, đẹp xấu… tinh thần đâu dễ yên trong đạo đức mà “Trừ xong ba nghiệp chướng…; như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đường đạo hạnh.” Đi cùng với chư đồng đạo trước là cầu Phật độ sanh hay độ tử, sau là có cơ hội học hỏi đượm nhuần tình đạo. Ở nhà chưa chắc có việc thiện để làm, ba nghiệp chướng có thể quậy tưng bừng lên về cảnh chung đụng với vợ chồng, con cháu mà giải quyết ba chuyện ăn, mặc, ở. Khi đụng đến, đâu dễ gì quản lý nghiệp thân không phạm, nghiệp miệng không phạm, nghiệp ý không phạm. Đợi đến lúc xảy ra những phạm phải mà suy nghĩ lại thì chuyện cũng đã lở phạm rồi. Đi cùng với chư đồng đạo làm công tác Phật Sự chắc không có sự rủi ro nầy.
Đi cầu nguyện là một cách tu hay, tuy không đạt được đỉnh điểm của pháp môn cũng sẽ chảy gở những xúc sự.
05/6/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét