Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018


ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG
ĐẠO LÀ VỐN THIỆT CÁI ĐÀNG,
TA RA SỨC DỌN CHO TOÀN CHÚNG SANH
(Lời Đức Thầy)
Xưa nay người ta hay phân biệt giữa đạo và đời để thấy rõ ràng việc làm của hai bên và đạt đến mục tiêu của hai bên đó là gì. Đời là chốn đua tranh theo đường lợi danh phú quý, đạo tìm yên ổn, thanh tịnh những vật chất vinh hoa. Người đạo sống nhờ vật chất nhưng không vì sống nhờ mà đồng ý cho vật chất sử dụng quyền lực xui khiến làm náo loạn sự yên ổn tâm hồn. Sống trong đua tranh có thể dẫn đến oán thù giết hại, nói là đi tìm hạnh phúc mà để sanh ra mắc mớ, oán thù, nghi kỵ… thì hạnh phúc đó chỉ là cái bánh vẽ thôi. Yên ổn thanh tịnh làm tan biến oán thù và mọi cấu nhiễm. Khi trạng thái nầy chưa thị hiện làm tan biến mọi cấu nhiễm nhưng nếu hành giả ngưỡng mộ hạnh tu thanh tịnh, tìm sống với cảnh thanh tịnh quen dần, sự thanh tịnh ấy sẽ chuyền vào não, dẫn vào tâm.
Tôi nói: tìm sống với cảnh thanh tịnh không có dụng ý đề cập hành giả phải vào rừng, lên non ẩn cư yên ổn là yên ổn, cảnh thanh tịnh là thanh tịnh. Bằng vào chúng ta ngưỡng mộ hạnh tu thanh tịnh mà tiếp tục công phu, giữ vững lập trường hiếu tịnh, khi lập trường hiếu tịnh thuần thục, sau nầy bất cứ ở đâu khi lòng đã có thanh tịnh là thanh tịnh, nếu lòng không thanh tịnh cho dù vào rừng, lên non, tìm thanh tịnh trong cảnh tịnh hay quỳ trước Phật đài chỉ làm náo loạn lên những cô đơn buồn tẻ, có lợi cho quân phiền não nổi dậy lấp đường cản lối.
Dõi theo dòng lịch sử của đạo Phật Đức Thầy cảnh nhắc:
“Từ ngàn xưa Phật Pháp gài then,
Nên ít kẻ tu hành đắc đạo”.
Nguyên nhân dẫn đến “Phật Pháp gài then” là vì trên đường cầu tiến, chúng sanh cách Phật, xa Tổ, trong lúc gặp gian truân rắc rối bởi quân nổi dậy phiền não tự mình không gở rối được làm cho sự rắc rối bị tồn động, dâng cao. Đã không tiến còn lùi bước, chết đến không về cõi Phật mà vào vòng quay của sáu nẽo luân hồi. Bởi sự rắc rối trên đường về cõi Phật, Đức Thầy cho biết sứ mạng lâm phàm của Ngài qua câu:
Đạo là vốn thiệt cái đàng,
Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh”.
Đàng: là tiếng đọc tranh ra của “đường”: Con đường, con đàng; chúng sanh, chúng sinh… Cái con đàng mà chư Phật chư Tổ đi vào cõi Phật hay thành Phật, các Ngài nhập Niết Bàn không trụ thế lâu hơn để dẫn dắt hành giả trực tiếp ở những tình thế đối đầu với quân phiền não loạn tặc, dầu trước khi nhập Niết Bàn Phật có để lại Kinh Pháp giáo lý, các chúng đệ tử nương theo đó tu hành. Nhưng trớ trêu, từ ngày “Phật Pháp gài then” đạo không theo hướng thâm nhập tâm mà tạo nên quá nhiều hình thức, âm thanh sắc tướng. Đường vào tâm, vào Phật chỉ còn ở sách vở, ngôn từ.
Theo sự hiểu biết của tôi, ý nghĩa của câu “Đạo là vốn thiệt cái đàng” đã xác định tính độc lập vị trí. “Thiệt” là những gì có sẵn, không cần tìm kiếm hay ra công dọn dẹp mới thấy. “Ta ra sức dọn”, đã có THIỆT sao còn ra sức dọn nữa chi?
Nói “Dọn Đàng” ta hiểu ngay con đàng nầy vì một nguyên nhân nào đó đã bị bít lấp. Xưa nay người ta giải thích chữ ĐẠO, có mênh mông tới đâu cũng vỏn vẹn trong hai điều căn bản: Đạo là con đường, Đạo là chân lý tuyệt đối. Đức Thầy dùng tiêu đề nầy qua nghĩa thứ nhất, là con đường dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi biển khổ sanh tử.
Đạo là con đường, theo tôi có hai tiêu hướng 1: Đối với tự thân của hành giả, 2: Mang ý nghĩa tôn giáo.
1- Đạo, nói theo nghĩa của người hành giả là tự quyết bản thân về sự tu tâm dưỡng tánh, có tự quyết mới tạo động lực mạnh vượt qua khó khăn chồng chéo, chảy gở những đam mê, diệt trừ dục vọng để không bị chúng lôi cuốn mất chánh tâm, chánh niệm về Phật Pháp, mất phương hướng Tịnh Độ, Niết Bàn. Người đạo mà để mất chánh tâm chánh niệm về Phật Pháp, mất phương hướng Tịnh Độ Niết Bàn, kết quả giống như người không tu, không đạo, hết kiếp bị đẩy vào vòng quay luân hồi. Tiền kiếp có làm điều phước thiện được sanh lên cõi Thiên, Nhân, không thì rớt xuống ba cõi dưới chịu vô vàn khổ não.
2- Đạo mang ý nghĩa tôn giáo: Ai quy y vào đạo được gọi là tín đồ, tín đồ trong đạo gọi là đồng đạo. Cùng tín ngưỡng có trách nhiệm, bổn phận đẩy mạnh công tác giáo sự làm tài sản tinh thần cho mọi nhân sinh dù nhân sinh đó không cùng đạo với mình. Không cùng tín ngưỡng tôn giáo nhưng mọi tầng lớp nhân sanh cùng nhau tình thương và lẽ phải mà tôn giáo nào cũng có. Gặp một người rơi vào tình cảnh đáng thương thì tôn giáo nào cũng dạy nên thương những người đáng được thương đó mà không cần truy nguyên nguồn cội tôn giáo của họ là gì. Với những người chưa có tín ngưỡng tôn giáo nào, ta muốn họ theo về tôn giáo của ta đương nhiên ta có quyền hợp pháp đó nhưng mong muốn của ta dựa theo lẽ phải và đạo đức bản thân chứ không phải là dụ dỗ, ép buộc.
Truyền bá giáo lý là trách nhiệm, bổn phận phải có của người tín đồ:
“Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
Công đức Phật từ bi vô lượng.”
Đức Thầy giải thích rõ ràng hơn về trách nhiệm bổn phận qua một đoạn văn sau đây:
“Tổ-tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm-mầu, lòng quảng-ái của Phật đối với chúng-sanh, đã kính trọng sung-bái Ngài, đã hành-động đúng theo khuôn-khổ Ngài đã dạy và đã vun-trồng bồi-đắp cho nền đạo được phát-triển thêm ra, xây-dựng một tòa lầu-đài Đạo-hạnh vô-thượng vô-song, roi truyền mãi mãi với hậu-thế.
Nên bổn-phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm cho trí-huệ minh-mẫn đặng đi đến con đường giải-thoát, dẫn-dắt giùm kẻ sa-cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai-thông nên Đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Như thế mới chẳng phụ công-trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.”
Tiếp-tục khai-thông nên Đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Ta học rõ ràng như vậy, và kêu gọi cùng nhau làm bổn phận, đoàn kết vui vẻ để đem cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Đạo mang ý nghĩa tôn giáo rất cần sự đoàn kết nội bộ mà Đức Thầy kêu gọi “Chớ chia rẻ… Hiệp cùng nhau…, như đồng đạo chúng ta đây muốn kêu gọi người khác chớ chia rẻ… hiệp cùng nhau… mình làm đầu tàu gương mẫu thì phải có thiện chí thực hiện chớ chia rẻ… hiệp cùng nhau… Đừng có ra công kêu chớ chia rẻ, gióng trống khua chiêng cho dữ để người khác làm mà mình không làm, trên con đường đi đến hiệp cùng nhau… chỗ người ta làm xong còn chỗ mình thì luôn bế tắt, đạo đức trong lòng cũng tắt.
Làm đạo, tuy không cùng quan điểm không hợp tác để có chung việc nhưng tư tưởng cũng đừng để phân ly tạo nên phe phái chống nhau. Mỗi người có thể an nhiên làm theo quan điểm của mình và không vì bảo vệ quan điểm mà thấy ai hành động khác với quan điểm của mình thì chê bai, đả kích, bêu xấu. Ta làm phát triển tôn giáo theo cách của mình, người khác cũng làm phát triển tôn giáo theo cách của họ. Đôi khi ta có thói quen chê bai người khác mà người khác nầy hơn ta gắp mấy lần về ảnh hưởng quần chúng, họ có thực lực thật đấy, do bản ngả cố chấp của ta không chấp nhận sự thật về ta để cho lòng ganh tỵ bộc phát, cải vả thô lổ làm trò cười cho khách qua đường. Đôi khi ta rất nhức đầu nhức óc về tính khí căng thẳng sự hơn thua, cao thấp... Ta hoạt động tôn giáo ở mô hình từ thiện, đạo tràng hay tịnh thất thì ta cũng là người tu diệt vọng tìm chơn, gặp chơn không kính thỉnh, thấy vọng không trừ trừng mà nói đi hoạt động tôn giáo là lợi ích sao?
Lợi ích của tôn giáo dựa trên sự lợi ích của người tu, vì tôn giáo là để khuyến tu những người chưa tu. Bởi đó, hãy đặt vai trò tôn giáo, lợi ích của tôn giáo làm ích lợi nhân dân, phù hợp với lợi ích chân chính của nhân dân. Thấy được lợi ích nhất là lợi ích về mặt tinh thần, từ đó nhân dân mới trở thành người tu được. Khi nhân dân gặp cảnh người đạo với nhau giận hờn, thốt ra những lời lẽ khó nghe, bươi móc, chống báng, chỉ trích, giành giựt chút mồi danh, lợi, tình… xét không còn là ích lợi của nhân dân nữa, có khuyến tu họ, không phải dễ dàng gì.
Hãy vì đạo, vì Thầy Tổ mình làm tốt công tác “truyền bá Kinh lành”, bỏ qua những bất đồng về nhận thức, quan điểm, để hai bên còn có đủ sức đánh giặc phiền não tiến đến mục tiêu. Tai hại của tôn giáo không chỉ dựa vào nhận thức của ta về người nọ người kia làm sai mà trong đó có ta nữa, nếu ta dám nhìn thẳng nhìn thật vào vấn đề trì trệ của tôn giáo, khi chỉ trích, đả kích chính ta là vật cản cho sự phát triển tôn giáo mà ta đã đẩy trút cho người khác. Tôn giáo có nhiều người tu được sẽ hay hơn nhiều người nói được mà không tu. Muốn mình cao hơn người khác thì phải điều dưỡng, ăn uống tẩm bổ thế nào đó, chặt hạ người cao cho thấp lùn hơn mình là cuộc cạnh tranh sái phép, không mang tính công bằng.
Tóm lại, “Đạo là con đường” một: của hành giả đến mục tiêu cứu cánh nhưng trên tuyến đường ấy hơ hỏng sẽ bị lũ giặc phiền não xông ra chận lối, hành giả phải cố gắng hơn để cuộc diện không có hơ hỏng, và vì cố gắng, lở có hơ hỏng thì sự hơ hỏng đó không kéo dài. Kẻ gian vào nhà trộm đồ, chủ nhà hơ hỏng một chút là mất một chút, dễ dàng bồi bổ lại những gì đã mất, chứ hơ hỏng lâu, thời gian kéo dài, trộm sẽ guộn sạch đồ trong nhà. Hai: Con đường phát triển tôn giáo (đạo) rất cần sự đoàn kết của các tín đồ trong đạo. đoàn kết mới tạo nên sức mạnh, gặp khó khăn nào tôn giáo cũng vượt qua, đem ánh sáng giác ngộ đến mọi người.
27/5/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét