XÁC TRẦN TỤC
Đối ngược với Trần Tục là thanh
cao. Trần tục là chúng sanh vào ra trong chốn hồng trần theo sự tác
động của nhân quả; thanh cao là chỉ cho chư Phật Bồ Tát siêu hóa Niết
Bàn không luân hồi chịu khổ. Bởi tấm thân vào ra trong chốn hồng trần
chịu muôn khổ thì trong khi thọ thân, người ta bất giác tưởng thân nầy
là thật của mình nên quyết lòng bảo vệ tốt, nhất hơn hết là về
việc ăn, mặc, ở. Muốn cho thân nầy sung sướng thì việc ăn mặc ở phải
ước vọng cao xa như: Ham hưởng thụ những thức ăn mới lạ, đắt tiền,
hưởng thụ những hàng mới lạ về mặc đẹp, diện sang, hưởng thụ trong
nhà cao cửa rộng, nội thất trưng bày những đồ tiện nghi cao quí… Từ
ý nghĩ đua đòi đó người ta bất chấp việc ác và những thủ đoạn lừa
dối, gạt lường để có được nhiều tiền. Sử dụng đồng tiền do làm ác
mà có, đem tiền đó phủ lên thân thì thân đã trở nên trăm thứ tội,
hết kiếp phải luân hồi đầu thai kiếp khác để trả vay, vay trả. Đức
Huỳnh Giáo Chủ khuyên:
“Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẽo khôn lần bước
ra”.
Đức Thầy dạy đạo khuyên tu, người
ta đọc nghe pháp âm vi diệu của Ngài nhịp vào tính linh làm thức ngộ
quày đầu. Nhưng chúng sanh từ vô thỉ không tu, tánh tình gai gốc, hung
sùng tàn bạo mà nay muốn cải hối;
nhìn lại sau lưng, rất là ngán ngẩm với bao tội ác đã làm, bao đắm
say khôn nguôi với duyên trần cám dỗ rồi tự đánh giá thấp mình về
khả năng quày đầu hướng thiện. E tu không tròn đạo hạnh nên lòng nảy
sinh chán nản muốn bỏ cuộc thi triển lòng dạ sắt đá trước những
khó khăn về khuôn thước giới luật của đạo đề ra, cảm như bị khống
chế, trừng phạt. Hiểu được sự đắn đo của nhân sanh Đức Thầy có
những câu ví về xác thân đọc nghe là chịu ngay:
“Xác trần tục như cây cạnh khến,
Làm hiền hoài ắt phải tiêu mòn.
Đẽo với bào riết nó cũng tròn,
Đến chừng đó trông vào rất tốt.”
Bốn câu trích dẫn trên, từ “xác
trần tục” đã đứng vào vai chính của sự giải thích, vì thế từ ngữ
nầy với “làm hiền, tiêu mòn, tròn, tốt” rất thông thường dễ hiểu,
tưởng không nên bàn bạc. Muốn hiểu rõ nghĩa của xác trần tục ta nên
bàn mạnh, bàn sâu vào chủ đề “cạnh khến” và “đẽo bào” sẽ thấy xác
trần tục không còn đáng lo sợ vì “cạnh khến” cở nào mà chịu đẽo
bào thì cây sẽ suôn bâng. Cũng thế, con người dẩu tánh tình gai gốc
hung sùng tàn bạo mà quày đầu hướng thiện tu hành riết thì cá tính
gai gốc cũng sẽ hết nổi gai, dễ thương thôi!
Cây Cạnh Khến: là cây không có
hình dáng suôn tốt, cong quẹo, u nần… nếu không gặp người khéo tay,
sử dụng đúng pháp thì cây ấy chỉ biết làm củi chụm hoặc bị bỏ
mục rả xác. Vì để giải thích về xác trần tục thì cây cạnh khến ở
đây chỉ cho sự gian ác và tính mê nhiễm của con người. Cho dù nghiệp
ác tiền khiên bị luân hồi trả quả mà thọ thân, nếu chịu tu tâm dưỡng
tánh không mê nhiễm không làm ác nữa, là cắt đứt đường sinh tử luân
hồi từ đây; bằng không tu, thọ thân ra là hành nghiệp ác nữa thì ác
ác chất chồng, tội tội hết sổ ghi. Nếu như kiếp nầy may mắn, sanh ra nhằm thời Phật
Pháp hưng thạnh, Phật Pháp được truyền khắp, lời lành lọt vào tai,
chuyền vào não, kết vào tâm, đem lành ra hành sự “làm hiền hoài”,
hiền hoài, thì những ác hồi tiền kiếp đến hiện kiếp cộng lại quá
nhiều, sợ tu hiền trong một kiếp không từ nổi. Đừng lo chuyện không
trừ nổi cho nản lòng, hãy lo “làm hiền hoài” đi. Làm hiền hoài tức
trả chứ không vay lại. Nợ dù thiếu nhiều mà quyết lòng trả chứ
không vay nữa thì nợ trước không sanh nợ sau, trả ngày ngày “ắt phải
tiêu mòn” là chắc chắn như vậy rồi.
Đẽo với Bào: Đẽo: nói về cây
cạnh khến, cong vạy mà muốn cho ngay, suôn thì phải dùng búa dao vạt
đẽo hết những cạnh khến, u nần. Khi cây hết cạnh khến, mà nhìn lại,
do vì vạt đẽo cây có vẻ sần sù, muốn hết sần sù dễ coi thì phải
qua một phen bào láng. Công cuộc nầy thì cây phải chịu đau nên sách
có câu “Mực tàu đau lòng gổ”, mực tàu nẻ thẳng thì đau. Ông thợ mộc
hễ giăng dây búng mực là lấy cở, cưa đẽo phải đúng ngay lằn mực,
mất cây bao nhiêu thì mất, còn lại là cây ván thẳng thóm.
Cây cạnh khến nhờ thợ mộc biết
sử dụng phương pháp khắc chế, đẽo bào mà cây trở nên ngay thẳng,
tròn trịa, xác thân mà như cây cạnh khến là phải làm sao? Có chịu
búng mực vạt đẽo những thói quen hung ác, cố chấp, cống cao, ngã
mạn… cho thân trở nên hiền lành, dễ dải, ngay thẳng không? Vào tu, ta
mong mình lẹ lẹ thành người hiền lương phúc hậu mà cái tính hung ác
ngược ngang không chịu vạt đẽo. Thấy người khác tánh tình dễ dải,
cởi mở, đến đâu ai cũng thương ta nổi cơn ganh tỵ khơi khơi thì có chứ
không vạt đẽo những cố chấp lỗi phải của mình còn chất chứa trong
lòng. Ta thấy người khác cống cao ngã mạn là ghét họ, ta muốn người
khác đó đừng cống cao ngã mạn nhưng sự cống cao ngã mạn trong ta
chứa đến “nức niền” mà ta có chịu vạt bỏ nó đâu! Thấy người khác
cống cao ta cảm nghe khó chịu trong mình, muốn lên tiếng dạy họ một
bài học để từ rày anh ta không cống cao ngã mạn nữa. Ôi! mang lửa
trong mình không hay còn tài khôn đi chửa lửa người khác. Ai đời, mang
lửa đi chửa lửa mà kết quả sao? Là hám danh thôi, chửa lửa cái kiểu
hám danh nầy, một chút hai bên lửa đều cháy phừng lên thiêu chết cả
hai.
Hãy nghiệm kỷ, ta nói người khác
cống cao ngã mạn vì trong lòng ta cũng đang có cống cao ngã mạn,
thấy cống cao ngã mạn của người vì trong lòng ta có thứ đó nên ta
biết. Hãy vạt đẽo chúng trong chính mình, tất nhiên sẽ không thấy
cống cao ngã mạn ở ai và với ai nữa.
Đức Thầy dạy:
“Người tu như thể Bá Tòng”
Ai ai cũng quí cũng trông cũng
nhìn.”
Là người tu nầy đã sửa thân tâm
mình hết cạnh khến, thân sáng trưng vẻ đạo đức, thẳng ngay qua các
hành động lời nói, tư tưởng, thẳng ngay qua ăn, mặc, ở không bị quấy
rầy. Hành động đạo đức, lời nói đạo đức; ăn trong đạo đức, mặc
trong đạo đức, ở cũng ở trong đạo đức thì cái xác thân trần tục như
cây cạnh khến nầy đã chớp nhoáng hết cạnh khến, tròn trịa, thẳng
ngay, dễ thương làm sao! Ai dễ thương thì người ta thương, mình ganh tỵ
là sao?
Tóm lại, thân cạnh khến là thân
có nhiều tội chướng, Đức Thầy dạy đạo, kêu sửa xác thân không làm
điều tội ác nữa. Chúng sanh đã vào ra trong luân hồi sanh tử lắm lần,
tội ác nhiều đời nhiều kiếp cũng theo đó mà chất chứa nhiều hơn.
Ngài dạy đạo nhằm cứu vớt chúng sanh, tu xã hết tội căn cho thân trần
tục trở thành thân công đức. Xét lại, chúng sanh từ vô thỉ không tu
thì cũng từ vô thỉ ấy theo vọng bỏ chơn, theo tội bỏ phước, giờ
muốn được xóa hết tội căn mà lại có phước nữa thì phải cố gắng tu
trì, vạt đẽo những tật xấu…
03/11/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét